Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Có lẽ nào tôi buồn đến thế ...

Có một bài hát mà tôi đã từng yêu đến mê mẩn trong một thời gian khá dài. Đó là bài Em đi qua tôi của Dương Thụ, mà tôi biết đến qua giọng ca của Hồng Nhung, những ngày cô còn rất trẻ.

Yêu lắm, nhưng rồi chính tôi lại đã quên bẵng bài hát này đi. Có lẽ do bận rộn quá, lúc nào cũng tất bật xấp ngửa, chẳng còn đủ thời gian mà thở, chứ đừng nói làm bất cứ gì khác.

Chỉ đến hôm nay tôi mới nhớ ra bài hát đó. Có lẽ vì tôi cũng đang ở trong đúng tâm trạng như vậy: Có lẽ nào tôi buồn đến thế?

Buồn, vì sáng ra bức thư đầu tiên tôi nhận được là tin về cái chết của người anh ruột của một cô bạn từ thời trung học. Một người không còn trẻ nữa, nhưng không già, chỉ cỡ tuổi tôi (hơn vài tuổi). Cuộc đời đó có bao lâu ...

Buồn hơn, vì khi vào facebook thì tràn ngập những thông tin về Hiếp pháp. Vâng, Hiếp pháp đấy ạ, không phải hiến pháp. Cái lỗi ngu xuẩn và vớ vẩn này tôi đã biết từ hôm qua, khi có ai đó chụp từ tờ báo Tiền Phong, và mọi người được một trận cười vui. Nhưng hôm nay thì có lẽ không ai cười nữa vì từ Hiếp pháp đó đã tràn ngập các trang mạng, trong đó có cả những trang của các trường đại học, mà lại là đại học sư phạm mới chết chứ! Không thể nào hiểu nổi chuyện gì đã và đang xảy ra, chỉ biết là tôi cảm thấy buồn ghê gớm!

Buổi tối, tôi lại càng buồn hơn khi xem (loáng thoáng) VTV phỏng vấn giáo dân và giáo sĩ của một giáo xứ nào đấy phát biểu liên quan đến góp ý hiến pháp (hiếp pháp?). Không cần nghe phát biểu, tôi cũng biết là thế nào những giáo dân và giáo sĩ này cũng sẽ phát biểu thuận chiều với những gì mà nhà nước đang chủ trương (tức những điều đã được đưa trong bản dự thảo hiến pháp). Điều ấy đã trở thành một thông lệ rất đương nhiên ở VN rồi, trong khi lẽ ra việc tổ chức lấy ý kiến dân chúng về hiến pháp phải là một cơ hội lớn để mọi người bày tỏ những quan điểm đa dạng của mình. Vì nếu đã biết trước là chỉ có ý kiến xuôi chiều thôi, cái gì cũng trên 90% đồng ý, nhất trí cao hết, thì thực ra mình còn lấy ý kiến để làm gì cơ chứ, tốn bao nhiêu thời gian công sức và tiền của.

Chẳng lẽ, như các thế lực không thân thiện với (nhà nước) Việt Nam đã nói, góp ý hiến pháp chỉ là một trò vớ vẩn làm màu ư? Không, tôi không tin, không ai có thể khinh rẻ, đùa giỡn với một văn bản quan trọng hàng đầu của đất nước như thế được!

Thế thì tại sao trên các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ có ý kiến xuôi chiều thôi? À, có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi có cảm giác rằng khi phát biểu công khai trước công chúng thì việc nói theo những gì đã được định sẵn; điều này đã trở thành bản năng tự vệ của hầu hết dân Việt. Nên chỉ  biết nói những điều không do mình nghĩ, mà chỉ trả thuộc lòng những gì người khác đã nghĩ dùm. Như thế này thì làm sao có thể có những con người có tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, để có thể tồn tại và cạnh tranh trong một thế giới đầy rủi ro, biến động như ngày nay cơ chứ? Như thế này thì hỏi sao mà tôi không buồn?

Và, như một giọt nước làm tràn ly, hôm nay xăng đột ngột tăng giá, ngay sau khi có thông tin chính thức từ chính phủ rằng xăng sẽ không tăng. Xăng tăng thì việc vận chuyển sẽ tăng, khiến cho thịt cá rau trái vv được chở từ miền quê ra để bán cho mọi người cũng sẽ tăng, và mọi thứ cứ thế mà leo dốc. Và tôi còn nghe loáng thoáng gì đấy về việc nhà nước bán vàng, mua vàng gì đó mà tôi không dám để ý vì chẳng có vàng để mà quan tâm làm gì. Vàng lên, xăng lên, và thu nhập thực tế cùng đời sống của người dân thì sẽ giảm xuống tương ứng như thế - một tỷ lệ nghịch tuyệt đối.

Ôi, một ngày cuối tháng 3, nhìn xung quanh, và thở dài: "có lẽ nào tôi buồn đến thế?"
----
Ai muốn nghe lại bài này thì vào đây nhé:
https://www.youtube.com/watch?v=PRZJmmp9kMY

3 nhận xét:

  1. Đừng buồn khi biết quy luật “cùng tắc biến”. Quy luật này giúp chúng ta lạc quan. Không một triều đại nào tồn tại đời đời. Lịch sử viết như thế!!!

    Trả lờiXóa
  2. Buồn mà chi Anh ( mượn tên bài hát “ Buồn mà chi em” của Lam Phương). Chuyện “hiếp pháp” thì đáng buồn thật nhưng cũng chỉ là “ khách quan/biện chứng/ đương nhiên / tất yếu…..” ( câu cửa miệng của những cái “loa” mác lê).
    Hôm qua, khi trả lời một bạn đọc trên fb, cô PA đã dịch ra tiếng Anh là “raped constitution”. (Trước cô PA đã có một số tác giả Anh, Mỹ gọi những vụ vi hiến (unconstitutional actions) là “the rape of the constitution”). Chữ “ raped constitution”hàm ý bản HP bị “ hiếp”. Nhưng ai “hiếp”? Trong trường hợp bản HP 1992 hiện hành ở VN thì người hiếp lại chính là cha đẻ của nó.
    Như cô PA, tôi cũng nghĩ đến chữ “ raped constitution” khi dịch sang tiếng Anh. Nhưng cũng có một cách nhìn khác: HP, theo các nhà mác lê, phải thể hiện đường lối của đảng cs, và là công cụ của chuyên chính vô sản để trấn áp những thành phần mà họ cho là phản động. Điều này thể hiện trong các bản HP trước và bản dự thảo sửa đổi. Như vậy, HP không phải là người bị “ hiếp” mà là thủ phạm, ít ra là phương tiện, của việc “hiếp”. Nên, cùng với “raped constitution”, đề nghị thêm một cách dịch: “ raping constitution”; và điều 4 là “ constitutional rape/ raper” ( hiếp dâm hợp hiến, chuyện không có ở những nước kém dân chủ vạn lần).
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  3. Có thể báo Tiền Phong giả bộ gõ nhầm "Hiếp pháp" thì sao?

    Chưa hết buồn thì mời nữ sĩ quay lại với "Đường thi" giải trí đi.

    Trả lờiXóa