Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Đọc hai bài thơ Tống biệt hành

Vâng, có ít nhất là hai bài thơ Tống biệt hành. Có thể còn có nhiều hơn nữa, nhưng ít ra, tôi biết  ngoài bài thơ Tống biệt hành gốc còn có thêm một bài nữa, hoàn toàn không hề kém bài đầu tiên mà lại còn vô cùng độc đáo.

Bài đầu tiên thì ai cũng biết rồi. Tác giả của nó là nhà thơ Thâm Tâm, còn bài thơ thì từ ngày còn học trung học đệ nhất cấp (tức là trung học cơ sở thời nay) tôi và nhiều bạn bè của tôi đã thuộc lòng, vì chép đi chép lại nắn nót nhiều lần. Đây, tôi xin chép lại ở dưới theo trí nhớ:

Đưa người, ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Buổi chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình dạ dửng dưng
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay.

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.

Một bài thơ rất hay, phải không? Hay từ lời, đến ý, nhưng theo tôi thì bài thơ này hay nhất ở nhạc điệu. Một nhạc điệu lạ lùng, hơi chói ở đôi chỗ, nhưng chính vì thế nó mới tạo ra được sự cứng cỏi cần thiết, và rồi đôi khi đột ngột chùng xuống, thoáng hé lộ cái buồn đã được nén chặt trong lòng. Khổ thơ hay nhất về nhạc điệu đối với tôi là khổ thơ đầu tiên, với câu đầu 7 từ đều thanh bằng, buông một giọng trầm, rồi câu thứ hai "Sao có tiếng sóng ở trong lòng", nghe rất trúc trắc vì có 4 từ thanh trắc đi liền nhau ở giữa câu thơ, nói lên sự xáo động mạnh mẽ trong lòng người ly khách, và câu cuối "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong", cả câu toàn thanh bằng trừ chỉ một từ thanh trắc, làm cho giọng thơ chùng hẳn xuống. 

Cũng cùng một giọng như vậy, khi lên gân khi chùng xuống là các khổ thơ thứ ba, thứ tư, và thứ năm: Khổ thứ ba, ngay giữa bài thơ, gieo vần trắc, nghe rất cứng cỏi, rắn rỏi, bộc lộ sự dứt khoát, quyết tâm dứt áo ra đi; khổ thứ tư, đã dịu đi một chút, nhưng vẫn có sự cương quyết, nhưng đến khổ thơ cuối cùng thì chỉ còn nhẹ như một lời thì thầm, một tiếng thở dài ... "Người đi, ừ nhỉ, người đi thực ...". Hay tuyệt, chỉ có thể nói như thế. 

Thơ hay thì thế nào cũng có người muốn họa. Tôi nhớ trước năm 75, có một dạo chẳng hiểu sao ba tôi lại rất quan tâm đến thơ và hay mang về nhà những tập thơ, trong đó có tập thơ Cao Tiêu mà tôi đã nhắc đến hôm trước, hoặc tập thơ đầu tay của một nhà thơ trẻ không tên tuổi nào đó mà tôi cũng đã đọc qua, với cái "khẩu vị" đọc ngấu nghiến không phân biệt của tôi thời ấy. Tôi đọc hết một mạch cả cuốn thơ của nhà thơ trẻ không tên tuổi ấy, và "vớ" được một bài thơ họa theo Tống biệt hành với mấy câu tôi cho là khá hay và còn nhớ luôn đến tận bây giờ, như sau:

Ai xưa tống biệt lòng hoang lạnh
Một giã gia đình dạ dửng dưng
Ly khách, ly khách, con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không ...

Ta nay tống biệt lòng không lạnh
Không đủ gia đình để dửng dưng
Chưa hay đường lớn hay đường nhỏ
Tay trắng mai về tay trắng không!

Vâng, hai khổ thơ trên tôi cho là khá đạt, nhưng theo tôi nhớ thì cả bài thơ - và cả tập thơ ấy nữa - xét toàn bộ là rất thường. Và nói chung thì tôi cho rằng bài thơ Tống biệt hành là đã quá xuất sắc rồi nên không ai có thể làm cho nó hay hơn được ở bất cứ chỗ nào nữa.

Cho đến lúc tôi đọc được bài thơ Tống biệt hành của Vi Khuê, nhà thơ nữ gốc Huế hiện đang sinh sống ở Mỹ, tác giả bài thơ Hoa Đào ("Đứa con gái có mái tóc/Sylvia Vartan/ngồi đọc thơ Thôi Hộ...") mà tôi đã nhắc tới hôm qua. Thực ra, tên tuổi của nhà thơ Vi Khuê tôi chỉ mới biết đến từ hôm qua mà thôi, khi lên mạng để cố tìm tên tác giả của bài thơ Hoa Đào. Khi tìm được tên Vi Khuê, tôi mới tò mò tìm hiểu thêm xem  tác giả này có những sáng tác gì, và tìm được bài Tống biệt hành vô cùng độc đáo mà tôi sẽ chép dưới đây.

Nhưng trước khi đọc thơ, có lẽ chúng ta hãy đọc đoạn giới thiệu dưới đây cái đã:

Cách đây hơn nửa thế kỷ Thâm Tâm đã tiễn một người đi trong “Tống Biệt Hành” của ông. Tiễn người đi mà tác giả nghe lòng dậy sóng. Người đi trong tâm sự mênh mang, trong hoàng hôn đáy mắt. Con đường đời nhỏ hẹp. Sự nghiệp còn ngoài tầm tay. Chí lớn đã quyết đành. Công chưa thành, danh chưa toại, “ba năm, mẹ già cũng đừng mong”. Và:

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà như chiếc lá bay
Chị thà như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

“Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân. Tôi đã được đọc một số ít bài âm vọng từ “Tống Biệt Hành”. Nhưng phải chờ đến “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê, tôi mới tìm được ở bà, một nhân vật thứ hai đầy tính chất triết lý nhập thế, dấn thân của một tráng sĩ Đông phương hay của một một lãng nhân Phù Tang thời phong kiến tay không đi tìm nghiệp lớn.

Vi Khuê đã dựng lên một đối tượng ngang bằng vai vế để nhắn nhủ, để khích lệ người ly khách. Dù Người đi về phương nào chưa chắc được, nhưng Người cứ đi. Cuộc tiễn đưa nào mà không mang tiếng ngậm ngùi, cảm xúc. Người ly khách trong “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê có rượu, có trăng, có lệ tràn và một thoáng môi cười của người đưa tiễn. Rượu sẽ nói lời vĩnh biệt. Rừng không gió, trời không mây, vườn ngự không hoa và có cái gì đó không dằn được những cảm xúc trắc ẩn từ cõi lòng để kẻ ở phải thảng thốt nói với người đi:

Ta tiễn Ngươi mà,
Ta tiễn Ngươi!


Sao, tò mò quá phải không bạn? Vâng, tôi sẽ chép bài thơ của Vi Khuê ở dưới đây và không bình luận thêm gì nữa, mà để dành việc ấy cho các bạn nhé. Thơ đây:

Tống biệt hành (Vi Khuê)
Ta tưởng ngươi
đi về phương đông
Ta rót cho ngươi
chén rượu hồng
Rượu sẽ mềm môi
ngươi sẽ khóc
Ta cười. Ngươi
có hiểu gì không?

Ta tưởng ngươi
đi về phương tây
Ta rót cho ngươi
chén rượu đầy
Rượu sẽ làm cay
đôi mắt ướt
Ta nhìn, lệ rớt
giữa lòng tay...

Ta tưởng ngươi
đi về phương nam
Ta rót cho ngươi
chén rượu tràn
Rựou sẽ làm hoen
thân áo bạc
Ngươi về. Khật
khưỡng dưới vầng trăng.

Ta tưởng ngươi
đi về phương bắc
Ta rót cho ngươi
chén rượu ngọc
Rượu sẽ vì ta
nói với ngươi
Vĩnh biệt. Đừng
quay nhìn ngõ trúc.

Ta tiễn ngươi! Ôi!
Ta tiễn ngươi
Rừng phong không gió
trời không mây
Hoa đâu. Để
ngát thơm vườn Ngự
Ta tiễn ngươi mà
ta tiễn ngươi!

Tôi thực sự không thể nói gì về bài thơ này được, ngoài mấy chữ: chạm đến tận đáy tim!
-----------
Viết thêm một chút cho cô bạn cùng lớp ở ĐH Tổng hợp cách đây vài chục năm sau khi đọc được comment của bạn ấy trên fb: "Thích nhất PA ở những lúc như thế này".

Vâng, điều mà PA thích nhất trong bài thơ của Vi Khuê là khẩu khí. Có thua kém nam nhi chút nào đâu T. nhỉ, nếu không nói là còn mạnh mẽ hơn? Dường như đó cũng là tính cách của PA đấy T. ạ, mặc dù khi xua người đi rồi (Vĩnh biệt! Đừng quay nhìn ngõ trúc) và chỉ còn một mình thì nhân vật nữ của chúng ta đã không còn dấu được nỗi đau qua lời thảng thốt: Ta tiễn ngươi mà/ ta tiễn ngươi!

8 nhận xét:

  1. Chị P.A có nhớ bài thơ của Bùi Chí Vinh không?" Đưa người ta cứ đưa sang sông.Sợ chi tiếng sóng ở trong lòng.Thâm Tâm lên núi mà tống biệt.Ta về biển mặn hóa dòng sông."Tôi đọc mà không nhớ nhiều. Bài nầy cũng " khẩu khí" lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cám ơn bạn. Bài thơ hay lắm. Xin chép lại đây để tặng những người yêu thơ:
      http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=34820

      PHẢN TỐNG BIỆT HÀNH (Bùi Chí Vinh)

      Đi đến với những người hiếu khách
      Ngoài ba lô còn một cây đàn
      Ba lô để nhớ thời chân đất
      Cây đàn nghe sóng vỗ thênh thang

      Đưa người, ta cứ đưa sang sông
      Không sợ tiếng sóng ở trong lòng
      Thâm Tâm lên núi mà tống biệt
      Ta về biển mặn hóa dòng sông

      Nhích lại gần nhau nghe ngày xưa
      Chàng An Tiêm lãng mạn trồng dưa
      Có cô công chúa đi làm rẫy
      Con mắt to giống như em vậy

      Con mắt to thành mắt con thuyền
      Có người kéo lưới đợi thuyền lên
      Có người kéo lưới thương con mắt
      Mắt con thuyền... a, con mắt em

      Người biết bơi nhớ mùa nước nổi
      Lặn làm chi sặc sụa tâm hồn
      Quả dưa xẻ đặt trên đầu gối
      Em một đầu, ta một đầu: hôn

      Ừ thôi về biển, ta về biển
      Con cá ra khơi, con chim liệng
      Chỉ e con sóng sắp bạc đầu
      Sợ hãi vì người xanh tóc đến

      Đã bảo trong ba lô có biển
      Không, sao cây sác mọc thành rừng?
      Đã bảo trong cây đàn có biển
      Không, sao âm nhạc thở tình nhân?

      Đừng hàm hồ gọi đất-không-chân
      Khi ngón mỗi người đều có móng
      Tóc biết bay và tay biết ôm
      Gió biết biển lúc nào xúc động

      Em có thể khóc chiều nay lắm
      Nếu ta vờ đánh mất cây đàn
      Ta có thể khóc chiều nay lắm
      Nếu biển vờ quên mặt dòng sông

      1981, biển Cần Giờ

      Xóa
  2. Một bạn đọc comment trên fb, chép về đây để lưu:
    ------------
    Nếu "ta" của TT dịu dàng mà thâm hậu, với những cái "biết" (ta biết ngươi buồn chiều hôm trước,... Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay")đầy cổ vũ thiết tha để người ly khách có thể "chí lớn chưa về bàn tay không"... thì "ta" của VK không giấu được lệ rơi qua môi cười, và tiếng kêu thảng thốt "ta tiễn ngươi mà, ta tiễn ngươi" sẽ mãi đuổi theo người ly khách trong hỗn mang vô định của cuộc du hành. Tiếng kêu thảng thốt đó cũng đã làm tôi cay khóe mắt... Bài TBH của VK thật đẹp, cả về hình ảnh lẫn giai điệu. Cảm ơn chj lăsm, chị PA ơi...

    Trả lờiXóa
  3. Và một nhận xét khác, cũng trên fb:
    -----------
    Bài của Vi Khuê hay quá. Có điều...hình như mang máng chút gì đó Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác (chỉ là cảm giác, nếu cảm giác nầy có đúng thì cũng không hề gì, bài thơ vẫn quá hay).

    Trả lờiXóa
  4. Bài Tống Biệt Hành của VI KHUÊ rất hay, nhưng " rằng hay thì thật là hay...". Tớ thì thích bài này hơn: " Thôi, thông ở lại với rừng. Mai ta xa núi, mây đừng bay theo. Ta còn nửa mảnh trăng treo. Để lại thì nhớ, đem theo tội người..." ( HT Hư Trúc). Hix, có lạc đề không vậy quý vị?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay lắm bạn Nặc danh 14:53 Ngày 25/3/2013 ạ. Xin lỗi đến hôm nay mới đọc kỹ và trả lời.

      Xóa
  5. Có lẽ tôi cũng sắp tiễn người.tình cờ đọc được hai bài thơ thật hay và bi tráng.chợt.thấy thương mình mà tiếc người.

    Trả lờiXóa
  6. Bài Tống biệt hành của Thâm Tâm, lúc trước em có nghe nói là còn khổ cuối mà Hoài Thanh đã cắt gồm 4 câu:

    Mây che đầu núi giá lên trăng
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc
    Tiếng đời xô động tiếng hồn câm.

    Không biết có đúng vậy chăng

    Trả lờiXóa