Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Thơ lục ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn ...

Entry này tôi viết để giới thiệu một bài viết khác của người bạn thơ Nguyễn Đại Hoàng, như một lời chúc mừng cuối tuần gửi đến các bạn nhân dịp nghỉ lễ dài sắp đến. Nhưng các bạn biết rồi, trước khi đăng bài của các bạn bè, thân hữu lên tờ báo Anh Vũ này thì tôi phải lấy quyền chủ tờ báo kiêm chủ bút ra để thêm thắt vài dòng vào đấy, nhằm đẩy đưa dẫn dắt bạn đọc đến bài viết kia, mà cũng là để ăn theo, nói leo vào những vấn đề mà bài viết chính đặt ra hoặc gợi ra. Chứ gì nữa, đăng trên báo của mình, tội gì các bạn nhỉ:-).

Vâng, bài viết dưới đây của NĐH nói về số chữ (từ? tiếng?) trong thơ. Nói chính xác, tác giả NĐH muốn tản mạn về việc "bớt chữ trong thơ", để biến thơ 7 chữ thành 6 chữ, thơ 6 chữ thành 5 chữ vv. Theo anh NĐH thì bớt chữ đi như thế đôi khi làm cho bài thơ gọn hơn, nhẹ hơn và hay hơn. Ừ, gì chứ vụ bớt chữ làm thơ hay hơn này thì tôi có kinh nghiệm mà, các bạn có còn nhớ bài Đường thi Phong kiều dạ bạc mà người bạn tôi ở phương xa đã dịch và gửi cho tôi, rồi tôi cũng cao hứng và dịch ra tiếng Việt không? Bài ấy tôi đã dịch ra như thế này (tranh thủ giới thiệu lại thơ dịch của mình, hi hi):

Trăng thì lặn/Trời thì sương/Tiếng quạ kêu/Lạc lõng
Cây thì lặng/Đèn chài khuya/Chấp chới/Ánh đỏ vàng
Chùa thì xa/Thấp thoáng/Bên Cô Tô/Thành cũ
Chuông thì ngân/Đêm thì vắng/Buông từng tiếng/Vọng muôn đời. 

Bài ấy đăng lên rồi, thì có một bạn đọc (chẳng biết ai nhỉ) comment là nên bớt từ "thì" trong các câu thơ đi thì nghe sẽ hay hơn. Tôi làm theo, và quả thực bài thơ trở nên nhẹ và thanh hẳn, khá giống một bài hài cú của Nhật, như sau:

Trăng lặn/Trời sương/Tiếng quạ kêu/Lạc lõng
Cây lặng/Đèn (chài)* khuya/Chấp chới/Ánh đỏ vàng
Chùa xa/Thấp thoáng/Bên Cô Tô/Thành cũ
Chuông ngân/Đêm vắng/Buông từng tiếng/Vọng muôn đời.  

* Chú thích: Đã bớt chữ thì tôi nghĩ nên bớt luôn chữ "chài" ở câu này để nhịp điệu bài thơ đều hơn, do 3 câu còn lại thì đều có 2 từ ở cụm thứ hai (Trăng lặn/trời sương; Chùa xa/thấp thoáng; Chuông ngân/đêm vắng). Mặc dù người góp ý cho tôi chỉ đề nghị bỏ chữ "thì" mà thôi.

Bài thơ ấy của tôi sau khi bớt từ đi "thì" ai cũng nói là nghe hay hẳn lên. Ừ, thì cũng hay, có lẽ hay hơn thật. Nhưng tôi, tác giả của bản dịch ấy, lại vẫn cứ thích bài thơ cũ có chữ "thì" của mình. Có nhiều lý do, trong đó chắc chắn có lý do ngoan cố, không chịu để cho người khác ... sửa lưng mình, hẳn thế. Nhưng cũng còn một lý do khác: tôi thích những câu thơ 3 chữ có cái chữ "thì" thô thô, nằng nặng ấy, vì nhịp điệu của nó chầm chậm, đều đều, xàng xê như nhịp valse 3/4, mà tôi tưởng tượng rằng nó rất giống như thời khắc lúc ấy, đêm thì đen, đèn thì leo lét (à, cô bạn tôi ở Mỹ dùng từ "leo lắt" ở chỗ này, một cách dùng từ thật sáng tạo vì nó kết hợp "leo lét" và "lay lắt"), xa xa vọng tiếng chuông chùa boong ... boong chậm rãi. Có cái hay của nó chứ bộ?

Rồi tôi chợt nhớ đến những bài thơ 6 chữ mà tôi đã được đọc, không nhiều, nhưng bài nào tôi thấy cũng rất hay, có lẽ vì cái nhịp điệu đều đặn, cân đối của nó. Theo tôi, thơ 6 chữ không dễ làm, hoặc nói đúng hơn là không dễ làm hay. Và bài thơ 6 chữ tiếng Việt hay nhất theo tôi là bài thơ Tình sầu của nhà thơ tiền chiến Huyền Kiêu viết từ năm 1938. Các bạn đọc ở dưới đây nhé: 

Tình sầu
Xuân hồng có chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi tóc xoã ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội


Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối


Thu biếc cũng chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi


Đông xám lại chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong lòng mộ tối.


Hay quá phải không các bạn? Thơ, đối với tôi là một cõi riêng, một chốn rong chơi, một nơi trú ẩn (thì tôi đã từng viết rồi còn gì, "Nơi trú ẩn của tôi/ là thơ đấy ..." Các bạn muốn đọc thêm thì vào đây này: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/07/noi-tru-cua-toi.html - lại tranh thủ quảng cáo nữa rồi!). Nhưng thôi, tôi viết đã quá dài, phải dừng lại để còn chỗ giới thiệu bài viết của người bạn thơ của tôi nữa chứ. Một người yêu thơ chẳng kém gì tôi ...

Các bạn đọc bên dưới nhé!
-------------


Tản mạn cuối tuần

BỚT CHỮ TRONG THƠ !  

1. Vương Bột là một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, ông có hai câu thơ được coi là hai câu thơ tả cảnh hay nhất Trung Hoa :



Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc



Ráng chiều cùng với cánh cò cô độc cùng bay

Làn nước thu với bầu trời mênh mông một sắc



Sau có người cho rằng nên bỏ hai chữ  “ dữ ” và chữ “ cộng ”  thì bài thơ gọn và súc tích hơn nhiều :



Lạc hà cô vụ tề phi

Thu thủy trường thiên nhất sắc



Ráng chiều, cánh cò cô độc cùng bay

Làn nước thu, bầu trời mênh mông một sắc



2. Tương tự như vậy tôi muốn nói đến một bài thơ của Vương Duy, vừa được học giả GNLT giới thiệu trên blog Anh Vũ. Đó là bài Lục Ngôn Tuyệt Cú, nhưng nhiều tài liệu ghi là Điền Viên Lạc kỳ 4, nguyên văn như sau : 



田園樂其四

桃紅復含宿雨
柳綠更帶朝煙
花落家童未掃
鳥啼山客猶眠



Đào hồng phục hàm túc vũ,

Liễu lục cánh đới triêu yên.
Hoa lạc gia đồng vị tảo,
Điểu đề sơn khách do miên. 


hàm  : ngậm 

túc vũ : mưa đêm
đới : đeo

triêu yên : sương sớm

đồng : con trẻ

vị : chưa

do : còn



Đào hồng còn ngậm mưa đêm

Liễu xanh còn đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ nhà chưa quét

Chim kêu, khách núi còn ngủ



Nếu như Giang Nam tiên sinh cho rằng mỗi câu có thể thêm một chữ để trở thành thất ngôn tứ tuyệt, thì tôi lại cho rằng mỗi câu nên bớt đi một chữ để trở thành ngũ ngôn tứ tuyệt :



Đào hồng hàm túc vũ,

Liễu lục đới triêu yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào hồng ngậm mưa đêm

Liễu xanh đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



Tới đây 2 câu đầu mỗi câu có thể bớt đi 1 chữ nữa :



Đào hàm túc vũ,

Liễu đới triêu yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào ngậm mưa đêm

Liễu đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



Thậm chí 2 câu đầu còn có thể bớt đi mỗi câu 1 chữ nữa :



Đào hàm vũ,

Liễu đới yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào ngậm mưa 

Liễu đẫm sương

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



3. Thất ngôn tứ tuyệt thành lục ngôn tứ tuyệt !

Đó là trường hợp một bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa- bài Khai Quyển trong tập Ngục Trung Nhật Ký của HCM - một bài thất ngôn tứ tuyệt, nhưng có lần, không rõ vì sao Nhà Xuất Bản Đà Nẵng khi biên tập đã cắt bớt mỗi câu một chữ cuối- các  túc từ - thành ra bài thơ gần như không còn giữ được ý nghĩa của nguyên tác !



Nguyên tác : 



開卷



老 夫 原 不 愛 吟 詩

因 為 囚 中 無 所 為

聊 借 吟 詩 消 永 日

且 吟 且 待 自 由 時



Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

Nhân vị tù trung vô sở vi

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật

Thả ngâm thả đãi tự do thì



Và bài sau khi đã “ biên tập ” :



老 夫 原 不 愛 吟
因 為 囚 中 無 所
聊 借 吟 詩 消 永
且 吟 且 待 自 由



Lão phu nguyên bất ái ngâm 

Nhân vị tù trung vô sở 

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh 

Thả ngâm thả đãi tự do  





Âu cũng là hy hữu !



Nguyễn Đại Hoàng

4/2013

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

"Cảnh - Sự - Tình trong Đường thi" (Giang Nam Lãng Tử)

Tôi đã nhận bài này (và một vài bài khác) của thầy GNLT cách đây ít lâu rồi, trong loạt bài "bổ túc văn hóa" về Đường thi cho tôi. Nhưng lúc ấy tôi không có thời gian để đọc kỹ, và cũng không đăng lên ngay, vì nghĩ mọi người cần có một ít thời gian để tiêu hóa những gì mình đã đọc trước đó (well, tôi nghĩ thế là dựa vào khả năng tiếp thu của chính tôi, vốn là loại người "thông minh nhưng chậm hiểu" như người ta hay nói ấy mà, hi hi!)

Hôm nay có ít thời gian, tôi lôi lại những bài mà thầy GNLT đã gửi để đọc, và thấy bài này rất hay, thật nhiều thông tin, vừa bình những bài thơ Đường xuất sắc nhất vừa đưa ra những hướng dẫn có thể dùng làm một bài "chỉ dẫn" phổ thông cho mọi người khi đọc Đường thi. Rất có ích, mà tôi thì là một người rất biết chia sẻ nên không thể giữ riêng để đọc một mình được. Nên vội đăng lên đây để cho mọi người cùng đọc và trao đổi.

Cám ơn anh PHN đã rất nhiệt tình chia sẻ với tôi và các bạn đọc bloganhvu một phần (rất nhỏ, chỉ như cái móng tay) trong "sở học" của anh, anh PHN nhé. Còn ai muốn đọc nhiều hơn nữa thì xin vào trang của Giang Nam Lãng Tử, ở đây: giangnamlangtu.wordpress.com. Nói thêm: ở đó không chỉ có văn học mà còn nhiều thứ khác nữa, rất đáng để vào xem đấy các bạn ạ.
---------------------

CẢNH - SỰ- TÌNH TRONG ĐƯỜNG THI

Thơ cổ phương Đông thường gắn với hội họa. Có câu “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), còn “thi trung hữu nhạc” thì rõ quá rồi (Luật niêm, vần, đối cũng là “nhạc tính” của thơ cổ).

Thứ nhất là “CẢNH”

Thi và họa cổ điển chủ yếu vẽ CẢNH vật và nhân vật.
 

Cảnh vật được ưu tiên số 1, còn “nhân vật” phải nép mình, ẩn mình trong /sau cảnh vật. Đó là nguyên tắc chính.

Thứ 2 là “SỰ” (sự việc/ động từ) tức là cử chỉ hành vi của nhân vật (chủ yếu là nhà thơ hóa thân thành nhân vật trữ tình).

Thứ 3 là “TÌNH”: ẩn kín càng kỹ càng hay. Nếu nhịn không được thì hé một chút thôi nhá.

Xếp theo thứ tự ưu tiên sẽ là: CẢNH- SỰ- TÌNH.

Nhà thơ cổ điển cố tránh lộ diện và lộ tình cảm của mình. Đặc biệt nhà thơ né trành các từ ngữ bộc lộ trực tiếp như : nhớ, thương, yêu, hận, sầu, muốn, vui, hi vọng, thất vọng, tuyệt vọng.v.v…Bế tắc lắm, không nhịn được cũng chỉ bộc lộ một chữ “sầu’ là cùng. Họ cố gắng nhờ cảnh vật nói hộ (ký thác, gửi gắm) cảm xúc của mình.

Ngay trong bài mở đầu về Đường thi dẫn luận (1) trên Blog Anh Vũ, Lãng tử đã viết “Ít khi thơ chịu nói hết ý, và không nói trực tiếp, mà chỉ dựng lên hàng loạt mối quan hệ để cho độc giả tự suy luận, còn gọi "vẽ mây, nẩy trăng " (chỉ tả đám mây, nhưng ta cảm thấy có vầng trăng khuất ở phía sau), ý ở ngoài lời, ý đến mà bút không đến, bút dừng mà ý không dừng, lời hết mà ý chưa hết...”.

Thi nhân và họa sĩ thường kết bạn với nhau, thi nhân nhiều khi biết vẽ, hoạ sĩ ít ra cũng biết làm thơ. Thời nhà Đường ba thế kỷ, hội họa cũng phát triển tương đương với thơ.

Bây giờ Lãng tử đi vào phân tích 03 bài: “Lục ngôn tuyệt cú” của Vương Duy, “Tuyệt cú” của Đỗ Phủ và “Quân hành “ của Lý Bạch để nêu bật ra vấn đề cảnh- sự - tình. (tham khảo thêm Đề đô thành nam trang, Hoàng hạc lâu, Phong kiều dạ bạc)

1. “Lục ngôn tuyệt cú” của Vương Duy

Phiên âm Hán Việt

Đào hồng phục hàm túc vũ
Liễu lục cánh đới triêu yên
Hoa lạc gia đồng vị tảo
Oanh đề sơn khách do miên


Dịch:
Đào hồng còn giữ nước mưa
Liễu xanh lại dầm sương sớm
Hoa rụng, gia đồng chưa quét
Oanh kêu, khách núi vẫn ngủ say


(Lãng tử)

Lời bàn
Mùa xuân đến rồi với mưa phùn đêm qua không nặng hạt còn để lại dấu tích trên cánh hoa đào hồng hồng tươi với chút nước mưa, trên lá liễu xanh xanh thắm vì ẩm ướt hơi sương.
 

Cả hai vẫn còn trong giấc ngủ mơ màng.

Bài thơ như một bức tranh núi buổi sớm mùa xuân.


Có ba nhân vật là: thi nhân (có thể là ẩn sĩ), khách và gia đồng (chú bé giúp việc).
Khách và gia đồng còn mải ngủ say.
Cảnh vật (đào hồng, liễu xanh) cũng ngủ say.
Có tới bốn kẻ ngủ say là: đào hồng, liễu xanh, gia đồng, sơn khách.

Chỉ có hai nhân vật thức giấc.

Đó là: Con chim oanh vô tình cất tiếng hót và nhà thơ (Vương Duy) thức dậy sớm nhưng yên lặng ngắm nhìn cảnh vật, thưởng thức khí xuân, không muốn làm rộn đến ai, nhất là bạn nơi xa đến thăm, đêm qua cuộc rượu trùng phùng, lại thêm khí hậu lạ, bạn quý ngủ say, mặc bạn ngủ nướng thoải mái cho đã mắt. Ông chủ cũng không nỡ mắng gọi thằng bé giúp việc thức quét hoa rụng. Ông nhớ đêm qua nó cũng thức phục vụ tiệc rượu tới khuya. Vả lại nó còn trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, tội nghiệp...

Ông chỉ lẳng lặng ngẫm ngợi cho tứ thơ “Lục ngôn tuyệt cú”.
Chỉ cần thêm mỗi câu một tiếng thì ta có thất ngôn tứ tuyệt (4x 7)
Nhưng nhà thơ không nỡ thêm một “tiếng” nữa khiến vị khách quý thức giấc.

Vậy thì có lục ngôn tuyệt cú (4x 6) cũng tạm được, cũng chả cần đặt tựa cho bài thơ ngẫu hứng.

Bài lục ngôn Vương Duy chỉ có CẢNH, chẳng có việc gì xảy ra (vô SỰ), và dường như cũng chẳng có tình cảm gì lộ ra (vô Tình)?
Ngẫm cho kỹ thì nhất định bài thơ phải có tình, nhưng ẩn kín phía sau 24 chữ...

Có phải thế này chăng:

Vương Duy yêu tha thiết cảnh sống trên núi buổi sáng mùa xuân
Vương Duy rất quý người khách đến thăm mình.
Vương cũng yêu mến chú bé giúp việc nhà (gia đồng) ...

Vương Duy là thi nhân và cũng là một họa sĩ nổi tiếng thời ấy.

Bạn có thể vẽ một bức tranh minh họa bài thơ trên được không, dù vẽ xấu cũng không sao ?

“Lục ngôn tuyệt cú” là bài thơ tứ tuyệt phá cách xuất sắc thuộc phái điền viên.

2. Quân hành (Lí Bạch)

Lựu mã tân khóa bạch ngọc an
Chiến bãi, sa trường nguyệt sắc hàn
Thành đầu thiết cổ thanh do chấn
Hạp lí kim đao huyết vị can


Bài hát người lính

Ngựa tuấn mã vừa mới thay dây cương, yên đeo bạch ngọc
Chiến trận ngừng, ánh trăng lạnh lẽo trên sa trường
Đầu thành, tiếng trống còn nghe dư âm
Trong hộp, lưỡi kiếm quí còn dính máu


Ghi chú: “Lưu mã” là giống tuấn mã, lông hồng, đuôi đen bờm đen, giống quý trong số hơn 30 loại ngựa khác nhau ở Trung Quốc .

Lời bàn
Bài thơ miêu tả hình ảnh kẻ chinh phu ra trận cùng con tuấn mã trẻ trung, lộng lẫy.

Mở đầu tả con ngựa quí đắt tiền được chuẩn bị yên cương chắc và đẹp. Không một chữ tả người kỵ sĩ. Nhưng tôi có thể tưởng tượng ra chủ nhân của con ngựa này, hẳn phải là một trang hiệp sĩ quí tộc, chẳng phải một lính thường. Thái độ háo hức lập công của anh ta bộc lộ khi chuẩn bị con ngựa lên đường ra trận, ra trận mà lộng lẫy như đi trảy hội . (Câu 1)

Bỗng nhiên đột ngột báo rằng chiến trận ngừng, ánh trăng trên sa trường lạnh lẽo. Vẫn chưa tả người. Có lẽ chết cả rồi, chết nhiều đến nỗi tử khí thây ma bốc lên lạnh cả ánh trăng. Lòng người lính sống sót càng trở nên lạnh lẽo (Câu 2)

Tâm trạng một người lính còn sống, đứng đó, thẫn thờ.. Chắc đó là chủ nhân của con ngựa quí đã may mắn sống sót. Anh ta vẫn bàng hoàng, trong đầu còn “dư âm tiếng trống trận” khủng khiếp mặc dù kẻ đánh trống giờ này cũng đã chết, trống vứt đâu đó trên thành lũy… (câu 3)

Thanh kiếm cũng rất quí, chuôi khảm vàng bạc (kim đao) nay dính máu dơ tanh đã nhét vội vào vỏ kiếm. Sao anh lính không lau chùi sạch máu rồi hãy đặt vào hộp đàng hoàng, như trước khi ra trận con ngựa còn được trang điểm đẹp đẽ nhường kia ?! (câu 4)

Sau cuộc chiến, tâm trí anh đã thay đổi rồi. Cái đẹp còn ý nghĩa gì nữa trên xương máu ngổn ngang ?!

Cuối bài thơ không thấy nhắc tới con ngựa quí nữa, hẳn là nó đã chết rồi, lẫn trong đám xác người và ngựa ngổn ngang ! Có thể lát nữa người ta sẽ lột da nó để bọc thây đồng đội mà vùi chôn.
 

Chủ nhân bàng hoàng, tiếc rẻ con ngựa. Chàng hoang mang khiếp hãi cuộc chiến tàn khốc vừa rồi. Không một dòng thơ nào tả cuộc xung đột đẫm máu ! Nhà thơ không chịu viết một câu thơ nào tả sự đâm chém điên cuồng của con người trong thời đại ấy.

Bố cục bài thơ thật kỳ lạ: Câu 1 tả cảnh trước khi ra trận, câu 2,3,4 tả cảnh hậu chiến. Thi nhân chẳng chút quan tâm tới công thức “đề- thực- luận- kết”. Lí Bạch phá cách dữ dội mà làm nên kiệt tác.

Quan điểm nhân sinh của thi nhân họ Lý thật độc đáo, sâu sắc qua một bài tứ tuyệt miêu tả chiến tranh. Tư tưởng nhân đạo, phản chiến của ông cao vời vợi, nghệ thuật thi ca hàm súc kì thú khác người …

3. Tuyệt cú (Đỗ Phủ)

Lưỡng cá hoàng li minh thuý liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lí thuyền


Tuyệt cú (có người dịch là Câu thơ trác tuyệt)

Hai con chim oanh kêu vang trong đám liễu biếc
Một hàng cò trắng bay hướng lên trời xanh
Song cửa chứa núi Tây Lĩnh tuyết đọng ngàn năm
Ngoài cửa, đậu sẵn những con thuyền xứ Đông Ngô xa vạn dặm

(Lãng tử)

Dịch thơ

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,
Một đàn cò trắng vút trời xanh.
Ngàn năm tuyết núi song in sắc
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.

(Tản Đà)

Thưởng thức
Lúc này nhà thơ đang phiêu bạt ở nơi xa, tạm ở trong một căn lều cỏ do bạn hữu góp sức làm giúp. Đường về quê Hà Nam phải qua xứ Đông Ngô (Giang Tô)- chú thích của sách gốc. Bài thơ như bộ tranh tứ bình, kết cấu liên hoàn diễn tả một tâm trạng bâng khuâng của nhà thơ.



Ngồi buồn lặng lẽ một mình, chợt nghe tiếng đôi chim oanh ríu rít từ phía đám cây liểu xanh bên hông nhà. Tiếng hót của chim rất trung thực, vui buồn cứ lộ hết ra. À… đó là một đôi chim trống mái đang vui vầy trong tổ ấm. “Minh” là kêu vang lên, tưởng như làm rung động cành liễu xanh biêng biêc. Nghe đôi chim hạnh phúc trong tổ ấm (đúng nghĩa đen của “tổ ấm” đấy nha, chả hiểu sao cái loài người ở nhà cao cửa rộng cũng thích điệu đàng gọi ngôi biệt thự bê tông một hay nhiều tầng của họ là “tổ ấm” ?!) thi nhân bỗng nhớ nhà, nhớ vợ hiền ở nơi xa…Hay là ta quay về nhà thôi…(câu 1)

Bước ra cửa lều vươn vai ngẩng nhìn trời xanh, chợt thấy một đàn cò trắng đang bay vút lên theo con đầu đàn lãnh đạo. Nhà thơ nhớ tới những ngày cùng bạn hữu hăm hở trên đường lập công danh, sải cánh trên chốn giang hồ tự do…(câu 2)

Băn khoăn lựa chọn hướng nào đây, tiếp tục như đàn cò trắng hay quay về nhà như đôi chim oanh ?

Quay vào nhà, thẫn thờ ngồi nhìn qua song cửa, thấy xa xa là ngọn núi Tây Lĩnh. Nhà thơ cảm thấy cái lạnh của “tuyết đọng nghìn năm”. Thực vậy chăng? Ngọn núi rất xa kia mà, xa đến mức ngọn núi thu nhỏ gọn trong cửa sổ, theo luật viễn cảnh. Khí lạnh của ngọn núi từ xa khó mà làm lạnh cả thi nhân. À, vậy là thi nhân lạnh từ trong lòng mình rồi. Nhiệt huyết tung cánh bươn chải chốn giang hồ đã nguội rồi, chí công danh cũng nguội rồi, nguội đến nỗi thế. (Trong thi ca người ta gọi đó là cảm giác nhầm lẫn, nhà thơ đôi khi nhầm lẫn thế) (câu 3 là câu luận, lúc này nhà thơ có quyền giãi bày lòng mình mà). Đỗ Phủ mượn ngọn núi Tây Lĩnh nói hộ lòng mình, quyết không tự nói ra (hỡi ôi thi nhân cổ điển gan lỳ quá, Lãng tử xin chào thua).

Thi nhân nhìn ra dòng sông trước cửa, có một con thuyền mang dấu hiệu Đông Ngô (Giang Tô) đậu sẵn, như đang chờ khách đi dò dọc. Quê nhà Đỗ Phủ thuộc tỉnh Hà Nam, muốn trở về theo đường tiện lợi nhất thì phải qua Giang Tô… (câu 4)

Lãng tử xin phép đố bạn đọc của Anh Vũ blog một câu: cuối cùng thì Đỗ Phủ có bước lên con đò ấy về quê không nào ? Tôi không biết. Nãy giờ thi nhân chả hành động gì, chả nói gì, chỉ để mắt nhìn qua bốn cảnh vật diễn tả trên 4 câu tứ tuyệt.

Bài thơ có hai cặp đối rất hoàn chỉnh (loại 3). Mong bạn đọc chỉ cho biết “đối kiểu gì”?

Lại xin đố câu thứ 3: câu thơ nào kỳ diệu nhất trong bài tứ tuyệt được thi nhân đặt tên là TUYỆT CÚ? (đành rằng câu thơ nào cũng hay rồi)

Sẽ có các phần thưởng giá trị cho hai câu trả lời hay nhất do chủ nhân Anh Vũ gửi tặng..


Chúng ta cùng trở lại bến “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế.

Cảnh nửa đêm trên một bến thuyền
Mỗi câu là một cảnh vật.
Không có Sự gì xảy ra, ngoài một tiếng chuông chùa kết thúc bài thơ.
Duy có một chút TÌNH xen vào câu 2 (“sầu miên”: ngủ mà buồn rầu)

… chúng ta tìm đến thôn Đào Hoa, đến trước cánh cửa ngõ nhà thôn nữ.

Trên cánh cửa ghi bài thơ tứ tuyệt.
Cảnh 1: Cánh cửa khép hờ trước mắt.
(Tích niên kim nhật thử môn trung)


Cảnh 2: Nhà thơ nhìn thấy thiếu nữ đứng bên cây hoa đào (hoa mắt choáng váng không phân biệt được màu hồng hoa đào và hồng nhan), Chàng kiếm cớ bước vào xin nước uống… Uống rồi trò chuyện tào lao vài câu rồi đi sau, biết lấy cớ gì ở lại?! ..

(Nhân diện đào hoa tương ánh hồng)

Cảnh 3. Một năm sau chàng quay lại, không thấy hồng nhan, băn khoăn dò hỏi nàng ở nơi nao. 

(Nhân diện bất tri hà xứ khứ)

Cảnh 4. Hoa đào năm ngoái cười giỡn với gió xuân. 

(Đào hoa y cựu tiếu đông phong)

Bài thơ gồm Cảnh và Sự. Không thấy chữ nào nói chàng Thôi Hộ si tình, chàng nhớ, chàng yêu, chàng thất vọng. Nhưng bạn đọc đểu hiểu rõ sự tình ấy nha.

Và lần tìm tới thăm Hoàng hạc lâu ở tỉnh Hồ Bắc.

(xin xem bài “Thực và ảo” trong Hoàng hạc lâu trên Blog Anh Vũ)
 

Nhà thơ Thôi Hiệu không vẽ cảnh lầu hạc, bởi ông đâu có quan tâm cái lầu cao hay thấp, xấu hay đẹp. Đến nơi đó, ông chỉ dáo dác tìm con Hạc. Nhìn lên trời thấy bạch vân và cùng ngóng đợi. Mỏi mắt, thất vọng, ông nhìn ra xung quanh thấy cảnh bờ sông hàng cây in mặt nước sông Hán, bãi cồn Anh Vũ xa xa cỏ non xanh rì.. Hình ảnh cuộc sống hiện thực tràn sinh lực và tươi đẹp quyến rũ chừng nào.. Quay bốn hướng ngơ ngác tự hỏi làng quê ta ở phiá nào. Chẳng cần nói “nhớ nhà” nhưng ta biết chắc ông đành phải muốn về nhà. Không nén được một tiếng thở dài trước khi quay gót, ông viết “Khói sóng trên sông làm ta buồn bực” (!)
 

Có người bình luận rằng, cái hay của bài Hoàng hạc lâu dồn lại một chữ “sầu”. (bình luận tào lao quá, bạn hỉ ?- Lãng tử trộm nghĩ vậy. Thôi Hiệu chả cần nói “sầu” thì chúng ta
cũng cảm thấy như thế thôi.

Tái bút:
E rằng có bạn đọc điên tiết bảo “gớm cái nhà ông Giang Nam Lãng tử này chỉ giỏi biạ đặt, hư cấu, tán dóc. Thi nhân người ta viết có bốn câu thơ mà ông nói tràng giang đại hải…?”
 

Lãng tử sẽ thưa lại: tôi không biết, tôi chỉ đọc thơ rồi nó bật ra những cái ý nghĩ ấy, bèn ghi nó ra giấy thôi.

Giang Nam lãng tử

-------------
PS1: Gần đến ngày 30/4, đọc bài thơ Quân hành của Lý Bạch, rồi đọc lời bình của GNLT, tự nhiên tôi nghĩ, giá mà người ta đọc thơ và hiểu thơ nhiều hơn, thì có lẽ sẽ có ít chiến tranh hơn, và những cuộc chiến nếu có cũng bớt tàn khốc hơn. Hay ít ra, là sau cuộc chiến, người ta sẽ có những ứng xử nhân văn hơn hiện nay, nhỉ?

PS2: Các bạn ơi, bài viết đăng lên sáng nay còn sót một chỗ, anh GNLT mới bổ sung và tôi đã đưa lên (phần có tô highlight màu xám), rất hay, bỏ qua rất uổng. Các bạn đọc nhé!
 

PS3: Trong phần mới bổ sung, tô màu xám, có mấy câu đố của anh GNLT, đó là đố vui có thưởng do tác giả GNLT ra câu đố nhưng lại đá trái banh sang cho Anh Vũ thưởng! Xin đính chính: phần có thưởng ấy là do anh GNLT đặt ra chứ chủ nhân blog này ... vô can ạ! Ai muốn bắt đền thì xin vào trang GNLT (giangnamlangtu.wordpress.com) để đòi nhé!

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Nhặt lại hình của chính mình từ Internet


Có một người bạn hỏi tôi, tại sao trên blog của tôi không thấy có hình ảnh gì cả?

Nói như thế thì không đúng phải không, vì trên blog tôi cũng có một số hình mà! Nhưng quả thật, tôi ít khi đưa hình ảnh lên blog, mặc dù cũng hay chụp hình. Và thường thì tôi đi chụp cho người khác, hoặc chụp cảnh vật, chứ ít đứng làm mẫu cho người khác chụp, trừ những ảnh kỷ niệm mà tôi phải đứng vào để bạn bè, người thân chụp rồi lưu lại hoặc chuyển cho người khác xem.

Nhưng thật ra như thế cũng ... thật dở, vì lâu lâu cũng có lúc tôi cần có hình của mình. Ví dụ, khi nói về  một ai đó mà mình đã biết, hoặc một việc gì đó mà mình đã tham gia vv thì tôi chẳng có gì trong tay để minh họa cả, ngoài những lời nói dựa trên ký ức (ngày càng khốn khổ) của chính mình. Tệ hơn nữa, thỉnh thoảng tôi có trả lời trên báo chí, và nhà báo xin tôi một tấm hình chân dung nào đó mà tôi ưng ý, nhưng tôi không bao giờ tìm ra được! Thường cứ phải search trên mạng rồi đưa cho họ. Nên sau này báo chí biết ý, khỏi cần hỏi, cứ search trên mạng rồi bỏ vô bài thôi. Mà khổ nối họ toàn tìm thấy hình xấu không à, hu hu hu!

Nên hôm nay, thấy tấm hình đám cưới của một cậu học trò cũ đưa lên facebook, trong đó có tôi, thì tôi nghĩ có lẽ phải nhặt các tấm hình lưu lạc của tôi về đây cất. Để còn lưu cho chính mình chứ, và quan trọng hơn là khi tìm lại thì còn có cơ mà tìm được. Chứ nếu không thì mấy cái hình xấu nhất của tôi sẽ được báo chí dùng đi dùng lại, thì chết mất thôi!

Khổ như vậy đó! Các bạn xem mấy tấm hình mà tôi mới tìm được ở dưới đây nhé.
Đám cưới Lê Đình Dũng, mới cách đây vài tuần thôi

Tụ họp bạn bè Gia Long, tháng 1/2013

Chia tay TTV của UEF, tháng 1/2013

Tại nhà anh An Chi, trước Tết

Tất niên UEF, trước Tết, với Thanh Hà BMNN

Tất niên UEF, một góc của toàn cảnh


Tụ họp nhân dịp Tễu vào SG chơi, trước Tết

Chôm trên mạng: "Tiếng Việt dễ thương qua hai miền Nam Bắc"

Đang lang thang trên mạng thì tìm thấy cái này, tôi phải đưa về đây ngay để lưu và ... lâu lâu đọc lại. Cũng chia sẻ đến các bạn luôn nhé, đọc dưới đây này.
------------

Tiếng Việt Dễ Thương Qua 2 Miền Nam, Bắc
Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

Ôi ! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm
...
Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc nàm Nấy Nệ

Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre, Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre,

Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi, Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê

Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi ! Bắc hô: cút xéo.

Bắc bảo: cứ véo ! Nam : ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn !
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác

Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Về Nguyễn Du, Truyện Kiều và Đường thi (Giang Nam Lãng Tử)

Trước hết, xin có vài lời về cái tựa của entry này. Phải giải thích, vì entry này được chua tên của thầy GNLT (và như các bạn sẽ thấy, nội dung chính là của thầy), nhưng tựa entry lại là do tôi đặt. Vì, nói một cách nào đó thì tôi là chủ bút của tờ báo Anh Vũ này, và với cái "địa vị" to lớn này thì tôi cũng tự cho mình cái quyền được cắt xén đôi chút, hoặc đặt tựa lại cho những bài mà tôi quyết định đăng lên, dù chưa bao giờ dám tự cho mình quyền sửa vào bên trong nội dung của các bài viết mà bạn bè, thân hữu tôi gửi cho.

Cũng cần giải thích về từ "thầy" mà tôi dùng để gọi tác giả GNLT. Như các bạn cũng đã biết, anh GNLT cũng là một blogger (giangnamlangtu.wordpress.com), và vì thế tôi có thể xem là bạn, dù thuộc lớp đàn anh. Mở ngoặc thêm chút: Blog của anh GNLT là một trang blog nghiêm túc hơn bloganhvu này nhiều lắm, và có rất nhiều thứ đáng để xem, đặc biệt là nếu các bạn muốn học hỏi một chút về văn học - thì blog của một thầy giáo dạy văn học mà lại.

Vâng, dạy văn học là nghề mà thầy GNLT đã theo đuổi suốt đời (nói theo từ của một người giỏi văn chương chữ nghĩa là thầy GNLT thì đó là "sở học" của thầy). Vì thầy GNLT là thầy giáo mà, nên một người cũng sống suốt đời trong môi trường giáo dục như tôi sẽ có khuynh hướng gọi thầy GNLT là thầy. Vâng, gọi thầy GNLT bằng thầy trước hết là vì như thế các bạn ạ.

Nhưng đấy là một nhẽ. Thực ra lý do chính khiến tôi gọi thầy GNLT là thầy, đó là vì với tôi, thầy GNLT đang là "thầy" thực sự! Bởi vì tôi đang "thọ giáo" về Đường thi với thầy. Số là khi đọc blog tôi ít lâu thì thầy GNLT phát hiện ra tôi là người thích thơ thẩn, trong đó có cả Đường thi (mặc dù nhìn chung tôi rất không thích TQ, từ lâu rồi chứ không phải chỉ từ khi có vụ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam chứ không bao giờ và mãi mãi không bao giờ là của TQ cả). Thế nhưng kiến thức của tôi về Đường thi và về văn học cổ VNcũng như TQ nói chung lại chỉ là một con số không to tướng, nên thầy GNLT thấy cần phải tôi cần gấp rút được bổ túc. Và đó là lý do tại sao gần đây bạn mới được đọc mấy bài Đường thi dẫn luận của thầy GNLT trên blog này (ô, thế là sự ngu dốt của tôi cũng ... đem lại lợi ích cho cộng đồng đấy nhé, hi hi!!!)

Rồi, giải thích dài dòng về tựa bài và về cách xưng hô của chủ bloganhvu với tác giả của nội dung sắp được đăng dưới đây rồi. Bây giờ, xin có thêm đôi dòng về nội dung bài viết. Tôi tin rằng có lẽ không người VN nào là không biết đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì đó là một tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông mà. Và có lẽ ai cũng biết nó được thi hào Nguyễn Du viết lại dựa trên cốt truyện của cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Thế nhưng, trước khi đọc bài viết của thầy GNLT mà tôi sẽ đăng bên dưới đây, tôi không hề biết mà cũng chẳng quan tâm để so sánh xem phiên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du có khác gì, giống gì với truyện gốc hay không. Mà cũng chẳng quan tâm đến vị trí của cuốn Kim Vân Kiều truyện trong nền văn học Trung Quốc như thế nào nữa.

Nay đọc bài của thầy GNLT (sắp đăng bên dưới), thấy tò mò mới đi "gúc", và quả nhiên là về vấn đề này mọi người đã viết khá nhiều mà tôi chẳng biết gì cả. May có thầy GNLT đề cập đến nên tôi mới biết về một vấn đề thật thú vị. Trong số các bài mà tôi tìm thấy thì có bài này http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/08/nguyen-du-khong-dich-kim-van-kieu.html đề cập trực tiếp đến chi tiết :báo ân báo oán" mà thầy GNLT đề cập trong bài của mình, và tôi cho là rất đáng đọc, dù tôi chẳng có kiến thức gì để đánh giá những lập luận và dữ kiện trong bài viết ấy là đúng hay sai. Thôi thì cứ đọc cho biết, và nghe những người có nghề như thầy GNLT bình luận, rồi dần dà mới có thể phán đoán được.

Tự nhiên tôi nghĩ, giá mà mình đọc được tiếng TQ và tìm đọc xem người TQ đã viết gì về Kim Vân Kiều truyện và Truyện Kiều của Nguyễn Du, thì lúc ấy mới thỏa mãn vì mình đã xem xét cả 2 phía chứ không phiến diện. Nhưng tiếc là kiến thức của tôi về văn học cổ VN và TQ, và hiểu biết về TQ, về Nho giáo, về chữ Hán hoặc Hán Nôm, về tiếng Trung vv là zero, nên ... đành ngậm ngùi, ngậm hột thị, lùi về phía sau "dựa cột mà nghe". (Nên mới tôn thầy GNLT làm thầy, để thầy ấy còn tiếp tục chỉ giáo cho - miễn phí! - chứ nếu mà bậy bạ, lếu láo thì thầy ấy sẽ đuổi không cho làm đệ tử nữa, thì chết!!!!)

Thôi dẫn nhập lăng nhăng như thế là dài lắm rồi. Tôi xin đăng lại bài viết của thầy tôi (ừ, tôi đang thọ giáo thầy GNLT mà lại) ở đây để các bạn đọc nhé. Riêng có phần dẫn nhập của thầy thì tôi xin biên tập lại ngắn gọn (thầy cho phép rồi), bỏ những chỗ râu ria có liên quan đến tôi đi vì nó chẳng có gì là đáng đọc (cái tôi đáng ghét), và đăng trọn phần nội dung chính của thầy GNLT lên đây. Các bạn đọc mà có thắc mắc gì thì cứ gửi comment vào nhé, chắc chắn thầy GNLT sẽ trả lời cho các bạn đấy, một con người yêu nghề, yêu người như thầy GNLT lẽ nào lại làm khác phải không các bạn?

Cuối cùng, xin lỗi các bạn vì lời dẫn quá dài, và enjoy bài của thầy GNLT dưới đây các bạn nhé!
---------------------------
So sánh một tình tiết trong Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện
Lời dẫn của GNLT

Nhân việc BlogAnhVu đăng tải loạt bài về Đường thi, Lãng tử có hỏi (đố vui thôi), về Nguyễn Du viết Truyện Kiều có hai câu thơ 99 và 100 như sau:

“Rút trâm sẵn dắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”


Có bạn đọc hỏi Lãng tử “Xin cho biết bài thơ tứ tuyệt Thúy Kiều viết như thế nào không? Sao Nguyễn Du không dẫn bài đó vào Truyện Kiều ?

Lãng tử băn khoăn mãi mấy ngày sau, bởi vấn đề còn ziczac hơn, nay muốn trình bày rõ để bạn hữu cùng đánh giá.
----------------
Cách đây gần chục năm, có giáo sư Đổng Văn Thành ở Bắc Kinh viết bài so sánh KIM VÂN KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm tài nhân và TRUYỆN KIẾU của Nguyễn Du. Ông ta khen cuốn truyện Tàu và chê bai Truyện Kiều của Việt Nam. Việc so sánh hai tác phẩm rất phức tạp, Lãng tử sợ không có thời gian trình bày đủ vấn đề. Chỉ nhắc một tình tiết “Báo ân báo oán” trong phiên tòa Lâm Tri của Kiều ở hai tác phẩm khác nhau rất xa. Kiểu của Tàu thì trả ân báo oán thiếu công bằng lại rất tàn nhẫn. Còn nàng Kiều Việt Nam thì hợp lý hợp tình hơn hẳn, mang tính cách Việt Nam dung thứ rất rõ.

Điên tiết trước một GS Tàu ngu dốt về văn học Việt Nam lại dám viết bừa, GS Nguyễn Huệ Chi đã viết một bài phản bác GS Đổng Văn Thành đăng trên Tạp chí văn học (Việt Nam). Nhân đây Lãng tử trình bày cách miêu tả của Nguyễn Du và Thanh Tâm tài nhân về tình tiết Thuý Kiều viếng Đạm Tiên khác nhau ra sao, ai viết hay hơn. Bạn đọc có thể phán quyết.

Bài thơ viếng Đạm Tiên: trong Kim Vân Kiều truyện (KVKT)

KVKT: Sau khi hỏi em trai về lai lịch ngôi mộ không người chăm sóc, chi có tấm bia ghi “Hiệu thư Lưu Đạm Tiên chi mộ” (Lãng tử ghi chú: hiệu thư: gái lầu xanh nổi tiếng), Kiều bẻ cành trúc cắm lên mộ, nói mấy lời khấn khứa chân thành, vun đất cắm hương, sụp lạy và đọc một bài thơ (ngũ ngôn bát cú Đường luật) cảm tác để phúng viếng:

“Săc hương đâu đó tá ?
Thăm viếng não lòng thay
Chăn gấm trăng soi lạnh
Đài gương bụi phủ nhoà

Đất tuy vùi ngọc ấy
Tuyết chưa lấp danh này
Rượu nhiều như sông đó
nào ai tưới chốn đây !”


Đọc xong chợt nghe một cơn gió lạnh lẽo nổi lên từ ngôi mộ, cây cối ngả nghiêng, mây kéo u ám, mọi người hoảng sợ…. Luồng gió cuốn quanh thân mình Thúy Kiều ba vòng rồi tan biến (…) Mấy chị em đi vòng quanh nhìn thấy một dải vết giày trên nền rêu xanh lờ mờ. đến mộ thì hết. Hai em thấy vậy càng kinh hãi, vội giục Thúy Kiều về ngay. Thúy Kiều chần chờ, làm một bài thơ ngũ ngôn bát cú nữa để an ủi Đạm Tiên:

“Gió tây đâu bỗng nổi
Rào rào thật buồn thay
Thảm thiết như hờn oán
Thê lương dạ chẳng khuây
Xe loan đi cõi khác
Bóng hạc tưởng về đây
Phảng phát hồn thơm đó
Rêu xanh rõ dấu giày”.


Rồi Kiều rút cành thoa (cây trâm) trên đầu vạch cả bài thơ viếng và bài thơ an ủi lên thân cây.
(Đoạn sau đó ba chị em gặp chàng Kim Trọng đi gần tới, làm quen…)

Lãng tử có đôi lời bình luận:
Trong nghĩa điạ có cây gì thân to tới mức có thể dễ dàng vạch lên vỏ cây hai bài thơ “ngũ ngôn bát cú” (8 x 5 x 2) tới 80 chữ, mỗi chữ khá nhiều nét ? Như vậy vỏ cây hẳn là rất cứng chứ không thể mềm, bởi thân cây đã to lớn rồi. Thúy Kiều phải có sức khỏe chừng nào mới vạch được hai bài thơ này ? Có lẽ, Kiều phải là lực sĩ đấy nha.

Tác giả Thanh Tâm tài nhân đã chưa chú ý tính chân thực của tình tiết này nên đã miêu tả quá tay. (bạn thử lấy cái gì nhọn nhọn như cây trâm cài tóc vạch thử vài chữ lên vỏ cây xem dễ hay khó? Bạn thử vạch 80 chữ Hán lên vỏ cây, để xem bàn tay có sưng lên không, cây trâm có gãy không? Tốn hết bao nhiêu thời gian ?)…Viết bằng bút lông lên giấy 80 chữ cũng đã tốn thời gian khá lâu. Khắc chữ lên cây là một việc cực khó và tốn sức, tốn thời gian, thường thì có thợ chuyên môn riêng nhất là khắc gỗ.. Khi đó, Vương Quan và Thúy Vân đã sốt ruột và hoảng sợ, giục giã Kiều quay về nhà. Kiều chẳng lẽ không để tâm hai em ?

Khi “Kim vân Kiều truyện” đến tay thi hào Nguyễn Du (có lẽ dịp đi sứ Trung Quốc ông đã mua được cuốn sách đó) .Đọc xong, ông đã viết “Đoạn trường tân thanh” (tức Truyện Kiều) và tả tình tiết trên gọn lại như sau :

“Một vùng cỏ áy bóng tà
Giò hiu hiu thổi một và bông lau

Rút trâm sẵn dắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần”


Kiều lúc đầu chỉ sáng tác và vạch lên cây một bài tứ tuyệt thôi (Có thể là 4x 7 = 28 chữ hoặc 4x 5 = 20 chữ). Lúc sau đó Kiều thấy Đạm Tiên hiển linh, in dấu giày lên mặt đất, trận gió lốc…thì “Lòng thơ lai láng bồi hối/ Gốc cây lại vạch một bài cổ thi” (hẳn là cũng ngắn cỡ bài tứ tuyệt thôi). Nguyễn Du đã thay hai bài thơ dài (bát cú ngũ ngôn) bằng hai bài thơ ngắn hơn để Kiều khắc chữ đỡ mệt. Nguyễn Du cố gắng đảm bảo tính chân thực, hợp lý của tình tiết đó. Mặt khác, Nguyễn Du cũng không có ý định thuật lại hay chuyển tải nội dung hai bài thơ trên vào Truyện Kiều của mình để tránh dài dòng, không cần thiết. Cây bút Nguyễn Du miêu tả chân thực, hợp lý hơn nhà văn Tàu rồi.

Hai tác phẩm đều viết theo phương pháp hiện thực. Vậy thì bạn đọc có quyền đối chiếu hiện thực khách quan để bình xét, có quyền chỉ ra chỗ nào nhà văn miêu tả quá lố, phi lý thì cứ việc chỉ trích. Thế giới văn học là như vậy.

GNLT
-----------
Câu hỏi của học trò Anh Vũ:

1. Bản dịch 2 bài thơ ngũ ngôn bát cú đó là của ai vậy thầy? Có phải của thầy không ạ?

2. Thầy GNLT nghĩ gì về bài viết này ạ? Nó ngược với ý trong bài viết của thầy đấy ạ. http://www.hoanghaivan.com/2009/04/can-cong-bang-voi-thanh-tam-tai-nhan.html

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Dưới mắt học giả nước ngoài: LỜI BIỆN HỘ “KHÔNG CÓ GÌ MỚI” (Liam Kelley)

Mọi người đọc blog này của tôi đều biết rằng tôi thích viết lời dẫn cho những bài của người khác đăng lại trên blog của mình. Nhưng với bài viết này – của GS Liam Kelley thuộc ĐH Hawaii mà tôi đã từng giới thiệu trên blog này – thì tôi sẽ không viết lời dẫn.

Vì nó không cần thiết.

Và cũng vì … – và tôi nghĩ các bạn cũng sẽ như vậy – sau khi đọc xong bài viết của GS Liam Kelley thì tôi thấy … lặng đi, không thể nói gì được nữa, thực thế!

Tại sao ư? Các bạn đọc đi sẽ rõ.

Và cám ơn anh Hồ Trung Tú đã không chỉ “giao việc” mà còn thúc giục tôi dịch bài viết này để giới thiệu đến mọi người. Mặc dù tôi đang rất bận, nhưng đọc (và dịch) xong thì thấy quả thật nó rất đáng để dịch và phổ biến.

Enjoy các bạn nhé!
--------------
http://leminhkhai.wordpress.com/2013/04/10/the-excuse-of-khong-co-gi-moi/

The Excuse of "Không có gì mới”

I’ve noticed something.


Whenever Vietnamese scholars are confronted with ideas that contradict what has been said in Vietnam, they say about that scholarship “Không có gì mới” (“there is nothing new [about this]”).

Most recently I think I wrote about this somewhere on this blog in talking about Dương Trung Quốc’s comments about Huy Đức’s Bên Thắng Cuộc. But I hear the same comment about anything I say, or anything anyone else says that contradicts the official discourse in Vietnam.

Tôi có một phát hiện.

Bất cứ khi nào các học giả VN phải đối diện với những ý tưởng khác biệt với những điều được xem là chính thống ở VN, là họ lại đưa ra nhận xét rằng điều đó “không có gì mới”.

Gần đây hình như tôi đã viết về điều đó ở trên blog này khi tôi nói về những nhận xét của DTQ về cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức. Nhưng những nhận xét tương tự như vậy tôi cũng được nghe mỗi khi tôi nêu ra một điều gì, hoặc bất kỳ ai khác có nêu ra một điều gì không giống với những điều mà hệ thống chấp nhận.

Ok, so if “Không có gì mới” is a way to critique scholarship, then it must mean that there is scholarship in Vietnam that is truly “mới” (new). So where is that scholarship? Who are the Vietnamese scholars who are producing scholarship that is considered “mới”? What are the titles of these works? I honestly have no idea what is being produced that is considered “mới.”

OK, nếu nhận xét “không có gì mới” là một cách đưa ra lời phê bình về mặt học thuật, thì những người đưa ra lời phê bình ấy chắc phải có hàm ý rằng ở VN có những điều thực sự mới mẻ về mặt học thuật. Vậy, điều mới mẻ về mặt học thuật ấy ở đâu? Những học giả VN đã đưa ra những điều mới mẻ về mặt học thuật ấy là ai thế? Tên các tác phẩm của họ là gì? Vì quả thật tôi không hề biết đến những tác phẩm đã được viết ra và đáng được xem là “mới” này.

And what is it that makes this scholarship “mới”? Is it cutting-edge scholarship that is creating a new way of viewing the past, like Indian scholars did with the field of subaltern studies? If so, what are the arguments of this cutting-edge “mới” scholarship that Vietnamese scholars are producing?

Mà điều gì đã làm cho những tác phẩm này được xem là “mới” nhỉ? Phải chăng đó là các tác phẩm đã sử dụng những phương pháp hiện đại để tạo ra một cách nhìn mới về quá khứ, như những học giả Ấn Độ đã làm khi nghiên cứu “giai cấp cùng đinh”*? Nếu vậy, những lập luận mà các học giả VN đã tạo ra từ những phương pháp hiện đại mới mẻ này là gì thế?

*Ghi chú của người dịch: “subaltern studies” là một thuật ngữ của ngành lịch sử/nhân học/văn hóa học, không rõ được dịch ra tiếng Việt là gì, người dịch không phải chuyên ngành nên dịch tạm vậy, ai có nghề xin sửa giúp nhé. Có thể tham khảo ở đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Subaltern_(postcolonialism)

In saying “Không có gì mới,” do Vietnamese scholars think that they are equal participants in the world of global scholarship (and therefore can evaluate scholarship in that context)? If so, what works have they produced that stand side-by-side with the works that have been produced in other countries in the past several decades? What gives a Vietnamese scholar the right to criticize another work by saying “Không có gì mới”?

Khi đưa ra nhận xét “không có gì mới”, phải chăng các học giả VN nghĩ rằng họ là những thành viên bình đẳng của thế giới học thuật toàn cầu (và trong bối cảnh ấy họ có thể đưa ra nhận xét về giá trị học thuật của các tác phẩm của người khác)? Nếu vậy, những tác phẩm nào của họ có thể đưa ra để so sánh với những tác phẩm đã được viết ra tại các quốc gia khác trong nhiều thập kỷ vừa qua? Điều gì đã cho phép một học giả VN cái quyền phê phán tác phẩm của người khác bằng nhận xét “không có gì mới”?

Is there a valid scholarly reason why I keep hearing this critique? Or is this just an emotional response that is uttered out of a sense of inferiority? If it is the former, then demonstrate the scholarship that defends such a comment (who has produced scholarship that rivals what Huy Đức has done, for instance?). If it is the latter, then people should stop criticizing the work of others and get to work to produce scholarship that is truly “mới.” That is something that everyone will benefit from.

Có lý do chính đáng nào (về mặt học thuật) khiến tôi cứ phải nghe mãi lời nhận xét này không? Hay đó chỉ là một phản ứng cảm tính được thốt ra trong tâm trạng mặc cảm? Nếu quả thật là có lý do thì xin hãy chỉ ra những chứng cứ khoa học cho thấy nhận xét ấy là đúng (ví dụ, đã có ai viết ra được cái gì có thể xem là "cạnh tranh" được với HĐ hay không?) Còn nếu đó là do mặc cảm, thì mọi người hãy dừng lại đừng chỉ phê phán người khác như thế mà hãy lo đi nghiên cứu để tạo ra những gì thực sự là "mới" đi. Như thế thì được cả đôi bên đấy!

As far as I can tell, saying “Không có gì mới” is just a way to justify to oneself the mediocrity of the present. But there is no justification for mediocrity, because excellence is always attainable.

Theo như tôi biết thì lời nhận xét “không có gì mới” chẳng qua chỉ là một cách để các học giả VN tự biện hộ cho sự tầm thường hiện có của mình mà thôi. Nhưng thực ra chẳng có cách nào biện hộ cho sự tầm thường được, vì không có gì có thể cản trở chúng ta đạt đến đỉnh cao.