Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Thơ lục ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn ...

Entry này tôi viết để giới thiệu một bài viết khác của người bạn thơ Nguyễn Đại Hoàng, như một lời chúc mừng cuối tuần gửi đến các bạn nhân dịp nghỉ lễ dài sắp đến. Nhưng các bạn biết rồi, trước khi đăng bài của các bạn bè, thân hữu lên tờ báo Anh Vũ này thì tôi phải lấy quyền chủ tờ báo kiêm chủ bút ra để thêm thắt vài dòng vào đấy, nhằm đẩy đưa dẫn dắt bạn đọc đến bài viết kia, mà cũng là để ăn theo, nói leo vào những vấn đề mà bài viết chính đặt ra hoặc gợi ra. Chứ gì nữa, đăng trên báo của mình, tội gì các bạn nhỉ:-).

Vâng, bài viết dưới đây của NĐH nói về số chữ (từ? tiếng?) trong thơ. Nói chính xác, tác giả NĐH muốn tản mạn về việc "bớt chữ trong thơ", để biến thơ 7 chữ thành 6 chữ, thơ 6 chữ thành 5 chữ vv. Theo anh NĐH thì bớt chữ đi như thế đôi khi làm cho bài thơ gọn hơn, nhẹ hơn và hay hơn. Ừ, gì chứ vụ bớt chữ làm thơ hay hơn này thì tôi có kinh nghiệm mà, các bạn có còn nhớ bài Đường thi Phong kiều dạ bạc mà người bạn tôi ở phương xa đã dịch và gửi cho tôi, rồi tôi cũng cao hứng và dịch ra tiếng Việt không? Bài ấy tôi đã dịch ra như thế này (tranh thủ giới thiệu lại thơ dịch của mình, hi hi):

Trăng thì lặn/Trời thì sương/Tiếng quạ kêu/Lạc lõng
Cây thì lặng/Đèn chài khuya/Chấp chới/Ánh đỏ vàng
Chùa thì xa/Thấp thoáng/Bên Cô Tô/Thành cũ
Chuông thì ngân/Đêm thì vắng/Buông từng tiếng/Vọng muôn đời. 

Bài ấy đăng lên rồi, thì có một bạn đọc (chẳng biết ai nhỉ) comment là nên bớt từ "thì" trong các câu thơ đi thì nghe sẽ hay hơn. Tôi làm theo, và quả thực bài thơ trở nên nhẹ và thanh hẳn, khá giống một bài hài cú của Nhật, như sau:

Trăng lặn/Trời sương/Tiếng quạ kêu/Lạc lõng
Cây lặng/Đèn (chài)* khuya/Chấp chới/Ánh đỏ vàng
Chùa xa/Thấp thoáng/Bên Cô Tô/Thành cũ
Chuông ngân/Đêm vắng/Buông từng tiếng/Vọng muôn đời.  

* Chú thích: Đã bớt chữ thì tôi nghĩ nên bớt luôn chữ "chài" ở câu này để nhịp điệu bài thơ đều hơn, do 3 câu còn lại thì đều có 2 từ ở cụm thứ hai (Trăng lặn/trời sương; Chùa xa/thấp thoáng; Chuông ngân/đêm vắng). Mặc dù người góp ý cho tôi chỉ đề nghị bỏ chữ "thì" mà thôi.

Bài thơ ấy của tôi sau khi bớt từ đi "thì" ai cũng nói là nghe hay hẳn lên. Ừ, thì cũng hay, có lẽ hay hơn thật. Nhưng tôi, tác giả của bản dịch ấy, lại vẫn cứ thích bài thơ cũ có chữ "thì" của mình. Có nhiều lý do, trong đó chắc chắn có lý do ngoan cố, không chịu để cho người khác ... sửa lưng mình, hẳn thế. Nhưng cũng còn một lý do khác: tôi thích những câu thơ 3 chữ có cái chữ "thì" thô thô, nằng nặng ấy, vì nhịp điệu của nó chầm chậm, đều đều, xàng xê như nhịp valse 3/4, mà tôi tưởng tượng rằng nó rất giống như thời khắc lúc ấy, đêm thì đen, đèn thì leo lét (à, cô bạn tôi ở Mỹ dùng từ "leo lắt" ở chỗ này, một cách dùng từ thật sáng tạo vì nó kết hợp "leo lét" và "lay lắt"), xa xa vọng tiếng chuông chùa boong ... boong chậm rãi. Có cái hay của nó chứ bộ?

Rồi tôi chợt nhớ đến những bài thơ 6 chữ mà tôi đã được đọc, không nhiều, nhưng bài nào tôi thấy cũng rất hay, có lẽ vì cái nhịp điệu đều đặn, cân đối của nó. Theo tôi, thơ 6 chữ không dễ làm, hoặc nói đúng hơn là không dễ làm hay. Và bài thơ 6 chữ tiếng Việt hay nhất theo tôi là bài thơ Tình sầu của nhà thơ tiền chiến Huyền Kiêu viết từ năm 1938. Các bạn đọc ở dưới đây nhé: 

Tình sầu
Xuân hồng có chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi tóc xoã ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội


Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối


Thu biếc cũng chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi


Đông xám lại chàng tới hỏi
- Em thơ, chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong lòng mộ tối.


Hay quá phải không các bạn? Thơ, đối với tôi là một cõi riêng, một chốn rong chơi, một nơi trú ẩn (thì tôi đã từng viết rồi còn gì, "Nơi trú ẩn của tôi/ là thơ đấy ..." Các bạn muốn đọc thêm thì vào đây này: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/07/noi-tru-cua-toi.html - lại tranh thủ quảng cáo nữa rồi!). Nhưng thôi, tôi viết đã quá dài, phải dừng lại để còn chỗ giới thiệu bài viết của người bạn thơ của tôi nữa chứ. Một người yêu thơ chẳng kém gì tôi ...

Các bạn đọc bên dưới nhé!
-------------


Tản mạn cuối tuần

BỚT CHỮ TRONG THƠ !  

1. Vương Bột là một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, ông có hai câu thơ được coi là hai câu thơ tả cảnh hay nhất Trung Hoa :



Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc



Ráng chiều cùng với cánh cò cô độc cùng bay

Làn nước thu với bầu trời mênh mông một sắc



Sau có người cho rằng nên bỏ hai chữ  “ dữ ” và chữ “ cộng ”  thì bài thơ gọn và súc tích hơn nhiều :



Lạc hà cô vụ tề phi

Thu thủy trường thiên nhất sắc



Ráng chiều, cánh cò cô độc cùng bay

Làn nước thu, bầu trời mênh mông một sắc



2. Tương tự như vậy tôi muốn nói đến một bài thơ của Vương Duy, vừa được học giả GNLT giới thiệu trên blog Anh Vũ. Đó là bài Lục Ngôn Tuyệt Cú, nhưng nhiều tài liệu ghi là Điền Viên Lạc kỳ 4, nguyên văn như sau : 



田園樂其四

桃紅復含宿雨
柳綠更帶朝煙
花落家童未掃
鳥啼山客猶眠



Đào hồng phục hàm túc vũ,

Liễu lục cánh đới triêu yên.
Hoa lạc gia đồng vị tảo,
Điểu đề sơn khách do miên. 


hàm  : ngậm 

túc vũ : mưa đêm
đới : đeo

triêu yên : sương sớm

đồng : con trẻ

vị : chưa

do : còn



Đào hồng còn ngậm mưa đêm

Liễu xanh còn đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ nhà chưa quét

Chim kêu, khách núi còn ngủ



Nếu như Giang Nam tiên sinh cho rằng mỗi câu có thể thêm một chữ để trở thành thất ngôn tứ tuyệt, thì tôi lại cho rằng mỗi câu nên bớt đi một chữ để trở thành ngũ ngôn tứ tuyệt :



Đào hồng hàm túc vũ,

Liễu lục đới triêu yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào hồng ngậm mưa đêm

Liễu xanh đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



Tới đây 2 câu đầu mỗi câu có thể bớt đi 1 chữ nữa :



Đào hàm túc vũ,

Liễu đới triêu yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào ngậm mưa đêm

Liễu đẫm sương sớm

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



Thậm chí 2 câu đầu còn có thể bớt đi mỗi câu 1 chữ nữa :



Đào hàm vũ,

Liễu đới yên.
Hoa lạc đồng vị tảo,
Điểu đề khách do miên. 



Đào ngậm mưa 

Liễu đẫm sương

Hoa rụng, trẻ chưa quét

Chim kêu, khách còn ngủ



3. Thất ngôn tứ tuyệt thành lục ngôn tứ tuyệt !

Đó là trường hợp một bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa- bài Khai Quyển trong tập Ngục Trung Nhật Ký của HCM - một bài thất ngôn tứ tuyệt, nhưng có lần, không rõ vì sao Nhà Xuất Bản Đà Nẵng khi biên tập đã cắt bớt mỗi câu một chữ cuối- các  túc từ - thành ra bài thơ gần như không còn giữ được ý nghĩa của nguyên tác !



Nguyên tác : 



開卷



老 夫 原 不 愛 吟 詩

因 為 囚 中 無 所 為

聊 借 吟 詩 消 永 日

且 吟 且 待 自 由 時



Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

Nhân vị tù trung vô sở vi

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật

Thả ngâm thả đãi tự do thì



Và bài sau khi đã “ biên tập ” :



老 夫 原 不 愛 吟
因 為 囚 中 無 所
聊 借 吟 詩 消 永
且 吟 且 待 自 由



Lão phu nguyên bất ái ngâm 

Nhân vị tù trung vô sở 

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh 

Thả ngâm thả đãi tự do  





Âu cũng là hy hữu !



Nguyễn Đại Hoàng

4/2013

2 nhận xét:


  1. Theo tôi anh NĐH rút đi mỗi câu 1 chữ thứ 3 thành bài ngũ ngôn, ý nghĩa vẫn nguyên vẹn.
    Còn tôi có thể từ đó rút thành bài này nè :
    Đào hàm vũ
    Liễu đới yên
    Hoa vị tảo
    Điểu do miên

    Đào đẫm nước
    Liễu vương sương
    Hoa chưa quét
    Chim còn ngủ

    Tuy không còn giữ 100% ý nghĩa nguyên tác nhưng còn ai có thể có bài ngắn hơn không. Chú ý TAM NGÔN TỨ TUYỆT đất nhé. Hi hi ! Nghe cũng tuyệt đấy chứ ! Thách luôn anh NĐH đấy !

    Trả lờiXóa
  2. NGUYỄN ĐẠI HOÀNG : Chào bạn. Vâng, chắc là tôi không thể bì kịp tài làm TAM NGÔN TỨ TUYỆT như bạn đâu ! Nhưng cũng lưu ý với bạn là bài Lục Ngôn nói trên bất quá chỉ nên thành bài Ngũ Ngôn thôi mới đảm bảo gần được toàn vẹn ý nghĩa của nguyên tác. Bớt đi một chữ nào đều mất đi ít nhiều ý nghĩa cụ thể hoặc trừu tượng của bài thơ.
    Thí dụ ta bớt đi chữ Hồng, chữ Lục / trong đào hồng, liễu lục / thì không còn thấy mùa Xuân đâu nữa.Bởi mùa Xuân Đào mới hồng.Và liễu mới xanh non. Thí dụ ta bớt đi chữ Túc, chữ Triêu / trong túc vũ, triêu yên / thì không còn cái khí sắc của buổi sáng tinh sương nữa. Tương tự như vậy nếu ta bỏ chữ Gia, chữ Sơn/ trong gia đồng, sơn khách/ thì mất đi rất nhiều cái phong vị của một nếp nhà, một người khách tới chơi. Nhà trên núi.
    Chúc bạn vui khỏe.

    Trả lờiXóa