Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Đường thi dẫn luận (3): Thơ tứ tuyệt (Giang Nam Lãng Tử)

Lại một bài giảng của thầy GNLT dành cho học trò lười và dốt Anh Vũ.

Như tôi đã viết trong những bài trước đây, những bài này chủ yếu là do anh GNLT gửi cho tôi đọc để biết thôi, chứ không nhằm đăng lên blog. Nhưng tôi vẫn muốn đăng lên vì nhiều lẽ: trước hết, là để tôi lưu cho chính mình, để khi cần tìm lại thì có thể tìm dễ dàng. Vì blog - vốn là một cuốn nhật ký mở trên mạng - có chức năng sắp xếp theo ngày tháng, lại cũng có thể lưu theo chủ đề (các nhãn mà mình dán vào cho từng entry), và ngoài ra còn có chức năng search theo từ khóa. Rất tiện lợi cho một người lười (và dốt!) như tôi.

(Viết đến đây tôi bỗng nhớ ra là một trong hai nhân vật "cộm cán" trong lãnh vực CNTT là Steve Jobs và Bill Gate - không nhớ chính xác là người nào - đã từng phát biểu: nếu có việc gì khó, tôi sẽ đưa cho kẻ lười thực hiện, vì anh ta/cô ta sẽ tìm một cách dễ dàng nhất để làm. Bạn có thấy tôi cố tình ghi anh ta/cô ta không, và bạn có đoán ra chưa nhỉ, vâng đúng rồi, ý tôi muốn nói là tuy tôi lười nhưng lâu lâu cái lười ấy cũng có lợi đấy chứ nhỉ, hi hi!)

Một lý do khác khiến tôi muốn đăng lên đây là vì tôi hy vọng sẽ nhận được những ý kiến trao đổi, bình luận của bạn bè gần xa, là điều rất cần thiết để bạn có thể hiểu sâu hơn một vấn đề gì đó. Ngoài ra, có lẽ đó là cách học của tôi thì phải, tôi không thể học và nhớ một điều gì chỉ bằng cách lặng lẽ ngồi đọc, mà phải nói về nó với người khác, nếu không có ai để cho mình nói được thì cũng phải viết về nó, ghi chép lại, tự bình luận chê khen về nó - nói tóm lại là "do something with it" thì mới có thể nhớ được phần nào, vì cảm thấy nó gần gũi hơn, và có ý nghĩa hơn ít ra là với chính mình.

Vâng, phần dẫn nhập của tôi đến đây có lẽ đã quá dài (một cách không cần thiết đối với các bạn, rõ ràng là thế). Tôi viết là để cho tôi thôi mà, như một cái cớ để "do something with it", một cách tự tạo ra active learning cho mình thôi. Nên nếu các bạn thấy phần dẫn nhập này dài dòng nhạt nhẽo thì ... rất xin lỗi các bạn nhé. Nó cũng giống như mấy học sinh lười học và học dốt thì vào lớp lại hay thích nói chuyện lăng nhăng thôi mà. Vớ vẩn, vậy mà chúng nó (bọn học sinh lười học ấy) lại thấy hay, thấy vui, mới là kỳ lạ chứ!

Còn ai là thích là học trò ngoan, nghiêm túc, thì xin đọc ở dưới đây nhé. Bảo đảm sẽ đọc được những thông tin có ích về Đường thi (không phải Phố thi, hi hi hi. Ai không biết Phố thi là gì, xin search trên blog này với từ khóa "Yên tử Phố thi", tất sẽ rõ ạ!)
-------------------

THƠ TỨ TUYỆT

Khái niệm

Tứ tuyệt 四絕 / hoặc Tuyệt cú 絕句
Tiếng Anh tạm dịch là: “Four superb”.
« Tuyệt » với các nghĩa « dứt, đứt, ngớt, dừng... » như các từ « đoạn tuyệt », « tuyệt giao »... « tuyệt tử, tuyệt tôn » (không sinh con cháu).
« Tuyệt » lại có nghĩa đẹp « tuyệt vời » « tuyệt sắc giai nhân ». v.v...

Đến nay vẫn chưa ai giải thích rõ nghĩa của « tứ tuyệt » được mọi người chấp nhận.

Tứ tuyệt gồm hai dạng chính:
Tứ tuyệt thất ngôn 4 x 7 (gọi tắt : thất tuyệt)
Tứ tuyệt ngũ ngôn 4 x 5 (gọi tắt : ngũ tuyệt) .


Có hai giả thuyết:
1. Tứ tuyệt có trước bát cú

2. Tử tuyệt là con đẻ của bát cú.
Đến nay người TQ cũng chưa xác quyết bề nào.
Tuy nhiên nếu ta theo giả thuyết 2 thì việc tìm hiểu « Tứ tuyệt » dễ dàng hơn.

Từ một bài "thất ngôn bát cú" cắt ra theo 4 cách sẽ tạo ra bốn dạng "tứ tuyệt".
Dạng 1 : Gồm bốn câu đầu của bát cú (1, 2, 3, 4 )
Dạng 2 : Gồm bốn câu cuối ... (5, 6, 7, 8 )
Dạng 3 : Gồm bốn câu giữa ... (3, 4, 5, 6 )
Dạng 4 : Gồm 2 câu đầu và 2 câu cuối... (1, 2, 7, 8 )


Chúng ta hãy xem xét về vần và đối của 4 dạng tứ tuyệt
(căn cứ theo sự trích rút từ thể loại Mẹ : bát cú):
Dạng (1) : có ba vần, câu 3 – 4 đối nhau
Dạng (2) : có hai vần, câu 1 - 2 đối nhau
Dạng (3) : có hai vần, câu 1- 2 đối nhau và 3- 4 đối nhau
Dạng (4) : có ba vần, không có đối.


Làm thơ tứ tuyệt dạng (4) có vẻ dễ nhất, vì dạng này không có đối.

04 BÀI THƠ TỨ TUYỆT DẪN CHỨNG

Loại 1 - QUÂN HÀNH, Lí Bạch (ba vần, đối câu 3 và 4)

Lựu mã tân khoa bạch ngọc an
chiến bãi, sa trường nguyệt sắc hàn
thành đầu thiết cổ vang do chấn
hạp lí kim đao huyết vị can


(Dịch nghĩa: (Thắng) con ngựa quý, thay dây cương, yên gắn ngọc trắng
Trận chiến ngừng, ánh trăng lạnh phủ trên bãi sa trường
Từ đầu thành, tiếng trống trận còn dư âm
Trong hộp, kiếm vẫn còn dính máu
(Lãng tử dịch)


Loại 2 - TƯƠNG GIANG ( hai vần: câu 2 và 4, 1 cặp đối : câu 1 và 2)

Quân tại Tương giang đầu
thiếp tại Tương giang vĩ
tương tư bất tương kiến
đồng ẩm Tương giang thủy


(Dịch nghĩa: Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Cùng nhớ nhau mà không được gặp/ Cùng uống nước sông Tương – Lãng tử)

Loại 3 - TUYỆT CÚ (Ðỗ Phủ) có 2 vần - 2 cặp đối

Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Ðông Ngô vạn lí thuyền


Đôi chim oanh kêu vang trong đám liễu biếc
Một hàng cò trắng vút lên trời xanh
Song cửa sổ chứa đựng núi Tây Lĩnh tuyết đọng ngàn năm.
Ngoài cửa ngõ, đỗ con thuyền xứ Đông Ngô từ xa vạn dặm.


Chú thích: Đỗ Phủ đang ở một mình trong căn lều tranh trên bờ sông (bạn hửu dựng cho), xa nhà,
chạy loạn.. Muốn về quê tỉnh Hà Nam, ông phải đi qua xứ Đông Ngô (tức Giang Tô).


Loại 4 - Ðề cúc hoa (Hoàng Sào) 03 vần, không có đối

Táp táp tây phong mãn viên tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan tai
Tha niên ngã nhược vi Thanh Ðế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai


Vi vút đầy vườn thổi gió tây
Nhụy rầu hương lạnh bướm khôn bay
Nếu xuân năm tới ta làm Chúa
Truyền với hoa đào nở cả đây

(chú thích : Thanh đế - vị chúa của cỏ cây )

Lưu ý: Khi viết tứ tuyệt, người ta thấy khó nhất là câu thứ 3. Câu 3 là bước ngoặt, tạo đà cho câu chót xuất hiện. Câu thứ 3 thường xuất hiện đột ngột, dường như không nối tiếp ý của 2 câu đầu, mạch thơ dường như đứt gãy. Sự đứt gãy này tạo ra câu kết bất ngờ và bừng lên xúc cảm.

Nhà thơ cảm thấy viết tứ tuyệt tuy ngắn nhưng rất khó, như Chế Lan Viên đã viết:

Bài thơ “Tứ tuyệt”:

“Uốn cả hồn anh thành tứ tuyệt
Kẹt trong hẽm đá voi quỳ chân
Đã đưa ngà được lên trăng sáng
Vòi chửa buông xong để uống vần”

Thơ tứ tuyệt vẫn được người sáng tác ưa thích, khá phổ biến, dường như nhiều hơn cả bát cú.

Câu hỏi ôn tập [cái này chỉ dành cho AV thôi nhé]:

Thi hào Nguyễn Du viết hai câu 99 và 100 (Truyện Kiều) tả cảnh Thúy Kiều viếng mộ Đạm Tiên
«Rút trâm sẵn dắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần »


Hỏi: Thúy Kiều viết bài tứ tuyệt dạng nào (1, 2, 3, 4 ?) để tặng Lưu Đạm Tiên - kỹ nữ hồng nhan bạc mệnh ?

GNLT
-------------
Thắc mắc và trả lời của học trò lười và dốt (nhưng có lẽ cũng khá ... thông minh, hi hi, ai không tin thì xem lại phần dẫn nhập, chỗ trích lời của Steve Job hay Bill Gate gì đó, về việc tại sao phải đưa việc khó cho người lười, nhé!)

1. Thắc mắc (do mất căn bản?): Trong mấy bài thơ minh họa của thầy, em không hiểu tại sao lại là 3 vần hoặc 2 vần ạ? Riêng phần đối thì rõ rồi.

2. Trả lời: bài thơ bốn câu 3 vần thì chỉ có thể là loại 1 hoặc loại 4, theo ví dụ ở trên, phải không ạ? Nhưng còn 1 hay 4 thì ... hu hu, em không biết!

Mong thầy chỉ giáo thêm ạ!

2 nhận xét:

  1. Đáp từ 1: Người lười biếng ưa nói tắt "hai vần / ba vần" thay vì phải nói chính xác: "vần được gieo 2 / 3 lần" ( mặc định từ bài trước rằng: Đường luật thi chỉ có một vần cho cả bài)..Cụ thi hào Nguyễn Du cũng lười biếng, đâu chỉ riêng GNLT

    Đáp từ 2: Nguyễn Du viết "bốn câu ba vần" không nói gì tới "đối" tức là "không có đối". Đó là logic loại trừ. Vậy, bài thơ Thúy Kiều cảm tác vạch lên cây tặng Đạm Tiên là tứ tuyệt loại 4.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cho bài viết tốt đẹp. Khi đi du lịch, tôi sử dụng các hướng dẫn để http://guidesebooks.com/index-vi-15-2225. Đây là những cuốn sách điện tử với hướng dẫn.

      Xóa