Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Nghĩ về ngày xưa

Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một câu nói rằng chỉ có người già thường nghĩ về quá khứ - về ngày xưa - vì người ta chẳng còn tương lai để mà nhìn tới nữa. Vì người trẻ thì sẽ bận bịu nghĩ đến tương lai. Nếu điều này đúng, thì có lẽ tôi đã già từ khi tôi ... còn trẻ, thậm chí khi còn là thiếu niên, tuổi teen như bây giờ người ta thường gọi. Vì ngay từ lúc ấy bao giờ tôi cũng thích nghĩ và nhớ về quá khứ, về những kỷ niệm đã qua, dù là kỷ niệm đẹp hay là kỷ niệm buồn.

Không, tôi hay nhớ về quá khứ nhưng đó là một trí nhớ chọn lọc (selective memory), các bạn ạ.  Tôi chắc chắn sẽ không nhớ đến những điều xấu, những diều hại hay những sự xúc phạm vv mà người khác gây ra cho tôi đâu ạ. Vì tuy mơ mộng, lãng mạn nhưng tôi cũng rất nóng và phản ứng mãnh liệt khi bị xúc phạm hoặc bị xâm hại, nên sau những cơn nóng giận đó thì mọi việc được xóa sạch dấu vết chẳng còn gì trong tâm trí tôi nữa. Có nhớ thì chỉ nhớ những kỷ niệm êm ả mà thôi, dù buồn dù vui.

Tôi nghĩ đến ngày xưa là vì hôm qua tôi mới có dịp trở lại chốn cũ nhân một buổi lễ tổng kết lại "thành tựu" của một giai đoạn mà tôi cũng có ít nhiều đóng góp ở giai đoạn đầu tiên đầy khó khăn và bỡ ngỡ. Lúc ấy, tôi làm việc rất say sưa, đầy cảm hứng và lòng tin mãnh liệt vào điều mình làm. Giờ đây, nhìn lại tôi thấy một cách nào đó, sự hứng khởi của tôi thời ấy hơi ngây thơ, khá giống thời sau năm 1975 có giai đoạn cả nước ta lao vào "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH", với những đợt "ra quân" của TNXP, với những bài hát hùng tráng "Ta đi giữa mùa Xuân trên đường ra trận/Tiền phương xa giục lòng ta mạnh bước/Lời nước non như càng rộn rã lòng ta/Băng qua muôn núi ngàn khe rộn vui tiếng ca ..." Tất nhiên sự hứng khởi ấy chỉ được có một thời gian ngắn thôi, vì thiếu những điều kiện thực tế để nó tồn tại một cách bền vững - well, ít ra là trong trường hợp của riêng tôi.

Nhưng việc quay thăm lại chốn cũ vẫn làm lòng tôi rộn ràng, xao xuyến. Tôi không hiểu người khác như thế nào, nhưng đối với tôi thì mọi cảm xúc đều gợi cho tôi nhớ đến những câu thơ, những dòng nhạc mà tôi đã biết qua và có thể đã quên bẵng đi, nhưng khi có cảm xúc đến thì tự nhiên bộ nhớ của tôi lại tự động truy cập vào đúng chỗ và lấy ra cho tôi. Chẳng hạn, bài hát về TNXP mà tôi mới nhắc đến ở trên. Một bài hát thật vui, khỏe mạnh và hùng tráng, dù như tôi nói ở trên, nó cũng cho thấy sự ngây thơ và hơi ấu trĩ của mình.

Và một bài hát khác nữa, có thể nói là ngược hẳn về phong cách và ý tứ với bài hành khúc nói trên.

Vâng, bài hát ấy có tên là bài Ngày xưa của nhạc sĩ Tô Vũ. Các bạn hãy vào đây mà nghe lại nhé: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ngay-xua-tam-ca-ao-trang.B6rci.IDCew.html.

Tôi nghe bài hát này lần đầu tiên là lúc 11 tuổi, khi mới vào lớp 6 trường Gia Long. Lúc ấy, lớp 6/1 của tôi ở gần phòng tập nhạc của trường, nên thỉnh thoảng trong khi học tôi vẫn nghe văng vẳng xa xa tiếng đàn Mandoline của dàn đồng ca của trường đánh bài này, thỉnh thoảng lại nghe có cả tiếng hát nữa.

Một bài hát mà tôi cho là quá hay, giai điệu quá đẹp, mặc dù khá buồn. Và nó rất phù hợp với tâm trạng (và tố chất nữa, chắc thế) của tôi: nó mơ màng, hơi buồn buồn, nó gợi cho ta nhớ những gì xa xăm, mơ hồ không rõ, rất nhẹ nhàng nhưng lại cũng rất mạnh, vì nó làm cho lòng tôi xáo động không ngừng. Sau này tôi mới biết là bài hát ấy nói về hai vị nữ anh hùng dân tộc là Hai Bà Trưng, một hình tượng (thần tượng?) quá phù hợp với một trường nữ như trường Gia Long thời ấy.

Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu?
...

Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn oai linh sống trong muôn nghìn sóng
Những khi nào chiều vắng trầm vang lên tiếng ca.

Bài hát quá hay, quá đẹp phải không các bạn? Hay và đẹp cả giai điệu lẫn ca từ, cả lời lẫn ý. Và đặc biệt là câu hát "những khi nào chiều vắng trầm vang lên tiếng ca" lại được cất lên vào lúc ban chiều (tiết học cuối cùng, tôi nhớ thế), sân trường Gia Long thì rất thơ mộng, cây cao rợp bóng, lúc nào cũng mát mẻ và yên tĩnh, như không khí của một thánh đường. Vâng thánh đường giáo dục, thánh đường khoa học.

Có lẽ cái cảm giác yên tĩnh như trong một thánh đường đó cũng đã từng có với tôi vào thời tôi làm việc tại cơ quan cũ. Buổi chiều, tôi hay ở lại trễ một chút để làm xong những việc dở dang, lúc ấy mọi người đã về hết hoặc gần hết, chỉ còn lại tôi trong phòng, xung quanh vắng lặng. Cũng cây cao bóng cả, cũng không gian khoảng khoát, đôi khi còn có tiếng chim (ít thôi, vì chắc là quanh khu ấy có nhiều sinh viên hoặc công nhân ở trọ, và chắc là không loại trừ việc chim chóc cũng bị bắn để ... ăn thịt?)

Và tôi nhớ, vào cuối ngày thỉnh thoảng tôi cũng có gửi email đến sếp để chia sẻ một vài suy nghĩ về công việc, về cuộc sống, về những mơ ước về một tương lai giáo dục tươi sáng hơn cho VN. Rất thường, tôi cũng hay nhận được câu trả lời của sếp chỉ trong vòng vài chục phút, và biết rằng sếp cũng đang còn làm việc. Một cảm giác ấm cúng và được an ủi rất rõ ràng, vì lúc ấy tôi thấy mình may mắn hơn Tú Xương rất nhiều vì không phải chịu tâm trạng trong câu thơ: "Một mình đứng giữa quãng bơ vơ". Hoặc một câu thơ cay đắng hơn: "Thiên hạ có khi đang ngủ cả/Tội gì mà thức một mình ta".

Vâng, những ấy ngày đẹp - dù căng thẳng và cũng nhiều xung đột, đến nỗi tôi đã quyết định rời bỏ nó. Nhưng những gì là căng thẳng, là xung đột tôi cũng đã quên sạch rồi. Còn khi thăm lại nó ngày hôm qua, tôi chỉ còn nhớ những gì êm đẹp, thanh tịnh và thuần khiết mà thôi. Và thấy ngày xưa thật đẹp.

Trong tâm trạng nhớ ngày xưa, tôi có viết mấy dòng cho sếp để cám ơn đã nhớ tôi và mời dự lễ, lại còn khen thưởng nữa chứ, nhưng lẽ ra để sòng phẳng thì nên có cả phạt nữa vì lúc ấy hẳn là có những lúc tôi cũng đã từng làm cho sếp đau đầu lắm. Bức thư ấy khá dài (như ngày xưa), và sếp cũng đã trả lời, hơi dài (cũng như ngày xưa).

Bức thư ấy có câu cuối mà tôi rất thích, xin chép lại ở đây:

Ngày xưa, ngày xưa .... Tôi nhớ ngày xưa quá!

Vâng, cám ơn ngày xưa!
-------------

Khuyến mãi (!): Hình chụp buổi ăn tối (cơm chay) cùng ngày với "người xưa", bà Nantana Gajaseni, GĐ điều hành Mạng đại học ĐNÁ (AUN), người có 8 năm làm việc cùng với tôi của thời "ngày xưa" ấy (2004-2011).

1 nhận xét: