Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Đàn bò vào thành phố ...

...
đêm buồn vắng buồn hơn
Đàn bò vào thành phố
không còn ai hỏi thăm
Đàn bò tìm dòng sông
nhưng dòng nước cạn khô
Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn ..


Đó là bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn mà tôi được nghe qua giọng hát của Khánh Ly, lần đầu tiên khi tôi còn học cấp 2 ở trường Gia Long. Lúc ấy, vào đầu thập niên 1970, tôi mới hơn 10 tuổi, cuộc sống lúc ấy ở Sài Gòn dường như đang có nhiều thay đổi - tôi chỉ cảm nhận được qua những lo lắng của người lớn lúc ấy. Và dường như nhạc Trịnh qua giọng hát của Khánh Ly là một hiện tượng mới đang nổi lên. Đi đâu cũng nghe giọng hát mà người ta gọi là "ma quái" ấy, và những lời ca như những lời thở than về thân phận nhược tiểu, về chiến tranh, về những bi kịch của kiếp người ...

Nghe một lần, và nhớ mãi. Bài hát này được tôi nhớ lại hôm qua, khi viết mẩu "Lại buồn". Buồn, rồi sao nữa? Câu trả lời của Trịnh, trong bài "Đàn bò vào thành phố", là ... hết buồn. Ừ, quả thật vậy. Hôm nay tôi đọc bài 3 của loạt bài trên báo SGGP, rồi bài viết của GS NVT trên blog, và những ý kiến của bạn đọc về loạt bài này, thì tôi không còn mảy may xúc động gì nữa. Bão hòa rồi. Và chỉ còn nghĩ đến nhạc Trịnh thôi.

Nhạc Trịnh. Từ lúc tôi nghe bài đầu tiên, những bài hát trong tập "Ca khúc da vàng" (mà dường như cho đến nay vẫn chưa được phép lưu hành) đến nay đã gần 40 năm rồi. Nhạc Trịnh đối với tôi đã trở thành một loại Kinh Thánh, hay một loại Truyện Kiều, một kho tàng các "trích dẫn" ẩn chứa sự khôn ngoan, thâm thúy, nằm sâu trong bộ nhớ dài hạn nhưng luôn được "truy hồi" một cách tự động cho từng tình huống trong cuộc sống của tôi.

Những lời ca của Trịnh, tôi đã nghe khá nhiều người lên án vì quá bi quan, ảo não. Như: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây? Như: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ? Như: Gia tài của mẹ để lại cho con ... là nước Việt buồn. Như: Người nô lệ da vàng ngủ quên ... quên nước quên non; ngủ quên không thấy quê hương. Như: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng ... để gió cuốn đi. Như: Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy... Ủy mị thật. Tiêu cực thật. Nhưng rõ ràng nó vẫn có một tác dụng gì đó đối với tâm hồn, hay ít ra, đối với tâm hồn tôi. Ở những thời điểm có tâm trạng nhất định.

Nhạc Trịnh chỉ hay ở ca từ, hay ở giai điệu? Tôi không rõ. Đối với tôi, hỏi câu hỏi này cũng giống như hỏi tôi là tôi thích cái áo tôi đang mặc vì chất liệu hay vì kiểu dáng. Tôi nghĩ, hai cái này không tách ra được - ừ, thì chắc cố thì cũng được, nhưng không dễ. Vì chất liệu đó phù hợp với kiểu dàng đó, tách chúng ra thì giá trị của từng yếu tố chỉ còn ở mức trung bình hay thấp hơn. Nhưng sự phối hợp của cả 2 lại cho ta một sản phẩm xuất sắc. Nó giống như món nộm rau muống mà mẹ tôi hay làm. Chỉ là rau muống luộc, mắm tôm, chanh, ớt, một chút đường, lá kinh giới, và vừng rang. Từng yếu tố đều rất bình thường, rẻ tiền, mà nếu chấm điểm từng yếu tố thì thậm chí có lẽ có những yếu tố còn chưa đạt mức trung bình. Nhưng kết hợp chúng lại, thì mới tuyệt vời làm sao...

Tản mạn vài dòng vào buổi sáng ở cơ quan trước một cuộc họp (ôi, họp!). Trịnh, đối với tôi là một niềm tự hào của người Việt. Một hiện tượng. Một nhân tài, dù có thể ở VN vẫn còn quan niệm ... xướng ca vô loài. Phải chăng chỉ có các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học tự nhiên, như Toán, Lý, mới có đóng góp cho xã hội? Phải chăng chỉ có các nghề nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, mới là những nghề cao quý, đáng kính trọng? Hình như thế, điều này đã được "thể chế hóa" trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt có các từ "thầy thuốc", "thầy cãi"; nhưng ... "con hát" (= ca sĩ!) và "con sen" (= người giúp việc).

Còn lý do dẫn tôi đến việc những dòng tản mạn này là gì? Là sự tiếp nối của mẩu "Lại buồn" hôm trước. Buồn, rồi rất buồn. Hình như có quá nhiều đàn bò đã vào thành phố. Và ...

mẹ già hết chờ mong, đã ngủ yên
mẹ già mãi ngủ yên.
Buông lời ru cho hư không
buông bàn tay, con đi hoang
con đi hoang một đời
con đi hoang phận mình
...
và người bỗng hết buồn, đã hết buồn
Người lặng nghe đá lên trong hồn
.

3 nhận xét:

  1. Hì hì, Trịnh chỉ có lời kết hợp với cái i a của điệu kệ tụng kinh nó hợp với lời than vãn của thân phận con người. Đặc biệt thân phân của một dân tộc lắm bi kịch và đoạn trường như dân tộc Việt.

    Trả lờiXóa
  2. "Sự thật mất lòng".
    Năm 70, đất nước đang còn chiến tranh, ai có tấm lòng đều xót xa.
    Trịnh Công Sơn nói đúng lòng người thì nhiều người không thích.

    Nhạc Trịnh phần lớn là buồn, mà đối với em, khi tôn chỉ cuộc sống là Kinh Thánh thì nhạc Trịnh nói lên đúng những gì Chúa nói.

    Trong sách Truyền đạo chương 7 câu 2,3,4:
    "7:2 Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. 7:3 Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. 7:4 Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng".

    và em lại đọc trong chương 7, câu 15,16:

    "...Người công bình tuy công bình cũng phải hư mất; và kẻ hung ác tuy hung ác lại được trường thọ. 7:16 Chớ công bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn ngoan quá; cớ sao làm thiệt hại cho mình?"

    Cảm ơn chị!
    HQ

    Trả lờiXóa
  3. Tôi có viết cái còm này trên blog của Dr Nikonian. Nhưng để chắc ăn, biết đâu bị "tự ý đục bỏ" mất, thôi thì chép nó để ở đây cái đã.

    Nó ở dưới đây!

    Thưa các bác,
    Xin phép mượn nhà bác Nikonian nói chuyện với HQ chút nhé! Cũng như Huy Quang, tại vì cái tranh luận nho nhỏ với bác Hồ Hải về nhạc Trịnh mà tôi cũng mới vừa lên tiếng về nhạc Trịnh, và lại trở lại đây.

    Tôi đọc cái entry và tất cả những cái còm này rồi, và tôi thấy tất cả đều hay – trước hết, và kể cả, bài đầu tiên của TTD nữa. Cả bác Đào Hiếu, và cả bác Nikonian. Người nào người nấy viết … đâu ra đấy, sắc sảo ra trò. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

    Và tôi cũng thấy tất cả đều đúng. Ba phải ư? Nhưng đúng thế, tất cả đều đúng mà, dù ở đây có 2 quan điểm trái ngược.

    Trong cái còm của mình trên đây, Huy Quang nói, mới ăn mắm tôm xong. Mắm tôm, trước đây người miền Nam không ăn, và chắc chắn không thể nào ngửi nổi. Nhưng bây giờ mọi người đã ăn rồi, ăn cả cà pháo nữa. Và thấy ngon lắm.

    Còn bố mẹ tôi, người gốc Bắc, thì không ăn sầu riêng. Không ngửi nổi. Có lần, hồi năm bảy mấy lận, có người cho, quý lắm, để trong nhà mẹ tôi không thể nào chịu nổi, phải mau mau đem cho hàng xóm.

    Còn tôi, tôi có thể ăn một mình hết một trái nho nhỏ, thật đấy! Đặc biệt là khi nào đi làm, rất mệt, và stressed. Ăn xong, thấy … sướng!

    Ai dám bảo là tôi đúng, và mẹ tôi sai? Sở thích là như thế đó. Tôi thích, thì đúng là tôi thích mà. Và mẹ tôi ghét, thì quả là như thế!

    Các bác ấy cãi nhau cho vui thôi Huy Quang ạ! Chơi chữ, nó cũng giống như chơi games máy tính, hay là chơi đàn, hay chơi thể thao thôi mà. Riêng bác TTD, bác ấy có hơi lẫn lộn một chút giữa chính trị và âm nhạc. Một bên là phạm trù hoàn toàn lý tính – tính toán, mưu đồ; và một bên là cảm tính – thích hay không thích, nghe xong thấy … sướng, hay là … “muốn ói”. Có lẽ không nên thế, phải không các bác?

    Nhưng nếu xét bác TTD như một người viết lách, thì bác ấy viết cũng giỏi đấy! Ít ra, bác ấy có cái áo treo rất nhiều huy chương lấp lánh, đẹp! Còn bên trong, thì làm sao biết được! Và không biết thì … phải chọn tư thế của Dr Nikonian thôi, chứ sao!

    Trả lờiXóa