Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

Lại chuyện chữ nghĩa: tiêu chí, chỉ tiêu, chỉ báo, chỉ số, tiêu chuẩn, và chuẩn mực (1)

Lý do của entry này là tôi đang đọc cuốn sách The Use of Performance Indicators in Higher Education: The Challenge of the Quality Movement của các tác giả Martin Cave, Stephen Hanney, Stephen Henkel, và Maurice Kogan (ấn bản lần thứ ba), NXB Jessica Kingsley (London 2006). Và cần phải dịch một số từ ra tiếng Việt, trong đó có từ quality indicators.

Từ indicators, có một số dịch giả chuyển sang tiếng Việt bằng từ "chỉ báo", để phân biệt nó với từ "chỉ số", tiếng Anh là index. Nếu chấp nhận cách dịch này, quality indicator sẽ được dịch sang tiếng Việt là chỉ báo chất lượng.

Phân biệt nghĩa của 2 từ này:
- index =
1. a numerical scale used to compare variables with one another or with some reference number
2. a number or ratio (a value on a scale of measurement) derived from a series of observed facts; can reveal relative changes as a function of time
list in an index
3. exponent: a mathematical notation indicating the number of times a quantity is multiplied by itself
4. an alphabetical listing of names and topics along with page numbers where they are discussed
...
Nguồn: wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn

- indicator =
1. index: a number or ratio (a value on a scale of measurement) derived from a series of observed facts; can reveal relative changes as a function of ...
2. a signal for attracting attention
...
Nguồn: wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn


Nhận xét: 2 từ này có thể dùng thay thế cho nhau trong 1 vài trường hợp (nghĩa đầu tiên của indicator). Sự khác biệt nằm ở nghĩa số 2 của từ indicator. Trong nghiên cứu giáo dục, người ta dùng index để chỉ một con số với một ý nghĩa nào đó (= chỉ số), và indicator để chỉ một dấu hiệu nào đó, có thể là một con số hay cũng có thể là một tập hợp nhiều con số hoặc cả từ ngữ, hình ảnh, vv; tất cả mang một ý nghĩa gì đó về một vấn đề cần tìm hiểu.

Một ví dụ: điểm trung bình môn tiếng Anh cuối học kỳ môn tiếng Anh của một sinh viên là một chỉ số, ví dụ là 4/10. Còn điểm số của nhiều môn học (đều ở mức trung bình), cộng với việc vắng mặt thường xuyên, cộng với việc sinh viên này có rất ít bạn bè cùng lớp vv, có thể là một "chỉ báo" về việc sinh viên ấy đã chọn không đúng ngành học phù hợp với mình.

Tuy nhiên, cụm từ chỉ báo chất lượng là một cụm từ không mấy thông dụng ở VN. Trên báo chí VN chỉ hay nghe nói đến các "chỉ tiêu". Chỉ tiêu chất lượng, là một từ nghe quen thuộc hơn rất nhiều so với từ chỉ báo chất lượng. Vậy 2 cụm từ này có đồng nghĩa với nhau không?

Theo tôi, tùy theo ngữ cảnh, hai cụm từ này có lúc trùng nhau về nghĩa, nhưng cũng có những chỗ khác biệt. "Chỉ báo" nói đến một thực trạng đang có, mang tính khách quan, còn chỉ tiêu có thể dùng giống chỉ báo nhưng cũng có thể dùng để chỉ một kết quả mong đợi (người ta nói: "đạt chỉ tiêu", chứ không nói "đạt chỉ báo"). Và từ này có vẻ như không có tương đương trong tiếng Anh, nên khi dịch phải dùng index, indicator, hoặc statistics, tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Tạm thế đã, sẽ viết tiếp phần 2, 3, 4 sau!

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Đàn bò vào thành phố ...

...
đêm buồn vắng buồn hơn
Đàn bò vào thành phố
không còn ai hỏi thăm
Đàn bò tìm dòng sông
nhưng dòng nước cạn khô
Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn ..


Đó là bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn mà tôi được nghe qua giọng hát của Khánh Ly, lần đầu tiên khi tôi còn học cấp 2 ở trường Gia Long. Lúc ấy, vào đầu thập niên 1970, tôi mới hơn 10 tuổi, cuộc sống lúc ấy ở Sài Gòn dường như đang có nhiều thay đổi - tôi chỉ cảm nhận được qua những lo lắng của người lớn lúc ấy. Và dường như nhạc Trịnh qua giọng hát của Khánh Ly là một hiện tượng mới đang nổi lên. Đi đâu cũng nghe giọng hát mà người ta gọi là "ma quái" ấy, và những lời ca như những lời thở than về thân phận nhược tiểu, về chiến tranh, về những bi kịch của kiếp người ...

Nghe một lần, và nhớ mãi. Bài hát này được tôi nhớ lại hôm qua, khi viết mẩu "Lại buồn". Buồn, rồi sao nữa? Câu trả lời của Trịnh, trong bài "Đàn bò vào thành phố", là ... hết buồn. Ừ, quả thật vậy. Hôm nay tôi đọc bài 3 của loạt bài trên báo SGGP, rồi bài viết của GS NVT trên blog, và những ý kiến của bạn đọc về loạt bài này, thì tôi không còn mảy may xúc động gì nữa. Bão hòa rồi. Và chỉ còn nghĩ đến nhạc Trịnh thôi.

Nhạc Trịnh. Từ lúc tôi nghe bài đầu tiên, những bài hát trong tập "Ca khúc da vàng" (mà dường như cho đến nay vẫn chưa được phép lưu hành) đến nay đã gần 40 năm rồi. Nhạc Trịnh đối với tôi đã trở thành một loại Kinh Thánh, hay một loại Truyện Kiều, một kho tàng các "trích dẫn" ẩn chứa sự khôn ngoan, thâm thúy, nằm sâu trong bộ nhớ dài hạn nhưng luôn được "truy hồi" một cách tự động cho từng tình huống trong cuộc sống của tôi.

Những lời ca của Trịnh, tôi đã nghe khá nhiều người lên án vì quá bi quan, ảo não. Như: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây? Như: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ? Như: Gia tài của mẹ để lại cho con ... là nước Việt buồn. Như: Người nô lệ da vàng ngủ quên ... quên nước quên non; ngủ quên không thấy quê hương. Như: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng ... để gió cuốn đi. Như: Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời, dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy... Ủy mị thật. Tiêu cực thật. Nhưng rõ ràng nó vẫn có một tác dụng gì đó đối với tâm hồn, hay ít ra, đối với tâm hồn tôi. Ở những thời điểm có tâm trạng nhất định.

Nhạc Trịnh chỉ hay ở ca từ, hay ở giai điệu? Tôi không rõ. Đối với tôi, hỏi câu hỏi này cũng giống như hỏi tôi là tôi thích cái áo tôi đang mặc vì chất liệu hay vì kiểu dáng. Tôi nghĩ, hai cái này không tách ra được - ừ, thì chắc cố thì cũng được, nhưng không dễ. Vì chất liệu đó phù hợp với kiểu dàng đó, tách chúng ra thì giá trị của từng yếu tố chỉ còn ở mức trung bình hay thấp hơn. Nhưng sự phối hợp của cả 2 lại cho ta một sản phẩm xuất sắc. Nó giống như món nộm rau muống mà mẹ tôi hay làm. Chỉ là rau muống luộc, mắm tôm, chanh, ớt, một chút đường, lá kinh giới, và vừng rang. Từng yếu tố đều rất bình thường, rẻ tiền, mà nếu chấm điểm từng yếu tố thì thậm chí có lẽ có những yếu tố còn chưa đạt mức trung bình. Nhưng kết hợp chúng lại, thì mới tuyệt vời làm sao...

Tản mạn vài dòng vào buổi sáng ở cơ quan trước một cuộc họp (ôi, họp!). Trịnh, đối với tôi là một niềm tự hào của người Việt. Một hiện tượng. Một nhân tài, dù có thể ở VN vẫn còn quan niệm ... xướng ca vô loài. Phải chăng chỉ có các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học tự nhiên, như Toán, Lý, mới có đóng góp cho xã hội? Phải chăng chỉ có các nghề nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, mới là những nghề cao quý, đáng kính trọng? Hình như thế, điều này đã được "thể chế hóa" trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt có các từ "thầy thuốc", "thầy cãi"; nhưng ... "con hát" (= ca sĩ!) và "con sen" (= người giúp việc).

Còn lý do dẫn tôi đến việc những dòng tản mạn này là gì? Là sự tiếp nối của mẩu "Lại buồn" hôm trước. Buồn, rồi rất buồn. Hình như có quá nhiều đàn bò đã vào thành phố. Và ...

mẹ già hết chờ mong, đã ngủ yên
mẹ già mãi ngủ yên.
Buông lời ru cho hư không
buông bàn tay, con đi hoang
con đi hoang một đời
con đi hoang phận mình
...
và người bỗng hết buồn, đã hết buồn
Người lặng nghe đá lên trong hồn
.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Lại buồn!

Buồn, là một mẩu mà tôi đã viết trên blog này, cách đây không lâu. Ai muốn biết mẩu đó, xin tìm lại trên blog này (= tìm cách "câu độc giả", hơi bị lộ liễu !) :-)

Buồn, hình như cũng là tựa một bài thơ của tác giả nào đó thời tiền chiến, tôi không nhớ rõ (thật ra vào cái thời gúc-gồ này thì tìm ra ngay thôi, nhưng tôi đang viết trên blog cá nhân = cảm tính, nên cho phép mình ... lười, không tìm), với những câu như sau (hình như thế, xin lỗi không chính xác, nhưng chính xác thì đâm ... mất hay, phải không HQ?):

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn ...


Nhưng cái buồn của tôi đang viết ở đây là một cái buồn khác, không liên quan gì đến 2 cái buồn vừa nêu:

1. Cái buồn số 1, liên quan đến một blogger bạn tôi đòi đóng blog; chuyện đó đã không xảy ra, nên nó thành "vui" mất rồi.

2. Còn cái buồn số 2, là buồn vô cớ của một nghệ sĩ, rất vẩn vơ, vơ vẩn, và nếu người nào duy lý, thì sẽ gọi nó là cái buồn VỚ VẨN (chỉ thêm một cái dấu sắc vào thôi, mà nó khác hẳn về ý nghĩa, tiếng Việt đúng là hay thật!).

Cái buồn của tôi hôm nay, khi viết những giòng này, thì rất có cớ! Đó là vì ông xã tôi hôm nay lại nhắc tôi đọc báo SGGP. Ông xã tôi mà nhắc đọc báo, thì các bạn biết rồi đấy, thế nào cũng có chuyện đáng quan tâm. Đây này, biết ngay mà! Các bạn thử đọc đi, rồi cho tôi biết, có đáng buồn không nào?

Đọc xong, tôi có mấy cảm nghĩ như sau:

1. Ngạc nhiên, nhưng mà rất mừng, vì báo SGGP, là "cơ quan của Đảng bộ ĐCSVN TP HCM, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM", lại là nơi đầu tiên thẳng thắn chỉ ra cái chưa được của một trường đại học công (rất đau khổ, đó lại là cơ quan yêu quý của tôi).

Thiết nghĩ, những việc làm như thế này, dù có ... đau thật, nhưng là cái đau cần thiết, giống như mổ một cái ung ra khỏi cơ thể. Và rất hoan nghênh báo SGGP đã làm việc này! Chắc chắn tác dụng chống tham nhũng trong giáo dục của những việc làm như vậy sẽ cao hơn rất nhiều, so với việc, ví dụ, dạy thêm vài ba tiết học về chống tham nhũng trong chương trình học của học sinh phổ thông!

2. Băn khoăn, là tại sao một việc như vậy lại có thể xảy ra trước thanh thiên bạch nhật như thế? Và, theo bài báo, thì trước sự bức xúc của các nhà khoa học trong Hội đồng, và cả của các cử tọa ngồi bên dưới nữa? Chẳng lẽ, một việc như vậy đã trở nên ... chuyện thường ngày trong môi trường giáo dục của ta rồi hay sao? Mà nếu vậy, thì tại sao, tại sao, tại sao, trời ơi? Một câu hỏi lớn???

3. Phẫn nộ, vì theo cách đặt vấn đề của tờ báo, thì có thể còn có cả xã hội đen có liên quan đến việc này nữa? Lại nhớ những ... cảnh báo, nhắc nhở của ông xã "đa nghi như Tào tháo" của tôi: Em cẩn thận đấy, nói năng thì giữ mồm giữ miệng, chơi với ai thì cũng đừng quá tin người, chẳng biết ai vào với ai đâu!!! Trước đây tôi vẫn nói cứng với ông xã rằng, anh chỉ giỏi nghi ngờ người khác! Nay, bỗng thấy ... sờ sợ, dù vẫn không muốn tin! HQ ạ, phải không em, chị chỉ muốn tin vào điều tốt thôi, còn những điều này chị không muốn tin đâu! Làm sao có thể tin được cơ chứ?!

4. Ngây ngô, tự hỏi rằng, ngoài việc mong đợi đảng, nhà nước, hay là báo chí truyền thông, luôn đi đầu trong việc chống tiêu cực, chống tham nhũng như thế này (giống như báo SGGP đã làm, mà tôi đã "tuyên dương" ở mục 1 ở trên), thì nhân dân như tôi, như ông xã tôi, như các bạn tôi, liệu có thể làm gì được để góp tay vào việc chống tiêu cực trên mọi lãnh vực trong xã hội của ta, không nhỉ? Chẳng hạn, góp ý trong các buổi họp tại cơ quan, và (đối với những ai là đảng viên, là điều mà tôi không được hân hạnh), trong các buổi họp chi bộ, ví dụ thế?

Vì đó chính là cách làm tích cực nhất, thường xuyên nhất, mà có lẽ lại hiệu quả nhất, của việc "giáo dục chống tham nhũng" - khi tất cả mọi người thường xuyên phản ứng với cách hành vi tham nhũng ngay xung quanh mình, như một số người đã làm trong bài báo nói trên. Chứ không phải cứ nhắm mắt làm ngơ, mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà nấy rạng, như lâu nay cái văn hóa "không làm người khác mất mặt", và "kính trọng quyền uy" của chúng ta đã để xảy ra như vậy?

Vì tôi tin là chúng ta, từng người một, đều có trách nhiệm chung trong việc làm trong sạch môi trường sống của chúng ta - môi trường theo nghĩa rộng, bao gồm cả môi trường tinh thần, và đạo đức nữa. Theo đúng tinh thần của cuộc vận động tấm gương đạo đức Hồ chủ tịch? Hay nói một cách gần gũi với cách nói phổ cập của toàn dân, của truyền thống dân tộc hơn, mượn lời BS Hồ Hải, là tất cả chúng ta đều góp phần tạo nên cái cộng nghiệp của dân tộc VN, và vì thế, phải có trách nhiệm, và phải làm một cái gì đó, để mọi việc dần tốt hơn lên?

Nghĩ lan man, để cố tìm giải pháp, dù là giải pháp tinh thần theo kiểu AQ. Để mà quên đi một chút cái cảm giác buồn, là cái lý do của entry này đây.

...
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu đồng
Nghe chừng gió nhớ qua sông
E bên lau lách thuyền không vắng bờ...

Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu...

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu sẽ buồn ...


Và xin phép tác giả bài thơ cho đổi lại câu chót:

Đời (riêng) không sao cả, dưng sao trĩu buồn?
--
Cập nhật ngày 26/1/2010
Phần 2 của bài viết về sự kiện đáng buồn kia ở đây.

Sau buồn, là rất buồn, sau rất buồn, là ... hết buồn. Không tin cứ hỏi Trịnh Công Sơn mà xem. Trong bài hát "Đàn bò vào thành phố".

Rồi người bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Người chợt nghe xót xa thân mình ...
...
Và người đã hết buồn, đã hết buồn
Người chợt nghe đá lên trong hồn ...


Thì hôm trước tôi đã nói rồi mà lại, "I am a rock. And a rock feels no pain."

À, đã lỡ cập nhật rồi, thì cập nhật tiếp nhé: bài thơ mà tôi trích dẫn ở đây không phải tên là Buồn, mà là Chiều, của Xuân Diệu. Google bảo thế đấy!

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Ngậm ngùi ...

Tựa của entry này chẳng liên quan gì đến bài thơ nổi tiếng đã được Phạm Duy phổ nhạc với 2 câu mở đầu tuyệt vời này đâu:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu ...


Mà nó là cảm giác của tôi khi sáng sớm, mở mạng ra thấy bài viết mới của NVT, sau chuyến về VN vừa qua của anh ấy, có ghé thăm trường ĐH KHTN. Bài viết ấy, ở đây.

Xin trích lại ở đây một đoạn đáng lưu ý:

Điều làm tôi – nói theo ngôn ngữ ngày nay – “bức xúc” nhất là chúng ta đã thua Thái Lan về khoa học và công nghệ. Thua khá xa. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để đuổi kịp và thậm chí qua mặt họ dễ dàng, nếu chúng ta có thể huy động tiềm năng của giới trẻ và sự hợp tác của đồng nghiệp Việt kiều. Điều này chỉ xảy ra với 2 điều kiện chính: đầu tư cho nghiên cứu khoa học và có chính sách cởi mở với Việt kiều. Không thể nào làm nghiên cứu mà không có tiền, và cũng không thể nào kêu gọi nhà khoa học làm nghiên cứu trong khi đồng lương còn chưa đủ sống hay sống chật vật. Do đó, cần phải cải cách chế độ lương bổng sao cho một giảng viên hay nhà khoa học có thể sống với đồng lương của mình mà không phải “chấm mút” ở ngoài. Phải có chế độ thưởng cho những người làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh và có kết quả, và có hình phạt những người làm khoa học dỏm hay phí tiền của Nhà nước.

Có lẽ điều quan trọng nhất là cải tiến hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu. Hiện nay, nước ta chỉ đầu tư khoảng 200 triệu USD cho khoa học, mà phần lớn chỉ là xây dựng cơ sở vật chất, chứ kinh phí thật sự cho nghiên cứu khoa học thì chẳng bao nhiêu. Ấy thế mà mỗi năm Bộ KHCN phải trả lại cho ngân sách Nhà nước đến 20-30 triệu USD. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học có vấn đề. Vấn đề ở đây, theo cái nhìn của tôi, là cách chọn các công trình xứng đáng và công bằng, cách đánh giá một đề tài nghiên cứu, và cách quản lí một dự án khoa học. Tôi biết rằng Bộ KHCN cũng thấy được và đang cố gắng giải quyết các vấn đề này, nhưng cho đến nay thì hình như họ vẫn bị chi phối bởi những “cây đa cây đề” và cải cách vẫn còn đầy khó khăn.

Và cũng xin tâm sự với anh một vài điều, với tư cách một cá nhân làm khoa học, và cũng là GĐ một TT có chức năng làm khoa học (trong nhiều chức năng khác nhau):

Trung tâm của tôi nhỏ xíu, toàn là trẻ em và phụ nữ(!) (quả thật vậy, phụ nữ là đã hẳn rồi vì TT của tôi có 11 người nhưng chỉ có 2 nam, và trẻ em là vì đa số đều là các em mới ra trường vài năm, và đây là công việc đầu tiên của các em).

Hàng năm tôi cũng được cấp một số tiền một vài trăm triệu (tùy theo năm) để làm một vài "hoạt động khoa học" nho nhỏ, như tổ chức hội thảo, hoặc in một vài tài liệu, và làm một vài "đề tài nghiên cứu" nho nhỏ. Ban đầu, thấy các em hăng hái lắm. Thì mới ra trường mà, trước đây đi học khó khăn thế, nay lại được cấp tiền (ít thôi, nói cho đúng là rất ít) để làm đề tài, và được tính vào nhiệm vụ.

Nhưng chỉ làm vài năm thì các em đều nản vì cái cách quản lý đề tài theo kiểu rất hành chính hiện nay. Thứ nhất, người ta quan tâm đầu tiên đến việc sử dụng kinh phí sao cho đúng tiến độ - với những thủ tục rất nhiêu khê, phải khai từng đồng và nộp từng tờ giấy. Kế đến, điều kiện để trao đổi, chia sẻ, đọc sách vở tài liệu bằng tiếng Việt vô cùng hạn chế, còn tiếng Anh thì lại không đọc được. Thứ ba, việc nghiệm thu cũng rất nặng tính hành chính (= hành là chính) và thủ tục, ít có trao đổi chia sẻ, mà nặng hình thức và đối phó.

Tóm lại, tất cả đều hành chính hóa và trở nên vô nghĩa, không đem lại những hứng thú lẽ ra phải có đối với những người làm khoa học. Mà kinh phí được cấp thì cực kỳ hạn hẹp. Nên cuối cùng ai cũng nản, chẳng muốn làm nữa.

Vậy đấy anh NVT ạ. Đó mới chỉ là một nhìn góc rất rất rất hẹp của vấn đề. Còn nhiều lắm, nếu anh có đọc tản mạn trên các blogs của tôi. Lương, và thưởng đang là một vấn đề lớn. Những người được tưởng thưởng hiện nay, không do sự sáng tạo, sự độc lập trong tư duy, sự mạnh dạn theo đuổi các ý tưởng mới mẻ, mà chỉ là sự vâng lời, và có lẽ, tính quần chúng. Tức làm vừa lòng đám đông. Lời nói thẳng, sự khác biệt, tư duy độc lập ... hình như đã và đang tiếp tục bị loại ra khỏi cuộc sống khoa học. Tư duy tầm thường, cỏn con, vụn vặt chiếm lĩnh. Thì đột phá làm sao đây?

Tất nhiên, không phải mọi mảng trong bức tranh cuộc sống hiện đều tối tăm. Cũng có những nỗ lực âm thầm, và những điểm sáng, anh ạ. Nhưng ... mệt mỏi lắm.

Và ngậm ngùi lắm. Như những gì anh đã viết, trong bài viết của anh.

Dù sao tôi vẫn tin rằng trên đất nước này, vẫn còn, nhiều hơn một, những kẻ có lòng. Giống như anh.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Tin vui trên báo Việt: Hội nghị ACTS tại ĐHQG-HCM được tổ chức thành công



Hình trên là hình các đại biểu của Mạng lưới đại học ĐNÁ (AUN) đang thảo luận về một hệ thống chuyển đổi tín chỉ chung trong AUN, gọi là ACTS. Trong Hội nghị cùng tên, được tổ chức tại ĐHQG-HCM từ ngày 18 đến hết ngày 20/1/2010 vừa qua.

Những người biết tôi sẽ biết rằng Hội nghị ấy là do TTKT&ĐGCLĐT nơi tôi đang làm việc đứng ra tổ chức từ đầu đến cuối.

Bối cảnh, mục tiêu, kết quả, và kế hoạch dự kiến vv tôi sẽ viết dần sau. Còn bây giờ thì cần lưu lại các publicity về hội nghị này.

Tra google với các từ ACTS + đại học quốc gia, nhận được các link sau:

1. Báo Ninh Bình điện tử, tựa đề: "Các trường đại học ASEAN họp bàn chuyển đổi tín chỉ". Bài đó ở đây. (Một "hạt sạn" nhỏ: Bà Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN, bị nhà báo gọi bằng ông! Vậy thì nên xem hình để biết bà ấy nhé, dưới đây! Người đang xách giỏ bước vào ấy.)



2. Trang web của vnn, bài viết với tựa đề: "AUN hướng đến 'công dân chung ASEAN' vào năm 2015", ở đây. Bài này ghi nguồn của Saigon Times, nhưng khi lên tìm trên trang của Saigon Times thì không thấy!

3. Trang tin Sinh viên Bách Khoa của ĐHBK TP HCM có bài viết với tựa đề: "Tiến tới chuyển đổi hệ thống tín chỉ giữa các trường đại học Đông Nam Á" ở đây. (Một hạt sạn khác: cái tựa này hoặc thừa 2 chữ "hệ thống" - tức chỉ cần viết "Tiến tới chuyển đổi tín chỉ giữa các trường ĐH ĐNA", hoặc phải viết như thế này: "Tiến tới XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHUYỂN ĐỔI TÍN CHỈ giữa các trường ĐH ĐNA").

4. Trang Xa lộ tin tức đăng bài theo nguồn của Saigon Times, tựa giống như bài số 2 ở trên. Bài đó ở đây.

5. Trang tin của ĐH Nông Lâm Huế có đăng lại bài đã đăng trên vietnamnet ở đây. Tựa đề của bài viết: "2 năm nữa sẽ chuyển đổi tín chỉ quốc tế?"

6. Báo Pháp luật Thành phố đưa tin theo Báo Nhân dân Điện tử với bài viết mang tên giống như mục 3 ở trên. Nó ở đây.

7. Báo Kinh tế VN online đưa tin theo Vietnamnet với bài viết có tựa y hệt mục số 5 trên đây. Bài ấy ở đây.

8. Trang tin 24/7 cũng đưa bài như mục 7. Ở đây.

Tạm thế đã! Quite a big pubicity! For a small event and a not too big effort. Which is definitely good news!

--
Cập nhật tiếp chiều 23/1/2010

9. Trang của Saigon Times, bây giờ mới tìm thấy, ở đây.

Hình bên dưới là phát biểu kết thúc, của tôi! Đại diện cho Ban Tổ chức, và cho cả ĐHQG nữa (oai như cóc!)



10. Chà chà, quan trọng. Trên trang web của Đảng Cộng sản VN. Ở đây.

11. Trang web của VN Hợp điểm, đưa lại tin của báo Người Lao động. Ở đây.

12. Báo Giáo dục TP HCM đưa tin giống mục số 2 ở trên. Ở đây.

13. Báo SGTT đưa một tin kết hợp ACTS với việc đánh giá ngoài của AUN. Ở đây.

15. Tin của SGTT được Tạp chí Ban Tuyên giáo đưa lại, ở đây.

16. Trên trang này, lạ, có tin cũng ... lạ (đặt tựa khác một chút, nội dung cũng mới hơn, cập nhật hơn): "AUN khởi động chuyển đổi tín chỉ". Ở đây. Nguồn tin lấy từ báo Đất Việt.



Hình trên là hình họp báo. Và kết quả của nó, là những gì đã viết ở trên. Quả là một vụ bội thu! Rất phấn khởi!

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Lương giáo viên có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục không?

Tối hôm qua đi ăn cơm với anh NVT, người mà tôi khá ái mộ vì những bài viết liên quan đến VN của một người "trong mà ngoài, ngoài mà trong", một kẻ "có lòng".

Nói chuyện loanh quanh một hồi lại đụng đến chuyện chất lượng giáo dục VN, và lương giáo viên. Và câu hỏi, "lời hứa năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương bây giờ đã thực hiện đến đâu rồi?"

Ừ nhỉ, năm nay 2010 rồi. Lời hứa đó, bây giờ ai phải thực hiện đây? Hay cũng như rất nhiều việc khác ở VN, những phát biểu đó chỉ thể hiện tình cảm của lãnh đạo, nhằm bày tỏ lòng mong muốn mọi điều tốt hơn cho người dân, một kiểu dỗ ngọt trẻ em mà các bà mẹ hay làm. Ví dụ, khi một em bé lên 3 bị ngã, khóc, mẹ sẽ ôm vào lòng và dỗ "Thôi nín đi mẹ thương, để mẹ đánh cái đất hư này làm con đau nhé!"

Chứ không phải là một lời cam kết thực sự mà những người lãnh đạo đất nước phải thực hiện sau khi đã tuyên bố?

Nhưng cũng phải kiểm tra lại một chút. Mở mạng ra tìm, thấy ngay bài này, đăng ngày hôm qua trên Tuần Việt Nam. Đây. Bao giờ giáo viên sống được bằng lương? Chẳng lẽ đây cũng là một câu hỏi lớn...?

Kết luận của bài viết đáng trích lại ở đây:

Bao giờ giáo viên sống bằng đồng lương của mình? Nếu câu hỏi này chưa trả lời được thì mọi hô hào nâng cao chất lượng đội ngũ chỉ là "suông" và mọi giải pháp khác nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là hình thức.

Bởi từ xưa cha ông ta đã dạy: Có thực mới vực được đạo!

Chợt nhớ, tôi cũng đã có lần trả lời phỏng vấn trên báo, trong đó có câu hỏi: Chất lượng giáo dục thấp có phải là do lương hay không? Một câu hỏi, mà bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật buồn cười, và ... buồn! Vì nó thật là phản quy luật!

Và câu trả lời của tôi hình như là, "chất lượng giáo dục không thể không phụ thuộc vào lực lượng lao động chính của nó là các giáo viên; và lực lượng lao động này chỉ có thể làm việc có chất lượng nếu như họ có một đồng lương cho phép họ sống một cuộc sống có chất lượng!"

Mặc dù, có lẽ cũng giống như tôi, đa số giáo viên là những người có một cuộc sống hết sức đơn giản. Họ chỉ cần một đồng lương đủ để đảm bảo những nhu cầu vật chất hàng ngày - cơm áo, thuốc men, chỗ ở, đi lại di chuyển, nuôi dạy con cái tử tế - cộng với một số nhu cầu tinh thần (ví dụ, sách báo để đọc, có mạng Internet tại nhà để làm việc, để kết nối với bạn bè), sang lắm thì thỉnh thoảng có cuộc hẹn cafe hay ăn uống với bạn bè tí chút.

Và không phải họp hành vô bổ nhiều quá, thi đua hình thức nhiều quá, báo cáo báo chồn nhiều quá .... Vừa hành hạ về tinh thần, vừa làm mất thời gian quý báu, thời gian mà ít ra họ cũng có thể sử dụng để kiếm thêm tí chút thu nhập để bù vào đồng lương mà nhà nước trả không đủ cho họ. Để có thể sống tử tế hơn anh giáo Thứ của Nam Cao...

Và nhất là, được tôn trọng như những người chuyên nghiệp. Professional. Vì giáo viên, giống như luật sư, bác sĩ, kỹ sư, là những người hành nghề mà phải qua đào tạo lâu dài, có chọn lọc cẩn thận, có bằng cấp chuyên nghiệp, có thi tuyển vào nghề gắt gao ... Và vì thế, cần được tôn trọng như những con người chuyên nghiệp. Tức, được trả lương tương xứng với tài năng và công sức bỏ ra.

Nhưng hình như người ta quên giáo viên cũng là những người chuyên nghiệp? Và hình như chính các giáo viên cũng thế? Vì thử hỏi, có người nào chuyên nghiệp mà lại chấp nhận để cho mình bị nợ lương lâu dài, mà vẫn đeo đẳng bám nghề?

Tôi không hiểu!

Hình như ở VN có quá nhiều điều mà tôi không hiểu, anh NVT ạ!

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Thiên tai, nhân đạo, duy lý (rationalism), và truyền thông



Sáng hôm nay, mở mạng, rồi đọc báo (online và báo giấy), thấy ngập tràn tin tức về vụ động đất tại Haiti.

Những hình ảnh và những mẩu chuyện tang thương, thảm khốc, xúc động, và kinh hoàng cứ như bày ra trước mắt.

Xúc động, là bức hình chụp của hãng tin Reuters ở trên, mà báo SGGP cũng đã đưa trên trang 1 (cuối trang). Hàng chục bàn tay giơ lên để mong nhận được - dành được - 1 bịch nước sạch hiếm hoi mà những người cứu trợ đang thả xuống.



Kinh hoàng, là bức hình ngay trên đây - cũng của Reuters - của một người cầm dao găm đe dọa người khác để có thể dành được cái ăn cho mình.

Và tang thương, là rất nhiều hình ảnh mà tôi không thể và không nỡ đưa hết lên đây - những xác chết la liệt, những người còn sống nhưng còn kẹt trong đống đổ nát, những người mẹ gào khóc vì mất con, những ông bố chết lặng tê tái vì sự đau đớn và nỗi kinh hoàng, những đứa trẻ con với đôi mắt thơ ngây hoảng hốt, những người lớn hoảng loạn xô đẩy lên nhau để chạy thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian ...



Thiên tai. Trước những cảnh thảm khốc như vậy, có người nào đáng được gọi là có chút tính người mà lại không cảm thấy xúc động, và sẵn sàng làm một hành động gì đó, dù là nhỏ, để góp phần vào việc làm giảm bớt đi sự đau thương của những người đồng loại của mình hay chăng? Cái đó, gọi là lòng nhân đạo.

Nhân đạo. Nói đến từ này, người ta nghĩ ngay đến vai trò của các tổ chức tôn giáo, các tổ chức từ thiện, quốc gia và quốc tế. Ví dụ như Hội chữ thập đỏ. Như các hội đoàn, các dòng tu của Thiên chúa giáo. Những địa chỉ đáng tin cậy của những con người cơ nhỡ.

Hãy đến cùng ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng ... Hãy mang lấy ách của ta, vì ách của ta thì êm ái và gánh của ta thì nhẹ nhàng ... (Matthew 11:28–30)

Suy nghĩ của tôi là thế đó. Hôm nay, nếu có ai đến quyên góp cho nạn nhân Haiti, với những tấm hình như trên, và một câu chuyện thảm thương kịch tính, chắc tôi sẽ khó lòng cầm được sự mủi lòng, và trong ví có bao nhiêu tiền cũng dốc ra hết để đóng góp vào sự cứu trợ đó. Để thể hiện lòng nhân đạo của mình, và để có được cảm giác nhẹ lòng, phơi phới, thánh thiện, sau khi đã làm việc thiện ...

Giống hệt như hồi bé, đi đường thấy cảnh ăn xin nằm sóng soài trên đường, tay chân băng bó lở loét, tôi không thể nào không cố tìm được một ít bạc lẻ để đến cho, vừa sờ sợ, vừa ngường ngượng, lại vừa ... vui, sau khi làm xong hành động từ thiện mà tôi rất tin là phải làm, theo như những gì đã được dạy dỗ.

Rất cảm tính, phải không các bạn? Nhưng chẳng cảm tính là một nửa của tất cả chúng ta hay sao? (Là việc làm của não phải, phải không các bạn bloggers ngành Y của tôi?)

Tôi với ông xã tôi ở nhà hay cãi nhau về điểm này lắm. Ông xã tôi, hay nói chung là các ông đàn ông, thường ít mủi lòng ở những chỗ như thế này thì phải? Bao giờ cũng có chút nghi ngờ. Người ta lừa em đấy. Em khờ lắm. Chưa gì đã vội tin.

Còn tôi, thì tôi luôn nói, em khờ, mà em vẫn sống, và sống cũng tốt, đấy thôi? Nếu anh nói vậy, thì em trắng tay lâu rồi? Anh thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thấy sự lừa đảo, thấy âm mưu, đa nghi hơn Tào tháo?

Nhưng nghĩ lại, ông ấy nói cũng không phải là hoàn toàn sai. Đấy, mới đây lại có dư luận về vụ lừa đại dịch cúm heo đó thôi. Chẳng biết thực hư thế nào, và cuối cùng mọi việc ngã ngũ ra sao, nhưng có lẽ không có lửa sao có khói. Mà ở bên Âu Mỹ, vu khống là tội rất nặng. Nói sai về người khác, lại là những người có trách nhiệm, lôi thôi nó kiện cho thì chết toi!

Còn hôm nay, thì trong tâm trạng rất chia sẻ với các nạn nhân của vụ động đất Haiti, tôi mở mạng lên trang CBN - Christian Broadcasting Network. Để xem tin tức ở đây thế nào.

Và bất ngờ, khi thấy mẩu tin đầu tiên tôi đọc được ở đây, không phải là lời kêu gọi cứu trợ, mà là ... lời kêu gọi hãy tỉnh táo. Đừng để bị lừa vì những lời kêu gọi cứu trợ. Hay nói cách khác, hãy duy lý. Be rational!

Đây. "Buồn nhưng mà thật: Hãy cẩn thận về các vụ lừa quyên góp cho Haiti"! Rất đáng đọc, cho những người có tư duy thiên về não phải, như tôi. Hoặc rất nhiều người Việt Nam, nơi "một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình!"

Buồn, nhưng mà thật! Mới thấy, rõ ràng là ông xã tôi không phải là không có lý. Và đó là lý do tại sao người ta (nói chung) phải có gia đình. Phải có đàn ông và đàn bà. Và tại sao "đàn ông ở một mình không tốt" (ấy là kinh thánh nói, không phải tôi nói).

Và cần cả tư duy não phải lẫn tư duy não trái. Não người cần được chia thành hai bán cầu với các chức năng khác nhau, chứ không phải là một khối liền lạc chỉ có một chức năng duy nhất và thống nhất. Có bên phải, và bên trái, và không bên nào đúng hơn bên nào, dù chỉ bên phải được gọi là "phải", còn bên kia là trái!

Nói cách khác, phải có cái nhìn đa diện. Phải có sự độc lập trong tư duy, và tự do trong phát biểu. Để có được một cái nhìn đúng đắn nhất về mọi sự việc. Và có được quyết định đúng đắn nhất.

Mà muốn thế, thì (nói theo cách nói của Robert Daly trong bài viết trên tờ Chronicle of Higher Education - ai muốn biết xin đọc blog "Giáo dục VN" của tôi, entry mới nhất, ngày 16/1/10 , ở đây) phải có một điều kiện tiên quyết. Đó là truyền thông đa chiều. Bên cạnh độc giả duy lý.

Những cái đó, Việt Nam chừng nào mới có nhỉ?

Sẽ có, sớm thôi!

Đó là niềm tin, phải không Huy Quang?

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Lòng tôi sao vẫn còn biên giới?

Đó là một câu trong bài hát "Bên cầu biên giới" của Phạm Duy, một bài hát mà tôi rất thích, và đã dám cả gan biểu diễn trước công chúng vài lần, hồi còn học lớp 9 trường Gia Long, vào niên khóa 1974-1975. Chỉ vì tâm đắc có đúng một câu đó thôi. Như là nhạc sĩ đã viết riêng câu ấy cho mình.

Vào lúc ấy, mới 14, 15 tuổi, tôi đã có ý thức rất rõ về sự khác biệt của tôi với những người khác ở xung quanh mình. Tôi, như bất cứ ai quen tôi đều biết rõ, là người Bắc di cư, quê cha ở Nam Định (huyện Nam Trực), quê mẹ gốc ở Bắc Ninh, quê hương quan họ, nhưng mẹ tôi tự hào sinh sống ở Hà Nội.

Nhưng tôi lại sinh ra ở Sóc Trăng, thuở bé lớn lên ở Phan Thiết, rồi vào Sài gòn khi học tiểu học, rồi ở đây từ đó đến giờ. Nếu hỏi tại sao mà đi nhiều thế, thì câu trả lời: cha mẹ tôi là những người bỏ xứ ra đi, tha phương cầu thực, tìm nơi đất lành chim đậu mà! Và Sài Gòn với tôi đã thành một quê hương thứ hai gắn bó với tôi hơn bất cứ quê hương nào khác!

Ở Sài Gòn, trước khi lập gia đình, ở với cha mẹ, thì tôi cứ loanh quanh cùng gia đình ở bên mấy xứ đạo, vì cha mẹ tôi vốn là người ngoan đạo, và có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, vào "đấng quan phòng" (ai không phải là người công giáo, xin giải thích: đấng quan phòng là một "vị" ở xa kia, vô hình, ta không thấy nhưng lại rất biết ta, biết rõ từng người, cả tính nết, động cơ của từng hành động .... Nên mỗi sự việc xảy ra cho ta, đều có ý nghĩa của nó, vì đều do sự sắp đặt đầy yêu thương của vị đó, đối với ta!)

Nên việc của tôi chỉ là ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, học hành cho tử tế, kính chúa yêu người, là xong. Còn cái gì xảy ra cho mình, sau khi mình đã cố gắng hết mức, thì đều (nên) vui vẻ chấp nhận. Rồi mọi việc tốt cuối cùng cũng sẽ đến.

Một ngày nào đó, sẽ đến
Thời của chúng ta ...
(Đây là câu dịch ra tiếng Việt của tôi, còn câu tiếng Anh của nó, trong bài hát nổi tiếng A Time for Us, là "A time for us, someday there'll be...")

Nhưng đấy là việc được dạy dỗ ở nhà. Ra đường, và vào đời, thì mọi cái không phải như thế. Mà là khác hẳn! Nói trong một câu ngắn gọn: hình như những cái được dạy ở nhà, và củng cố trong nhà thờ (hãy sống tốt, hãy tin, "ta là đường, là sự thật, và là sự sống"), dường như không có ý nghĩa, và không có tác dụng gì, trong cuộc sống thật của tôi cả!

Ví dụ, bố mẹ tôi nói về một quê hương miền Bắc đẹp như mơ, như một bài thơ, một hoài niệm đẹp đẽ. Nam Định là đất học, con người cần cù, ông nội tôi còn lại ở ngoài ấy; Bắc Ninh có những cô gái giỏi giang, đẹp đẽ mà sắc sảo; và Hà Nội thì khỏi nói rồi. 36 phố phường. Thanh lịch. Mùa Xuân với mưa phùn. Người Hà Nội, người ta thanh cảnh lắm, không xô bồ như trong này... ấy là mẹ tôi nói như thế.

Còn khi ra đường, hoặc khi đi học ở trường, thì tôi cứ mở miệng ra nói, là bị cười, bị chê, bị bắt bẻ. Nói ngắn gọn: bị kỳ thị! Bắc Kỳ rau muống. Rau đó, trước năm 1975 hình như chỉ có "người Bắc" (!) mới ăn (nhiều), "người Nam" (!) xem là rau heo (= rau cho lợn ăn).

Sự kỳ thị Nam Bắc thời ấy, không hiểu những người như BS Hồ Hải có cảm nhận được không, còn tôi, thì tôi là nạn nhân hàng ngày hàng giờ...

Nói cho đúng, cái đó không ai chủ trương. Không ai dạy trẻ con phải làm thế. Tôi đi học ở trường Gia Long, thì thầy cô cũng dạy không được kỳ thị. Phải trân trọng mọi người, mọi nền văn hóa. Nhưng nó cứ xảy ra thế. Đến nỗi, từ một lúc nào đó chẳng rõ, tôi học được cách tự vệ bằng cách nói tiếng Nam (mà đến giờ vẫn bị phê bình là "nói lơ lớ" vì không giống hẳn), và tự động chuyển sang nói tiếng Nam khi người đối diện mình nói tiếng Nam. Tự động hoàn toàn, không ý thức.

Mặc dù ở nhà, hoặc khi mình là mình (?), thì nói tiếng Bắc! Nhưng tiếng Bắc của tôi cũng là một thứ tiếng Bắc "đặc biệt", cái version mà cha mẹ tôi truyền lại, và đóng khung ở đó từ năm 1954 đến giờ, chắc thế.

Nên khi tôi nói tiếng Nam thì bị phát hiện ngay là "nói lơ lớ", là người Bắc; còn khi nói tiếng Bắc thì bị phát hiện ngay là người miền Nam.

Người miền Bắc gì mà nói "Dzậy hả?" Phải nói: "Thế à?"!
Người miền Nam gì mà khi nghe người khác nói, đồng ý, lại nói "Vâng ạ"? Phải nói: "Dạ!"


Nên bây giờ tôi phát hiện mình luôn nói thừa: "Dạ, vâng ạ!".

Và đôi khi ngẫm nghĩ, mình thật giống Trang tử. Mình là người Bắc, ngụ cư ở miền Nam, hay mình là người miền Nam, mặc dù cha mẹ tổ tiên là người gốc Bắc?

Mà, bác Hải ơi, bác nói đúng, tất cả chúng ta, phải chăng đều ở cùng một cái nôi ấy mà ra?
Từ thuở mang gươm đi mở nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ngậm ngùi quá, bác Hải nhỉ?

Viết lăng nhăng thế, để giải thích cái gì vậy? Chẳng để giải thích cái gì cả. Chẳng là vì hôm qua đọc trên blog của Huy Quang thấy một tâm sự có lẽ giống mình. Thành ra ... đụng đến nỗi đau, và mọi việc cứ thế mà tuôn ra thôi.

Mọi người muốn hiểu Huy Quang viết cái gì, thì đọc ở đây. Không chỉ đọc bài viết của Quang, mà nên đọc cả các comments của tôi nữa. Và nguyên nhân dẫn đến bài viết đó. Ở đây. Và nhớ đọc cả các comments của mọi người nữa.

Còn tôi, thì tóm lại tôi muốn nói gì? Tôi chẳng muốn nói (thêm) gì cả. Tôi im lặng.
I am a rock
And a rock feels no pain...


Là những câu trong một bài hát khác, mà tôi thích. Và một câu nữa, cũng về đá:
Làm sao em biết sỏi đá không đau? (Trịnh Công Sơn)

Khi đau quá, thì người ta dùng morphine, thuốc phiện, phải không các BS bạn tôi? Còn Marx, thì nói: "Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng!"

Linh tinh quá! Chưa bao giờ tôi viết một bài linh tinh đến như thế này, mặc dù cũng rất hay nói linh tinh!!!!!!!

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Phát minh lại cái bánh xe

Hôm nay, lại đọc được cái tin này. Ở đây.

Trích một chút cho các bạn ... lười, hoặc có ít thời gian:
"Trong năm 2010, chúng ta sẽ xây dựng một mạng xã hội mang bản sắc Việt Nam, tiến tới thay thế các mạng xã hội khác như Yahoo, Google", Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định với các đơn vị thuộc Bộ trên địa bàn TP.HCM sáng 9/1.

Ai có tiếng Anh xin đọc thêm về mạng xã hội (social network) và các dịch vụ mạng xã hội (social networking service) trên wikipedia. Ở đâyở đây.

Còn tôi, thì đọc xong các phần mà tôi giới thiệu ở trên, tôi nghĩ như thế này:

1. Mạng xã hội có 2 phần: phần công nghệ, và phần xã hội.

2. Phần công nghệ: tôi không có bất kỳ hiểu biết gì về công nghệ. Nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm đau thương về việc đặt các công ty Việt làm các phần mềm customised cho mình sử dụng, đặc biệt là vào cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000.

Và rút ra kết luận: nên dùng phần mềm có sẵn của các đại gia công nghệ thông tin. Vì nó tốt hơn, rẻ hơn, đa dụng hơn, dễ sử dụng hơn. Việt Nam không có lý gì do để làm ra cái khác, nếu không có gì mới. Vì chắc chắn sẽ mắc và dở hơn những cái có sẵn của nước ngoài.

3. Phần xã hội: càng rộng càng tốt. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thế giới. Vậy phải "tạo một mạng xã hội mang bản sắc Việt Nam" để làm gì? Để củng cố văn hóa Việt? Chắc là không cần, và chắc cũng không làm bằng cách tạo mạng ảo như thế này. Mà chỗ này chính là việc của giáo dục đây. Còn thay thế google, yahoo để làm gì? Vì trên cái nền công nghệ của yahoo, google, thì mình vẫn hoàn toàn có thể tạo mạng xã hội của Việt Nam cơ mà? Mà thật ra, nó vẫn đang tồn tại đó thôi?

Lại nhớ, trong nghiên cứu, phát minh, người ta sợ nhất và tránh nhất việc phát minh lại cái bánh xe. Hay tìm ra châu Mỹ lần thứ hai.

Ôi, khó hiểu quá.
Hay lại là ốc sên nhỉ?

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc?

Sáng hôm qua, vừa lên xe buýt để đến cơ quan thì thấy ông xã nhắn: "Em đọc báo Tuổi trẻ về việc thi năm nay".

Ông xã tôi chỉ là một thường dân thuộc loại rất ... bình thường, nhưng hết sức quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội, và tình hình đất nước. Nên cái gì mà ông ấy nhắc thì tôi đều phải đọc. Nhưng hôm qua thì bận lu bu suốt cả ngày nên không tập trung được.

Sáng sớm nay vào Tuổi trẻ online, thấy tin ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT (xem ở đây). Nhưng không có một lời bình nào của nhà báo. Qua báo Pháp Luật cũng có tin tương tự. Cũng không có lời bình. Nhưng ở đây có bạn đọc nhận xét không nên bỏ môn ngoại ngữ khỏi danh sách bắt buộc.

Tôi nghĩ, quyết định nói trên thực sự khó hiểu. Vì nó hoàn toàn ngược lại mục tiêu chung của giáo dục VN trong bối cảnh đất nước đang hội nhập. Động thái này cũng đi ngược lại với nhiều động thái khác của Bộ Giáo dục. Đó là một loạt các đề án cải cách chương trình giảng dạy tiếng Anh, tập huấn phương pháp, viết giáo trình mới, tập huấn thay sách, viết ngân hàng đề thi, tập huấn về trắc nghiệm, vv trong cả chục năm qua. Rồi bao nhiêu tiền để thử nghiệm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, dạy tăng cường tiếng Anh trong trường phổ thông, đổi mới giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành ở đại học vv?

Để kiểm tra thông tin, tôi làm google search với các cụm từ khác nhau và có kết quả lần lượt như sau, mọi kết quả đều vài triệu đường dẫn:
"tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 7.610.000 cho tiếng Anh. (0,26 giây)
"đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 2.850.000 cho đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh. (0,84 giây)
"chương trình tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 4.600.000 cho chương trình tiếng Anh. (0,32 giây)
"đề án tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 5.060.000 cho đề án tiếng Anh. (0,18 giây)
"đổi mới chương trình tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 2.960.000 cho đổi mới chương trình tiếng Anh. (0,35 giây)

Đặc biệt, 3 cụm từ "giảng dạy tiếng Anh", "nâng cao năng lực tiếng Anh" và "thi tốt nghiệp môn tiếng Anh" cho kết quả cao bất ngờ, từ gần 15 triệu đường dẫn trở lên, trong đó : Kết quả 1 - 10 trong khoảng 14.900.000 cho giảng dạy tiếng Anh. (0,42 giây); Kết quả 1 - 10 trong khoảng 28.100.000 cho nâng cao năng lực tiếng Anh. (0,40 giây); và Kết quả 1 - 10 trong khoảng 27.600.000 cho thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. (0,25 giây) .

Đủ thấy, năng lực tiếng Anh là một vấn đề lớn của thị trường lao động, giảng dạy tiếng Anh là vấn đề lớn của các trường, và thi tốt nghiệp môn tiếng Anh là một chính sách lớn của nhà nước. Những việc này thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Ví dụ, hãy đọc ở đây.

Vì tiếng Anh quan trọng như vậy nên trong năm 2008 Thủ tướng chính phủ đã ký duyệt đề án dạy và sử dụng Tiếng Anh 2008-2020 (xem ở đây) với mức kinh phí triển khai 300-400 triệu USD. Hình như đây là chủ trương rất mạnh mẽ của PTT, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Và mới đây, Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ đã báo cáo dự án này dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, rất xôm tụ. Xem ở đây.

Chủ trương về ngoại ngữ xuất hiện song song với chủ trương về việc xây dựng các trường đại học "đẳng cấp" quốc tế mà theo chỉ tiêu do Bộ trưởng đưa ra thì đến năm 2020 sẽ lọt vào top 200 thế giới. Mà muốn có đẳng cấp quốc tế, thì trước hết phải được quốc tế biết đến. Tức phải nói chuyện được với người ta. Và ra quốc tế, thì không nói tiếng Việt rồi đi tìm phiên dịch như nhiều quan chức ta hiện nay!

Với tư cách một người rất đúng nghề (giáo dục ngôn ngữ, chuyên ngành kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh), trước đây tôi đã thấy những chính sách gần đây của Bộ về tiếng Anh là khá mạnh mẽ, quyết liệt, và nhất quán. Ví dụ đầu tiên là đưa môn tiếng Anh vào danh sách các môn thi bắt buộc. Gần đây là yêu cầu phải đạt mức trình độ tiếng Anh theo các thang đo quốc tế (IELTS, TOEFL) trong kỳ thi cao học.

Tất nhiên các chính sách này chưa hoàn hảo. Và việc triển khai còn nhiều vấn đề, khiến người ta có thể nghi ngờ về tính khả thi của chính sách. Nhưng nếu chính sách tốt mà làm không được thì phải xem lại việc triển khai sao cho tốt, chứ không phải là thay đổi chính sách, trời ạ!

Nay, lại có quyết định như thế này! Ông xã tôi, ăn nói thẳng thừng và cực đoan, bảo: chính sách ngu dân? Tôi, với bản chất "hữu khuynh", luôn đứng về phía ... chính quyền (!), thì tôi thấy nói như thế là quá nặng và chưa hiểu hết những cái rối rắm, phức tạp trong công việc của nhà quản lý. Nhưng nghĩ lại mà xem, có phức tạp rối rắm thì mới cần đến nhà quản lý chứ!

Nên không biết nói sao nữa. Chỉ viết một mẩu nhật ký blog. Và cái tựa: trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tôi cũng nhớ một câu nghe được ở đâu đó: Việt Nam là một dân tộc rất mạnh. Mạnh ai nấy làm.

Hay, đây lại là cách làm của ốc sên nhà thể thao? Ai không rõ ốc sên làm gì, thì xem entry trước của tôi. Ở đây.

--
Tái bút lúc 12:29 đêm ngày 10/1/10

Mẩu này mình viết xong từ cách đây mấy ngày, tựa đầu tiên là "Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Sau đó, gửi đi đến mấy nơi để chia sẻ. Chẳng biết cái thành ngữ "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" có gì hay thế, mà bây giờ thấy các báo cũng dùng thành ngữ ấy để bàn về việc này. Thành ra nhàm. Nên bèn sửa lại cái tựa, vừa ngắn, vừa ... khỏi đụng hàng!

(Thật ra thì cũng có một tí ... tâm trạng đấy nhưng không viết ra được!)

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Ốc sên nhà thể thao ...

Đoạn này chép từ một bài viết trên trang giáo dục Việt Nam, trong bài viết giới thiệu Tiến trình Bologna. Do viết vội, nghĩ đâu viết đó, nên đã tuôn ra một bài "thơ toán đố" trong bài viết. Nay dọn dẹp lại bài viết, thấy cần phải bỏ đoạn này đi, nhưng mà tiếc, nên đem sang bên này để!

(Tôi vừa chợt nhớ đến bài toán đố dưới dạng thơ mà tôi đã học hồi lớp 5, tức năm 1970, cách đây 40 năm, hic!!!

Ốc sên nhà thể thao
Chiếm kỷ lục trèo cao
Muốn trèo cột dây thép
Cao đúng 15 mét
Ngày miệt mài leo miết
Lên được 5 mét ròng
Nhưng đến đêm mệt rồi
Lại tụt xuống mất 4

Các em ơi tính giúp
Muốn leo lên đỉnh cột
Ốc mất bao nhiêu ngày?

Phải chăng giáo dục VN và nhiều việc khác nưã đang phát triển theo kiểu ốc sên trong bài toán đố kia?!)

Bài đáng đọc và suy nghĩ: "Ích kỷ: sự thắng thế của phần 'Con' "

Đó là bài viết của Hà Văn Thịnh, từ ĐH Huế, được đăng trên Tuần VN dot net ngày 5/1/10.

ở đây.

Hà Văn Thịnh là một cây bút ưa thích của tôi, mặc dù ông luôn có cách đặt vấn đề khá gay gắt mà chắc chắn là rất nhiều người VN sẽ không thích. Nếu mới nhìn, sẽ thấy ông dường như rất cực đoan. Cũng như cách đặt vấn đề trong bài này. Thay vì dạy trẻ con yêu (yêu ông bà, cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu Bác Hồ, yêu chú bộ độ bắn Mỹ tài ghê!), sao không dạy cho chúng ghét? Ừ mà đúng thế thật. Sao không dạy ghét sự giả dối, ích kỷ, vào hùa với người khác để được lợi cho mình, ghét "mũ ni che tai", ghét cách làm việc theo cảm tính, "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" ...?

Hà Văn Thịnh đặt vấn đề như thế đấy! Cực đoan quá, sẽ có nhiều người nói. Nhưng có lẽ dân tộc Việt cũng cần có những cú shock lớn để thay đổi chăng? Và Hà Văn Thịnh có chủ đích tạo shock, để được lắng nghe, dù biết có lẽ mình hơn thổi phồng vấn đề lên một chút?

Cũng có thể. Dù sao thì cũng là một bài viết đáng đọc và suy nghĩ. Và có thể đưa vào collection "Người Việt xấu xí" của mình.

Trên blog Việt, đáng đọc, về "quan trí"

Sáng sớm lướt web, thấy một bài đáng đọc.

Bài đó ở đây.

Đọc xong thì ... buồn. Và tự hỏi, phải làm gì?

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Phân biệt seminar, workshop, conference, symposium ...

Đây là những từ mà người Việt thường cảm thấy rất lúng túng khi sử dụng. Vì vậy mới có bài viết này trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn vào sáng nay. Bài gốc ở đây.

Để thuận tiện cho việc làm rõ thêm nghĩa và đóng góp ý kiến về việc dịch các từ này như lời kêu gọi của GS Nguyễn Văn Tuấn, tôi xin chép một phần từ bài viết nói trên vào phần dưới đây, sau đó sẽ đưa ra những ý kiến của riêng tôi.

Conference (hội nghị) là một cuộc họp lớn hơn seminar và workshop, với số người tham dự từ 100 đến vài chục ngàn người. Các hội đoàn chuyên môn thường có conference thường niên. Thành phần tham dự thường là hội viên, kể cả nghiên cứu sinh và các chuyên gia. Trong conference, có những bài giảng chính (keynote lectures) cho tất cả người tham dự. Ngoài bài giảng chính, conference còn có nhiều phiên họp gọi là session.

Symposium là một cuộc họp mang tính khoa bảng và nghiêm túc, với nhiều diễn giả trình bày về một hay nhiều đề tài. Số người tham dự thường ít hơn conference, nhưng cũng có thể tương đương với seminar. Các công ti dược thường có những symposium lồng trong các conferences để nhân cơ hội giới thiệu sản phẩm của họ.

Seminar là một cuộc họp mang tính giáo dục, thường thường chỉ tập trung vào một đề tài cụ thể nào đó. Người tham gia seminar bao gồm nghiên cứu sinh, học viên và các chuyên gia. Hình thức họp thường là một diễn giả nói chuyện và sau đó thảo luận. Ở Viện tôi, mỗi tuần đều có seminar về một đề tài khoa học, do các chuyên gia trong và ngoài nước được mời đến nói chuyện.

Workshop là một cuộc họp nhỏ hơn và không quá chuyên sâu như seminar. Thông thường, một workshop có khoảng 10-20 học viên, nhưng không có chuyên gia. Trong workshop có thực hành, bài tập dưới sự giám thị của người giảng (còn trong seminar thì không có bài tập).

Summit (hội nghị thượng đỉnh) là một cuộc họp của các chuyên gia hàng đầu hay các nhà lãnh đạo cao cấp nhất.

Xin được làm rõ thêm về những từ này (xin lỗi, tôi bị méo mó nghề nghiệp, do có nhiều năm giảng dạy tiếng Anh, và chuyên về biên-phiên dịch!). Tôi xin chép các định nghĩa bằng tiếng Anh của các từ này dưới đây, sau đó sẽ đề nghị cách dịch. Từ điển được dùng là Onelook Dictionary (online), sử dụng phần quick reference, và được kiểm tra lại bằng Merriam-Webster Online Dictionary (phần in nghiêng trong ngoặc).

1. conference: a prearranged meeting for consultation or exchange of information or discussion (especially one with a formal agenda)
(a usually formal interchange of views)

2. symposium: a meeting or conference for the public discussion of some topic especially one in which the participants form an audience and make presentations
(a formal meeting at which several specialists deliver short addresses on a topic or on related topics)

3. seminar: (a) a course offered for a small group of advanced students; (b) any meeting for an exchange of ideas
(an advanced or graduate course often featuring informality and discussion)

4. workshop: a brief intensive course for a small group; emphasizes problem solving
(a usually brief intensive educational program for a relatively small group of people that focuses especially on techniques and skills in a particular field).

Đọc các định nghĩa bằng tiếng Anh, kết hợp với phần trích dẫn của GS Nguyễn Văn Tuấn, có thể thấy các từ này đều có nghĩa một cuộc họp nhiều người, có sự trao đổi ý kiến về một vấn đề gì đó. Những nét nghĩa chính có thể giúp phân biệt các từ này như sau:

1. trịnh trọng hay thân mật: conference và symposium thuộc loại trình trọng, seminar và workshop thuộc loại thân mật hơn

2. quy mô - tức số người tham dự nhiều hay ít: conference có quy mô lớn nhất, hàng trăm người, symposium thì quy mô lớn hoặc nhỏ, hai từ còn lại có quy mô nhỏ tương đương nhau, chừng vài chục người

3. vai trò của các đối tượng tham dự (đến nghe hay đến trình bày): symposium chỉ gồm người trình bày (trừ các khách mời, không tính), đều là chuyên gia, nghe lẫn nhau; conference và seminar thì có một hoặc một số nhỏ người trình bày, những người khác nghe; còn workshop có thể không có người trình bày mà chỉ là những người làm việc chung với nhau để giải quyết một vấn đề gì đó, có người hướng dẫn

Bây giờ đến việc dịch. Ở VN, có các từ sau: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, (nói chuyện) chuyên đề, và tập huấn. Tôi đề nghị dịch như sau: conference là hội nghị hoặc hội thảo (có nghĩa hơi khác nhau chút), symposium là diễn đàn hoặc hội nghị chuyên gia, seminar là nói chuyện chuyên đề, và workshop là hội thảo tập huấn.

Xin gửi đến mọi nguời đọc và góp ý! Đặc biệt là GS Ngyễn Văn Tuấn!

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Bài đáng đọc: "Niềm vui của riêng ta" của Hồ Anh Thái

Bài viết về thói quen ăn uống của người Việt. Rất hợp, vào thời điểm đầu năm, nghỉ lễ, người ta đi ăn uống, nhậu nhẹt như thế này.

ở đây.

Là một người sinh ở miền Nam, nhưng quê cha từ miền Bắc, tôi thấy những nhận xét của Hồ Anh Thái mới đúng làm sao! Và cũng thấy mừng, vì ở miền Nam hình như không còn như vậy nữa, đã từ lâu rồi. Dân chủ, tự do hơn, và tôn trọng cái riêng, tôn trọng sự khác biệt hơn, ít ra là trong việc ăn uống, mời khách, như được đề cập trong bài viết.

Mới hay chỉ những việc nho nhỏ như gắp thức ăn cho người khác cũng có thể suy ra một văn hóa, một hệ giá trị, và những nguyên nhân thuộc phần mềm, phần nhân văn và xã hội, của khá nhiều vấn nạn của đất nước hiện nay.

Ông xã tôi - cũng là người gốc Bắc như tôi, nên rất hiểu bài viết nói gì, bảo: em đưa nó vào collection "Người Việt xấu xí" của em đi.

Ừ, quả là người Việt Nam mình có những cái ... xấu thật đấy!

Nhưng có phải Karl Marx hay ai đó đã nói, nhân loại đi lên từ những tiếng cười tự chế diễu mình như thế này không?

Ngày đầu năm mới đã qua rồi, một ngày bình yên...

Một thập niên tốt lành hơn đang đến?

Viết cho gia đình, cho các con, cho anh chị em, học trò, bạn bè, và đồng nghiệp của tôi
--
Sáng ngày đầu năm 2010, lướt nhanh qua danh sách blogroll, một cái tựa từ trang blog của phóng viên Havard Business Review đập vào mắt:"A Better Decade for Business is Coming" - một thập kỷ tốt đẹp hơn cho công việc kinh doanh đang đến!

Có tin được không? Chắc là tin được, ít ra là theo cách nói (và cách nghĩ) của tiếng Anh, things couldn't be worse, không có gì có thể xấu hơn được nữa! Thử nhìn vào danh sách những gì đã xảy ra trên toàn cầu trong thập niên cũ, được điểm qua trong bài viết nói trên của Gill Corkindale, trích dưới đây (phần in nghiêng đậm là nhấn mạnh của tôi, không phải của tác giả):

It is a relief to put the last decade behind us. It brought untold shocks — from the dotcom boom and bust, 9/11, Enron's collapse, [...] the US housing boom and bust, to Madoff's Ponzi scheme, Dubai's quasi-default, the meltdown of the banking sector, Iceland's complete economic collapse, and global recession. All this against the backdrop of a heightened terror alert and wars in Iraq and Afghanistan.

Quả thật, đúng như tác giả nói, "Thập niên cũ qua đi khiến ta thở phào nhẹ nhõm!" Vì thập niên vừa qua đối với VN cũng không phải là một thập niên tốt nhất. Tôi vẫn còn nhớ như in vụ hỏa hoạn ITC vào năm 2002, lúc ấy tôi còn làm việc tại trường ĐHKHXH-NV mà trụ sở ở Quận 1, cách ITC không xa. Sự đau đớn do tấn thảm kịch ITC gây ra, riêng với tôi nó có bộ mặt người rõ rệt, vì nạn nhân của nó có những người tôi biết.

Rồi những tai nạn giao thông thảm khốc gây chết người, không phải là một vụ, mà là nhiều vụ, trong đó có những vụ với tôi cũng mang bộ mặt của những con người cụ thể. Rồi vụ sụp đổ thị trường chứng khoán và địa ốc ở VN gần đây, phải chăng chỉ là một sự lặp lại gần như hoàn toàn những gì xảy ra ở Mỹ, với một độ trễ về thời gian? Lần này nữa, trong cái cú shock kinh tế ảnh hưởng đến cả nước đó, cũng có một phần cú shock của tôi.

Và gần hơn nữa là những vụ đụng độ liên quan đến tôn giáo, những vụ việc liên quan đến báo giới, và ngay bây giờ đây, là các vụ án, từ vụ Lê Công Định mà tôi đã từng gặp trong giới học thuật, đến vụ Ba Sương mà tôi đã từng nghe và âm thầm ngưỡng mộ như một người phụ nữ quả cảm và giỏi giang.... Tất cả những sự kiện xấu của 2009 đối với tôi đều mang bộ mặt cụ thể của những con người, khiến tôi không thể nào làm được như Trịnh Công Sơn, giữ cho "trong trái tim con chim đau nằm yên - ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu" được!

Với một thập niên như thế, thì còn gì có thể xấu hơn được không? Cho nên thập niên mới chỉ có thể xấu bằng, hoặc tốt hơn thôi! Đó là niềm tin, phải không Huy Quang? Và đã là niềm tin, thì không cần, và cũng không nên giải thích.

Nhưng dưới cái nhìn duy lý, bất cứ niềm tin nào cũng đều dựa trên lập luận và chứng cứ. Vậy lập luận nào, và chứng cứ nào cho niềm tin của người VN, và cho niềm tin của tôi, trong niềm tin chung của cả nước, và cả thế giới, vào đầu năm mới của thập niên mới này?

Tôi tin, vì tôi thấy bên cạnh sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của xã hội VN, một ý thức về "tính hữu dụng của đạo đức" đang hình thành, ngày càng rõ nét. Người ta thấy, người ta hiểu, người ta nói, và người ta có nhu cầu tìm đọc các loại sách dạy làm người, bàn về các vấn đề tôn giáo, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật .... Tôi thấy sự thay đổi này hằng ngày, ở các con tôi, và ở các nhân viên của tôi, mà đa số cũng chỉ trạc bằng tuổi con tôi.

Tôi tin, vì tôi thấy bên cạnh nạn chảy máu chất xám đang diễn ra ồ ạt tại Việt Nam, từ một giòng chảy ngược của tri thức, dù chậm đến độ hầu như không thấy được, đang diễn ra song song, âm thầm mà mạnh mẽ... Những trí thức Việt kiều, những Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Minh Khương mà tôi đã gặp và sắp gặp, và rất nhiều người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, đang hàng ngày góp tay vào sự thay đổi và sự phát triển của đất nước chúng tôi (nhấn mạnh: từ "chúng tôi" này bao gồm cả người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài).

Tôi tin, vì tôi thấy một xã hội dân sự đang thực sự hình thành, mặc dù có lẽ rất khó nhìn thấy từ bên ngoài, vì đây là một xã hội dân sự mang bộ mặt Việt Nam, với một lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Tây thuộc, hơn "20 năm nội chiến từng ngày" nói theo kiểu Trịnh Công Sơn, hơn 30 năm mò mẫm tìm mô hình phát triển, và hơn 20 năm đổi mới, hội nhập.... Điều này tôi cũng thấy từ nhân viên tôi, con cái tôi, học trò tôi, bạn bè tôi, anh em, họ hàng của tôi, hàng ngày, hàng giờ, rõ nét.

Tôi tin, vì tôi thấy một sự hội tụ (convergence) về mặt chủ thuyết đang thực sự diễn ra. Ở VN cũng như ở TQ, người ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hôị chủ nghĩa mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là market socialism (dịch chính xác là chủ nghĩa xã hội thị trường, mà đã nói đến thị trường thì không thể không có trao đổi dựa trên lợi nhuận), còn ở phương Tây, thảnh trì của CNTB, thì người ta lại nói đến một nền tư bản nhân hậu mà trong tiếng Anh nó là benevolent capitalism - dịch cho thoát ý thì phải dịch là một nền tư bản không (chỉ) vì lợi nhuận!

Tôi tin, vì tôi là một người công giáo, cha mẹ là những người Bắc gốc nông dân, dằn vặt đớn đau rời bỏ quê cha đất tổ - dù chỉ là những miền đồng chua nước mặn với những "mẹ già cuốc đất trồng khoai" của Phạm Duy - di cư vào miền Nam tha phương cầu thực, anh chị em giờ đây sinh sống ở nước ngoài chỉ còn một mình tôi, một thời bị ám ảnh và có lẽ cũng đã là nạn nhân của chủ nghĩa lý lịch - dù chỉ như một viên đạn lạc, bay sướt qua, chạm vào tôi rất nhẹ ...

Nhưng bây giờ tôi vẫn ở đây, một người có lý lịch rất không giống ai so với những đồng nghiệp quanh mình, đa số là con cái của những người chiến thắng. Chúng tôi vẫn có thể làm việc với nhau, có khác biệt, thậm chí có xung đột, nhiều khi tưởng chừng không giải quyết được, nhưng cũng xuất hiện dần sự hiểu biết, thông cảm, và tôn trọng lẫn nhau. Và những khác biệt của tôi dường như ngày càng được trân trọng? Phải chăng đang có một sự đa dạng về tư tưởng đang nhen nhúm hình thành tại một nước có truyền thống văn hóa Khổng giáo cùng với truyền thống chính trị "tập trung dân chủ" và "chuyên chính vô sản" của những người cộng sản Việt Nam? Hay là tôi quá lạc quan, và chủ quan?

Một ngày mới của một năm mới. Truyền thống của người VN là lạc quan và hy vọng vào những ngày này. Vậy hãy vững tin lên! Một thập niên tốt lành hơn cho tất cả chúng ta đang đến!