Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Thăm trang web của FDA, nghĩ về giáo dục sức khỏe tại VN

Bài viết mới nhất của BS Hồ Hải trên blog của bác ấy về Sáng kiến quản lý thuốc của FDA làm tôi nhớ đến một việc mà tôi vẫn muốn làm từ lâu nhưng chưa có thời gian để làm, đó là viết về thói quen sử dụng thuốc của người VN, kể cả những người có học (kể cả tôi), và qua đó, là việc giáo dục sức khỏe tại VN.

Tôi còn nhớ đã đọc trên trang blog bshohai những comments của các bác sĩ là tại VN, chỉ có người bệnh và thân nhân của họ mới hành nghề thầy thuốc, chứ bác sĩ đâu có (được) hành nghề! Vì khi đến khám bệnh thì người bệnh đã xác định sẵn tôi bị bệnh này, bác sĩ cho tôi làm những xét nghiệm nọ, rồi cho tôi mua thuốc kia, và cũng chỉ định luôn uống trong vòng bao nhiêu đó thì sẽ khỏi! Tôi vẫn nhớ, đọc xong mấy cái comments đó tôi vừa buồn cười, mà có lẽ cũng vừa muốn cười ra nước mắt nữa!

Thời gian tôi học ở Úc (giữa thập niên 1990), điều tôi và các bạn bè của tôi (đều là giới được xem là ... trí thức, đang nhận học bổng sau đại học tại nước ngoài, đa số dạy ở các trường đại học) cảm thấy ... khó chịu nhất, đó là việc không thể mua thuốc trụ sinh (kháng sinh? - antibiotics) để sử dụng mỗi khi ... tự cảm thấy cần, ví dụ như khi viêm họng (là điều mà tôi bị thường xuyên nhất, vì rất hay dị ứng thời tiết và phấn hoa, và rất sợ lạnh). Tôi đã nhiều lần đi bác sĩ (sinh viên du học theo diện học bổng của Úc thời đó được hưởng bảo hiểm y tế - medicare) vì cảm cúm, viêm họng, và hầu như chưa bao giờ được kê toa cho một viên kháng sinh nào!

Tôi cũng nhớ, lúc ấy có một anh Việt kiều rất tốt bụng, thân thiết với bọn tôi, giúp đỡ nhiều điều, và một trong những sự giúp đỡ ấy là ... thỉnh thoảng mua giùm thuốc kháng sinh, vì anh ấy có quen bác sĩ người Việt đang hành nghề tại Úc và có thể nhờ kê toa mua thuốc. Và riêng khoản giúp kê toa mua thuốc ấy đã làm cho anh trở nên một người bạn thực sự (friend in need) hết sức đáng quý, vị anh hùng của những "Việt cộng" đi học là bọn tôi thời ấy.

Kể lể dài dòng như thế, là bởi vì khi tôi lên các trang web mà BS Hồ Hải giới thiệu của FDA, thì mới thấy một rừng thông tin ở trên đó. Tôi không quan tâm đến những thông tin chuyên nghiệp dành cho giới hành nghề y (nói đúng hơn, chẳng đủ trình độ mà quan tâm), nhưng chỉ riêng thông tin dành cho người sử dụng thì cũng đủ làm cho tôi đau đớn mà nhận ra lý do tại sao trình độ dân trí của VN còn kém rất xa so với các nước tiên tiến. Tất cả chỉ do giáo dục mà ra!

Tôi phải nói thêm về từ giáo dục. Ở VN, có một sự hiểu lầm tai hại là giáo dục (education) chỉ là cái gì được giảng dạy trong nhà trường (formal instruction). Trong khi đó, định nghĩa từ "education" trên wikipedia là như thế này:

Education in its broadest sense is any act or experience that has a formative effect on the mind, character, or physical ability of an individual (e.g., the consciousness of an infant is educated by its environment through its interaction with its environment) [...]
(Link: en.wikipedia.org/wiki/Education)
Giáo dục hiểu theo nghĩa rộng nhất là bất kỳ hành động hoặc kinh nghiệm có tác động hình thành trí tuệ, tính cách, hoặc thể chất của một cá nhân (vd ý thức của trẻ sơ sinh được "giáo dục" bởi môi trường xung quanh, thông qua những tương tác của nó với môi trường ấy) [trích dẫn còn nữa, nhưng tạm ngưng tại đây vì đã đủ ý cho entry này]

Với định nghĩa như vậy, và quay trở lại trang web của FDA, mới thấy dân người ta được nhà nước của họ "giáo dục" tốt đến chừng nào. Trước hết, giáo dục không chỉ là việc Bộ Giáo dục. Riêng về giáo dục sức khỏe, thì thử xem riêng trang web của FDA đã góp tay vào việc này với những thông tin như thế nào nhé?

Trang Thông tin cho người tiêu dùng (information for consumers): có nhiều thông tin, nhưng theo tôi một trong những thông tin quan trọng nhất là phân biệt 2 loại thuốc: thuốc không cần toa bác sĩ (tiếng Anh là over-the-counter drugs, viết tắt là OTC drugs), và thuốc bắt buộc phải kê toa (prescription drugs).
Link: http://www.fda.gov/Drugs/ResourcesForYou/Consumers/default.htm

Hoặc một trang khác có liên quan, cũng trên website của FDA là Mua và sử dụng thuốc an toàn (Buying and Using Medicine Safely), trong đó có những chủ đề như Kháng sinh và lờn kháng sinh (antibiotics and antibiotics resistance), hoặc Lạm dụng thuốc giảm đau kê theo toa (Misuse of prescription pain relievers), hoặc Hiểu biết về thuốc không cần toa bác sĩ (Understading Over-the-Counter Medicines), vv.

Vậy còn ngành giáo dục của họ thì sao? Hãy thử xem đọc những yêu cầu về sự hiểu biết và kỹ năng về sức khỏe dành cho học sinh trung học cơ sở (gọi theo kiểu cũ là cấp 2) tại trang này.

Xin trích dịch một ít:
A. Analyze the use and abuse of prescriptions and non-prescription medications (phân tích việc sử dụng và lạm dụng thuốc có toa bác sĩ và thuốc không cần kê toa)
B. Examine social influences on drug-taking behaviors (xem xét các ảnh hưởng về mặt xã hội của các hành vi sử dụng thuốc)
[còn nhiều nhiều nữa ...]

Trên đây là 2 yêu cầu cụ thể đầu tiên trong nhiều yêu cầu trong mục tiêu số 5 về giáo dục sức khỏe dành cho học sinh lớp 6 của bang Texas!

Và đây là mục tiêu số 6 (với những yêu cầu cụ thể không có thời gian để nêu ở đây):
(6) Influencing factors - the student understands how factors in the environment influence individual and community health
(Các yếu tố ảnh hưởng - học sinh hiểu đơợc các yếu tố trong môi trường có ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng)

(Viết đến đây lại nhớ đến cậu bé con trai của ông Lê Vân nổi tiếng với vụ ái tử thi - chẳng biết bây giờ số phận họ ra sao rồi, sau một hồi báo chí làm ầm ĩ khiến họ trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ? Cậu bé ấy cũng học lớp 6 thì phải? Nếu bây giờ cậu bé ấy bị bạn bè kỳ thị, không thèm chơi nữa, thì ai chịu trách nhiệm ấy nhỉ?)

Vậy báo chí của người ta thì sao? Hầu như mở ra bất kỳ một tờ báo nào (kể cả báo lá cải thì phải) ta cũng thấy có mục sức khỏe, trong đó có những bài viết (có vẻ) rất chuyên nghiệp (well, cái này phải để cho mấy "bác" nhà ta khẳng định lại mới dược). Ví dụ như báo The Korea Times với bài viết này, chẳng hạn. Hoặc tờ Chinapost (của Đài Loan) với bài này.

Ôi! Nhìn vào chỗ nào cũng thấy mình đầy thua kém! Mà thực ra, người VN mình trí tuệ có kém ai mấy đâu? Việt kiều thế hệ thứ hai có nhiều người thành đạt lắm cơ mà? Mà Việt cộng đi học, cũng đều làm cho bọn sinh viên nước sở tại kính trọng, và ... ghét nữa, vì học gì mà học ghê thế, không để cho người ta học với? Nhưng thế mà dân mình, nước mình thì cứ mãi lầm lạc như thế này?

Thôi thì cứ cố làm được gì thì làm, rồi mọi việc sẽ phải khá lên, phải không?

2 nhận xét:

  1. Hihihi, biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít. Hổng biế`t thì hổng khổ. Ủng hộ chị dịch những bài mà liân quan đế giáo dục học sinh về sức khỏe 2 tay, 2 chưn.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn sự động viên và ủng hộ của bác.

    Tôi làm rất chậm bác ạ! Vì còn nhiều việc khác phải làm. Giá như ngày dài 48 tiếng thì may ra đủ sức làm mọi việc mình định bác nhỉ!

    PA

    Trả lờiXóa