Research paradigm dịch sang tiếng Việt là gì nhỉ?
Tôi viết entry này vì đang tìm cách dịch từ research paradigm để tiếp tục một cuộc trao đổi nho nhỏ thú vị với bạn bè. Và viết với nhiều mục đích, trong đó trước hết là một mục đích "vị kỷ". Tôi vốn là dân humanities (nhân văn), thích văn chương, sáng tác, và cũng thích ngôn ngữ, lý luận hàn lâm, nghiên cứu.
Nói thế để chuẩn bị giải thích về việc tôi sắp làm, đó là câu nệ câu chữ khi dịch tài liệu tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Tôi biết nhiều người không phải dân văn chương ngôn ngữ sẽ thấy mất thì giờ khi chúng tôi bẻ câu bẻ chữ như thế này. Nhưng đối với bọn tôi, thì ngôn ngữ có lẽ là tất cả: là công cụ tư duy, là đối tượng và khách thể nghiên cứu, và là công cụ bày tỏ, diễn đạt kết quả nghiên cứu của mình. Là alpha và omega!
Ngoài mục đích vị kỷ, làm vì mình thích làm, tôi cũng có một mục đích "vị tha" hơn, là giúp mọi người, ít ra là sinh viên của tôi, hiểu đúng, nói đúng (khi cần chuyển ngữ giữa 2 tiếng Anh và tiếng Việt), và tư duy đúng (tôi tin thế, vì tư duy mạch lạc bắt đầu bằng việc có các định nghĩa rõ ràng - cái này có liên quan đến bản thể luận phải không bác Hải?)
Nhiều sinh viên của tôi sau khi học môn Phương pháp (luận) nghiên cứu (khoa học) (research methodology) nói với tôi rằng, chẳng hiểu gì ráo, cuối cùng chỉ còn nhớ có gặp hai từ là qualitative (định tính) và quantitative (định lượng) mà thôi. Còn tại sao 2 từ này lại quan trọng thế, thì hoàn toàn không hiểu!
Còn tôi, thì khi giảng bài, hoặc hướng dẫn luận văn, vẫn luôn kêu la rằng, các bạn thiếu nhiều quá, nhiều quá! Nói như thế, có lẽ là hơi vô trách nhiệm, vì nói theo kiểu VN, thì có dốt mới đi học, chứ giỏi rồi còn đi học gì nữa. Nhưng mà ... thực sự là các bạn thiếu rất nhiều! Mà cái thiếu lớn nhất, theo tôi, là thiếu hiểu biết về triết học!
Cái gọi là triết học mà các bạn học chỉ tập trung vào có một chủ thuyết duy nhất thôi, đó là triết học của Marx. Mà như thế thì rất chưa đủ. Đó là chưa kể việc dạy triết học của Marx trong trường hiện nay cũng chưa phải là hoàn hảo. Về việc này các bạn đọc một số bài trên blog của BS Hồ Hải thì rõ. Địa chỉ blog: http://www.bshohai.blogspot.com.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: research paradigm dịch là gì?
Câu trả lời đây - xin lỗi đã bắt các bạn chờ lâu: có thể dịch nó là "trường phái nghiên cứu" các bạn ạ! Và đây là một yêu cầu cơ bản khi bắt đầu nghiên cứu: ít nhất bạn cũng phải nói được là mình thuộc trường phái nào chứ, phải không?
Có lẽ sẽ có rất nhiều cách phân loại, nhưng tôi thích cách phân loại này (link: http://www.celt.mmu.ac.uk/researchmethods/Modules/Selection_of_methodology/index.php).
Dưới đây tôi xin tóm tắt và diễn giải thêm một vài điểm:
- Nghiên cứu cần bắt đầu bằng cách chọn một trường phái nghiên cứu (tức research paradigm - như trong bài viết trước của tôi, thì trường phái nghiên cứu, hay hệ thuyết nghiên cứu, bao gồm 3 yếu tố: bản thể luận, hay quan điểm về bản chất của các hiện tượng nghiên cứu; khoa học luận hoặc nhận thức luận, tức quan điểm về việc làm sao có thể hiểu biết về các hiện tượng cần nghiên cứu; và phương pháp luận, tức kế hoạch về con đường cụ thể dẫn mình đến câu trả lời hoặc giải pháp cần có)
- Hai trường phái nghiên cứu cơ bản, đại diện cho 2 lãnh vực khoa học ở hai cực đối lập với nhau là khoa học (science) và nghệ thuật (art), là positivism (thực chứng luận, hay chủ nghĩa thực chứng) và anti-positivism hoặc constructivism mà tôi tạm dịch là phi thực chứng luận và kiến tạo luận, hay thuyết kiến tạo.
- Cốt lõi tư tưởng của thực chứng luận có thể tóm tắt trong một câu là "ngoài kia có một thế giới khách quan, độc lập với kinh nghiệm của con người, và ta có thể nhận thức ra nó bằng cách quan sát, đo đạc, hoặc sờ vào nó". Ngược lại với nó là quan điểm kiến tạo, tức sự vật không tồn tại khách quan mà phụ thuộc vào sự trải nghiệm và tư duy của con người, theo kiểu "con người tạo ra thượng đế" (vì mình nghĩ là có thượng đế, nên mới có cái gọi là thượng đế).
- Từ hai quan điểm trên, ta có hai cách tiếp cận nghiên cứu (research approach) chính là định lượng (dành cho quan điểm thực chứng) và định tính (dành cho quan điểm phi thực chứng, hay quan điểm kiến tạo).
- Mỗi cách tiếp cận nói trên (mà theo tôi hiểu thì nó chính là vấn đề nhận thức luận, phải không bác Hải) sẽ có nhiều phương pháp cụ thể (methods) khác nhau. Ví dụ theo cách tiếp cận định lượng thì sẽ làm điều tra (survey), thực nghiệm (experimental), hoặc phương pháp tương quan (correlational). Và rất cần hiểu biết về thống kê để làm cho đúng! Còn làm định tính thì thường là case study (tôi dịch là điển cứu), phương pháp dân tộc học (ethnographic) - tức cùng ăn cùng ở cùng làm, quan sát, trao đổi tuơng tác, ghi chép rồi sau đó diễn giải ra các ý nghĩa, và phương pháp hiện tượng học (cái này tôi không rành, phải tìm hiểu thêm, và học hỏi ở các bạn bè đồng nghiệp khác).
- Riêng khoa học xã hội (social sciences) thì nó nằm giữa art và science, nên nó có khi sử dụng trường phái này, có khi sử dụng trường phái kia. Nói thêm: ngày nay người ta có khuynh hướng kết hợp cả hai trường phái trong nghiên cứu khoa học chứ không còn sử dụng đơn thuần một trường phái nào. Và khoa học xã hội bao gồm: kinh tế, giáo dục, xã hội học (sociology), và một số ngành khác. Khoa học nhân văn, hay là art, bao gồm triết học, văn chương, ngôn ngữ, mỹ thuật, vv. Cũng nói thêm: hiện nay có hiện tượng xóa nhòa ranh giới giữa khoa học xã hội và khoa học nhân văn.
--
Wow! Tôi cũng không ngờ mình có hứng để viết một mạch được dài như thế. Hứng này có được do trao đổi, tranh luận với bạn bè, cho nên rất cám ơn các người bạn của tôi đã cho tôi cảm hứng.
Tôi muốn nói thêm một chút để giải thích cái tựa của entry này. Tôi nghĩ, muốn tư duy tốt trước hết phải có năng lực ngôn ngữ, mà quan trọng nhất là trong việc sử dụng thuật ngữ. Ví dụ triết học là triết học, mà chính trị học là chính trị học. Hối lộ là hối lộ, chứ không phải là "quà biếu trên mức tình cảm". Khi có ngôn ngữ chính xác, và tư duy tốt rồi, thì học triết chắc không có gì khó khăn lắm. Và có nền tảng triết học tốt, thì làm việc gì cũng sẽ tốt, và chắc chắn là nghiên cứu tốt. Mà tất cả những điều này bắt đầu ở trong trường, ngay từ những lớp nhỏ. Có phải vậy không bác Hải?
Còn phần ở trên là tóm tắt và diễn giải của tôi với cái Table 1 ở trong bài viết bằng tiếng Anh mà tôi giới thiệu ở trên, hy vọng giúp ích cho các bạn sinh viên ít nhiều khi đọc sách và làm nghiên cứu. Tôi cũng biết tật của mình là nói lằng nhằng khó hiểu. Có lẽ một phần do tôi nghĩ nhanh quá. Hoặc cũng có thể do đầu óc rối rắm quá ;-).
Và hy vọng các bạn đọc xong không bị nhức đầu! Nhưng nếu nhức đầu, thì ... cũng ráng chịu thôi! ;-)
Còn bạn nào không nhức đầu mà vẫn thích thú thì nên đọc thêm cái này.
Link: http://diendankienthuc.net/diendan/showthread.php?t=5553.
Enjoy!
Ví dụ triết học là triết học, mà chính trị học là chính trị học. Hối lộ là hối lộ, chứ không phải là "quà biếu trên mức tình cảm".
Trả lờiXóaĐây là trường phái hiện sinh. Nó vậy, nó phải là vậy.
Tôi đã trả lời về mặt từ ngữ chữ research paradigm của chị bên blog của tôi.
cám ơn chị !
Trả lờiXóadocaosang.com
Trả lờiXóaEm cũng đua đòi văn học nghệ thuật. Triết học, Phật giáo, văn thơ, nhân tướng học, hội họa, âm nhạc...Mỗi ngành cũng biết vài chút kiến thức. Cũng nghiên cứu ngữ dụng học đôi chút. Gặp các bác như cá gặp nước. Về VN mà gặp chị được một lần, cười với nhau một trận, có chết ngay cũng không hối tiếc. Học thuật của những người như chị thật sâu sắc, em không thể theo được. Hình như em thuộc một giới khác: Chơi bời. Ngay cả trong nghiên cứu khoa học cũng chỉ là chơi bời. Thế mới tệ!
Nga Nga hồ chí tại cao sơn
Dương dương hồ chí tại lưu thủy
Đàn Bá Nha mấy kẻ tri âm
Mới nghe qua khóc trộm lại thương thầm
Chung Kỳ chết e quăng cầm không gảy nữa