Sáng nay thấy trên blog của GS Nguyễn Văn Tuấn bài viết "Nhìn vân tay để đoán bệnh", rồi mở mail ra lại nhận được bài viết này (gửi tự động sau khi đăng ký) của tờ Washington Post viết về cái lợi và cái hại của việc uống rượu [chà, cái này thì chắc là nên dịch để gửi sang blog của bác Hải để giữ lời hứa với bác ấy về cái vụ dịch vật - mặc dù hơi run bị bác Trèo bác ấy dập ;-)] lại nhớ ra một đề tài mình muốn viết từ lâu mà chỉ mới khơi lên nhưng chưa có thời gian để viết, đó là vấn đề giáo dục sức khỏe tại VN.
Nói đến giáo dục theo nghĩa rộng thì không thể không nói đến vai trò của truyền thông. Nhưng ngành truyền thông của VN nói riêng, và các nước thuộc khối XHCN (trước đây) nói chung, ngoài việc có một quan niệm hơi khác về vai trò của truyền thông so với các nước TBCN (truyền thông trước hết phải là công cụ giáo dục chính trị, hình như thế?), còn có một điểm yếu rõ rệt là thiếu tính chuyên nghiệp. Ví dụ việc các tờ báo của ta viết về lãnh vực sức khỏe.
Nói hơi lạc đề một chút: từ "chuyên nghiệp" đang được dùng ở đây được dịch sang tiếng Anh bằng từ professional, mà professional trong tiếng Anh thì ... thứ dữ đấy! Ví dụ, trong các trường đại học, người ta phân biệt các trường chỉ thuần túy academic (có liên quan đến từ liberal arts, sẽ giải thích trong một entry khác khi có dịp), và các trường có các professional schools, mà đặc biệt là Y, Luật, Báo chí, Kinh doanh (Business), và gần đây nhất, là trường Chính sách công (Pulbic Policy). (Cái trường cuối này bắt đầu được quan tâm ở VN là sau mấy cái vụ Lý Quang Diệu thăm VN, rồi các ông GS người Mỹ tư vấn cho chính phủ ta về việc xây dựng trường đẳng cấp quốc tế, chắc là thế!)
Có thể xem cách phân chia các mảng đào tạo của ĐH Yale để có thể thấy rõ sự phân biệt này (Yale có 2 cụm "trường" đào tạo ở trình độ sau đại học là Arts and Sciences tức các trường chủ yếu lý luận giống như ĐH Tổng hợp trước đây, và các trường Professional Graduate Schools gồm Y, Nha, Dược, Kiến trúc, Kinh doanh, Báo chí vv và có cả Giáo dục, Điều dưỡng, Y tế công cộng vv nữa các bác ạ!)
Và có một điều có lẽ trong ngành truyền thông ở VN hiện nay ít ai biết (?), là các columnists (= cây bút chuyên phụ trách một mục trên báo) về những lãnh vực chuyên nghiệp (y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị vv) thì ở các nước tiên tiến như Anh Mỹ đều phải được học hành bài bản về lãnh vực đó cái đã. Đó là điều kiện cần (và tất nhiên là chưa đủ). Có khá nhiều nhà báo có bằng cấp rất tử tế, vài cái bằng đại học, rồi thạc sĩ là bình thường, có những người còn có cả bằng tiến sĩ nữa, đơn cử trường hợp James Surowiecki ("thần tượng" (?) của BS Hồ Hải;-)).
Nói như thế, để nói rằng, có khá nhiều việc hiện nay có vấn đề, nhưng nguyên nhân của nó lại không nằm (hoàn toàn) ở nơi mà theo logic hình thức thì phải là nó, mà thật ra lại nằm (một phần) ở nơi khác. Ví dụ, nói đến giáo dục sức khỏe, người ta sẽ nghĩ ngay đến 2 ngành giáo dục và y tế. Nhưng nếu giáo dục và y tế có làm tốt (tất nhiên là hiện nay chưa làm tốt), thì vẫn chưa đủ, thậm chí chẳng thể có tác dụng gì, nếu không có sự hợp lực của ngành truyền thông. Mà truyền thông có khi còn phải đi trước một bước nữa mới phải đấy. Còn tại sao truyền thông bây giờ chưa/không làm tốt, thì lại phải tìm nguyên nhân ở nơi khác nữa. Thật thế!
Bây giờ nếu ai đặt câu hỏi, vậy cuối cùng cái nguyên nhân đó nó là cái gì, tại sao lại như vậy, và giải pháp ra sao, sao biết giải pháp đó là đúng, thì ... ắt là rơi trúng bẫy triết học của bác Hải rồi. Vì lại phải quay về với bản thể luận và nhận thức luận, rồi sau đó là phương pháp luận, để tiến hành nghiên cứu - không phải là một cuộc, mà là nhiều cuộc, và không phải chỉ theo một trường phái hoặc một phương pháp, mà phải nhiều trường phái, nhiều phương pháp. Đề có thể đưa ra những kết luận tạm thời ở những góc độ khác nhau, tạo ra những tranh luận tự do và độc lập, rồi cuối cùng tổng hợp lại mới tạo ra được kết luận hợp lý của một đám đông thông minh. Phải vậy không bác Hải và các bác, các chú các cô khác lâu nay vẫn tranh luận với tôi trên blog của BS Hồ Hải?
Sáng ra, tranh thủ viết vội mấy dòng khi còn sáng suốt, trước khi lao vào một ngày làm việc với các họp hành, lẫn lộn trong các đám đông mà nhiều khi vô thức hơn là hữu thức. À mà hôm nào mình phải trở lại vấn đề đám đông hay thiểu số, liên quan đến thuyết của James Surowiecki mới được! Ai quan tâm đến thuyết này, muốn hiểu nhanh thì thử đọc bài này (tự quảng cáo tí;-))
Ngày tốt lành đến với mọi người!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét