Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Đọc Bangkok Post: "Cần bao nhiêu quan tài nữa?"

Cái tựa entry này nghe rùng rợn quá, phải không? Một người bạn cũ của tôi mới đây có nói, không hiểu lúc này tôi mắc chứng gì, mà viết lách toàn là cái gì thê lương rùng rợn quá: nào là Sợ ma, Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông, rồi Cõi nhân sinh, rồi Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp .... Ừ, nghĩ lại cũng thấy ghê rợn thật chứ! Các bác sĩ bạn tôi đâu hết rồi, thử làm một psycho-analysis giúp tôi chỗ này chút xem sao, các bác ơi!

Nhưng cái tựa tôi viết trên đây không phải tôi nghĩ ra đâu, nó hoàn toàn khách quan mà, chẳng liên quan gì đến tâm thần của tôi lúc này hết á. Đó là tựa một entry trên blog của tờ Bangkok Post của Thái Lan, nguyên văn tiếng Anh là "How many more coffins?", mà tôi mới thấy xuất hiện trên danh sách blog của tôi hôm qua. Có thể đọc nó ở đây.

Còn ai làm biếng, hoặc ... đọc không tốt tiếng Anh (thôi mà bồ tèo, thú nhận đại đi, trình độ tiếng Anh của người Việt mình chắc chắn là chưa tốt bằng các nước lân cận đâu, cái này tôi nghiên cứu nhiều rồi nên biết rõ, hi hi. Còn nếu không tin nữa thì đọc ở đây nè), thì chịu khó đọc thêm ở dưới đây, phần giới thiệu của tôi. Nhưng mà báo trước nghen, không đọc bản gốc mà đọc qua diễn giải của người khác thì phải chấp nhận sẽ bị thiên lệch theo ý kiến chủ quan của người giới thiệu đó. Ráng chịu đó nghe.

Quay trở lại bài viết. Cần bao nhiêu quan tài nữa, là cái gì vậy? Đó là ý kiến của một độc giả Bangkok Post, nói lên sự đau xót của người viết về tình trạng bất ổn chính trị, xô xát đến đổ máu tại Thái Lan hiện nay. Tác giả ấy viết:

Twenty-five people have died. More than 800 people have been injured. Yet the April 10 violence has not been violent enough to shock us to our senses. With both sides hungry for more blood, there is widespread fear and anxiety about another round of violence. The chilling question: how big must the bloodbath be in order to make us realise the futility of violence?

What has happened to our country?

What has happened to our soul?

25 người chết. Hơn 800 người bị thương. Thế mà cuộc bạo động ngày 10/4 vừa qua còn chưa đủ mạnh để làm cho chúng ta thức tỉnh. Cả hai phía vẫn tiếp tục hăng máu, và mọi người đều lo sợ sẽ vẫn còn một vụ bạo động tiếp nữa. Câu hỏi rợn người: cần một cuộc tắm máu đến cỡ nào để chúng ta hiểu ra sự mù quáng của những vụ bạo động của mình?

Chuyện gì đã xảy ra cho đất nước chúng ta?

Chuyện gì đã xảy ra cho lương tri của chúng ta?

Nói ngoài lề một chút: tôi đọc và thấy ... cách viết của tác giả này sao hao hao giống tôi, chắc là tác giả nữ (???). Vì nhiều cảm xúc, và hay chêm những câu hỏi vào bài viết. Giống kiểu thơ Quang Dũng với một lô những câu hỏi, đại loại như: "Tôi thương mà em đâu có hay?" (Quán bên đường), "Mẹ tôi em có gặp đâu không?", "Em có bao giờ lệ chứa chan?", hay là, tất nhiên rồi, "Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?" (Đôi mắt người Sơn Tây). Hay lắm, ít ra là ... hợp gu của tôi! (Lạc đề rồi, lạc đề trầm trọng! Trở lại nội dung bài viết thôi.)

Đoạn tôi mới trích ở trên là phần đầu của bài viết. Phần giữa, mà tôi sẽ lướt qua ở đây, là phần phân tích sai lầm của cả hai phe bất đồng. Tôi không quan tâm, vì bản chất không quan tâm đến chính trị CHỈ vì chính trị (politics for the sake of politics), mà chỉ quan tâm đến kiếp người, đến cõi nhân sinh, đến thế thái nhân tình mà thôi. Nên nếu có bao giờ nói chuyện chính trị, ấy là chẳng qua những chuyện đó có ảnh hưởng đến những con người, những số phận mà tôi biết, khiến mình tức giận, bất bình, phẫn nộ, hoặc kính trọng, ngưỡng mộ, hoặc xót thương, gì gì đấy. Rất rất rất cảm tính, chẳng có duy lý chút nào như mấy người bạn bloggers (toàn là nam giới) của tôi hay kêu gọi.

Mà này, đố biết nam giới của VN hay kêu gọi duy lý như thế chứ thực sự có duy lý như thế không? Ai trả lời được câu này, có lý lẽ và minh chứng (!) hợp lý, tôi xin ... trọng thưởng ạ! Vì cho đến nay tôi vẫn ngờ ngợ rằng nam giới VN hình như cũng không duy lý lắm, hay là tôi thành kiến nên nói vậy? (Lại lạc đề nữa rồi, làm luận như vầy thì đáng bị "ốc chọt", tức là không điểm, hay là zero ấy!)

Ừ, thì quay về bài viết của Bangkok Post. Đây là đoạn cuối cùng:
After 25 deaths, hate and anger still prevail.

How many more coffins do we need to see to make us weep together as one? How many more people must die for us to realise that the real demons are not the reds or the yellows out there. It is the fiery anger and hatred we keep nurturing in our hearts.

Sau 25 cái chết, sự thù hận và căm ghét vẫn rẫy đầy.

Chúng ta cần có bao nhiêu quan tài nữa để có thể cùng khóc và nhìn nhau như anh em một nhà? Bao nhiêu người cần ngã xuống nữa để chúng ta nhận ra rằng những con quỷ dữ thật sự không phải là bọn áo đỏ hay áo vàng ngoài kia. Mà chính là sự căm thù và oán hận điên cuồng mà chúng ta cứ mãi nuôi dưỡng trong tim?

Kết luận hay không, các bạn? Tôi thì thấy rất hay, nên mới đưa lên đây để chia sẻ với mọi người chứ.

Cái hay nhất, là dường như cái kết luận này cũng đáng nghiền ngẫm cho hoàn cảnh VN hiện nay. Một quốc gia có một truyền thuyết rất hay về một mẹ sinh ra trăm con từ cùng một bọc trứng.

Hay lắm, phải không các bạn?

Đáng suy nghĩ vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đúng không?

4 nhận xét:

  1. Đôi khi em tự hỏi, phải chăng rất nhiều người tham gia các vụ bạo động đẫm máu hiện nay ngày xưa cũng từng thấy thầy cô, cha mẹ của mình dùng đòn roi, thay vì lời nói, để khẳng định quyền lực trước những người có vị thế yếu hơn?

    Khi người ta không còn tin vào sức mạnh của lý lẽ, bạo lực dường như đã trở thành một lựa chọn phổ biến.

    Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực của ngày hôm nay?


    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hay lắm SGK ạ.

    Em có thể cộng tác với cô bằng cách viết một bài về giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông của Singapore được không? Hoặc chính sách tuyển sinh đại học tại Singapore?

    Nếu cần trao đổi thêm thì em mail nhé.

    PA

    Trả lờiXóa
  3. entry này của mẹ hay ghê! ^^

    Trả lờiXóa
  4. Bao giờ thi xong (khoảng đầu tháng 5) em sẽ ngồi sắp xếp tư liệu để viết thử. Có gì em sẽ gửi outline và trao đổi thêm với cô sau.

    SGK

    Trả lờiXóa