Nhân có một vài đề cập đến văn hóa tranh luận của Việt Nam gần đây, tôi xin kể một câu chuyện có thật đã xảy ra với tôi hồi học tại Úc vào giữa thập niên 1990.
Hồi ấy, tôi ở Ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài, tên là Chisholm College (tôi học ở La Trobe University, Melbourne Australia). KTX gồm sinh viên thuộc mọi quốc tịch trong đó có Tàu, Mã Lai, Indo, Việt, và cả Úc (là người tại chỗ) nữa. Quan điểm của ban quản lý KTX này là tạo sự hội nhập về văn hóa cho sinh viên nước ngoài để giúp họ thành công hơn trong môi trường học tập và làm việc sau này.
Năm ấy tôi ở cùng tầng với một cô bé (undergrad) người Việt (gọi tôi bằng cô, vì tôi đã 34, 35 tuổi mà cô bé ấy thì mới vào năm 1 tức chỉ mới 18, 19 tuổi thôi). Hai cô cháu nấu ăn chung vì không thích ăn thức ăn của Úc, và cũng là để ... tiết kiệm một chút, cả thời gian lẫn công sức.
Đến đợt ấy, tôi phải tăng tốc viết bài để nộp, nên thường xuyên về trễ từ Thư viện. Lúc ấy máy tính chưa phổ biến và rất đắt tiền, nên phải chờ sử dụng máy công cộng, mỗi người chỉ được ngồi một máy 2 tiếng rồi phải đứng lên nhường cho người khác và đi tìm máy trống khác để ngồi. Còn cô bé (Tuyền là tên cô bé ấy) cùng ăn cơm với tôi cũng bận học thi, nên nếu phải chờ nhau trong giờ ăn cơm thì quá mất thời gian.
Vì thế, tôi với Tuyền quy ước: nếu đến giờ ăn mà người kia chưa về thì người này cứ ăn trước rồi chừa lại cho người kia. Nên hôm đó, Tuyền ăn trước, rồi để lại đồ ăn của tôi trên bàn ăn (trong bếp công cộng của sinh viên).
Hôm ấy cuối tuần (tối thứ 6), mải làm việc trong thư viện tôi về khá trễ. Khi tôi về, thì thấy đồ ăn của mình (nồi cơm, dĩa thức ăn được úp lại bằng một cái chén) bị bỏ xuống đất, gần ... thùng rác! Còn "đám" bạn cùng tầng (đa số là người Úc, da trắng) đang ngồi cười đùa ầm ĩ, thậm chí quăng đầy chai, lon bia và nước ngọt vương vãi đầy bàn và đầy cả sàn nhà.
Tôi rất giận, nhưng lúc ấy đã tối, tôi không nói gì và đi ngủ (nhịn đói). Đến sáng hôm sau, tôi lên gặp ban quản lý và nằng nặc đòi đổi sang tầng khác, và nếu không được, thì sẽ dọn ra ngoài ở (mặc dù chưa biết đi đâu!)
Nhưng Bà Giám đốc KTX không đồng ý cho tôi đổi chỗ, vì sau khi nghe tôi kể sự việc xảy ra thì bà ấy hỏi tôi đã hỏi cho ra lẽ chưa: ai làm, và tại sao làm. Tôi nói chưa hỏi, bà ấy hỏi tại sao, và tôi nói, không cần hỏi, như thế là tôi đã bị xúc phạm rồi, dứt khoát là tôi sẽ đi.
Nhưng bà ấy cũng dứt khoát không đồng ý, nói rằng tôi có thể hiểu sai động cơ của người đã làm việc ấy. Tôi nói, tôi không muốn cãi cọ (quarrel), nhưng bà ấy nói, không phải là cãi nhau, mà là giải thích và tranh luận (debate), nếu cần, để làm rõ mọi việc, để hiểu rõ vấn đề là gì, rồi mới có thể quyết định.
Nếu không chịu đối đầu, tranh luận và làm rõ vấn đề thì họ sẽ không cho tôi rút lại tiền cọc (hình như cả năm cũng mấy trăm đô Úc, lúc đó dối với tôi, và mọi người VN lúc ấy, có lẽ thế) là rất rất nhiều. Vì bị chế tài như thế, nên tôi phải bấm bụng mà trở về và báo cho người trưởng tầng (mỗi tầng có một người phụ trách, cũng là sinh viên ở trọ nhưng được ban quản lý chọn giao nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự của tầng nên được miễn phí).
Và một buổi họp đã diễn ra do cô trưởng tầng sắp xếp, trong đó tất cả các thành viên của tầng, có cả tôi tất nhiên, được mời đến. Cô trưởng tầng (nhỏ tuổi hơn tôi, chắc gần 30 hay hơn một chút) nêu lời than phiền của tôi, và hỏi xem ai đã làm, và tại sao, và yêu cầu có lời giải thích và xin lỗi.
Và một cô bé Úc da trắng mắt xanh tóc vàng, trông rất quý tộc và ... hơi kiêu kiêu (thấy ghét!), tôi có cảm giác thế, hơi bối rối đứng ra nhận, giải thích vì không biết thức ăn của ai, và vì thấy cũng muộn muộn rồi, thức ăn để bên ngoài không để tủ lạnh thì có thể hư, có lẽ không nên ăn nữa nên mới bỏ xuống đất cạnh thùng rác như vậy (kể ra "nó" nói cũng đúng, nhưng tôi vẫn ấm ức lắm). Và sau khi nói xong, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ hối lỗi (mà lúc ấy vì tức giận tôi vẫn cho là ... giả dối), và nói: "I am sorry! I am really sorry!" Hai lần như vậy. Và nhìn tôi, chờ đợi.
Tôi không nói gì (trong bụng vẫn còn cảm thấy bị xúc phạm). Vài giây sau, cô trưởng tầng hỏi tôi: "Are you happy now? Will you stay here with us?" Và cả tầng (đa số là trẻ con so với tôi) nhao nhao hỏi: "Ann (lúc đi học họ gọi tôi là Ann cho nó dễ gọi), will you stay? We really don't want you to leave!"
"And I said yes" (câu này đúng hệt một câu trong bài hát gì ngày xưa, quên tên rồi), OK, I'll stay.
Cả tầng nhảy lên reo hò, một cậu sinh viên năm 2, năm 3 gì đó, người Tây to lớn, lại còn đến give me a hug nữa, mới chết chứ!
Tôi không bao giờ quên kinh nghiệm này. Và không chỉ có một kinh nghiệm đó, mà còn nhiều kinh nghiệm khác, nhưng cái này làm tôi nhớ lâu nhất.
Hình như mấy năm trời sống với văn hóa thẳng thắn như thế nên tôi hơi khác thường, về VN ăn nói thẳng thắn, thích tranh luận cho ra vấn đề (nhưng mà tranh luận cho đúng là phải lịch sự, hợp lý, không được hàm hồ - well cái này nói dễ làm khó), có thể nảy lửa, nhưng xong rồi thôi. Nhưng hình như cái phong cách đó ít ai hiểu, và ít ai chấp nhận, đặc biệt là ở một phụ nữ Á Đông, như tôi!
Thành ra bây giờ tôi vẫn cứ thấy mình lâu lâu lại làm phiền lòng người này hay người khác, thậm chí mất cả bạn bè, vì những lời thẳng thắn không suy nghĩ, không rào trước đón sau đó.
Văn hóa của ta là làng xã, xấu che tốt khoe, thiếu tranh luận duy lý (nhưng có thể cãi nhau mất bình tĩnh, thì ... không sao?), "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", "thương nhau trái ấu cũng tròn", nhưng đã sai rồi, cũng không chịu nói lời xin lỗi, và không chấp nhận lời xin lỗi (vì thấy nó không cần, hoặc không muốn tha thứ)...
Cách sống như VN, hay sống như bọn Úc đã "rèn luyện" tôi mấy năm ở đó, cách nào là cách tốt hơn, nhỉ? Có ai bảo dùm cho tôi với, được không?
Em đoán là cách thứ hai tốt hơn và chắc nó không phải chỉ là hệ quả của việc được "bọn Úc rèn luyện". Em nghĩ hạnh phúc nhất là sống theo những giá trị mình trân trọng và có được một cộng đồng những người cùng tin như mình. Cộng đồng ấy nho nhỏ thôi cũng đủ rồi, không cần phải là cả nước hay đa phần mọi người xung quanh.
Trả lờiXóaHi Hà Thanh,
Trả lờiXóaCám ơn comment của em.
Cô thích nhất là câu kết luận: có được một cộng đồng nho nhỏ ...
Cô cũng muốn thêm: muốn có cộng đồng đó thì chính ta phải tự tạo ra, Hà ạ.
Đó có phải là hạnh phúc (và cũng là nỗi đau, nếu thất bại) của những người làm nghề gõ đầu trẻ như chúng ta không?
PA
Sorry, Hà Thanh, không phải Hà!
Trả lờiXóaCô có bà chị ruột tên là Thanh Hà, em biết không, nên bị nhầm ấy mà.
PA
Úc tốt hơn!
Trả lờiXóaReally tốt hơn!
Hơn! hơn! hơn!
( Giơ nắm đấm tay phải lên 3 lần )
Entry này của mẹ hay ghê! con nói bố lên đọc rồi comment cho mẹ nhé!
Trả lờiXóaHi Khuê,
Trả lờiXóaNhớ đó nghe, nhắc bố comment đó. Nếu không là mẹ ... nghỉ chơi bố ra, hì hì.
PA
Chào cô.
Trả lờiXóaEm nghĩ để tranh luận hiệu quả, người ta cần học cách tôn trọng sự khác biệt. Lẽ thường, mình có xu hướng tìm sự đồng thuận từ người khác, như một cách để cảm thấy bản thân "có giá" hơn (more socially desirable). Cũng vì vậy mà phần đông chúng ta thích chơi với những người giống mình, và có xu hướng tránh xa những người khác mình (khác về màu da, sở thích, ngôn ngữ hay quan điểm). Điều này dẫn tới nhiều vấn đề, chẳng hạn như chuyện kì thị (giới tính/ chủng tộc/ vùng miền), cũng như suy nghĩ ai đồng ý với ta là bạn ta, còn người bất đồng ý kiến với ta là kẻ thù của ta (cho nên nếu người đó - đặc biệt là cấp dưới, hoặc những ai yếu thế hơn - dám bật mình, thì mình sẽ dập cho nó tơi tả há há).
Nếu học được cách tôn trọng (hoặc tốt hơn nữa là trân trọng) sự khác biệt, chúng ta sẽ biết lắng nghe người kia nói hơn, và cũng cởi mở hơn, thay vì tìm đủ mọi cách để khiến họ cảm thấy bẽ mặt và đuối lý. Sự tôn trọng này rất cần thiết, bởi lẽ các vấn đề gây tranh cãi thường không phải fact-based, mà liên quan nhiều tới "value judgement". Mà đã dính tới "value judgement", thì chuyện cố làm người khác phải đồng ý với mình xem ra vô vọng lắm, thậm chí còn khiến khoảng cách của hai bên rộng ra vì sau khi ngồi cãi chán chê, người ta lại càng tin vào quan điểm của mình (cũng như sự "cứng đầu, ngu dốt" của "bọn bên kia"). Phản ứng phổ biến là giận lẫy, kiểu, "chú đầu đất quá, tôi không phí lời với chú nữa" (lúc này thì debate đã chuyển thành personal attack). Ai đã từng theo dõi mọi người tranh luận trên mạng (từ chuyện dân chủ, bông hậu đến Thanh Lam hát nhạc Trịnh) có lẽ sẽ không thấy những kết cục như vậy quá lạ lẫm. Đâu phải chỉ có trẻ con mới có suy nghĩ "cô giáo mình là nhất", "mình thấy món này ngon, đứa nào chê dở đứa đó ngu"!
"Agree to disagree", xem ra là một điều mình vẫn phải học, học nữa, học mãi.
SGK
cuongvkm noi tuong gi tranh luan dau can phai co van hoa cu cai chay cai coi la xong ay ma
Trả lờiXóaHi anh,
Trả lờiXóaChà, bữa nay mới thấy bố Khuê lên tiếng đó nhe!
Đọc xong, anh sẽ thấy tại sao em ... hay "cãi", phải không?
PA