Về sự hòa hợp giữa những người trong nước, ông Bích nói:
- Tôi cho rằng cách xử sự với người bại trận là thiếu độ lượng. Mãi tới sau Đổi mới, tình trạng này mới giảm dần. Theo tôi, hòa hợp dân tộc phải do người chiến thắng chủ động tiến hành, trước hết là hòa hợp với người đã khuất. Thế nhưng chúng ta làm việc này chậm quá. Mãi gần đây chúng ta mới dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa.
Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó nhận xét về việc chính phủ VN đã tích cực giúp Mỹ tìm lại hài cốt những người lính Mỹ đã chết trận ở VN, và 2 kẻ "cựu thù" đã thực sự bình thường hóa quan hệ và trở thành bạn bè, đồng minh. VN cũng đã tiến hành cuộc chiến với TQ năm 1979, rồi bây giờ TQ cũng đã trở thành người đồng chí tốt của VN với 16 chữ vàng rồi. Thậm chí tôi còn nghe om xòm vụ "liệt sĩ TQ" nữa. Nhà nước ta đã thể hiện quan điểm khá rộng lượng với những ngoại bang từng là kẻ thù trên đất nước ta.
Nhưng những người đồng bào cùng máu đỏ da vàng của chúng ta đã nằm xuống, hay đã sống qua những ngày tháng đó như những nhân chứng, và âm thầm lặng lẽ đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của VN sau này - họ là ai, đã từng nghĩ gì, cảm nhận gì, và hiện nay họ và con cháu họ đang nghĩ gì, cảm nhận gì trước vận hội cũng như những thách thức mới của đất nước này? Hay họ mãi mãi phải chịu số phận là missing piece trong bức tranh lịch sử của VN? Là skeleton in the cupboard trong gia đình VN?
Ngày 30/4 đến. Tôi không thuộc 1 triệu người vui mà cố TTg VVK đã đề cập đến. Tôi biết chắc chắn cha mẹ tôi - ông bà đã quá cố - và nhiều chú bác của tôi thuộc số 1 triệu người buồn. Còn tôi, năm 1975 tôi chỉ mới 15 tuổi. Cuộc chiến đã qua đi 35 năm rồi. Tôi tin mình cũng đã đóng góp hết mình cho đất nước này, như một người bình thường như tôi có thể làm được. Tôi tin mình luôn đập từng nhịp với nhịp tim của dân tộc. Và những thành quả của ngày nay, cũng như những vấn nạn của toàn xã hội, đặc biệt trong ngành giáo dục, cũng có phần đóng góp và trách nhiệm của tôi.
Nhưng đến ngày 30/4 thì tôi không thấy có chỗ nào cho mình cả. Tôi không muốn nghe mãi và không muốn tham gia nhắc nhở về những mất mát đắng cay của những người thua cuộc. Vì nó không giải quyết được gì hết, và chỉ tiếp tục kéo dài sự hận thù. Nhưng tôi hiểu tại sao họ vẫn còn lưu giữ sự oán giận trong lòng.
Tôi tin là họ muốn, và tôi cũng muốn, họ được nhắc đến như một phần trong lịch sử đau thương này của dân tộc. Được trân trọng như những con người chân chính chứ không phải nhưng kẻ ngụy tà, là người dân Việt, biết vui biết buồn, có đúng có sai, đã sống hết mình và hy sinh cho những điều mình tin là đúng.
Nhưng hình như ta đã làm cho họ biến khỏi lịch sử của VN mất rồi? Mà họ chính là cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị của tôi, là cội rễ của tôi. Nên tôi thấy trong lịch sử VN, những người như tôi bị đứt mất gốc rễ từ chỗ đó.
Và đó là lý do tại sao dù làm việc suốt đời cho nhà nước, và đóng góp hết sức mình, nhưng tôi vẫn cùng một lúc cảm thấy như người đứng ngoài, bị gạt ra ngoài. Một người không cội rễ.
Nên ngày 30/4 đối với tôi luôn là một ngày để suy nghĩ. Không phải để ăn mừng, mà cũng không phải để thù hận. Mà chỉ là băn khoăn, với một câu hỏi duy nhất: Khi nào?
Khi nào thì đến ngày 30/4, 1 triệu người buồn bây giờ cũng sẽ cảm thấy vui. Vui, vì đất nước đã thống nhất, anh em hòa hợp, không kỳ thị, anh thắng nhưng anh cũng đã có nhiều sai lầm, tôi thua nhưng không phải cái gì tôi làm cũng là sai. Anh thắng nhưng cũng có những chỗ anh có thể học từ tôi, và tôi thua, nhưng tôi không hằn học vì anh đã có những cư xử độ lượng, chân tình...
Khi nào?
---
Viết thêm:
Tôi vừa tìm thấy bài này, rất đáng đọc nên đưa link về đây giới thiệu với mọi người. Nó đây.
Buồn lắm, cái buồn của cả 2 triệu người từ hai phía trong câu nói của Ông VVK, được dùng làm tựa của entry này.
30 tháng 4 năm 75...
Trả lờiXóaMình 18 tuổi , đang học năm đầu ở Đại học Khoa Học Sài Gòn...
Mình đọc và sao mà thấm thía từng câu , từng chữ , những điều PA viết ở đây...
Từ nửa vòng trái đất cõi người ta...xin cám ơn Phương Anh rất , rất nhiều...
Phương Khanh
Bài này chan chứa nhiều chân tình từ 1 chứng nhân nay xấp sỉ "ngũ tuần" với kinh nghiệm trước và sau ngày "Thống Nhất" của 1 đất nước ít khi thực sự thanh bình. Xin cám ơn chị chủ nhà với bài đầy tình người này nha.
Trả lờiXóaHôm nay bà 8 này hơi bị tê hoặc tưng tửng nên không viết được cái gì ra hồn, viết rồi xóa và sau đó viết lại để rồi phải xóa lần nữa.... Huhuhu! Thôi đành "xì pem" 1 chút vậy, đề tài "30 Tháng Tư, thế hệ trẻ hôm nay: Biết gì? Nghĩ gì?" là 1 tóm lược có giá trị với tư duy cùng thực tế của giới trẻ Việt ở "nước lạ" hiện nay, rất đáng để các thế hệ cha ông 5, 6, 7, 8 bó trong và ngoài nước đọc cùng suy ngẫm và bàn luận đôi chút về phần nào tương lai của nước Việt khi mình già nua hoặc đã về chầu ông bà.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112149&z=1
Bà 8 Sưu Tầm
Chị Phương Khanh và Bà Tám,
Trả lờiXóaRất cám ơn hai vị đã gửi những nhận xét làm chủ nhà rất sung sướng và cảm động.
Có phải sự hòa hợp, hòa giải trước hết phải bắt đầu từ những con người thật và cảm xúc thật như thế này không, chị PK và Bà Tám ơi?
PA
Chào Phương Anh,
Trả lờiXóaTheo dấu chân của PA bên nhà, TC đã tìm sang thăm PA và đọc bài viết về ngày 30 tháng tư. Thế hệ của chúng mình không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, nhưng lại là nhân chứng của rất nhiều sự kiện trong và sau cuộc chiến. Đọc bài của PA, mình hiểu được phần nào tâm trạng "bị gạt ra ngoài lề" của những người cùng thời ở "phía bên kia". Mình cũng vừa "bị gạt ra" khỏi lớp học trò của mình. Không dám kỳ vọng vào những điều lớn lao, nhưng mỗi nguời góp vào một tiếng nói cho ý tưởng hòa hợp dân tộc, mình tin nhất định ngày đó sẽ đến.
Cám ơn PA đã chia sẻ với TC.