Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Thơ và đêm

Thơ và đêm có liên quan gì đến nhau không nhỉ? Đối với tôi thì có đấy.

Ngày còn bé, lúc nào muốn làm thơ (vè?) là tôi phải đợi đến ban đêm. Vì một lý do đơn giản như thế này: chỉ có ban đêm thì tôi mới có được chút yên tĩnh, mát mẻ, và sự tự do, độc lập để mà ngồi suy nghĩ vẩn vơ, không bị ai quấy rầy, nhắc nhở gì cả.

Đêm. Một sự tĩnh mịch rất cần thiết cho những người hướng nội như tôi. Vì hồi nhỏ tôi rất ít bạn bè, cũng rất ít nói, chỉ lẩn thẩn chơi một mình, hái hoa bắt bướm, đọc sách và ... làm thơ!

Tôi nhớ thời học lớp 5, gia đình tôi ở khu nhà thờ Nam Hòa (gần cư xá sĩ quan Bắc Hải). Năm ấy bố mẹ tôi cho tôi học ở một trường chuyên luyện cho học sinh vào lớp 6 các trường công lập (thấy không, việc luyện gà cũng có từ hồi xưa chứ đâu phải là bây giờ mới có). Tôi vẫn nhớ ngôi trường ấy bên hông nhà thờ Nam Hòa, tên là trường Khai Quang (với nghĩa là khai sáng dân trí, chứ không phải thuốc khai quang diệt cỏ, hủy hoại môi trường đâu à nghe!).

Ông thầy dạy lớp 5 của tôi tại trường Khai Quang là thầy Vinh, nổi tiếng dữ đòn với học trò. Năm ấy là năm 1971, theo lời khuyên của thầy, bố mẹ tôi muốn tôi vào trường Gia Long. Bài vở thì thầy giao rất nhiều, nên đêm nào tôi cũng phải thức khuya để làm cho hết bài tập, có khi đến 1, 2 giờ sáng, nên bố mẹ lấy làm xót xa lắm (tôi nghe loáng thoáng mẹ tôi nói chuyện với bà con, hàng xóm như thế).

Nhưng có một điều bố mẹ tôi không biết cho đến giờ (vì ông bà đã quá cố, RIP), đó là trong những đêm khuya như vậy, tôi không chỉ làm bài tập, mà còn vơ vẩn làm thơ, viết văn! Ừ, ngay từ thời đó tôi đã như thế rồi. Thật ra thì tôi cũng làm bài tập thật, nhưng lâu lâu bị bí. Thế là tôi bắt đầu nghĩ vớ nghĩ vẩn, tưởng tượng ra cái này cái khác. Cũng có lúc tôi rất mệt và buồn ngủ, dù chưa làm bài xong, nên đã lên giường nằm nhắm mắt, nhưng lại không tài nào ngủ được (hồi ấy tôi chưa biết hiện tượng "hưng phấn"). Và nằm một hồi thì thế nào cũng nghĩ vơ vẩn, rồi thì ... loanh quanh cũng đến chuyện ... làm thơ!

Thơ! Tôi làm nhiều thơ lắm rồi chứ, hồi bé, học lớp 6 lớp 7 gì đó, tôi đã có bài đăng trên báo, trang Mai Bê Bi của báo Chính Luận. Tôi nhớ bài đầu tiên tôi viết và được đăng báo là bài thơ "Chú Cuội", hình như đăng đầu năm 1972 (lúc ấy tôi 12 tuổi), như sau:

Ngày xưa chú Cuội hay dối cha
Dối mẹ, dối ông, dối cả bà
Cho nên trời giận đem chú Cuội
Lên cung Hằng ngồi ôm gốc đa.

Rồi những đêm trung thu trăng sáng
Ngồi buồn Cuội nhìn xuống trần gian
Thấy đàn trẻ nhỏ vui ca hát
Lòng Cuội mơ về chốn quê xa.

Nhưng Cuội nay nói dối hơn xưa
Tật xấu muôn năm mãi chẳng chừa
Cho nên chú Cuội đành im bóng
Ngồi gốc đa xưa ôm giấc mơ!


Bài thơ này có gì đáng nói? Tôi nhớ lúc ấy hay nghe bài hát hình như là của Phạm Duy do Thái Thanh ca, có mấy câu như "chú Cuội ngồi gốc cây đa, Cuội ơi, để trâu ăn lúa, Cuội ra bến vắng Cuội không về làng...". Rồi một bài khác, hình như có mấy từ "Cuội nay nói dối hơn xưa".

Nghe nhiều, thích, rồi nhập tâm. Thế là một đêm kia (chẳng biết có trăng sáng hay không!), ngồi cắn bút làm toán không ra, nghĩ lẩn thẩn thế nào, tôi lại nặn ra được bài thơ con cóc, con nhái, con ễnh ương kia.

Làm xong, đọc đi đọc lại, thấy ... hay lắm, nên ... làm gan đem gửi đăng báo. Không dè được đăng, lấy làm phấn khởi lắm! Bố mẹ thì tất nhiên vẫn không biết, tôi đăng dưới bút hiệu mà. "Tơ trời" cơ đấy! Vâng, tơ trời, tức là mây. Mây bồng bềnh ở trên đầu. Tôi không hiểu có nhớ đúng không, nhưng hồi ấy, mây nhiều và trắng lắm (giống nỗi nhớ của Quang Dũng: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương?).

Đêm và thơ. Cái này tôi còn có thể viết được dài lắm. Nhưng viết thế này cũng dài lắm rồi, và tôi mỏi tay, mỏi cổ rồi. Sẽ kể tiếp hầu các bạn khi khác vậy.

Một ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương đẹp đẽ, không ưu tư trăn trở đến với mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét