Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Gánh nước đêm

Lại là một bài thơ đã học hồi tiểu học.

Tôi nhớ bài thơ này vì gần đây nước máy nhà tôi bị ... sao ấy. Lâu nay ở SG, những nơi nước yếu, thì mọi người đã phải làm bồn chứa nước máy trên sân thượng để tự động bơm vào khi nguồn nước dồi dào và trữ ở đó để dùng khi nước yếu hoặc ... cúp nước.

Nhưng lúc này, không hiểu do sáng kiến cải tiến ... cái gì (?) nên ban ngày nước máy của Thủy cục (ở chỗ tôi, that is) bị khóa, đến đêm mới mở. Thành ra, ban ngày nhà tôi sử dụng nước máy từ bồn chứa bơm xuống, rồi đến đêm khi có nước thì ông xã tôi phải canh để nước bơm vào bồn, rồi khóa máy bơm cho an toàn, sợ ban ngày lúc đi vắng mà máy bơm hoạt động lỡ trục trặc gì thì ... cháy nhà. Ông xã tôi đấy, ông ấy kỹ lắm mà! Luôn quan tâm đến sự an nguy của cả gia đình, để tôi có thể ... thơ thẩn làm thơ hoặc chép thơ.

Vậy nên tôi mới nhớ bài thơ Gánh nước đêm, vì bản chất gánh nước đêm và bơm nước đêm như ông xã tôi vẫn phải làm là giống nhau!

Nó đây, không nhớ tác giả, nhưng chắc chắn là không phải tôi làm, vậy thì đây không phải là đạo văn đâu nhé! :-) Một bài thơ ngắn thôi, tả cảnh nghèo khổ, nhưng thi vị lắm. Có phải tại vì dưới ánh trăng không? Dưới ánh trăng, Thị Nở cũng đẹp trong mắt Chí Phèo mà! Tôi cũng đọc ở đâu đó một câu như thế này: Dưới ánh nến, con cáo thành cô gái.

Gánh nước đêm

Đỉnh đầu một bóng trăng
Trên vai một gánh nước
Đêm khuya xóm Bàn Cờ
Một cô cao thấp bước.

Trong thùng nước có trăng
Cô gánh đi thung thăng
Lầu cao trông lấp lánh
Một gánh hai chị Hằng.

Đêm về khuya, xóm vắng
Nước rỏ, chân người trắng
Nhẹ bước trên đường trăng
Cô quên mình gánh nặng.


Không hiểu mọi người có thấy bài thơ trên hay không? Chứ tôi thì thích lắm. Không chỉ tôi, mà bà chị tôi cũng thích. Tôi nhớ hồi nhỏ khi tôi đọc bài này để học thuộc lòng thì bà ấy khen hay, rồi lại còn vẽ hình cô gái gánh nước dưới trăng, chép bài thơ này bên cạnh để làm thiệp nữa chứ.

Hồi ấy, nói gì thì nói chứ việc dạy văn thơ cho học sinh cũng khá hơn bây giờ nhiều. Chẳng thế mà cả nhà tôi ai cũng yêu thơ văn, ấy là tôi nói trước năm 1975. Sau năm 1975 thì mấy đứa em trai tôi đứa nào cũng ghét môn Văn cả, và bây giờ con trai tôi cũng thế.

Vậy xin gửi bài thơ đến mọi người, hy vọng mọi người sẽ yêu thơ hơn một chút chăng? Đời sẽ thi vị hơn, đẹp hơn, vì "người ta sống không riêng bởi bánh" (câu này lấy trong một bài hát của nhà thờ đấy!)

Good day!

2 nhận xét:

  1. Chào cô
    Em nghĩ nên phân biệt giữa "thơ văn" và "môn Văn". Thế hệ của em nhiều người vẫn thích đọc Văn, viết Văn, nhưng rất ghét môn Văn. Em có những người bạn viết truyện và thơ rất hay, đọc cũng nhiều, nhưng không ưa nổi kiểu chấm bài nghị luận như cô đã thấy (hôm nào rảnh cô viết về đề tài này nhé) và quan điểm "Mấy cụ trên Bộ nói bài này hay, vì thế nó hay" của người viết sách, soạn đề, và không ít giáo viên. Khi người ta còn đưa một tác phẩm vào sách giáo khoa vì những lí do ngoài văn chương, thì khoảng cách giữa văn học (đúng nghĩa của nó) và môn Ngữ văn sẽ vẫn còn xa vợi.
    Thật ra, muốn trẻ con yêu Văn, em nghĩ, là chuyện có thể làm được. Sách hay cho thiếu nhi thật ra không thiếu. Phụ huynh cứ mua về để các em đọc, hoặc đọc cho các em nghe, thay vì trông chờ vào giờ Văn trên lớp (vì ở đó, thể nào cũng có những tác phẩm "giặt Omo ba lần vẫn chưa hết dở"). Lớn lên trong một môi trường như thế, nhiều đứa trẻ sẽ tự nhiên thích đọc, và yêu Văn (despite the education system, not because of it).

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hi SGK,

    Lại một nhận xét sắc sảo, xác đáng. Hay lắm SGK ạ.

    Vấn đề là hiện nay ở VN người ta rất nhầm lẫn khái niệm như thế này, một hiện tượng mà có người bạn tôi đã gọi là đánh tráo khái niệm. Nên mọi việc cứ lộn xộn, ngổn ngang ...

    Chờ thế hệ trẻ của các em lên nắm quyền điều khiển đất nước, thì hy vọng đất nước sẽ hưng thịnh hơn chăng?

    PA

    Trả lờiXóa