Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

"Một thế kỷ, mấy vần thơ"

Entry này tôi bắt đầu viết vào dịp 30/4, nhưng rồi bỏ dở dang. Nay đọc lại bài viết của BS Hồ Hải trên blog của ông về cuộc chiến tranh VN trước năm 1975, lại nhớ đến entry này, nên lấy ra viết tiếp.

Chẳng hiểu tại sao đọc bài viết về quá khứ trước 1975 của BS Hồ Hải tôi lại nhớ đến bài thơ nhỉ? Cũng có thể nó liên quan đến tâm lý "dân tộc" của người miền Nam mà chính tôi trong bao nhiêu năm nay cũng chưa nhìn ra hết? Không biết nữa, thôi thì cứ ghi ra đây để có cái mà đọc lại và tiếp tục suy nghĩ.

----
Cách đây ít lâu tôi có viết entry "Tôi sắp già rồi!", nói lên tâm trạng gần đây của tôi, biết rằng mình sắp già (đang già, đã già?).

Trong entry đó tôi có nhận xét rằng sao dạo này tôi hay quên quá, toàn quên chuyện hiện tại và nhớ những chuyện cũ tận đẩu tận đâu. Một người bạn không biết mặt của thế giới ảo (nhưng đối với tôi có khi còn thật hơn thế giới thật) cho biết, hiện tượng đó gọi là "trí nhớ nghịch thường" (paradoxical memory?). Một biểu hiện rõ rệt của tuổi già, hình như thế?

Chao ôi, nếu thế thì ... tôi nguy to rồi! Vì mặc dù chưa đến độ vừa ăn cơm xong lại trách con cháu sao không cho mình ăn cơm, nhưng sao lúc này tôi lại nhớ nhiều chuyện xa xưa đến thế? Hay là tại gần 30/4?

30/4/1975, một mốc lịch sử quan trọng của cả nước. Với rất nhiều kỷ niệm cho nhiều người. Tôi nghĩ, dù ai ở phía bên nào của cuộc chiến thì cũng mừng vì cuộc chiến đó chấm dứt. Tiếc rằng ngay sau cuộc chiến ấy, có nhiều việc đã không được giải quyết một cách tốt đẹp hơn.

Tất nhiên, mọi việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. The damage is done, and it's no use crying over the spilt milk. Nhưng nhớ lại, và nhắc lại, để rút ra những bài học lịch sử cho mỗi cá nhân, và cho cả dân tộc, tưởng cũng là điều nên làm.

Đó là lý do tại sao tôi đang chép lại bài thơ này. Bài thơ mà tôi đã đọc trong mấy năm đầu sau 1975. Và cũng như nhiều bài thơ mà tôi cho là thơ hay khác, tôi chỉ cần đọc một vài lần, rồi nhớ gần hết.

Bài thơ ấy là bài "Một thế kỷ, mấy vần thơ" của Truy Phong. Một bài thơ mà tôi chẳng bao giờ được học, cũng ít khi nghe nhắc đến, nhưng thực sự đối với tôi là rất hay, rất đáng khâm phục, và nó cũng cho những người như tôi hiểu thêm ít nhiều về khía cạnh nhân văn của những vấn đề lịch sử và chính trị của dân tộc Việt.

Trước khi chép bài thơ này thì tôi muốn kể lại "hoàn cảnh" tại sao tôi lại tiếp xúc được với bài thơ này. Lúc ấy là sau ngày 30/4/1975, mẹ tôi vẫn còn cửa hàng tạp hóa chợ Ông Tạ (vốn đã có từ trước năm 1975). Hồi ấy, không hiểu sao giấy rất hiếm, và cửa tiệm của mẹ tôi lúc ấy có mua bán giấy vụn (giấy tập, giấy sách báo cũ ...) để làm giấy gói hàng, hoặc bán lại cho "đầu nậu" thu gom để bán cho nhà máy làm giấy.

Một trong những thói quen đáng quý của mẹ tôi là dù cho có được mua như giấy vụn, thì tất cả mọi loại sách báo hoặc giấy tờ có in hoặc viết chữ đến tay mẹ tôi thì bà phải mở ra đọc qua cho bằng được trước khi bỏ đi. Cũng chính vì sự cẩn thận này mà tôi mới có cơ hội đi học đại học, bằng không thì ngày nay số phận tôi đã khác lắm rồi (nhưng biết đâu lại tốt hơn cho tôi nhỉ?).

Lạc đề, nhưng vẫn phải kể, vì câu chuyện tôi sắp kể theo tôi là rất ly kỳ. Hồi tôi thi đại học năm 1978, với cái cách xét lý lịch để cho vào đại học như thời đó thì tôi và cả nhà tôi nghĩ rằng mình ... thi để cho có thi thôi, chứ chắc chắn là rớt rồi.

Nên đi thi xong là tôi bắt đầu tìm việc lặt vặt để làm, còn mẹ tôi thì cũng chuẩn bị tinh thần tìm thêm công việc buôn bán ở chợ cho tôi. Và không hề theo dõi kết quả thi cử gì cả. Mà thời đó kết quả không được dán lên hay đăng báo công khai như bây giờ đâu, chỉ lẳng lặng gửi đến địa chỉ từng người mà thôi. Ai đậu, ai rớt thì cũng lặng lẽ biết, nếu không nói ra thì không ai biết được.

Khi thư báo kết quả được gửi đến cho tôi thì nó lại đến vào thời điểm không có ai nhận thư, người đưa thư bèn nhét vào khe cửa (tôi ghi địa chỉ tiệm buôn, vì hộ khẩu của tôi lúc đó được đăng ký ở đó, còn gia đình tôi thì có hộ khẩu ở nơi khác, gần đó). Khi mẹ tôi mở cửa vào nhà thì vô tình dẵm lên bao thư đang nằm dưới đất, nên nó lấm lem.

Sau khi dọn hàng xong, ngồi rảnh mẹ tôi mới nhìn thấy bì thư lấm lem đó, và đã định quăng vào sọt rác rồi. Nhưng với cái tính rất cẩn thận của mình, mẹ tôi lại cầm lên xem, và thấy ghi tên tôi, có đóng dấu trường ĐH Tổng hợp. Bà bèn mở ra xem, và thấy đó là giấy báo đi khám sức khỏe để nhập học, vậy là tôi thi đậu! Nếu hồi đó mà bà không mở ra thì tôi cũng chẳng biết đường nào mà hỏi, và thế là chấp nhận không đi học, thật vậy!

Trở lại bài thơ. Nó nằm trong một tạp chí cũ, chẳng hiểu tên là tờ gì, chỉ còn vài trang, và cũng không trọn bài thơ vì bị rách mất một phần ở giữa. Cũng là mẹ tôi phát hiện ra nó, bà đọc, rất xúc động, và đưa cho tôi xem. Dù không còn nguyên vẹn, nhưng nó vẫn còn được cái tựa, tên tác giả, và gần trọn bài thơ.

Một bài thơ mà tôi cũng đồng ý với mẹ tôi là rất hay. Bi tráng, hào hùng, phẫn nộ với những tội ác của kẻ thù, nhưng cũng không thiếu sự nhân hậu, khoan dung với những người thua trận. Toàn bài ấy, có thể đọc ở đây (tôi mới tìm ra trên mạng gần đây thôi - quả thật, mạng Internet đúng là một phát kiến quá vĩ đại của thời đại chúng ta).

Còn dưới đây là một vài đoạn trích, tôi chép ra từ trí nhớ:

Một thế kỷ, mấy vần thơ

Ánh hồng chói rạng chân trời mới
Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi
Có kẻ chiều nay về cố quán
Âm thầm không biết hận hay vui

Chiều nay...
Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời
Tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh
Chiều nay trên nghĩa địa
Có một đoàn tinh binh
Cờ rủ và súng xếp
Cúi đầu và lặng thinh ...

Nghẹn ngào vĩnh biệt người thiên cổ
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình
Thịt nát xương tan hồn thảm bại
Nghìn thu ôm hận cõi u minh

Những ai làm lính viễn chinh
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về ...

Tàu xúp-lê, tàu xúp-lê
Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn
Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê
Bước đi những bước nặng nề
Ngày đi chẳng biết ngày về chẳng hay...


Hay khúc giữa:

Nhưng thôi, bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi
Cái gì bạo ngược và phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời

Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng nổi trái tim người

Anh về là phải anh ơi
Về bây giờ để cho đời nhớ anh
Những cái gì tôi ghét
Những cái gì tôi khinh
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ, thôi mình bỏ qua...

[...]

Tôi nhớ lắm một ngày năm tám chín (1789)
Anh vùng lên phá ngục Bat-ti nhà (Bastille)
Anh giải phóng cho dân anh được sống
Được vinh quang trong "Đệ tứ cộng hòa"!
Anh vui, anh sướng
Anh hát, anh ca...
Tôi là người ở phương xa
Ngày anh xán lạn cũng hòa niềm vui!

Anh về nước Pháp xa xôi
Chắc anh làm sao quên được,
Những là đường đi nước bước
Những là tên tuổi Việt Nam:
Suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực,
Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng.
Tháp Mười hận nước mênh mông
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi!


Và đoạn cuối cùng

Đã đến giờ
Chia tay cách biệt
Anh rời đất Việt
Vừa tủi vừa mừng
Bên nhà vợ đợi con trông,
Vắng anh, tình mặn nghĩa nồng cũng phai...

Tàu xúp lê một!
Tàu xúp lê hai!
Tiễn chân anh nhé, anh về nước
Biển lặng trời êm nhớ lấy ngày.
Và chẳng bao giờ quên nhắc nhở
Cho ai đừng đến đọa đày ai!

Bóng ngả trời tây
Gió lồng biển cả...
Phút giây từ giã, trang sử trăm năm
Tàu anh rời bến Việt Nam,
Hãy xuôi một ngả, một đường mà đi.

Xin tàu đừng ghé Bắc Phi,
Sóng to gió lớn chắc gì đến nơi.
Đừng gây oan trái, tàu ơi,
Hãy xuôi về Pháp cho người hát ca!

Tàu xúp lê hai!
Tàu xúp lê ba!
Anh về mạnh giỏi
- Ô rờ voa! (Au revoir)

---
Tôi viết nốt và kết thúc bài viết này ở trong khách sạn một mình trên đất Singapore trong chuyến đi công tác cực ngắn (2 đêm, 3 ngày) của tôi. Không hiểu sao bài viết này tôi viết mãi mà không xong, bắt đầu từ trước 30/4, viết đi viết lại đến 2, 3 lần, mà đến nay kết thúc vẫn chưa thấy thỏa mãn, như chưa nói hết điều muốn nói.

Mọi người đọc thêm về bài thơ này ở đâyở đây. Còn tôi, tôi thấy mình còn nhiều điều muốn nói, mà sao không thể tìm được lời để nói?

"Như truyện đã viết xong, mà lòng vẫn còn muốn nói thêm"...

Thôi thì đành kết thúc entry này ở đây vậy. Để lưu lại cho chính mình, và cho gia đình, anh chị em, các con, và bạn bè tôi.

Một dân tộc với một lịch sử quá đau khổ, chiến tranh, mất mát. Bao giờ ta được như Singapore, mọi người ơi?

5 nhận xét:

  1. Thì ra "Chỉ con cái từ ai có công với Cách Mạng mới được học Đại Học hoặc được du học" là 1 tin vịt cồ sau Ngày 30/4, thế mới công bằng và không phí phạm nhân tài thiên bẩm của quốc gia chứ.

    Mơ ước của chị chủ nhà về nước Sing làm 8 đây buồn 5 phút cũng như với nhiều thắc mắc khó hiểu vì nước Việt mình có nhiều nhân tài cùng tài nguyên phong phú hơn cái nước bé tí tẹo, tạp pí lù đó. Khi so sánh thân phận của nhiều phụ nữ của 2 nước trong mấy năm gần đây còn buồn và thấm thía hơn. Huhuhuhu!

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  2. Bà Tám ui,

    Tư sang Sing nhiều lần rồi, nhưng chưa giờ thấy lòng buồn rười rượi như lần này. Vì đất nước Sing nhỏ bé tí ti (bằng đảo Phú Quốc) mà nó phát triển quá, sạch sẽ, xanh tươi, con người tự tin, tử tế...

    Tư mới viết một mẩu bên blog giáo dục của Tư, Tám xem thử nhé. http://ncgdvn.blogspot.com/2010/05/toefl-la-toefl-nao.html

    Có lẽ vì mấy việc như thế này mà Tư bỗng thấy buồn hay sao ấy nhỉ?

    Hu hu hu hu!!!

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Ông Tư ui!

    Thực ra 8 đây không những chỉ buồn tiêu cực không thôi vì chuyện dậy tiếng Anh cùng mấy vụ TOEFL rẻ tiền đã có ở Việt Nam từ thập niên '50 khi khoa bảng mình bắt đầu qua Anh và Mỹ để học lên. Hồi thập niên '60, Sàigòn có Hội Việt Mỹ với nhiều giáo án cho dân tình mình ở mọi trình độ, cũng như có trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị lính tráng qua Mỹ du học về mọi lãnh vực từ bán hàng Quân Tiếp Vụ cho tới lái máy bay phản lực..... rất hiệu quả. Rất tiếc 8 đây không biết tí gì trong lãnh vực giáo dục này ở Hà Nội.

    Cách đây hơn 15 năm và do 1 công việc cho công ty, 8 đây khởi sự chu du 108 quốc gia chỉ trong 5 năm đầu và luôn với ngạc nhiên là khoảng 75% dân tình và quan chức ở phi trường, tài xế taxi, khách sạn, quán ăn, shops, sở làm, ect..... nói, đọc, viết và hiểu American English như dân Mỹ chính cống, số 25% còn lại thì với tí chút "broken English" nhưng vẫn hiểu nhau. Khả năng cùng thành quả ngôn ngữ này chắc chắn do từ những chương trình giáo dục thành công khắp nơi, kể cả từ những nước chậm tiến và nghèo ở Phi Châu.

    Nay sau 35 năm thống nhất đất nước cùng với hơn 20 năm hoàn cầu hoá, hình như Việt Nam vẫn chưa tìm được 1 đường lối giáo dục sinh ngữ hiệu quả cho dân tình mình. À mà cần gì phải phát minh nhỉ? Học từ những thí dụ thành công trong lãnh vực này thì đã sao? Đây không phải chỉ là trường hợp Incompetence mà còn thêm cả Negligence cho các quan chức, chỉ đạo trong lãnh vực giáo dục và đào tạo từ trên xuống dưới.

    Buồn và xì nẹc 8 chục nghìn phút..... huhuhuhuhu!

    Bà 8 Tốc Phôn

    Trả lờiXóa
  4. Cái gì cũng có cái giá của nó ! Sing giàu có , mình đáng học hỏi , nhưng thử nghĩ xem Sing có bao nhiêu dân tộc ? Việt mình có bao nhiêu dân tộc anh em ? Có nhiều điều đáng tự hào về dòng máu Việt mình lắm chứ !
    Đừng đứng núi này mà trông núi nọ , đó là lời dạy của ông cha mình đó ! Hãy cố gắng chung sức xây dựng đất nước mình văn minh , tiến bộ , đậm đà bản sắc dân tộc các bác ạ ! Trách nhiệm không của riêng ai ....

    Trả lờiXóa
  5. Bài này là Truy Phong ăn cắp của MỘNG BÌNH SƠN vì cách đây mấy ngày thôi tận mắt tôi được đọc bản thảo gốc của bài thơ trong nhà của Mộng Bình Sơn. Có những bí mật thật ghê gớm!!! Bây h thì ai cũng nghĩ đây là thơ Truy Phong....

    Trả lờiXóa