Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Phần không tất yếu của cuộc sống

Sáng nay vào thăm blog Quốc Vượng, đọc được một mẩu nhỏ thú vị quá, tản mạn vẩn vơ về phần tất yếu và phần không tất yếu của cuộc sống.

Chợt nghĩ, trong những phần không tất yếu ấy trong cuộc sống của mình, chắc chắn có blog và thơ (chà chà, nghe giống máu và hoa của Tố Hữu quá nhỉ?)

Bà chị mình ở Mỹ hôm qua skype về hỏi thăm, và trong nhiều câu hỏi, có câu: sao lúc này chăm viết lách, và quan tâm đến nhiều thứ (không tất yếu) thế?

Và câu trả lời của mình là, thật ra em vẫn thế, nhưng không nói ra; lẳng lặng viết blog cho riêng mình, nhưng cũng không chia sẻ gì với ai. Rồi tình cờ khám phá ra thêm về cái thế giới ấy, mới biết ra có hẳn một cộng đồng, dù là ảo, nhưng rõ ràng là tồn tại sống động, và hay nhất là có nhiều người giống mình. Bạn, đúng nghĩa - vô vụ lợi, thẳng thắn, chân thành, và có lẽ hiểu nhau bằng mấy những người mang danh là bạn, ở cạnh nhau sờ sờ (ví dụ ở cơ quan), ngoài mặt thì "thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao!"

Cũng vậy, mình yêu thơ, thậm chí hồi trẻ còn làm thơ nữa, ví dụ như thế này này:

Làm sao nói cho anh biết được
Hết nỗi nhớ của em
Ôi nỗi nhớ dịu êm
Đến với em khi hoàng hôn dần xuống
Đến với em trong màn đêm mờ tối
Đến với em trong cơn mơ
Đến với em cả những phút tình cờ
Đạp xe trên hè phố
Thấy bóng dáng ai quen, rồi nhớ ...

Ôi nỗi nhớ ở đây
Nỗi nhớ trên đôi tay
Nỗi nhớ như cầm nắm được
Nỗi nhớ ở phía trước
Nỗi nhớ ở đàng sau
Nỗi nhớ là niềm đau
Nỗi nhớ là hạnh phúc
Ôi nỗi nhớ điên cuồng, day dứt ...


Đây là một phần mình viết vào năm 20 hay 21 tuổi gì đó, viết một mạch chắc là trong 5 phút xong cả bài, từ một tâm trạng do một hoàn cảnh cụ thể gây ra, hồi đó hãnh diện lắm và gửi cho bạn bè đọc lung tung cả lên. Nhưng bây giờ chép ra để đọc lại thì thấy ... buồn cười lắm, đúng là sáng tác trong một lúc không có cái gì tất yếu hơn để làm!

Đến bây giờ thì mình hết làm thơ được rồi, chắc là vì đã trở thành một con người đứng đắn, đạo mạo (!), làm toàn những việc tất yếu thôi (!), nhưng lâu lâu cái tất yếu này đụng chạm với cái tất yếu khác, thế là ... stressed.

Và những lúc ấy, thơ lại ùa đến (ấy là nói, thơ của người khác, chứ không phải thơ của mình), có tác dụng cho tâm hồn mình như dầu gió có tác dụng với người VN, có thể dùng được cho bất kỳ tình huống nào: nhức đầu, đau bụng, muỗi cắn, mụn trứng cá đang mọc trên mặt, cạo gió, nhức răng ...

Ví dụ hôm qua, trả lời blog cho bạn bè, lại sực nhớ ra 2 câu thơ tiếng Anh:

I took the one less travelled by
And it has made all the difference!


(Tôi đã chọn đi trên đường vắng
Nên đời nay khác biệt dường bao
!)

PA vừa dịch thơ xong đấy, tức khả năng làm thơ (con cóc) vẫn còn đấy chứ nhỉ!

Một đoạn thơ khác ngày xưa mình rất hay nhớ đến và cần đến để tự an ủi (bôi dầu khi đau bụng), nhưng giờ sao không cảm thấy cần nó nữa, nhưng theo mình nó vẫn là những câu thơ rất hay:

Đứng dậy em ơi sống cõi đời
Đời dù khổ cực đến mười mươi
Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười!


Và những câu thơ này, bao giờ cũng thấy đẹp:

Lá vàng gieo rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thề có thế thôi!

Đá mòn
Rêu nhạt
Nước chảy
Hoa trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ...


(Bài này là thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tên là bài Thiên thai thì phải, mình thì không học nhưng mà đọc lóm trong sách của bà chị mình, bà ấy hơn mình 5 tuổi, và bài này bà ấy học vào năm lớp 11, 12 gì đó, tức lúc ấy mình 12, 13 tuổi, đọc lóm một vài lần mà nhớ luôn tới giờ, chả rõ có chính xác không?)

Vậy đấy. Thơ là cái chẳng tất yếu gì cả. Chỉ trừ thơ Tố Hữu mà thôi! Phải vậy không Quốc Vượng, Huy Quang nhỉ?

Nhưng cái phần không tất yếu ấy, đối với mình nó rất cần, có lẽ giống như thuốc phiện (một loại khác, gần giống như tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân theo Marx), để giữ cho mình còn là người. Chứ nếu mà chỉ có phần tất yếu thôi thì chắc mọi người đã thành robot hết rồi. Dù là robot biết làm ra những câu thơ lấp lánh ...

Vài dòng tản mạn rất không tất yếu về những phần không tất yếu của cuộc sống (làm chiếm mất ... bà nó 20 phút quý báu buổi sáng của mình, bây giờ thì phải chạy vắt giò lên cổ để kịp bắt xe đi đến nơi làm việc, để làm những việc tất yếu với những người bạn đồng nghiệp tất yếu ...)

Và Merry Christmas đến tất cả mọi người!

(Một lời chúc rất không tất yếu ở một quốc gia mà công giáo chỉ là một tôn giáo không tất yếu khi Phật giáo đã từng là quốc giáo - và hiện nay có lẽ vẫn thế, trên thực tế?)

Ngày tốt lành!

5 nhận xét:

  1. Chào chị,

    Hầu hết các bài viết của tôi đều có cặp phạm trù ngẫu nhiên - tất nhiên. Dù không nói rõ ra nhưng trong mỗi bài đều có sử dụng theo một dạng khác nhau.

    Trả lờiXóa
  2. Hôm ngồi máy bay, đọc được bài thơ Tự Bạch của Nguyễn Sĩ Đại. Chẳng biết ông này là ai, hay dở thế nào nhưng đọc bài này em thấy được. Chép để chị đọc:
    Người vá trời lấp biển
    Kẻ đắp lũy, xây thành
    Tôi chỉ là cái lá
    Việc của mình là xanh.
    Thấy họ dịch như sau:
    People repaire the sky, fill the sea
    People fortify the citadel, build the wall
    I am just a leaf
    Its job is to be green

    Trả lờiXóa
  3. Chị ah, em còn chưa biết nhiều nhiều về chị, điều đó hẳn là quan trọng. Nhưng em rất vui vì chị em mình có thể chia sẻ với nhau những suy nghĩ, những niềm vui nho nhỏ trên đây và điều đó còn quan trọng hơn nhiều. Chúc chị Giáng sinh hạnh phúc và sức khoẻ!

    Trả lờiXóa
  4. Bác Hải, Quang và Vượng,

    Rất vui vì mọi người ghé thăm nhà. Bác Hải ạ, tôi lại nảy ra một ý mới: hay bác thử viết về triết học và văn học (thực ra tôi muốn bác viết về "triết và thơ" cơ - lại nghe hao hao giống máu và hoa nữa rồi), nhưng có lẽ triết và văn thì gần nhau hơn một chút, còn thơ thì xa triết quá?

    Quang ơi, bài thơ hay lắm: Tôi chỉ là chiếc lá - Việc của tôi là xanh!

    Có lẽ bọn mình cũng chỉ là những chiếc lá Quang nhỉ, còn có xanh được hay không thì lại còn tùy thuộc vào môi trường nữa, chứ chỉ quyết tâm làm lá xanh thôi e rằng chưa đủ ;-).

    Vượng thân, rất cám ơn em đã chia sẻ. Thêm một chút về chị: chị là con cái của những người Công giáo Bắc kỳ di cư năm 1954 là những con người lưu lạc tha phương cầu thực, "ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".

    Hồi trước năm 1975 đã có một bài thơ nho nhỏ, theo chị là khá dễ thương, về những người con gái Bắc, giống như ... chị :-) (tất nhiên là chị của 30 năm trước) mà chị rất thích, bài này của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, viết ra cho Vượng (và Quang) đọc nhé:

    Đôi mắt tròn đen như búp bê
    Cô đã nhìn anh rất Bắc Kỳ
    Anh vái trời cho cô dễ dạy
    Để anh đừng uổng mối tình si.

    [...]

    Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
    Câu chuyện di cư vốn lạnh lùng
    Khi nghe ai kể thương Hà Nội
    Chắc cô nghe bằng trái tim dửng dưng.

    Anh vái trời cho cô dửng dưng
    Coi Hà Nội như xứ hoang đường
    Để anh còn rủ cô đi dạo
    Còn dắt cô vào rạp cải lương

    Anh vái trời cô thích cải lương
    Thích "kẻ hùng anh diệt bạo tàn"
    Mốt mai thê thảm quanh đời sống
    Cô sẽ còn đôi chút lạc quan.


    Lạ lùng lắm phải không các em? Bây giờ, non sông liền một giải rồi. Cuộc chiến tương tàn đã hơn 30 năm, hơn một thế hệ đã qua. Chị nghĩ, có lẽ chúng ta nên xích lại gần nhau hơn một chút nữa, hiểu nhau thêm một tí. Lại gần, gần lại với nhau như Trịnh Công Sơn đã nói.

    Và may mắn quá là có Internet và thế giới ảo này. Nên "tứ Hải :-) giai huynh đệ" thực sự rồi nhỉ, bác Hải có đồng ý vậy không?

    Vài giòng gửi đến những người bạn không biết mặt vào một buổi sáng sớm với lòng thật bình yên ...

    Năm mới sắp đến rồi các bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  5. Em sinh năm 81 ở Nam Định, những gì em có trong đầu về cuộc chiến ngày đó là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, những câu chuyện nghe từ radio mỗi sáng Chủ nhật ngày còn nhỏ, và những gì cảm nhận mỗi ngày như sự tương tác của xã hội, chiến tranh mới qua chẳng bao lâu mà ..
    Em có thời gian 3 năm làm việc ở Miền Tây, đi qua Cần Thơ vài chục km gặp những nếp nhà ngói gần gụi, thân quen khác những khu nhà lá che bạt nhựa hỏi tài xế thì được biết khu vực đó có nhiều người dân di cư hồi năm 54 .. công nhân của công ty là người Bắc thỉnh thoảng bị mấy cô cậu học trò trêu: “Bắc kỳ ăn cá rô ki, ăn nhằm lựu đạn ..” họ cười phá và trêu trọc nhau ..
    Em không có phân biệt người công giáo và người không theo công giáo, trên giá sách của em có cuốn Kinh Thánh dày cộp (Tân ước và Cựu ước) thỉnh thoảng em vẫn giở ra đọc, trên giá cũng có những sách về thơ Thiền, những bài kệ, và cả cuốn Phật học phổ thông nữa .. em quan niệm chỉ có người tốt, người xấu, người hiểu biết và người thiếu hiểu biết thôi .. và còn một loại như em là người thiếu hiểu biết nhưng rất muốn biết , hihi ..
    Rất vui được đọc blog chị, ở đây có rất nhiều kiến thức bổ ích, và chủ Blog là một người – có lẽ - sống rất tình cảm ..

    Trả lờiXóa