Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Trời ơi, cá!

Hình này minh họa cho loài cá tên là Pangasius Catfish. Còn tôi, con cá này tôi gọi là cá vồ, chẳng biết đúng không?
--
Tôi viết entry này vì có một người bạn từ thế giới ảo (lại bạn từ thế giới ảo!) vừa có câu hỏi (bâng quơ) rằng hình như mấy con cá tiếng Anh là albacore, yellow tail trong tiếng Việt là "cá thu" thì phải.

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản cho một người tự khoe là đã từng dạy ngoại ngữ bao nhiêu năm, nhà có nhiều từ điển các loại, thế mà khi tôi nhận được nó thì tôi ... thực sự bàng hoàng vì cả 2 từ này tôi đều chưa biết, hic hic!

Phải nói trước để tự bào chữa một chút: gia đình tôi ít ăn cá biển (hình như đó là thói quen của người Bắc), mà chỉ hay ăn cá sông. Ngay cả cá sông đi nữa thì cũng chỉ ăn một số con quen thuộc thôi, đó là cá lóc (người Bắc gọi là cá quả), cá diếc (con nhỏ cỡ hơn một bàn tay, trung bình khoảng 500gr-600gr một con, thịt trắng mềm, ngọt, nhưng rất nhiều xương dăm, sau này ít thấy bán), cá trê (sau này cũng ít ai ăn), cá rô (lại càng ít người ăn hơn nữa, ấy là tôi nói ở SG ấy, vì nó nhiều xương quá), thế thôi.

Còn cá biển, thì chỉ ăn có mỗi một loại, đó là cá thu. Những con khác, mẹ tôi ... không ăn! Tại sao ư, tôi cũng không biết nữa, truyền thống là như thế đó: you accept it without questioning!

Khi lấy chồng, thì về nhà chồng (cũng người Bắc) có ăn thêm mấy loài cá sau: cá nục, cá bạc má, cá ngừ, cá cơm. Hiểu biết của tôi về cá (ăn được) tăng thêm được một chút. Nhưng trong biết bao loài cá được bán, gia đình bên chồng tôi cũng chỉ ăn mấy loại vậy thôi. Tại sao ư? Cũng không biết!

Cho nên rõ ràng là lâu lâu người ta cũng cần phải có một biến cố gì đó, ví dụ như ... lập gia đình (!!!), hoặc ra sinh sống ở nước ngoài, hoặc có những người bạn rất khác mình, để có cơ hội mà nhìn lại những gì mình chấp nhận như truyền thống, và đặt lại câu hỏi về giá trị của nó. Để thay đổi, nếu cần.
Hình con cá ngựa (seahorse) này trên wikipedia đó, đẹp ghê chưa, đem lên đây cho xôm tụ!

Cá sông còn mấy loài nữa có họ hàng với nhau mà tôi biết là cá hú, cá tracá vồ (?) (phát âm là cá dzồ, giống như cách phát âm từ "dzô" khi uống bia "chăm phần chăm" ấy), ngoài chợ thì bán dưới tên là cá bông lau (bụng trắng phếu, da trắng, vây đỏ), bây giờ hay gọi là cá da trơn hay cá basa ấy, thì ngày xưa mẹ tôi dứt khoát không ăn vì nỗi ám ảnh cầu cá!!!! Nhưng bây giờ thì tôi cũng ăn, vì ủng hộ hàng VN mà, đặc biệt là hồi Mỹ tẩy chay cá basa của VN vì nói là bán phá giá, nên các nhà sản xuất phải tìm cách tiêu thụ trong nước.

Well, lạc đề quá. Quay lại chuyện cá: do thói quen đã nêu trên, nên vốn từ vựng của tôi về cá, mà nhất là cá biển, vô cùng ít ỏi.

Vốn từ về cá trong tiếng Việt ngoài những loài cá đã nêu ở trên còn được thêm có vài con nữa, chủ yếu do chúng xuất hiện trong thơ, văn, trò chơi dân gian, hoặc trong ... thực đơn của nhà hàng, đó là:
- cá mè (cá mè một lứa),
- cá sấu (trong trò chơi: cá sấu lên bờ; well gần đây tôi đã được ăn thịt cá sấu rồi và thấy nó rất ngon!),
- cá chẽm (cá chẽm chưng tương, ngon!),
- cá đuối (nghe nói có roi làm bằng đuôi cá đuối?),
- cá đối (là cá gì không biết?),
- cá chim (chim thu nụ đé, 4 loài cá biển thịt ngon),
- cá thác lác (chà, con này thì ăn hơi nhiều nhưng chỉ biết con cá đã bị xẻ thịt, và thịt đã được nạo ra chứ không biết cả con cá còn sống trông như thế nào),
- cá bống (nổi tiếng trong chuyện tấm cám, cũng đã từng ăn cá bống kho tiêu, rất ngon),
- cá linh (hồi mấy năm đầu sau ngày thống nhất thì đây là loài cá rẻ tiền, nhưng sau này hình như bị đánh bắt cạn nguồn rồi nên trở thành đặc sản rất mắc tiền),
- cá mai (làm gỏi, ăn sống, ăn rồi nhưng chưa thấy con cá sống bao giờ) ...

Chà chà, kể một hồi thấy kiến thức về cá của tôi cũng ... khá hơn tôi tưởng nhỉ?

Vốn tiếng Việt về cá đã ít, thì hỏi làm sao mà có nhiều từ tiếng Anh cho được. Nên lâu nay tôi hoàn toàn yên tâm (!) với vốn từ song ngữ Anh-Việt/Việt-Anh về cá ít ỏi mà tôi (tưởng mình) biết như sau:

+ cá thu = cod (?) (cái này hay thấy trong cụm từ: dầu gan cá thu: cod liver oil) Nhưng mà trời ơi, tôi mới tra trong "baamboo tra từ" thì nó dịch con "cod" này ra thành con "cá tuyết", mà cá tuyết là gì thì tôi hoàn toàn chưa nghe trong tiếng Việt quý dzị ạ!
+ cá thu = mackerel có lẽ mackerel mới đúng là cá thu, chứ không phải cod!
+ cá ngừ = tuna Nhưng trong "baamboo tra từ" thì cả mackerel lẫn tuna đều được dịch là "cá ngừ"! Thôi thì ta cứ chọn mackerel làm cá thu và tuna làm cá ngừ vậy!
+ cá mòi = sardine
+ cá hồi = salmon, chỉ thấy trứng cá hồi chứ chưa thấy con cá hồi nào bao giờ!
+ cá basa = catfish (có nhiều loại lắm nhưng gọi chung là catfish thôi!)Còn theo SGK - comment bên dưới - thì có thể gọi nó là basa fish? Cái này SGK nói, không phải tôi!
+ cá cơm = anchovy (hay được dùng để làm topping của pizza)
+ cá trê = mud fish (cái tên nghe ... rùng rợn quá, làm sao Tây dám ăn cá này nhỉ?)
+ cá mập = shark
+ cá heo = dolphin
+ cá sấu = crocodile (cá sấu châu Mỹ là alligator?)

Hình như hết rồi đó. Vốn liếng tiếng Anh về cá của tôi (sau khi được bạn bè và Internet cập nhật lại) cũng chỉ được vậy thôi, bà con ơi!

Vậy nên hôm nay nhận được câu hỏi bâng quơ của bạn tôi (bạn ảo) thì tôi ... choáng váng! Bèn lên Internet tìm, và ... càng hoảng hơn nữa khi thấy sự đa dạng của các loài cá. Ví dụ như chỉ riêng cá da trơn thôi đã phức tạp như thế này, xem ở đây. Nên mới có cái tựa entry này: Trời ơi, cá!

Câu hỏi bâng quơ của bác, Tám ạ, em xin chào thua không dám trả lời đâu! Nếu bác rảnh, bác tìm hiểu về cá, rồi dạy lại cho em, em sẽ cố học bác ạ, nếu trí nhớ già, hoạt động theo kiểu nghịch thường này của em cho phép em có thể học!

Hic hic!

Viết lăng nhăng quá, nhưng mà để giảm stress, chống lão hóa mà!
Con cá này, tôi thấy giống cá bạc má, chẳng rõ có đúng không nữa? Trên Internet, họ gọi nó là con tuna, hu hu hu!
Tra trên mạng thì thấy "cá bạc má" là Indian mackerel, "cá thu Ấn độ" (?)
Con này là con cá ngựa, tiếng Anh là seahorse (ngựa biển), nghe hay hông các bác?
--
Viết thêm:
Nhân đọc về cá nên tôi tìm thấy vài thông tin tôi cho là khá ... thú vị (?) về cá ba sa của VN xuất khẩu ra nước ngoài, đưa lên đây để lưu và giới thiệu với mọi người.

1. Bài viết "Don't eat this fish!", ở đây. Đọc xong thấy kinh hoàng quá, và không hiểu nó có nói đúng không? Các nhà xuất khẩu thủy sản của VN ơi, đọc đi mà biết đường đối phó nhé. Nếu họ nói đúng chỗ nào thì phải sửa chữa ngay, thời đại toàn cầu hóa rồi, VN đã là một thành viên của WTO còn gì nữa???

À mà trong này họ gọi cá basa của mình là Vietnamese cobbler fish đấy. Học thêm được một từ.

2. Trang pangasius-vietnam.com, với nhiều thông tin về các loại cá da trơn xuất khẩu của VN. Trong đó có bài "Oppose definition of catfish to include Vietnam's pangasius", ở đây. Đọc kỹ có lẽ sẽ thấy các thông tin có thể phản biện bài 1 ở trên, hy vọng thế.

3. Trang thefishsite.com, thấy có nhiều thông tin cần thiết cho giới xuất khẩu thủy sản của VN (tôi đoán thế), với bài này ở đây, có vẻ phấn khởi cho các nhà sản xuất VN, in spite of the difficulties that we have heard about. Cá tra VN ơi, cố lên!

4. Bài này hay, nói về ngộ độc khi ăn các loài cá biển, và có nói đến khó khăn trong việc dịch các từ liên quan đến cá sang tiếng Việt, ở đây. Nhân tiện, BS Hồ Văn Hiền này có liên quan gì đến BS Hồ Văn Hải nhà ta không nhỉ?
--
Cập nhật cuối cùng cho entry này (vì mệt lắm rồi, nếu có gì mới thì sẽ cho vào entry mới thôi!):

Albacore chính là cá ngừ, Tám ơi. Hình của nó, lấy từ wikipedia, dưới đây nè. Các bác vào đây để đọc thêm về nó nhé.
Phải con albacore đây không, Tám?Hurrah, nó đây rồi, không phải 1, mà 6 chú lận. Còn chú đuôi vàng là Yellow Tail, thấy không, dịch từng chữ là xong, dễ ợt hà!:-) Hình do Bà Tám cung cấp.

40 nhận xét:

  1. Chòi oi!

    Bà 8 đây ra khơi chài cá Yellow Tail & Albacore suốt đêm qua, chiều nay vừa thức dậy lại thấy thêm nhiều cá.... ảo nữa, cá ơi là cá! Chòi oi, ká! (xin tạm dịch là "Trời ơi, cá!").

    Bài này hay đây! Nhất là từ 1 chuyên gia "tự khoe là đã từng dạy ngoại ngữ bao nhiêu năm, nhà có nhiều từ điển các loại, thế mà... hic hic!" Chuyện chưa biết vài từ ngoại nào đó chỉ là 1 vấn đề nhỏ và không có gì để bàn luận, nhưng việc "tự cho mình biết" 1, 2, 3 , nhiều và rất nhiều từ ngoại nào đó không chừng đã, đang và sẽ là những vấn đề thật "nghiêm túc" cho nhiều "chuyên gia chuyên" quá tự tin về tài sức cùng trí lý của mình, nhất là khi có bên mình cộng sự viên hoặc trợ lý tên Gú Gồ rất ư là nhanh nhảu cùng rẻ tiền. Trong những năm gần đây qua tầm mức tiến bộ của Internet cùng tư duy hoàn cầu hoá, giới trí thức cùng chuyên gia hình như thông minh và hoạt bát hơn với nhiều bài dịch giúp đời, giúp người...... đặng đăng trên báo; và dĩ nhiên cũng có rất nhiều "trí thức" với cái nón "chuyên gia" tự tiện tự giúp mình hoặc bị lợi dụng một cách mù quáng với những bài dịch sai, cố ý hay vô tình hoặc lố bịch để trục lợi; cũng như vô tư hoặc cố tình không chựu tự chấp nhận cái trách nhiệm của mình với đại chúng đa dạng một cách rất ư là ích kỷ, thâm hiểm, vô lương tâm....... hic hic!

    Nhận xét trên đây chỉ do kinh nghiệm cá nhân của bà 8 đây thôi, wa không ám chỉ hoặc đả kích ai hết, vì nếu muốn đả kích những "ai đó" trên Mạng (In Tờ Nét) thì viết mực đâu cho đủ đây Chòi?

    Chòi oi!

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  2. Hehehe, đọc bài này tự dưng tớ nhớ tới ngày Cá tháng 4. Ông Tư này độc hơn thịt vịt. Bà Tám thì độc hơn thịt gà gô. Hehehe, chúc mọi người 1 tuần mới hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  3. Nhờ Trời đã ban cho loài cá không bao giờ chết non hay chết già, không bao giờ biết tự tử mà đường đời đứt đoạn là do người ta hóa kiếp nó. Những con chết vì một lý do nào đó như chết già không được xem là cá.

    Những con cá bất tử mà dân gian gọi là thuồng luồng đã tồn tại từ thời tiền sử và sống tời ngày nay. Con cá Nessie xứ Tô Cách Lan là một trong những con cá bất hủ.

    Trả lờiXóa
  4. Chị chủ nhà ơi!

    Nếu cá thu là 1 vấn đề nan giải khi phiên dịch thì mình nên bỏ qua cái câu hỏi "bâng quơ" và ngớ ngẩn đó vậy, huhuhu!

    Còn 1 loại cá, không biết nước mặn hay nước ngọt cũng như ngon giở ra sao nhưng đân gian mình thường dùng từ từ này từ bao lâu nay, đó là cá ngựa.

    Chị chủ nhà dịch qua tiếng Anh dùm wa nha. Thanh kừu.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  5. Bà Tám và các bác ui,

    1. Trời ơi, em là người thật thà, thẳng thắn; Tám hỏi em về cá thì em viết entry về cá, vậy mà các bác lại đọc ra những gỉ những gì trong bài viết của em vậy, oan cho em quá các bác ơi!

    2. Vì các bác cứ gán ghép ý đồ, nên em đọc lại entry, thấy cũng có mấy câu em tự nói về em, mà sao lại có vẻ trúng lung tung chuyện bên ngoài dzậy? Cái này em không có cố ý đó nghe các bác, em không có chịu trách nhiệm đâu nghen.

    3. Tám hỏi em về cá ngựa là 8 hỏi thật, hay là "móc lò" em, hoặc ai đó, dzậy Tám? Em phải cảnh giác cao độ với 8 thôi, 8 thật nguy hiểm 8 à. Nhưng mà, nếu 8 hỏi thật, thì em cũng trả lời thật, nó là con seahorse, em sẽ đưa hình lên entry này cho nó ... đông vui luôn thể.

    4. Chắc em phải viết "Trời ơi, cá!" tập 2 quá. Vì các bác đọc ra đủ thứ trong đó, riêng bác Hãi lại còn nhắc đến cá tháng 4, khiến em nhớ đến các thành ngữ tiếng Anh về cá. Nè, em không có cố tình xem câu chuyện tranh luận gần đây của bác Hãi như một fishy story đâu nhe Tám (em đang cảnh giác cao độ mà).

    Xin gửi đến các bác lời chào cảnh giác (!)

    Trả lờiXóa
  6. Cá basa khi dịch em vẫn để là "basa fish". Wikipedia cũng có entry về "basa fish".
    (http://en.wikipedia.org/wiki/Basa_fish) - chữ basa ở đây không in nghiêng, và New York Times cũng có xài (thường em muốn tra một từ nào thường gõ từ đó cộng với "nytimes", nếu thấy có bài nào trong đó nhắc đến thì tạm yên tâm --> cái này có gọi là áp dụng ngữ học dữ liệu không cô?).
    Cá lóc/cá quả/cá chuối thì bên Saigon Times vẫn dịch là "snakehead fish" (cũng như cá rô được dịch là anabas). Em cũng xài luôn, xem như house style, chứ bên đây em chưa ăn "snakehead fish" bao giờ nên không biết nó có phải con cá lóc không.
    Tuna em vẫn dịch là cá ngừ, còn cá mòi thì em xài sardine. Cá thu là một trường hợp khá ngộ. Hồi nhỏ em cũng học là cod fish, nhưng sau này thấy Lạc Việt dịch là cá tuyết, rồi đọc New York Times thấy bảo "cod fish" là đặc sản Bồ Đào Nha, coi hình chụp thì có vẻ không giống cá thu. Em thấy có người dịch "cá thu" là mackerel, trên wiki cũng có ghi "Phần lớn các loại cá thu sống xa bờ ở môi trường đại dương nhưng có một số, ví dụ Cá thu Tây Ban Nha (tiếng Anh: Spanish mackerel, tên khoa học Scomberomorus maculatus) vào gần bờ và có thể tìm thấy ở gần các cầu và cầu tàu".

    SGK

    Trả lờiXóa
  7. Hi SGK,

    Cám ơn mấy cái equivalent của em. Cô muốn túm lại vài cái như sau:

    1. sardine là cá mòi, chắc thế, vì ông xã cô bảo thế, mà em cũng bảo vậy. Chắc cô nhớ nhầm là tuna thôi. Chưa tra lại từ điển giấy, làm biếng quá.

    2. tuna là cá ngừ, đúng rồi. Nó có nhiều loại lắm, trong đó có cả loại albacore mà Bà Tám nêu ra trong câu hỏi bâng quơ, là nguyên do của cái entry hết sức fishy này.

    3. snakehead fish đúng là cá lóc thật em ạ. Nhưng cô mới tra thì thấy có nơi gọi nó là mudfish, hoặc snakehead mud fish. Vậy cá trê là gì nếu cá lóc là mudfish nhỉ? (Cả 2 loại này đều sống trong bùn, một con có vẩy một con da trơn).

    4. mackerel có nhiều chỗ dịch là cá thu thật, vậy chắc là đúng rồi? Còn cá tuyết thì chịu!!!!!

    5. ừ, ngữ học dữ liệu theo cách em làm hay thật đấy! lần sau cô sẽ làm theo.

    6. kiểu này chắc phải có entry về cá tập 2, tập 3, tập 4 vv quá???

    Chúc vui,
    PA

    Trả lờiXóa
  8. À cô ơi, có thể xem thêm ở trang này:
    http://fish.mongabay.com/data/VietNam.htm
    Em thấy có tới mấy loại cá trê. Loại thường đem chiên chấm mắm gừng chắc là cá trê đen?
    Cá đối (mullet?) là 1 loại cá nước lợ (brackish water), nhiều khi người ta chỉ đem chiên xù mà không cần đánh vẩy, rồi dầm nước mắm chua ngọt. Em rất ghiền món này, nhất là vào mấy mùa cá có nhiều trứng. Lần nào về VN bữa cơm đầu tiên cũng có cá đối. Có một cô ở An Giang còn bày em món cá đối chiên chấm nước mắm với xoài tượng, em chưa thử nhưng chắc làm mồi nhậu được.

    SGK

    Trả lờiXóa
  9. Hổng biết cá mù cu, cá đục, cá bóp, cá mú,cá liệt,cá bò (bò hòm, bò gai)... tiếng anh thì dịch ra sao cô hén. :)

    Trả lờiXóa
  10. Chảy đi, Sông ơi! :-)
    Cô không biết em, nhưng em gọi cô thì cô nhận là cô, dù gì thì cũng đủ già rồi, ngoài ra còn là cô giáo nữa!

    Mấy con cá đó cô không biết mặt, chưa có ăn nữa, thì làm sao mà biết dịch sang tiếng Anh là cái gì đây? Nếu tra từ điển, lỡ mà dịch sai, thì cũng chẳng biết đường nào mà lần!

    Sông thử đọc comments của bạn Nặc danh SGK xem, trong đó có đưa một cái link đó, đây nè, http://fish.mongabay.com/data/VietNam.htm. Tự đọc, rồi tự phán đoán vậy. Còn nếu có gì không rõ nữa, thì thảy lên đây, ta cùng bàn, có trí tuệ của đám đông thông minh thì có lẽ việc gì cũng giải quyết được Sông nhỉ!

    Chảy đi nhé, Sông ơi!

    PA

    Trả lờiXóa
  11. Tuna bên Việt Nam gọi là Cá Thu phải không? Ít nhất có 8 loại Tu Na, ai có can đảm để dịch mấy con cá trong website này ra chữ Việt không?
    http://www.tuna.ws/

    Còn về từ "cá ngựa"..... theo 8 đây thì có 3 loại ngựa tùy theo số chân, à mà còn thêm vụ cá ngựa ở trường đua Phú Thọ nữa chứ.... hehehehe

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  12. Chào Ba8.
    Tuna là cá ngừ bà ạ. Còn 8 loại cá trong link đã có người dịch rồi, ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Thunnus

    Cá ngừ thịt trắng, cá ngừ vây dài (Albacore), Thunnus alalunga (Bonnaterre, 1788).
    Cá ngừ mắt to, Thunnus obesus (Lowe, 1839).
    Cá ngừ vây đen, Thunnus atlanticus (Lesson, 1831).
    Cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, Thunnus orientalis (Temminck & Schlegel, 1844).
    Cá ngừ vây xanh phương bắc, Thunnus thynnus (Linnaeus, 1758).
    Cá ngừ vây xanh phương nam, Thunnus maccoyii (Castelnau, 1872).
    Cá ngừ đuôi dài, Thunnus tonggol (Bleeker, 1851).
    Cá ngừ vây vàng, Thunnus albacares (Bonnaterre, 1788).

    Con cá bà 8 hỏi dịch là cá ngừ thịt trắng hay cá ngừ vây dài. Con nghĩ trước giờ dân mình chắc không phân biệt rạch ròi các loại cá ngừ khác nhau, nên việc dịch ra tiếng Việt dựa trên tiếng Anh (ví dụ Pacific bluefin tuna --> cá ngừ vây xanh TBD) cũng khá hợp lý.

    SGK

    Trả lờiXóa
  13. Quyển Từ điển Sinh học Anh-Việt và Việt-Anh (NXB KH&KT, 2004), từ trang 927 đến trang 953 có trên dưới 2.000 mục từ dịch tên gọi các loại cá từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Theo cuốn từ điển này thì các loại cá Cô PA nêu có tên như sau:

    + cá thu = mackerel, cero (nhưng tên này còn dùng cho "cá thu sáp" - em chưa biết mặt mũi con này ra sao :-P)

    + cá ngừ = horse mackerel, merma, false albacore, tuna, tunny, bonito (có lẽ thường dùng nhất là tuna; vì mấy cái tên khác có lẽ chỉ cần cho các nhà phân loại sinh học, vì với họ thì bọn cá này chúng có nhiều giống thứ chi loài loạn xị :-P)

    + cá mòi = gizzard-shad (còn "sardine" được họ định nghĩa bên Anh-Việt là "cá sacđin" :-o)

    + cá hồi = ouananiche, gillaro, goy, common whitefish, trout, alpin char, salmon, smolt (tên gọi phổ thông chắc là "salmon" rồi, nguyên con thì có ở... Metro á Cô; hoặc dịp nào đi Sapa hay Đà Lạt, Cô dọ mấy bác "tour guide" thử, nghe nói ở mấy chỗ đó nuôi được)

    + cá cơm biển = long-jawed anchovy, anchoviella (trong sách phân loại chuyên ngành, Anchovy = họ Cá trổng)

    + cá trê = hito, brow walking catfish, catfish, ambifious catfish (sẽ nói sau về cá basa và catfish)

    + cá mập = penny-dog (tên dễ thương ghê!), hound shark, mitsukurina, greyfish (chắc là tương đương với từ "cá nhám" mà dân ta thường đặt cho hung thần biển cả này), gummy, shark

    + cá heo = porpoise, grampus, delphinus, dolphin, dolphinfish, common porpoise, bottle-nose, sea-hog, sea-pig (quá đúng với tên Việt của nó :-P)

    + cá sấu = crocodile (cá sấu châu Mỹ là alligator?) --> quả là vậy, thêm "cá sấu Cửu Long" là marsh crocodile và mugger nữa :-)

    Riêng cái vụ cá basa, thú thật với Cô em là dân Sinh học nhưng rất dốt tên các giống loài cây và con. Dò mãi trong quyển này không thấy nói. Tìm theo tiếng bà bán cơm bình dân gọi là "cá hú" cũng không thấy lun, huhu. Thật là ấm ức, vì cả trong cuốn Từ điển Bách khoa Nông nghiệp xuất bản năm 1991 cũng không liệt kê cái tên "cá ba sa"! Nổi "máu nghề nghiệp", em quyết chí truy tìm nguồn gốc cái tên gọi "cá ba sa" này và thu được vài kết quả như sau:

    Trên Wikipedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_ba_sa) ai đó đã viết:

    "Theo hệ thống phân loại Tyson Roberts, cá ba sa thuộc họ Pangasiidae, giống Pangasius, loài P. bocourti. Trước đây cá Basa được định danh là Pangasius pangasius (Hamilton) (Mai Đình Yên et al., 1992; Trương Thủ Khoa, Trần Thị Thu Hương, 1993)"

    Mai Đình Yên thì đúng là một chuyên gia về cá (http://www.vusta.vn/Temps/Home/template2/default.asp?nid=9916), nhưng không biết trong công trình nào ông nói về vấn đề trên, vì người viết trên Wikipedia không dẫn lại.

    Tra cứu trong danh bạ các loài cá fishbase.us thì được kết quả về 2 cái tên khoa học nói trên:

    - Pangasius pangasius: Common names = River catfish, Punagas, Pla sa wai kluay,... (http://www.fishbase.us/summary/speciessummary.php?id=292) --> trong sanh sách "More", ở dưới cùng còn có cái tên "Cá Ba sa"

    - Pangasius bocourti: Common names = Cá Basa bocourti, Pa yang, Cá Ba sa,... (http://www.fishbase.org/summary/speciessummary.php?id=14112)

    Như vậy, giả định của em là tên "cá Ba sa" chính là có nguồn gốc từ tiếng Thái Lan: Pla sa wai kluay. Thế thì nếu muốn đưa nó vào từ điển tiếng Anh như một từ mới thì, theo thiển ý của em, nên dùng đúng tên Thái (đã Latin hoá) là "Pla sa fish", hoặc tên Việt hoá là "Ba sa fish" thì cũng không sao. Gọi catfish theo kiểu quơ đũa cả nắm với bọn cá tra tự nhiên thì mình thua kiện bọn Mẽo là cái chắc :-D

    Trả lờiXóa
  14. Dông dài vậy! Em chỉ muốn "còm" thêm tí là nhiều bài báo đại chúng, khi dịch các thuật ngữ chuyên môn mà chỉ tra các từ điển tiếng (thuần tuý ngôn ngữ) thì rất dễ bị sai từ. Cho nên nếu bí thuật ngữ chuyên môn thì cứ tham vấn thêm các nhà chuyên môn, hay tra cứu thêm tài liệu chuyên môn thì vẫn hơn.

    Như em vẫn cứ thắc mắc hồi xưa học giải phẫu sinh lí người, ở não có "vùng dưới đồi", bây giờ lại thấy nhiều người viết "đồi hải mã" (hippothalamus). Em đồ rằng người ta cho prefix "hippo" = "hải mã" chứ không phải là "dưới" nên gọi bằng tên mới chăng?! Phải không bác Hải?

    Sorry vì spam, dù hippothalamus = đồi hải mã cũng dính dáng tới... con cá ngựa. :-D

    PS: Khi nào tiện em sẽ "list" hết mấy cái tên cá tiếng Việt mà Cô đã nêu, nếu trong từ điển chuyên ngành đã có; đặng mơi mốt Cô dẫn khách mời đi... ăn món cá :-)

    Trả lờiXóa
  15. Chào SGK và làng nước,

    Ừ thì cá Ngừ cũng được.... miễn là dzô dzô dzô thoải mái là được gùi. Thịt nạc lóc ra từ 2 giống cá (albacore và yellowtail) mà 8 đề cập ở đây thì thịt đỏ lét và đậm còn hơn từ bò tươi mới bị thọc huyết nữa; với thịc cá này tụi tớ học làm món sashimi từ dân Nhật Bổn là xắt từng lát dầy khoảng 0,5cm và dài cỡ ngón tay trỏ để ăn tươi nuốt sống vã với đế sake; hoặc dùng bánh tráng mỏng làm từ rong biển để cuộn chung với rau thơm, miến.... như mình cuốn bì hoặc gỏi tôm nhưng thay vì dùng tôm, thịt heo, bì..... thì mình cuôn chung với thịt cá còn tươi nguyên còn đỏ lét.

    Chị chủ nhà ui! Cho đăng tấm hình mấy con cá Thu, ủa lộn.... cá Ngừ lên để làng nước 8 thêm được không? Chớ có lạc đề với hình con cá Mập kia đó nha! Và 8 đây cũng rất đồng tâm với bạn Nguyễn Tấn Đại trong việc phiên dịch với kiến thức, kinh nghiệm thực tế cùng chút nghệ thuật sáng tạo, chứ dịch trúng từng chữ thì dễ òm nhưng sai lạc hoặc không chính xác, phải không?

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  16. Bàn về chuyện cá chúng ta cũng cần biết rằng trên trái đất này mỗi một giống loài sinh vật tồn tại thường có liên hệ đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn chi nhánh họ hàng cùng giống. Lấy ví dụ như loài cá mập. Chúng ta thường quen gọi chung một từ là cá mập, nhưng các bạn có biết là có bao nhiêu loài cá mập không. Các bạn có bao giờ nghe những tên gọi như: White shark, blue shark, tiger shark, whale shark, lemon shark, hammerhead shark, sand shark . . v. .v. Tất cả đều là cá mập.
    Thời gian trước đây tôi có đọc một vài bài báo liên quan nói đến việc ngư dân bắt được một vài con cá voi, cá beo khổng lồ . . . trôi dạt vào bờ biển VN. Nhưng khi xem được ảnh chụp tôi biết chúng đều là cá mập voi (whale shark). Giống cá mập này rất lớn, có con nặng đến 20 tấn. Những con đi lạc vào vùng biển VN chỉ là những con cá con. Giống cá này không ăn thịt mà chỉ ăn phiêu sinh vật.
    Trở lại chuyện cá ngừ, hoặc cá thu ngừ. Các họ như tuna, albacore, mackerel, cod . . đều thuộc chung một loài. Những con cá ngừ ở chợ VN chúng ta thường thấy chỉ nặng 1-2kg, nhưng những con cá ngừ Đại tây dương (tuna, albacore . .) thường nặng trên 100kg có con nặng đến 250kg. Nếu các bạn có dịp nhìn thấy chúng bơi lội tron những aquarium ở Mỹ thì mới biết là nó to đến chừng nào. Cá tuyết là một giống cá thu mà có thịt trắng như tuyết. Cắt ra không thấy có máu đỏ như cá ngừ.
    Riêng catfish mà chúng ta thường gọi nôm na là cá trê, cá tra, cá vồ . .v.v . đều cùng chun một họ catfish. Có đến hàng trăm loài catfish. Từ con cá trê nhỏ xíu song trong ao như ở VN đến con catfish nặng đến 250kg sống trong lòng sông Amazone ở Nam Mỹ. có con rất dữ, có thể xơi tái cả một đứa trẻ con.
    http://www.youtube.com/watch?v=9FcecafIWTo&feature=channel
    http://www.youtube.com/watch?v=QnjXIYgac28&feature=channel
    http://www.youtube.com/watch?v=uQrBwN39LJI

    Have a good time.
    hvinh

    Trả lờiXóa
  17. Chào làng nước,

    Ông Tư đây (Ô. Tư là nickname của chủ nhà này, các bác các chú các bạn ạ) ngủ một đêm, khi dậy thấy cái fishy entry này đã thu hút thêm một số thân hữu đến chơi thấy thật thú vị.

    Nhớ ngày xưa hồi mới "giải phóng", trên báo có đăng có ai đó (người một nước Bắc Âu nào đó) mong ngủ dậy được thành người VN. Nên cái cảm giác của Tư khi đọc mấy cái comments thú vị này thật là giống cái người đó, mơ ngủ dậy thành người VN, khi tỉnh dậy thấy mình là người VN thật (chết cha, tưởng nói chơi ai dè thành sự thật sao ta????)

    Tửng một chút cho vui, Tư rất vui vì từ ngày có Internet, blog bliếc, mạng xã hội vv, thông tin ngày càng nhiều và dễ truy cập, ý kiến đóng góp và phản biện cũng ngày càng nhiều, như thế chắc chắn sẽ tốt cho việc nâng cao dân trí, quan trí, trí trí lắm lắm. Và đó chính là điều kiện để biến cái đám đông vô thức, dễ bị người khác giựt dây, thành một đám đông thông minh như thuyết mới đây của James Surowiecki, phải không?

    Ai chưa biết ông này và thuyết này xin đọc bài này của tôi giới thiệu, ở đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2009/12/gioi-thieu-thuyet-am-ong-thong-minh-cua.html

    (hi hi tự nhiên có cơ hội tự quảng cáo bài viết của mình, đỡ quá!)

    Trả lờiXóa
  18. Chào bà 8

    Dạ đúng rồi, cá gì cũng đặng, ăn ngon là được. Còn về con albacore thì sáng nay đọc comment của 8, con mới tìm hiểu thêm thì thấy có lẽ người ta dịch thành "cá ngừ thịt trắng" hay "cá ngừ vây dài" sau khi tham khảo thông tin dưới đây:

    The albacore, Thunnus alalunga, is a type of tuna in the family Scombridae. This species is also called albacore fish, albacore tuna, albicore, longfin, albies, pigfish, tombo ahi, binnaga, Pacific albacore, German bonito (but see bonito), longfin tuna, longfin tunny, or even just tuna. It is the only tuna species which may be marketed as "white meat tuna" in the United States.
    http://en.wikipedia.org/wiki/Albacore

    Còn tại sao xếp albacore vô "white meat tuna" thì chắc phải hỏi Tây thôi. :D Mà, hình như chỉ sau này mới thấy báo chí VN nói nhiều tới "thịt đỏ" "thịt trắng", nên con không rõ có phải đó là khái niệm du nhập từ Tây (red meat/white meat) hay từ hồi nảo hồi nao ông bà mình đã phân biệt vậy rồi.


    SGK

    Trả lờiXóa
  19. Dear SGK,

    Con cá Albacore mà "con" vừa đề cập thuộc nhóm Albacore "white meat", tụi Tây gọi nó là Albacore Tuna cùng 1 tên rất ư cáp độ là Cá Gà..... Biển (Chicken of the Sea) và chỉ có Albacore Tuna mới được gắn nhãn "Thịt Trắng" thường để vô hộp. Hai loại khác như skipjack và yellowfin tuna thì thịt đậm hơn chút đỉnh và chỉ được vô hộp với nhãn “light meat” mà thôi; tạm dịch là "Thịt Ngà" nha. Cả 3 loại cá này ăn chơi tươi hổng phê nên thường được vô hộp để làm đồ ăn "nghiêm túc" và từ đó mình có thể trộn với mayonnaise cùng tiêu ớt để thành "tuna melt" kẹp bánh mì ăn ngon hết biết, nhất là khi kẹp chung với 1 vài lát phó mát hơ nóng cùng 1 xấp rau tươi và cà chua.

    Còn đám Tuna Albacore thịt đỏ thì lại khác với Albacore Tuna đó nha, tụi Tây chưa dám cho vô nhóm Cá Ngừ Thịt Trắng đâu!

    http://seagrant.oregonstate.edu/sgpubs/onlinepubs/g95003.pdf

    Sau 35 năm được giải phóng và với tình thần hòa giải, 8 đây thấy 1 cụm từ từ còm của bạn Hvinh thật hay, đề nghị từ nay mình gọi chung chung tụi cá này là Cá Thu Ngừ hoặc Ngưng Thù..... thật triết lý.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  20. Chào bà 8

    Cám ơn 8 về cái link cho albacore tuna. Cô PA mà còn đi dạy, có thể lấy cái này làm reading exercise cho học trò, dùng để dạy present perfect với simple present là hợp nhất.

    Bà 8 có link nào về đám tuna albacore thịt đỏ thì post lên luôn ạ. Con thử google nhưng mấy kết quả tìm được toàn là albacore tuna thịt trắng. Không biết có phải vì tụi nó còn có tên nào khác thông dụng hơn không? Nếu tìm được một bài báo hay entry nào đó về mấy con cá thịt đỏ 8 nói, biết đâu mình có thể dựa vào tên khoa học hay gì đó của nó để tra ngược lại coi ở VN đã có ai thử dịch ra chưa.

    SGK

    Trả lờiXóa
  21. Thì mình thường gọi là Tuna Thịt Đỏ như Albacore Tuna Bigeye hoặc Bonito đó đó. "Bigeye is valued for sashimi. Bonito is among the smallest tuna, and has red meat"
    http://www.topsmarkets.com/shareddev/sharedcontent/HW/healthnotes.cfm?org=giantpa&ContentID=1980003

    Bà 8 đồng ý với SGK, nội chỉ với 2 cụm từ Albacore Tuna và Tuna Albacore cũng có thể là 1 cuộc bàn luận lý thú cho sinh viên ngoại ngữ, phải không?

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  22. Và thêm 1 mớ hình món Tuna Thịt Đỏ để làm Sashimi nè:
    http://images.search.yahoo.com/search/images?_adv_prop=image&fr=ush-mailc&va=tuna+sashimi&sz=all

    Con Yellowfin Tuna (Maguro) thịt đỏ đậm nhất, chắc nhờ có cái đuôi mầu mè:
    http://www.catalinaop.com/Fresh_Wild_Yellowfin_Sashimi_p/sushi_fish_1a1.htm

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  23. Bà 8 ơi

    Con có coi thử, hình như con bigeye này không được xếp vô đám albacore thì phải. Con có thử google "albacore tuna bigeye" thì thấy đa phần các kết quả trả về là "albacore tuna, bigeye...". Trên wiki, entry về bigeye tuna cũng không có nói tới chuyện con bigeye tuna có tên gì khác chứa chữ albacore. Con đồ là officially speaking thì người ta xem albacore với bigeye tuna là 2 con cá khác nhau, trong đó con đầu có thịt trắng. Còn chỗ 8 người ta có thể gọi con bigeye là do thói quen, kiểu thấy nó giống giống với con albacore nên gọi vậy, dần dần thành quen. Nhiều khi trong ngôn ngữ hằng ngày mình cũng hay qua loa đại khái như vậy, chứ không có rạch ròi gọi cho chính xác tên từng loại cá khi đi chợ mua hàng.

    Con bigeye tuna này dịch ra tiếng Việt cũng chân phương, là cá ngừ mắt to (cũng may là mình không sính Tàu mà gọi là "đại nhãn ngư"). Con "skipjack" (bonito) mà 8 nói thì thấy họ gọi là "cá ngừ vằn". Riêng albacore có 2 tên như đã nói ở trên, nhưng để khỏi nhập nhằng chuyện thịt đỏ thịt trắng con nghĩ cứ dịch là "cá ngừ vây dài".

    Có con cá ngừ mà wiki dịch là đuôi dài (từ longtail tuna), thì con vừa tìm được 1 tên nữa là "cá ngừ bò".

    Mọi người xem thử ở đây, có hình minh họa trực quan sinh động:
    http://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:v3xfs-8TKm8J:opac.lrc.ctu.edu.vn/pdoc/61/Cangu.pdf+%22skipjack+tuna%22+%22c%C3%A1+ng%E1%BB%AB%22&hl=vi&pid=bl&srcid=ADGEESjX0nlWvSgGTScCed6RgbQZ0g4MAeWlkbjsL5PFF-hgJQZllH9pVmLF7jYOrFB96hB2rphRH49oLR5E3p_8ZJnIoQiQSSi7MCnGJoMR4rymJeMbupdNCC5TuVUTgwCsrbatvN6g&sig=AHIEtbTNpSaBfoCA33Je8-AkRa467YTo-A

    Link dài vậy là tại link pdf trực tiếp hình như không vào được, phải coi bằng "xem nhanh" trên Google.

    SGK

    Trả lờiXóa
  24. Comment của con có thiếu 1 chữ.

    "Còn chỗ 8 người ta có thể gọi con bigeye là do thói quen, kiểu thấy nó giống giống với con albacore nên gọi vậy, dần dần thành quen..."

    "gọi con bigeye là do thói quen" --> "gọi con bigeye là albacore do thói quen"

    Còn thì, trừ phi phải biên dịch tài liệu, ngoài đời chắc mình cứ gọi là cá thu ngừ / cá ngừ cho khỏe, như 8 nói.

    SGK

    Trả lờiXóa
  25. Dear SGK,

    SGK thật chí lý và nhận định này rất đúng để định nghĩa cụm từ SINH NGỮ, nếu dân tình ở đây gọi Tuna Albacore là Cá Rô Cây thì 8 đây cũng ăn tươi nuốt sống Cá Rô Cây như câu vè xưa ngày nào.

    Còn chuyện biên dịch tài liệu mấy chú Albacore Tuna và Tuna Albacore thì 8 đây chựu chết, đi câu sướng hơn. Hehehehe.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  26. Bà Tám ui,

    Cái entry rất fishy này không ngờ hấp dẫn thật, cám ơn Bà Tám về câu hỏi bâng quơ nhen!

    Ông Tư này có 2 ý kiến với làng nước đây:

    1. Có phải hvinh là Vĩnh Hiếu, "hội ái hữu AV78" không? Nếu đúng, Hiếu cho PA vài dòng qua mail nhé! Nếu không, xin rất xin lỗi hvinh, và cám ơn cái còm rất hay.

    2. SGK thật là hay, có nhiều đóng góp cho blog, vừa sắc sảo phản biện, vừa nhiều thông tin bổ ích. Chẳng bù cho Ông Tư già này chỉ giỏi cà rỡn để giảm stress thôi.

    Mà Bà Tám ơi, SGK thuộc lớp trẻ, trẻ lắm, bằng tuổi con trai đầu của Ông Tư thôi. Hậu sinh khả úy đấy Tám ạ!

    Tám có thấy "Người Việt đã khác trước" không?

    Ông Tư

    Trả lờiXóa
  27. Em thử comment xem được không nhe cô

    Trả lờiXóa
  28. Hi Miên,

    Welcome em đến sân chơi bổ ích này! :-)

    Em có thấy tôi ở đây dễ thương hơn tôi ở ngoài không?

    PA

    Trả lờiXóa
  29. Dễ thương hơn rất nhiều đó cô. Hihi. Em cũng có blog nhưng bí mật lắm... Đọc blog của cô rất ư là khoái chí...

    Trả lờiXóa
  30. Hi benvung (bền vững?),

    Thì ra là em. Này, phòng mình tập trung ở đây hết sao? Không sợ bị sếp H. rầy hả, cả phòng không lo làm việc mà chỉ "đàn đúm", blog bliếc như thế này?

    Tôi có đọc qua vài dòng tâm sự của em. Về cái sự "cầm sách lên là buồn ngủ", hôm nào tôi sẽ viết entry để giải thích nó nhé? Nếu rảnh, và nếu nhớ!!

    Chúc ... bền vững với ước muốn cầm sách lên thì không ngủ! :-)

    PA

    Trả lờiXóa
  31. Cá hảo hạng Halibut có tên bình dân là Cá Lưỡi Trâu

    Trả lờiXóa
  32. Hi LT,
    Cám ơn em đã theo dõi cái fishy entry này, và đóng góp vào vụ dịch.

    Nhưng cá lưỡi trâu chị chưa nghe thấy, chưa nhìn thấy, chưa ăn thử em ạ! Nói theo kiểu nghề Y của bác Hải: nghe, nhìn, ngửi, (nếm?), gõ ... Nên chỉ biết ghi nhận, không thể tranh cãi, phán đoán đúng sai gì. Nhưng dù sao cũng biết thêm một từ.

    Chúc vui vẻ LT nhé,

    Trả lờiXóa
  33. Dạ, đúng là "bền vững" cô ah, cái này nó xuất phát từ quan điểm mong muốn gia đình luôn được bền vững :-)
    Hôm nào cô rảnh hướng dẫn em cách để giải quyết việc "cầm sách lên ngủ" nha.

    Cám ơn cô trước!

    bv

    Trả lờiXóa
  34. Bài này của mẹ hay quá! Mà mẹ ơi. con nghe nói còn có con "cá độ" nữa mà! Mẹ có bao giờ ăn con "cá" này chưa? :p

    Trả lờiXóa
  35. hvinh chính là Vĩnh Hiếu đấy bạn già ạ. Mình vẫn tham gia với các bạn bằng tên nặc danh đấy. P.Anh ráng mà tìm đi nhé.

    hvinh

    Trả lờiXóa
  36. Không biết cụ Lý Toét vừa phán hay hỏi 1 câu "bâng quơ" về Cá Lưỡi Trâu!

    Tám xin 8 là hồi đi học bên Việt Nam 8 có nghe đến tên cá này nhưng nếu dịch Cá Lưỡi Trâu ra Halibut thì chưa chắc, nhất là cho 2 đặc sản bên bờ Thái Bình Dương này. Mặc dù không trắng và bự khủng như đặc sản Alaska Halibut ăn không ngon, thịt cá đặc sản California Halibut rất thơm ngon khi hấp với gừng hoặc chiên dòn; và chỉ ở bờ California và Baja California (Mễ) mới có mà thôi. Để chặn sóng, California có nhiều ghềnh đá chạy thẳng ra từ bờ được xếp bằng những tảng đá bự như cái xế hộp hoặc nửa xe buýt bự; California Halibut sống gần bờ nên quanh năm với 2 món hấp gừng hoặc chiên dòn rất ư là dzô dzô và khà khà với đế Ông Già Chống Gậy, nhất là lúc này là mùa mấy chị Halibut vô bờ để đẻ, nên đặc sản thứ 3 là món "trứng dán," mỗi năm 2 mùa đẻ.

    Gần nhà 8 có vài ghềnh đá nên rất tiện và thường dậy rất sớm để đi câu California Halibut cùng nhân tiện nhìn về Đất Mẹ. Việt kiều ở đây cũng gọi Halibut là Cá Lưỡi Trâu, có người gọi là Cá Ngộ. Câu cá "Lưỡi Trâu" cũng rất "Ngộ" hơn các cách câu khác vì mình phải đi câu cá Smelt (vài người gọi là Cá Bống) trước, thực ra là dùng 1 cái vợt bự trong có vài lát bánh mì để dụ "Bống" tới, rồi xúc lên từ ở những lạch nho nhỏ ở cửa bể để làm mồi câu Halibut, vì thế 8 luôn phải dậy sớm, chịu lạnh, đi xúc mồi Smelt để sau đó ngồi nghiêm túc câu California Halibut tại ghềnh đá vào lúc trời vừa sáng, với lối câu rất nhẹ nhàng và thoải mái, thư giãn, nhưng khi cá bắt đầu lờn vờn cá mồi thì rất căng vì Halibut luôn giỡn với con cá mồi rồi ăn rất nhẹ và yểu điệu như thục nữ trong tranh cổ. Tiểu bang California có luật không được bắt cá nhí Halibut, và phải từ 22 inches trở lên mới được bắt về. Ai vi phạm luật này sẽ bị phạt 'hành chánh" cỡ 5 vé và còn bị treo bằng... câu.

    Còn chuyện phiên dịch, hôm nọ có ai gãi đầu là "bên Việt Nam ai cũng là Bác Sĩ và Dược Sĩ...."; 8 xin phép thêm tí chút là "à mà còn luôn là Dịch Sĩ nữa, cái gì cũng muốn dịch; thậm chí cả Tên người ta cũng được dịch tuốt. Hehehe!

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  37. Em đang rà thì bắt trúng đài của Bà 8. Bà con mình thấy con Halibut - miệng dọc - dèm dẹp giống Cá lưỡi trâu - miệng ngang - nên gọi vậy cho đỡ nhớ. Cá lưỡi trâu xứ mình hình giống như chiếc lá, đuôi nhọn, nói chung là khác loài với thứ Halibut bên bển. Mỗi con dài 22 inches nặng chừng 4 cân cũng kha khá thực phẩm Bà 8 nhỉ.

    Từ khi bên mình xài in tẹc lét đã dùng gúc gồ bởi tính đa năng của nó kể cả chức năng dịch tiếng Anh sang tiếng Việt. Và người ngồi trước phím gọi là Gúc sĩ. Gúc sĩ đã bao gồm Viết sĩ tức sáng tác kiểu cóp pết; và Dịch sĩ tức là nhờ thằng Gúc nó dịch hộ.

    Trả lờiXóa
  38. Cụ Lý luôn chí lý! Wa lại được học thêm từ cụ Lý Toét vài cụm từ mới nè, cùng thấm thía dùm cho những "Gúc Sĩ" với trợ lý Gúc Gồ để viết báo (lố) như rươi. À mà tụi Tây gọi Rươi là gì nhỉ?

    Còn chuyện 22" California Halibut trở lên, vâng tụi nó nặng kí lắm cụ Lý ạ! Lúc mới tò te câu cá này wa tiếc đứt ruột khi phải trả về biển mấy chú dưới 22" (khoảng 50cm), cũng bự ra phết đấy, huhuhu. Mình chỉ cần 1 chú là được 2-3 đặc sản cho nhiều bợm nhậu thật hoành tráng, chứ câu hơn thì chỉ khổ nặng khi rinh về và không chỗ chứa.

    Nhớ thời bên Việt Nam, cá lớn, cá bé, cá nhí, cá tí tẹo.... đều bị bắt hết, và vì thế "cá lớn" có thể rất ư là bé so với những nơi khác nên các Viết Sĩ và Dịch Sĩ bên Việt Nam nên cảnh giác tí chút với trợ lý Gúc Gồ nha.

    http://www.dfg.ca.gov/marine/pdfs/californiahalibut.pdf
    http://www.dfg.ca.gov/marine/status/ca_halibut.pdf

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  39. Dịch tên của một loài sinh vật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác: Việc sử dụng tên khoa học (tên Latin) làm trung gian là cần thiết. Trong các sách khoa học, để định danh một loài bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, người ta thường chua tên Latin của loài sau khi nêu tên loài đó bằng ngôn ngữ địa phương. Điều này là cần thiết vì một ngôn ngữ có thể có nhiều tên khác nhau cho cùng một loài. Và nó sẽ tránh được nhầm lẫn, hoặc sự mơ hồ khi dịch tên một loài sang các ngôn ngữ khác nhau. Nguyên tắc sẽ là: A ≡ C & C ≡ B → A ≡ B, trong đó C là tên khoa học của loài, A là tên của loài theo ngôn ngữ ban đầu, B là tên của loài theo ngôn ngữ cần dịch

    Cách nhận biết và sử dụng tên Latin trong văn bản: Tên Latin của một loài bao gồm 2 từ, được (1) in nghiêng (italicize); hoặc (2) in bình thường và có gạch dưới chân (underlined), từ đầu tiên chỉ giống (genus) của loài sinh vật có viết in hoa (captitalized) chữ đầu tiên, từ thứ hai chỉ loài (species) viết theo lối chữ thường cho toàn bộ từ. Tác giả được quyền chọn cách viết in nghiêng hoặc viết có gạch chân trong văn bản, nhưng các viết buộc phải giống nhau cho cả hai từ trong cùng một tên sinh vật và nên thống nhất cách viết tất cả tên khoa học trong cùng một văn bản. Để chỉ toàn bộ các loài khác nhau trong cùng một giống, người ta có thể dùng tên của giống (từ đầu tiên) và chữ spp. (có dấu chấm cuối từ) đây là chữ viết tắt của species pluralis nghĩa là các loài khác nhau của giống.

    Tìm nguồn thông tin cho việc định danh sinh vật (taxonomy): Trong khi dịch, nên tránh dùng wikipedia vì đây không phải là nguồn thông tin đáng tin cậy do không có sự bình duyệt (peer review) trước khi phát hành và dễ dàng bị thay đổi bởi người sử dụng. Sử dụng tên Latin còn cho phép xác định rõ các sinh vật các loài riêng biệt nhưng tương tự nhau về hình thái (morphology). Tên Latin chính xác, đơn giản, dễ sử dụng cho người dịch thuật. Tại Việt Nam, các sách của Đỗ Tất Lợi và nhất là của Phạm Hoàng Hộ rất uy tín trong việc định danh khoa học các loài. Đáng tiếc là Phạm Hoàng Hộ chuyên định danh thực vật còn Đỗ Tất Lợi sử dụng định danh cho phần nghiên cứu dược phẩm.

    Đáng tiếc em không học khối sinh vật để có những kiến thức tốt hơn hoặc cách trình bày hay hơn. Blog của cô đọc thật hay, em đọc và biết được nhiều thông tin.

    Trân trọng

    Trả lờiXóa