Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Một triệu người vui và một triệu người buồn

Tôi đã biết đến câu nói này của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ lâu rồi, nhưng sáng nay ngồi đọc báo mạng thì tìm thấy nó trong bài viết có tựa là "Chấp nhận cái khác biệt để hòa hợp, hòa giải" trên Tuần VN, ở đây. Một bài viết có nhiều điều đáng đọc. Tôi chỉ xin trích lại một đoạn dưới đây:
Về sự hòa hợp giữa những người trong nước, ông Bích nói:

- Tôi cho rằng cách xử sự với người bại trận là thiếu độ lượng. Mãi tới sau Đổi mới, tình trạng này mới giảm dần. Theo tôi, hòa hợp dân tộc phải do người chiến thắng chủ động tiến hành, trước hết là hòa hợp với người đã khuất. Thế nhưng chúng ta làm việc này chậm quá. Mãi gần đây chúng ta mới dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa.

Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó nhận xét về việc chính phủ VN đã tích cực giúp Mỹ tìm lại hài cốt những người lính Mỹ đã chết trận ở VN, và 2 kẻ "cựu thù" đã thực sự bình thường hóa quan hệ và trở thành bạn bè, đồng minh. VN cũng đã tiến hành cuộc chiến với TQ năm 1979, rồi bây giờ TQ cũng đã trở thành người đồng chí tốt của VN với 16 chữ vàng rồi. Thậm chí tôi còn nghe om xòm vụ "liệt sĩ TQ" nữa. Nhà nước ta đã thể hiện quan điểm khá rộng lượng với những ngoại bang từng là kẻ thù trên đất nước ta.

Nhưng những người đồng bào cùng máu đỏ da vàng của chúng ta đã nằm xuống, hay đã sống qua những ngày tháng đó như những nhân chứng, và âm thầm lặng lẽ đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của VN sau này - họ là ai, đã từng nghĩ gì, cảm nhận gì, và hiện nay họ và con cháu họ đang nghĩ gì, cảm nhận gì trước vận hội cũng như những thách thức mới của đất nước này? Hay họ mãi mãi phải chịu số phận là missing piece trong bức tranh lịch sử của VN? Là skeleton in the cupboard trong gia đình VN?

Ngày 30/4 đến. Tôi không thuộc 1 triệu người vui mà cố TTg VVK đã đề cập đến. Tôi biết chắc chắn cha mẹ tôi - ông bà đã quá cố - và nhiều chú bác của tôi thuộc số 1 triệu người buồn. Còn tôi, năm 1975 tôi chỉ mới 15 tuổi. Cuộc chiến đã qua đi 35 năm rồi. Tôi tin mình cũng đã đóng góp hết mình cho đất nước này, như một người bình thường như tôi có thể làm được. Tôi tin mình luôn đập từng nhịp với nhịp tim của dân tộc. Và những thành quả của ngày nay, cũng như những vấn nạn của toàn xã hội, đặc biệt trong ngành giáo dục, cũng có phần đóng góp và trách nhiệm của tôi.

Nhưng đến ngày 30/4 thì tôi không thấy có chỗ nào cho mình cả. Tôi không muốn nghe mãi và không muốn tham gia nhắc nhở về những mất mát đắng cay của những người thua cuộc. Vì nó không giải quyết được gì hết, và chỉ tiếp tục kéo dài sự hận thù. Nhưng tôi hiểu tại sao họ vẫn còn lưu giữ sự oán giận trong lòng.

Tôi tin là họ muốn, và tôi cũng muốn, họ được nhắc đến như một phần trong lịch sử đau thương này của dân tộc. Được trân trọng như những con người chân chính chứ không phải nhưng kẻ ngụy tà, là người dân Việt, biết vui biết buồn, có đúng có sai, đã sống hết mình và hy sinh cho những điều mình tin là đúng.

Nhưng hình như ta đã làm cho họ biến khỏi lịch sử của VN mất rồi? Mà họ chính là cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị của tôi, là cội rễ của tôi. Nên tôi thấy trong lịch sử VN, những người như tôi bị đứt mất gốc rễ từ chỗ đó.

Và đó là lý do tại sao dù làm việc suốt đời cho nhà nước, và đóng góp hết sức mình, nhưng tôi vẫn cùng một lúc cảm thấy như người đứng ngoài, bị gạt ra ngoài. Một người không cội rễ.

Nên ngày 30/4 đối với tôi luôn là một ngày để suy nghĩ. Không phải để ăn mừng, mà cũng không phải để thù hận. Mà chỉ là băn khoăn, với một câu hỏi duy nhất: Khi nào?

Khi nào thì đến ngày 30/4, 1 triệu người buồn bây giờ cũng sẽ cảm thấy vui. Vui, vì đất nước đã thống nhất, anh em hòa hợp, không kỳ thị, anh thắng nhưng anh cũng đã có nhiều sai lầm, tôi thua nhưng không phải cái gì tôi làm cũng là sai. Anh thắng nhưng cũng có những chỗ anh có thể học từ tôi, và tôi thua, nhưng tôi không hằn học vì anh đã có những cư xử độ lượng, chân tình...

Khi nào?
---
Viết thêm:
Tôi vừa tìm thấy bài này, rất đáng đọc nên đưa link về đây giới thiệu với mọi người. Nó đây.

Buồn lắm, cái buồn của cả 2 triệu người từ hai phía trong câu nói của Ông VVK, được dùng làm tựa của entry này.

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

"Sau trận đánh"

Đoạn dưới đây tôi vừa chép từ Tuần Việt Nam ra, đưa lên đây để lưu cho tôi và giới thiệu với mọi người.
Tôi [tức Cao Huy Thuần, chú thích của tôi VTPA] nghĩ đến một bài thơ, bài "Après la bataille" của Victor Hugo. Tôi vừa dịch xong, xin tặng bạn đọc Tuần Việt Nam.

SAU TRẬN ĐÁNH

Chiến trường đầy xác chết
Khi trận đánh vừa xong
Cha tôi trên mình ngựa
Duyệt chiến trận một vòng.

Đêm xuống. Ai rên rỉ
Giữa bóng tối thê lương?
Viên sĩ quan hầu cận
Thưa: lính bại ven đường.

Máu thấm hoen cỏ dại
Tên lính chết nửa người
Hổn hển. Thở. Kêu cứu
"Nước! Nước! Nước! Người ơi!"

Sĩ quan! Đây bình rượu
Uống đi, kẻ thương binh!
Viên sĩ quan cúi xuống
Kề miệng dốc ngược bình.

Như chớp, người kia rút
Súng nổ đạn vèo bay
Mũ cha tôi rơi xuống
Ngựa cong vó vẫy tai.

Thản nhiên cha tôi nói :
"Cứ cho uống tràn đầy".

Tại sao CHT lại dịch bài thơ này? Các bạn đọc ở đây sẽ rõ.

Về cuộc chiến ấy, có lẽ sẽ còn phải nói dài dài, nhiều nhiều. Tôi nhớ thời tôi ở Úc vào giữa thập niên 1990, người thổ dân Úc vẫn cứ thỉnh thoảng biểu tình, vẫn nhắc lại những chính sách sai lầm của chính phủ người Úc da trắng đã phạm đối với người thổ dân dù đã xảy ra hàng thế kỷ.

Và để hóa giải những hận thù, tạo sự hòa giải, thì hình như trên khắp thế giới tôi thấy chỉ có một cách thôi: phải thành thật nhìn nhận những sai lầm của các bên, và bên nào có lỗi với bên kia (mà thường là kẻ mạnh mới có quyền có lỗi với kẻ yếu) thì phải xin lỗi. Chân thành.

Còn nếu không thì thù hận sẽ mãi chồng chất, không bao giờ hóa giải được.

Có phải cái đó chính là "ma" không?
--
Cập nhật ngày 30/4
Một người bạn từ thế giới ảo cho tôi link để đọc bài thơ của V. Hugo đã được dịch sang tiếng Anh, để những người mù tiếng Pháp như tôi có thể đọc. Xin chép lại dưới đây. Link: http://audiopoetry.wordpress.com/2009/02/20/apres-la-bataille/
--
After the battle

My father, a hero with such a sweet smile,
Followed by a single soldier whom he liked amongst all,
For his great bravery and his tall stature,
Was wandering on his horse, on the evening of a battle,
Across the field covered with bodies upon which night was falling.

He thought he heard a soft noise in the shadows.
It was a Spaniard from the routed army,
Who was crawling in his blood on the side of the road,
Groaning, broken, livid and more than half dead,
And who was saying: “Something to drink! Take pity, a drink!

My father, moved, gave to his faithful soldier
A flask of rum which hung from his saddle,
And said, “Take it and give a drink to the poor wounded man.”

All of a sudden, as the lowered soldier
Was bending towards him, the man, some kind of Moorish,
Steadies a pistol that he was still holding
And aims at my father’s forehead while shouting: “Caramba!”

The bullet went so close that the hat fell off
And the horse suddenly backed off.
“Give him a drink anyway” said my father.


Around 1800, Victor Hugo’s father was a general in the armies of Napoleon which invaded most of Europe to bring liberty, equality and brotherhood to the people oppressed in the neighboring countries. Surprisingly, the locals did not alway appreciate the wonderful presents that were forced upon them by foreigners. We now know better and such mistakes would not be repeated in the 21st century[...].

This is a moving story told very efficiently as a modern filmmaker would. This would have made a great Kurosawa. Three shots. The camera pans across the bloody battlefield barely lit by an evening sky. Then the camera zooms in to the wounded Spaniard that we discover, low and back lit. Then a quick action scene, the explosion of a bullet, the camera follows the hat that flies off. As the camera zooms back out to the whole landscape, the famous last line is heard in a tired and weary voice, “Give him a drink anyway”.

This poem is quite famous in French speaking countries and several verses are often quoted, most notably the last one, when someone has a generous gesture for a fallen foe, – or cynically, whenever there is wine to be served, a common occurrence.

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Văn hóa tranh luận và lời xin lỗi

Nhân có một vài đề cập đến văn hóa tranh luận của Việt Nam gần đây, tôi xin kể một câu chuyện có thật đã xảy ra với tôi hồi học tại Úc vào giữa thập niên 1990.

Hồi ấy, tôi ở Ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài, tên là Chisholm College (tôi học ở La Trobe University, Melbourne Australia). KTX gồm sinh viên thuộc mọi quốc tịch trong đó có Tàu, Mã Lai, Indo, Việt, và cả Úc (là người tại chỗ) nữa. Quan điểm của ban quản lý KTX này là tạo sự hội nhập về văn hóa cho sinh viên nước ngoài để giúp họ thành công hơn trong môi trường học tập và làm việc sau này.

Năm ấy tôi ở cùng tầng với một cô bé (undergrad) người Việt (gọi tôi bằng cô, vì tôi đã 34, 35 tuổi mà cô bé ấy thì mới vào năm 1 tức chỉ mới 18, 19 tuổi thôi). Hai cô cháu nấu ăn chung vì không thích ăn thức ăn của Úc, và cũng là để ... tiết kiệm một chút, cả thời gian lẫn công sức.

Đến đợt ấy, tôi phải tăng tốc viết bài để nộp, nên thường xuyên về trễ từ Thư viện. Lúc ấy máy tính chưa phổ biến và rất đắt tiền, nên phải chờ sử dụng máy công cộng, mỗi người chỉ được ngồi một máy 2 tiếng rồi phải đứng lên nhường cho người khác và đi tìm máy trống khác để ngồi. Còn cô bé (Tuyền là tên cô bé ấy) cùng ăn cơm với tôi cũng bận học thi, nên nếu phải chờ nhau trong giờ ăn cơm thì quá mất thời gian.

Vì thế, tôi với Tuyền quy ước: nếu đến giờ ăn mà người kia chưa về thì người này cứ ăn trước rồi chừa lại cho người kia. Nên hôm đó, Tuyền ăn trước, rồi để lại đồ ăn của tôi trên bàn ăn (trong bếp công cộng của sinh viên).

Hôm ấy cuối tuần (tối thứ 6), mải làm việc trong thư viện tôi về khá trễ. Khi tôi về, thì thấy đồ ăn của mình (nồi cơm, dĩa thức ăn được úp lại bằng một cái chén) bị bỏ xuống đất, gần ... thùng rác! Còn "đám" bạn cùng tầng (đa số là người Úc, da trắng) đang ngồi cười đùa ầm ĩ, thậm chí quăng đầy chai, lon bia và nước ngọt vương vãi đầy bàn và đầy cả sàn nhà.

Tôi rất giận, nhưng lúc ấy đã tối, tôi không nói gì và đi ngủ (nhịn đói). Đến sáng hôm sau, tôi lên gặp ban quản lý và nằng nặc đòi đổi sang tầng khác, và nếu không được, thì sẽ dọn ra ngoài ở (mặc dù chưa biết đi đâu!)

Nhưng Bà Giám đốc KTX không đồng ý cho tôi đổi chỗ, vì sau khi nghe tôi kể sự việc xảy ra thì bà ấy hỏi tôi đã hỏi cho ra lẽ chưa: ai làm, và tại sao làm. Tôi nói chưa hỏi, bà ấy hỏi tại sao, và tôi nói, không cần hỏi, như thế là tôi đã bị xúc phạm rồi, dứt khoát là tôi sẽ đi.

Nhưng bà ấy cũng dứt khoát không đồng ý, nói rằng tôi có thể hiểu sai động cơ của người đã làm việc ấy. Tôi nói, tôi không muốn cãi cọ (quarrel), nhưng bà ấy nói, không phải là cãi nhau, mà là giải thích và tranh luận (debate), nếu cần, để làm rõ mọi việc, để hiểu rõ vấn đề là gì, rồi mới có thể quyết định.

Nếu không chịu đối đầu, tranh luận và làm rõ vấn đề thì họ sẽ không cho tôi rút lại tiền cọc (hình như cả năm cũng mấy trăm đô Úc, lúc đó dối với tôi, và mọi người VN lúc ấy, có lẽ thế) là rất rất nhiều. Vì bị chế tài như thế, nên tôi phải bấm bụng mà trở về và báo cho người trưởng tầng (mỗi tầng có một người phụ trách, cũng là sinh viên ở trọ nhưng được ban quản lý chọn giao nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự của tầng nên được miễn phí).

Và một buổi họp đã diễn ra do cô trưởng tầng sắp xếp, trong đó tất cả các thành viên của tầng, có cả tôi tất nhiên, được mời đến. Cô trưởng tầng (nhỏ tuổi hơn tôi, chắc gần 30 hay hơn một chút) nêu lời than phiền của tôi, và hỏi xem ai đã làm, và tại sao, và yêu cầu có lời giải thích và xin lỗi.

Và một cô bé Úc da trắng mắt xanh tóc vàng, trông rất quý tộc và ... hơi kiêu kiêu (thấy ghét!), tôi có cảm giác thế, hơi bối rối đứng ra nhận, giải thích vì không biết thức ăn của ai, và vì thấy cũng muộn muộn rồi, thức ăn để bên ngoài không để tủ lạnh thì có thể hư, có lẽ không nên ăn nữa nên mới bỏ xuống đất cạnh thùng rác như vậy (kể ra "nó" nói cũng đúng, nhưng tôi vẫn ấm ức lắm). Và sau khi nói xong, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ hối lỗi (mà lúc ấy vì tức giận tôi vẫn cho là ... giả dối), và nói: "I am sorry! I am really sorry!" Hai lần như vậy. Và nhìn tôi, chờ đợi.

Tôi không nói gì (trong bụng vẫn còn cảm thấy bị xúc phạm). Vài giây sau, cô trưởng tầng hỏi tôi: "Are you happy now? Will you stay here with us?" Và cả tầng (đa số là trẻ con so với tôi) nhao nhao hỏi: "Ann (lúc đi học họ gọi tôi là Ann cho nó dễ gọi), will you stay? We really don't want you to leave!"

"And I said yes" (câu này đúng hệt một câu trong bài hát gì ngày xưa, quên tên rồi), OK, I'll stay.

Cả tầng nhảy lên reo hò, một cậu sinh viên năm 2, năm 3 gì đó, người Tây to lớn, lại còn đến give me a hug nữa, mới chết chứ!

Tôi không bao giờ quên kinh nghiệm này. Và không chỉ có một kinh nghiệm đó, mà còn nhiều kinh nghiệm khác, nhưng cái này làm tôi nhớ lâu nhất.

Hình như mấy năm trời sống với văn hóa thẳng thắn như thế nên tôi hơi khác thường, về VN ăn nói thẳng thắn, thích tranh luận cho ra vấn đề (nhưng mà tranh luận cho đúng là phải lịch sự, hợp lý, không được hàm hồ - well cái này nói dễ làm khó), có thể nảy lửa, nhưng xong rồi thôi. Nhưng hình như cái phong cách đó ít ai hiểu, và ít ai chấp nhận, đặc biệt là ở một phụ nữ Á Đông, như tôi!

Thành ra bây giờ tôi vẫn cứ thấy mình lâu lâu lại làm phiền lòng người này hay người khác, thậm chí mất cả bạn bè, vì những lời thẳng thắn không suy nghĩ, không rào trước đón sau đó.

Văn hóa của ta là làng xã, xấu che tốt khoe, thiếu tranh luận duy lý (nhưng có thể cãi nhau mất bình tĩnh, thì ... không sao?), "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", "thương nhau trái ấu cũng tròn", nhưng đã sai rồi, cũng không chịu nói lời xin lỗi, và không chấp nhận lời xin lỗi (vì thấy nó không cần, hoặc không muốn tha thứ)...

Cách sống như VN, hay sống như bọn Úc đã "rèn luyện" tôi mấy năm ở đó, cách nào là cách tốt hơn, nhỉ? Có ai bảo dùm cho tôi với, được không?

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Chớ để ngày mai!

Chỉ là một bài thơ đã học thời tiểu học, nay mới nhớ ra nên chép lên đây.

Mở ngoặc một chút: Ngày xưa người ta giáo dục trẻ em như thế đó. Và những lời giáo dục đó đi theo "các em" (giờ đã thành các bà, các cụ) đến hết cả cuộc đời!

Chớ để ngày mai
Một cậu bé chuyện trò cùng mẹ
Rằng: "Đến mai con sẽ xin ngoan!"

Đến mai con sẽ xin ngoan?
Đến mai con lại khất lần ngày kia.

Con ơi con chớ hề nói thế,
Chuyện hôm nay chớ để ngày mai!

Chi bằng con nói thế này:
"Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ!"


--
Nhân tiện, Kinh thánh đã nói như sau về giáo dục trẻ em: "Train up a child in the way he should go: and when he is old, he will not depart from it." (Proverbs 22:6)

Và đó chính là sự khôn ngoan, thông thái của nhân loại, hơn 2000 năm nay rồi đó!

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Lại chuyện chữ nghĩa: vi trùng, vi khuẩn, siêu vi trùng, siêu vi khuẩn, và virút (virus)

Nhân có cuộc tranh luận nho nhỏ giữa các bác ... lớn lớn về mấy từ này bên blog BS Hồ Hải ở đây, và bản thân tôi cũng muốn biết rõ nên tôi đã phải trèo lên lục mấy tủ sách trên tầng ba (thư viện gia đình???) để lôi ra mấy cuốn từ điển xưa mà tôi vẫn để trong tủ sách và dùng thường xuyên hồi chưa có Internet.

Nhân đây cũng khoe một chút: tôi có rất rất rất nhiều từ điển, cái này là một thói quen chẳng biết là tốt hay xấu do bố tôi để lại. Đó là rất mê sách và trong nhà chứa rất nhiều sách. Vả lại, trước đây tôi là dân dạy ngoại ngữ mà.

Thời mới mở cửa (cuối thập niên 1980), có ai biết nói tiếng Anh mấy đâu, cái gì cũng đẩy bọn tôi ra nói và dịch, mà có biết gì đâu để dịch, nên mua đủ loại từ điển về tra cứu và làm ... "vũ khí chống lại kẻ thù xâm lược đất nước" (!) Nhắc lại thời ấy, cũng phải dùng ngôn ngữ thời ấy cho phù hợp chút xíu mà!

Và đây là kết luận về mấy từ này: Tóm lại, vi trùng là từ hơi xưa một chút, bây giờ ít dùng rồi. Vi khuẩn cũng có từ xưa (từ thời Đào Duy Anh lận!), nhưng bây giờ dùng phổ biến hơn. Và vi trùng với vi khuẩn là một thứ. Còn siêu vi trùng hoặc siêu vi khuẩn (hoặc thậm chí có người chỉ dùng siêu vi) là cái mà bây giờ người ta hay gọi là virút hoặc virus, tùy theo mức độ "sính ngoại" hoặc hội nhập của nơi dùng. Có vẻ như miền Bắc có "dân tộc tính" cao hơn nên viết theo kiểu nôm na là vi rút hoặc virút, còn miền Nam thì sính ngoại hơn hoặc hội nhập cao hơn nên hay dùng virus.

Vậy đấy các bác ạ! Dưới đây là phần em chép lại hầu các bác. Trả công em giương mục kỉnh đọc tới đọc lui và đánh máy muốn còng lưng rồi nghe các bác!

Mà bỗng dưng thấy ... thương mấy cuốn từ điển cũ, chúng lợi hại ghê, và trung thành, hiền hậu, củ mì cù mì, như bà mẹ quê, hoặc thậm chí là bà vợ quê (= cơm nguội) luôn ở đó chờ ta quay về, mà ta thì cứ mê mải chạy theo nàng Anh-tẹc-lét xa lạ, vong bản, hư hỏng kia, hic hic!!
---
A. Trích trong Từ điển các thuật ngữ khoa học Anh - Anh - Việt do NXB Thống kê 1998

1. virút (virus) hạt lây nhiễm, chứa lõi axit nucleic (DNA hoặc ARN) được bọc trong vỏ protein. Virút là loại không có tế bào, chỉ có thể hoạt động và sinh sản nếu chúng có thể xâm nhập vào tế bào sống và sử dụng hệ thống của tế bào đó để tự sao chép. Trong quá trình này chúng có thể phá hủy hoặc làm thay đổi tế bào chủ. Trong số các bệnh do virút gây ra có ho gà, cảm cúm, mụn giộp, cúm virút, bệnh dại, AIDS, và nhiều ở thực vật. Bằng chứng gần đây cho thấy virút gây ra một số dạng ung thư. Các thuốc kháng sinh không được dùng để điều trị các bệnh do virút, nhưng vaccine có thể bảo vệ chống lây nhiễm.

2. vi khuẩn (bacterium, bacteria snh) Các sinh vật đơn bào chỉ nhìn được dưới kính hiển vi. Chúng khác với các vật đơn bào bình thường ở chỗ không chứa hạt nhân. Chúng thường sinh sản bằng cách nhân đôi, và vì điều này có thể xảy ra khoảng 20 phút một lần, nên một vi khuẩn có thể có tiềm năng sinh sản ra 16 triệu bản sao của chính nó trong một ngày.

Một số vi khuẩn là loài ký sinh gây ra các căn bệnh, một số khác nếu không được kiểm soát [...] có thể làm hỏng thực phẩm và làm thực phẩm bị nhiễm độc. Tuy nhiên, hầu hết các vi khuẩn đều thực hiện các chức năng thiết yếu trong hệ sinh thái là tiêu hóa xenlulô trong ruột của loài ăn cỏ, tham gia phân hủy chất thải hoặc các vật thể chết, và cải thiện sự màu mỡ của đất nhờ xử lý các hợp chất nitơ. Các vi khuẩn khác thực hiện các chức năng có ích trong công nghiệp sữa như lên men phômai và ya-ua, và trong quá trình xử lý nước thải.
---
B. Trích trong Đại từ điển tiếng Việt của NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1998

1. vi khuẩn Những cơ thể sinh vật gây bệnh hoặc không gây bệnh, có cấu tạo đơn giản, chỉ gồm một tế bào kích thước nhỏ chưa có nhân sinh sản chủ yếu bằng lối phân đôi.

2. vi trùng côn trùng nhỏ gây bệnh vd: vi trùng bệnh lao - ổ vi trùng - diệt vi trùng

3. virút (virus) vi sinh vật nhỏ nhất, dùng kính hiển vi thường cũng không nhìn thấy, phần lớn có thể gây bệnh, vd: virút bệnh dại được truyền qua vết cắn, nằm trong nước bọt

4. siêu vi khuẩn Như virút

5. siêu vi trùng Như virút
---
C. Trích trong Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh, do NXB Khoa học Xã hội in lại tại Hà Nội năm 1992

(Có lẽ lúc ấy in lại cuốn từ điển này thì không xin phép tác giả vì đã khuất, cũng không quan tâm đến bản quyền vì lúc ấy dường như chưa có Luật bản quyền thì phải!)

1. vi trùng Thứ sinh vật rất nhỏ, cũng thường gọi là vi khuẩn hoặc mi khuẩn (microbe)

2. My khuẩn Một thứ thực vật hạ đẳng, gặp thấp khí thì mọc mầm, khi mới sinh thì như sợi tơ trắng, cũng gọi là vi khuẩn, thường gây bệnh cho người (bacille)

2. vi trùng học Như Mi khuẩn học


Có một ghi nhận: từ "mi khuẩn" đứng làm entry head thì được viết là "my", những chỗ khác thì viết là "mi"? Đặc biệt, không tìm thấy từ siêu vi trùng hoặc siêu vi hoặc siêu vi khuẩn trong từ điển của Đào Duy Anh!
--
Nói thêm một chút: tôi là dân gốc ngôn ngữ nên chỉ quan tâm đến ngôn ngữ, mà dễ nhất là tìm được cách dịch 1 đối 1 với tiếng Anh là xong. Nên kết luân của tôi tóm lại là như sau:
1. bacteria: dịch là vi trùng hoặc vi khuẩn (cả hai đều được)
2. virus: dịch là siêu vi trùng, siêu vi khuẩn, hoặc siêu vi; nếu không dịch thì dùng từ vay mượn là virus!

Còn nếu ai muốn tranh luận về chuyên môn (vd: cấu trúc tế bào, nguồn gốc động, thực vật, có lợi hay có hại vv), xin mời vào đây đọc và tranh luận.

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Đọc Bangkok Post: "Cần bao nhiêu quan tài nữa?"

Cái tựa entry này nghe rùng rợn quá, phải không? Một người bạn cũ của tôi mới đây có nói, không hiểu lúc này tôi mắc chứng gì, mà viết lách toàn là cái gì thê lương rùng rợn quá: nào là Sợ ma, Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông, rồi Cõi nhân sinh, rồi Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp .... Ừ, nghĩ lại cũng thấy ghê rợn thật chứ! Các bác sĩ bạn tôi đâu hết rồi, thử làm một psycho-analysis giúp tôi chỗ này chút xem sao, các bác ơi!

Nhưng cái tựa tôi viết trên đây không phải tôi nghĩ ra đâu, nó hoàn toàn khách quan mà, chẳng liên quan gì đến tâm thần của tôi lúc này hết á. Đó là tựa một entry trên blog của tờ Bangkok Post của Thái Lan, nguyên văn tiếng Anh là "How many more coffins?", mà tôi mới thấy xuất hiện trên danh sách blog của tôi hôm qua. Có thể đọc nó ở đây.

Còn ai làm biếng, hoặc ... đọc không tốt tiếng Anh (thôi mà bồ tèo, thú nhận đại đi, trình độ tiếng Anh của người Việt mình chắc chắn là chưa tốt bằng các nước lân cận đâu, cái này tôi nghiên cứu nhiều rồi nên biết rõ, hi hi. Còn nếu không tin nữa thì đọc ở đây nè), thì chịu khó đọc thêm ở dưới đây, phần giới thiệu của tôi. Nhưng mà báo trước nghen, không đọc bản gốc mà đọc qua diễn giải của người khác thì phải chấp nhận sẽ bị thiên lệch theo ý kiến chủ quan của người giới thiệu đó. Ráng chịu đó nghe.

Quay trở lại bài viết. Cần bao nhiêu quan tài nữa, là cái gì vậy? Đó là ý kiến của một độc giả Bangkok Post, nói lên sự đau xót của người viết về tình trạng bất ổn chính trị, xô xát đến đổ máu tại Thái Lan hiện nay. Tác giả ấy viết:

Twenty-five people have died. More than 800 people have been injured. Yet the April 10 violence has not been violent enough to shock us to our senses. With both sides hungry for more blood, there is widespread fear and anxiety about another round of violence. The chilling question: how big must the bloodbath be in order to make us realise the futility of violence?

What has happened to our country?

What has happened to our soul?

25 người chết. Hơn 800 người bị thương. Thế mà cuộc bạo động ngày 10/4 vừa qua còn chưa đủ mạnh để làm cho chúng ta thức tỉnh. Cả hai phía vẫn tiếp tục hăng máu, và mọi người đều lo sợ sẽ vẫn còn một vụ bạo động tiếp nữa. Câu hỏi rợn người: cần một cuộc tắm máu đến cỡ nào để chúng ta hiểu ra sự mù quáng của những vụ bạo động của mình?

Chuyện gì đã xảy ra cho đất nước chúng ta?

Chuyện gì đã xảy ra cho lương tri của chúng ta?

Nói ngoài lề một chút: tôi đọc và thấy ... cách viết của tác giả này sao hao hao giống tôi, chắc là tác giả nữ (???). Vì nhiều cảm xúc, và hay chêm những câu hỏi vào bài viết. Giống kiểu thơ Quang Dũng với một lô những câu hỏi, đại loại như: "Tôi thương mà em đâu có hay?" (Quán bên đường), "Mẹ tôi em có gặp đâu không?", "Em có bao giờ lệ chứa chan?", hay là, tất nhiên rồi, "Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?" (Đôi mắt người Sơn Tây). Hay lắm, ít ra là ... hợp gu của tôi! (Lạc đề rồi, lạc đề trầm trọng! Trở lại nội dung bài viết thôi.)

Đoạn tôi mới trích ở trên là phần đầu của bài viết. Phần giữa, mà tôi sẽ lướt qua ở đây, là phần phân tích sai lầm của cả hai phe bất đồng. Tôi không quan tâm, vì bản chất không quan tâm đến chính trị CHỈ vì chính trị (politics for the sake of politics), mà chỉ quan tâm đến kiếp người, đến cõi nhân sinh, đến thế thái nhân tình mà thôi. Nên nếu có bao giờ nói chuyện chính trị, ấy là chẳng qua những chuyện đó có ảnh hưởng đến những con người, những số phận mà tôi biết, khiến mình tức giận, bất bình, phẫn nộ, hoặc kính trọng, ngưỡng mộ, hoặc xót thương, gì gì đấy. Rất rất rất cảm tính, chẳng có duy lý chút nào như mấy người bạn bloggers (toàn là nam giới) của tôi hay kêu gọi.

Mà này, đố biết nam giới của VN hay kêu gọi duy lý như thế chứ thực sự có duy lý như thế không? Ai trả lời được câu này, có lý lẽ và minh chứng (!) hợp lý, tôi xin ... trọng thưởng ạ! Vì cho đến nay tôi vẫn ngờ ngợ rằng nam giới VN hình như cũng không duy lý lắm, hay là tôi thành kiến nên nói vậy? (Lại lạc đề nữa rồi, làm luận như vầy thì đáng bị "ốc chọt", tức là không điểm, hay là zero ấy!)

Ừ, thì quay về bài viết của Bangkok Post. Đây là đoạn cuối cùng:
After 25 deaths, hate and anger still prevail.

How many more coffins do we need to see to make us weep together as one? How many more people must die for us to realise that the real demons are not the reds or the yellows out there. It is the fiery anger and hatred we keep nurturing in our hearts.

Sau 25 cái chết, sự thù hận và căm ghét vẫn rẫy đầy.

Chúng ta cần có bao nhiêu quan tài nữa để có thể cùng khóc và nhìn nhau như anh em một nhà? Bao nhiêu người cần ngã xuống nữa để chúng ta nhận ra rằng những con quỷ dữ thật sự không phải là bọn áo đỏ hay áo vàng ngoài kia. Mà chính là sự căm thù và oán hận điên cuồng mà chúng ta cứ mãi nuôi dưỡng trong tim?

Kết luận hay không, các bạn? Tôi thì thấy rất hay, nên mới đưa lên đây để chia sẻ với mọi người chứ.

Cái hay nhất, là dường như cái kết luận này cũng đáng nghiền ngẫm cho hoàn cảnh VN hiện nay. Một quốc gia có một truyền thuyết rất hay về một mẹ sinh ra trăm con từ cùng một bọc trứng.

Hay lắm, phải không các bạn?

Đáng suy nghĩ vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đúng không?

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Thơ và đêm

Thơ và đêm có liên quan gì đến nhau không nhỉ? Đối với tôi thì có đấy.

Ngày còn bé, lúc nào muốn làm thơ (vè?) là tôi phải đợi đến ban đêm. Vì một lý do đơn giản như thế này: chỉ có ban đêm thì tôi mới có được chút yên tĩnh, mát mẻ, và sự tự do, độc lập để mà ngồi suy nghĩ vẩn vơ, không bị ai quấy rầy, nhắc nhở gì cả.

Đêm. Một sự tĩnh mịch rất cần thiết cho những người hướng nội như tôi. Vì hồi nhỏ tôi rất ít bạn bè, cũng rất ít nói, chỉ lẩn thẩn chơi một mình, hái hoa bắt bướm, đọc sách và ... làm thơ!

Tôi nhớ thời học lớp 5, gia đình tôi ở khu nhà thờ Nam Hòa (gần cư xá sĩ quan Bắc Hải). Năm ấy bố mẹ tôi cho tôi học ở một trường chuyên luyện cho học sinh vào lớp 6 các trường công lập (thấy không, việc luyện gà cũng có từ hồi xưa chứ đâu phải là bây giờ mới có). Tôi vẫn nhớ ngôi trường ấy bên hông nhà thờ Nam Hòa, tên là trường Khai Quang (với nghĩa là khai sáng dân trí, chứ không phải thuốc khai quang diệt cỏ, hủy hoại môi trường đâu à nghe!).

Ông thầy dạy lớp 5 của tôi tại trường Khai Quang là thầy Vinh, nổi tiếng dữ đòn với học trò. Năm ấy là năm 1971, theo lời khuyên của thầy, bố mẹ tôi muốn tôi vào trường Gia Long. Bài vở thì thầy giao rất nhiều, nên đêm nào tôi cũng phải thức khuya để làm cho hết bài tập, có khi đến 1, 2 giờ sáng, nên bố mẹ lấy làm xót xa lắm (tôi nghe loáng thoáng mẹ tôi nói chuyện với bà con, hàng xóm như thế).

Nhưng có một điều bố mẹ tôi không biết cho đến giờ (vì ông bà đã quá cố, RIP), đó là trong những đêm khuya như vậy, tôi không chỉ làm bài tập, mà còn vơ vẩn làm thơ, viết văn! Ừ, ngay từ thời đó tôi đã như thế rồi. Thật ra thì tôi cũng làm bài tập thật, nhưng lâu lâu bị bí. Thế là tôi bắt đầu nghĩ vớ nghĩ vẩn, tưởng tượng ra cái này cái khác. Cũng có lúc tôi rất mệt và buồn ngủ, dù chưa làm bài xong, nên đã lên giường nằm nhắm mắt, nhưng lại không tài nào ngủ được (hồi ấy tôi chưa biết hiện tượng "hưng phấn"). Và nằm một hồi thì thế nào cũng nghĩ vơ vẩn, rồi thì ... loanh quanh cũng đến chuyện ... làm thơ!

Thơ! Tôi làm nhiều thơ lắm rồi chứ, hồi bé, học lớp 6 lớp 7 gì đó, tôi đã có bài đăng trên báo, trang Mai Bê Bi của báo Chính Luận. Tôi nhớ bài đầu tiên tôi viết và được đăng báo là bài thơ "Chú Cuội", hình như đăng đầu năm 1972 (lúc ấy tôi 12 tuổi), như sau:

Ngày xưa chú Cuội hay dối cha
Dối mẹ, dối ông, dối cả bà
Cho nên trời giận đem chú Cuội
Lên cung Hằng ngồi ôm gốc đa.

Rồi những đêm trung thu trăng sáng
Ngồi buồn Cuội nhìn xuống trần gian
Thấy đàn trẻ nhỏ vui ca hát
Lòng Cuội mơ về chốn quê xa.

Nhưng Cuội nay nói dối hơn xưa
Tật xấu muôn năm mãi chẳng chừa
Cho nên chú Cuội đành im bóng
Ngồi gốc đa xưa ôm giấc mơ!


Bài thơ này có gì đáng nói? Tôi nhớ lúc ấy hay nghe bài hát hình như là của Phạm Duy do Thái Thanh ca, có mấy câu như "chú Cuội ngồi gốc cây đa, Cuội ơi, để trâu ăn lúa, Cuội ra bến vắng Cuội không về làng...". Rồi một bài khác, hình như có mấy từ "Cuội nay nói dối hơn xưa".

Nghe nhiều, thích, rồi nhập tâm. Thế là một đêm kia (chẳng biết có trăng sáng hay không!), ngồi cắn bút làm toán không ra, nghĩ lẩn thẩn thế nào, tôi lại nặn ra được bài thơ con cóc, con nhái, con ễnh ương kia.

Làm xong, đọc đi đọc lại, thấy ... hay lắm, nên ... làm gan đem gửi đăng báo. Không dè được đăng, lấy làm phấn khởi lắm! Bố mẹ thì tất nhiên vẫn không biết, tôi đăng dưới bút hiệu mà. "Tơ trời" cơ đấy! Vâng, tơ trời, tức là mây. Mây bồng bềnh ở trên đầu. Tôi không hiểu có nhớ đúng không, nhưng hồi ấy, mây nhiều và trắng lắm (giống nỗi nhớ của Quang Dũng: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương?).

Đêm và thơ. Cái này tôi còn có thể viết được dài lắm. Nhưng viết thế này cũng dài lắm rồi, và tôi mỏi tay, mỏi cổ rồi. Sẽ kể tiếp hầu các bạn khi khác vậy.

Một ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương đẹp đẽ, không ưu tư trăn trở đến với mọi người.

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Những bài thơ từ thời tiểu học

Tôi vừa tìm thấy một bài thơ mà tôi học từ thời tiểu học, nhờ đọc blog của BS Hồ Hải với những hồi ức và tự sự của ông. Tìm thấy, và giật nẩy mình, cùng với những bồi hồi xúc động, với những ký ức cũ ùa về.

BS Hồ Hải là người cùng thời và ít nhiều cùng cảnh ngộ với tôi: một người lớn lên ở SG trước năm 1975, nhưng gốc gác không phải là ở SG mà là từ một nơi khác, Nam tiến! Có lẽ nhờ thế mà đồng cảm, hoặc ít ra, dễ nói chuyện, vì có những điều mình nói ra người khác không hiểu hoặc không thông cảm do không cùng trải nghiệm.

Tôi sinh ra ở tận Sóc Trăng, nhưng cha mẹ là người gốc Bắc di cư, vào miền Nam năm 1954 nên còn gọi là Bắc 54, để phân biệt với Bắc 75. Nhân tiện, những cái tên gọi này có lúc có người xem là "kỳ thị", nhưng hôm nay khi ngồi viết những giòng này thì tôi thấy những tên gọi đó cũng cần thiết để phân biệt các nhóm người với những đặc điểm vừa giống nhau vừa khác nhau. Cho nên mới thấy, kỳ thị hay không thì không ở tên gọi, mà ở thái độ của người sử dụng tên gọi đó.

Quay trở lại bài thơ. Đó là một trong những bài học thuộc lòng mà tôi được học từ thời tiểu học, và vẫn còn lưu trong bộ nhớ dài hạn đến bây giờ, mặc dù ít có dịp truy hồi lại. Nhưng khi vừa đọc câu đầu và cái tựa của bài thơ thì giống như một cuộn băng cũ vừa được bỏ vào máy và nhấn nút "play", tất cả bài thơ đó tự động chảy ra khỏi trí nhớ đã đóng bụi của tôi. Nó đây, tôi chép từ trang web mà BS Hồ Hải đã đưa link:

ANH HÙNG VÔ DANH
(Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc)

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

Họ là kẻ tự nghìn muôn thủa trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một sơn hà gấm vóc


Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc
Không ngại xa hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lạc lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hi sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

["sổ sách" là tôi chép nguyên văn bài thơ trong cái link đã được cung cấp, nhưng theo trí nhớ của tôi và logic của bài thơ thì nó phải là "sử sách"!]

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt
.

ĐẰNG PHƯƠNG
Link: http://www.tinparis.net/vanhoa/vh_NguyenngocHuy-BaXaoDangPhuong_VuUYenGiangHoNam.html

Toàn bộ bài thơ chép ra là như vậy, nhưng những đoạn in nghiêng là phần tôi nhớ đã được học trong bài học thuộc lòng hình như là hồi lớp 1, tổng cộng gồm 4 khổ thơ. Thật không ngờ là tôi nhớ không sai một chữ! Điều này cho thấy trí nhớ trẻ em thật kỳ diệu, có thể nói là photographic (trí nhớ chính xác như chụp hình). Và nếu đầu óc non nớt của trẻ thơ được tiếp thu những điều đúng đắn mang tính nhân bản - lòng thương người, yêu cha mẹ, thầy cô, có trách nhiệm với bản thân, đối xử công bằng và giúp đỡ bạn bè, thương yêu súc vật và người cơ nhỡ, kính trọng người già, yêu tổ quốc, hiểu về lịch sử dân tộc với cả những cái đúng và cái sai - đúng để tự hào và sai để tránh lặp lại - thì những điều đó sẽ còn đó trong trí óc của trẻ thơ và theo chúng đến hết cuộc đời.

Phải chăng đó là phần dường như còn thiếu của giáo dục ngày nay, khi ta vội vã nhồi nhét cho các em những kiến thức mà hiện nay có thể tìm thấy dễ dàng chỉ với vài giây gõ từ khóa để làm một google search?

Bài thơ vừa chép ở trên làm cho tôi lại nhớ thêm được những bài khác mà tôi đã học thời tiểu học, những bài thơ theo tôi đến cuối cuộc đời.

Ví dụ như bài này, liên quan đến lịch sử mở cõi của dân tộc ta, mà tôi đã nhớ lại một cách đau đớn vì cảm giác có lỗi trong lần tôi đi thăm khu di tích Mỹ Sơn. Lúc ấy, có một người hướng dẫn viên gốc Chăm dẫn chúng tôi đi để giải thích ý nghĩa của các di tích trên, và anh ấy (trạc bằng tuổi tôi, tôi nghĩ thế) có nói một câu tôi không bao giờ quên: "Các cô hãy nhìn vào mắt chúng tôi xem. Người ta bảo người Chăm chúng tôi có đôi mắt rất buồn. [Ừ mà buồn thật, đôi mắt với cặp chân mày rất rậm và cong, và sâu thăm thẳm] Nhìn phế tích của chúng tôi như thế này thì các cô hiểu tại sao mắt người Chăm buồn rồi chứ?"

Tôi hiểu mà. Hiểu từ bé lận. Bài thơ tôi học đây này:

Trên đồi cỏ(?) nắng hè gay gắt
Những mảnh lăng đổ nát nằm trơ
Mình đầy những vết thương xưa
Máu Chàm nhuộm đỏ đến giờ chưa phai.
[Chàm là cách gọi người Chăm thời trước năm 1975)

Tầng tháp cao rã rời nghiêng ngả
Bước thang lầu tường đá đổ xiêu
Cỏ gai tàn phá tiêu điều
Tượng thần dưới đất ra chiều đau thương.

(Chỗ chấm hỏi là những từ tôi không chắc lắm).

Một bài thơ khác tôi vẫn còn nhớ loáng thoáng đến giờ, nói về tình cảm gia đình:

Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mắt trông con đứa đứa về dần.
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn.

Cơm dưa muối khó khăn mới có,
Của không ngon, nhà khó cũng ngon.
Khi vui câu chuyện thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà.


[Bài này tôi mới cập nhật hôm nay 26/4/2010, hôm trước không nhớ rõ, mới tìm lại trên Internet, không ngờ bài thơ này là của Tản Đà đấy! Ai muốn đọc đầy đủ thì lên đây.]

Tuy không nhớ trọn vẹn nhưng tôi nhớ là bài thơ này làm tôi xúc động lắm. Vì lúc ấy nhà tôi rất đông anh em, gia đình khá chật vật, bố tôi vừa đi học vừa đi làm, mẹ tôi tần tảo vừa nuôi con (cứ 2 năm lại sinh một đứa, tổng cộng đến 8 anh em, sao giỏi thế không biết?), nên nhưng câu thơ đó, đặc biệt là 2 câu "cơm rau muối..." làm cho tôi rất ý thức là mình phải cố học cho giỏi để sau này thành tài, giúp đỡ cha mẹ và phụng sự tổ quốc (nghe có vẻ "thuộc bài" quá phải không, nhưng trẻ con mà, tôi tin thật như thế đấy, chẳng có chút gì giả dối ở đây cả!)

Và một bài khác nữa, bài này hình như học hồi lớp 5, nên hy vọng là còn nhớ trọn bài. Tiếc cái là không nhớ tựa. Bài này nhằm dạy cho trẻ con lòng thương người, đặc biệt là những người kém may mắn hơn mình:

Nhà em có một u già
Từ bao giờ chẳng học qua chỗ nào
Hỏi già rằng tại làm sao?
Già cười móm mém, ui chao tại nghèo!

Em nhìn vầng trán nhăn nheo
Thương già không biết bao nhiêu, em buồn
Em cầm mấy ngón tay xương
Bảo già hễ viết chữ luôn là mềm.

Từ khi già học chữ em
Sáng hơn đôi mắt nhưng thêm lưng còng
I tờ già đọc rất thông
Già ru em ngủ, bồng bông i tờ.

Chữ em dạm, chữ già đồ
Run run đôi nét đậm mờ cuốn nhau.
Em đọc trước, già đọc sau
Hơi già thở ấm cả đầu tóc em.


Bài thơ cuối cùng này khi các con tôi còn nhỏ, đang học tiểu học, tôi cũng đọc cho chúng và chúng cũng rất thích. Có lẽ vì lời thơ dễ hiểu, không trau chuốt, lại hợp với tình cảm trẻ thơ, nên chúng nhớ, chẳng cần ép buộc.

Lại nhớ có một ông thầy gần đây dạy vật lý (?) cho học sinh bằng cách hát như nhạc ráp, và rất thành công, nhưng không được ủng hộ vì dạy cách gì ... lạ quá! Nên nói như BS Hồ Hải, ngày xưa soạn sách giáo khoa người ta có cả một ban tu thư hùng hậu trong đó có những chuyên gia tâm lý - chuyên gia đúng nghĩa - để những gì làm ra phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Bây giờ có làm như vậy không nhỉ, chuyên gia nhiều lắm mà, tiền công quỹ hình như cũng nhiều, mà SGK thì cứ phải sửa đi sửa lại...

Tôi muốn nói gì qua entry với mấy bài thơ thời tiểu học này? Có lẽ chẳng muốn nói gì cả, hoặc là rất nhiều. Ít nhất thì cũng ghi lại đây những gì còn nhớ, kẻo một lúc nào đó cả trí nhớ nghịch thường cũng sẽ phản bội mình.

Liệu có ai đọc những giòng này của tôi không nhỉ, những người mà thông điệp tôi muốn gửi đến? Tôi bỗng cảm thấy mình giống như Nguyễn Du (tôi chỉ nói tâm trạng, chứ tài cán thì tôi chỉ là một hạt cát so với Thái Sơn!):

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Ba trăm năm nữa, 3 năm nữa, 3 ngày nữa, biết có ai còn đọc những giòng này của tôi không?

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Thơ, thấy chưa!

Cái tựa của entry này là một phát biểu hết sức đắc thắng, và vì thế, khá dễ ghét, phải không các bạn?

Tôi bật lên mấy từ này khi đọc được bài báo trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị ngày Thứ Sáu 16/4/2010 (báo giấy hẳn hoi) viết về "Nhà thơ, Giám đốc sân bay quốc tế Chu Lai Đinh Tấn Phước", với lời trích dẫn: "Thơ giúp tôi bớt hoảng loạn trước cái chết cận kề".

Với những người mới nghe về nhà thơ này lần đầu tiên, sau đây là một chút tiểu sử:
Đinh Tấn Phước sinh năm 1952 tại Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. [...] Trước đây là phó giám đốc điều hành trung tâm Giao dịch hàng không Đà Nẵng, rồi phó trưởng phòng kỹ thuật - công nghệ và ủy viên hội đồng khoa học cụm cảng Hàng không miền Trung.

Đã xuất bản "Gió mùa" (tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2003) và "Chạm bóng" (tập thơ, NXB Văn học, 2009 [...]) và nhiều tuyển tập thơ in chung khác. Nguồn: SGTT, 16/4/2010, trang 35

Còn dưới đây là một số phát biểu của nhà thơ già tuổi đời mà trẻ tuổi thơ này, mà tôi tâm đắc:

"Thơ là tiếng nói của riêng tư và tự do mà ở đó sự mất mát, thiệt thòi và cả những xúc cảm [...] được thổ lộ"

"Giữa toán và thơ có chỗ giống nhau là độ trừu tượng, độ "mịn" cực kỳ cao."


Và hay nhất - vì nó ... đúng hoàn cảnh của tôi nhất - là câu này:

"Nếu không có thơ, tôi sẽ là một người quản lý dễ bị stress!"

Đó, thấy chưa, tôi vẫn nói là cần có thơ mà! Thơ cần cho mọi người, mà nhất là các nhà quản lý và các vị ở vị trí lãnh đạo. Chẳng thế mà gần đây Trung Quốc đã phải hô hào thêm thơ, bớt chính trị để cải cách chương trình giáo dục đại học của họ. Còn chính tôi cũng từng "hô hào" dạy phòng chống tham nhũng bằng ... thơ, thật thế. Tôi không đùa chút nào đâu, chỉ có điều, đừng lẫn giữa thơ và vè nhé! Ai không rõ tôi nói gì, xin click vào các link đã đưa để đọc các entry của tôi sẽ rõ!

Và cuối cùng, một trích đoạn thơ của ĐTP, để các bạn thưởng thức:

[Bài này ĐTP viết về một người bạn đã chết rất trẻ của mình là liệt sĩ Trần Hải]

[...] [C]hỗ vịn là thời gian
là quá vãng mùa xuân
dài năm tháng
ở chốn ấy
bạn một mình
trong như thủy tinh
chẳng mộ bia
không lời xưng tụng
không chìa tay xin hạnh phúc bao giờ
,
vẫn trận cười
hồn nhiên như lá cỏ
không cầu cạnh âu lo
bạn rũ bỏ
thong dong ở phía bên kia
phía của sự thật
phía đối diện mặt trời

bỏ sau lưng
niềm vui và nỗi khổ...


Và xin chào mừng nhà thơ mới của làng thơ Việt Nam, nhà thơ Đinh Tấn Phước. Tôi sẽ tìm đọc thơ ông, và tiếp tục viết về thơ của ông cho các bạn đọc vui!

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Tôi sắp già rồi!

Không, không phải tôi, Vũ Thị Phương Anh, chủ nhân của blog này đâu. Đó là một câu trong bài thơ của tác giả Việt Nam nào đó, rất hay, mà tôi đã đọc được trong một lần đi máy bay Air Vietnam.

Nói cho chính xác, đó là Vietnam Airlines, mà các cô tiếp viên của mình đọc mất âm "n", thành ra một câu chuyện rất funny được lưu truyền trong "đám" người nước ngoài ở VN: Vietnam Air Lies, hàng không chuyên nói dối, vì thường xuyên dồn chuyến cho đỡ chi phí, xin lỗi khách máy bay sẽ đến trễ 30 phút, rồi lại xin lỗi sẽ trễ 40 phút, rồi sau đó là 60 phút (thường chỉ 3 lần là cùng, chưa thấy bao giờ xin lỗi 4 lần cả, dù gì thì họ cũng còn biết tôn trọng luật "quá tam ba bận"!!)

Bài thơ này có cả bản dịch tiếng Anh cũng rất đạt nhưng tôi quên mất rồi (già), chỉ còn nhớ một câu thôi, đó là "I don't care!"

Bài thơ ấy, theo trí nhớ (già) của tôi, nó như thế này:

Sinh nhật của tôi bốn mươi mấy tuổi đời
Ngẩng mặt lên trời bàng bạc mây trôi
Mây trôi thì cũng mặc
Tôi sắp già rồi
Già rồi thì cũng mặc
Vẫn còn em bé bỏng của riêng tôi
.

Tại sao tôi lại chép bài thơ này ra đây hôm nay? Vì ... tôi cảm nhận là tôi đang già đi rõ rệt. Đã già, chứ không phải là sắp già. Dấu hiệu rõ nhất là tôi hay quên quá, mà toàn quên chuyện hiện tại, nhưng lại nhớ chuyện quá khứ tận đẩu tận đâu. Đấy, các bạn cứ đọc các entry trên blog của tôi thì rõ. Toàn những chuyện năm xửa năm xưa, "em còn bé tí teo", giờ nhớ lại đem ra kể lể trên đây cho con cái đọc vui!

Già? Chẳng ai thích mình già, đúng không? Tôi có một người đồng nghiệp, một "bạn già" người Mỹ, hơn tôi đến hơn cả chục tuổi. Như thế, nếu tôi già thì người này còn già hơn tôi nhiều. Nhưng tôi lại thấy người "bạn già" ấy rất trẻ trung, từ hình dạng bên ngoài đến tư duy bên trong.

Thú vị nhất là cách bà ấy tránh dùng từ già để nói về những người già. Ví dụ như ở TT của tôi, trừ tôi ra (già!) thì chỉ toàn là "con nít", thuộc thế hệ 8x. Nên khi tổ chức vui chơi, thì 2 "phe" có những nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Và bà ấy bảo: "The young" muốn làm cái này, nhưng có lẽ cái đó không hợp lắm với "the wise"! thấy chưa, the young and the wise, chứ không phải the young and the old nhé!

Như vậy, thì khi nhận rằng mình già, là ý tôi muốn nói, tôi rất khôn ngoan, thông thái đó! Wise!

Wise, nhưng mà ngậm ngùi. Có ai muốn đổi một ít tuổi trẻ với tôi để lấy một phần của sự thông thái của tôi không nhỉ? Tôi sẽ đổi cho, rẻ thôi, khuyến mãi và hậu mãi cẩn thận nữa! Vì để đó, rồi sự thông thái của tôi rồi cũng sẽ bị chính tôi quên đi mất, vì ... già mà, trí nhớ ngày càng kém...

Tôi sắp già rồi, ủa quên, tôi đã già rồi, thật vậy, các bạn bè của tôi ạ.

Nhưng mà:

Già rồi thì cũng mặc!
Vẫn còn ... thơ bay bổng của riêng tôi.


---
Viết thêm:
Vì quá thông thái (!) nên tự nhiên những câu thơ tôi đã đọc và thuộc từ năm nảo năm nao nay lại rủ nhau bò ra hàng đàn hàng lũ. Đây:

Mấy câu cuối trong bài thơ The Solitary Reaper của Longfellow mà thời học đại học bọn tôi dịch là "Gã Dài". Thơ tôi dịch:

Giọng ca xưa giờ đã xa xôi
Nhưng điệu nhạc trong tim tôi đọng mãi


Giọng ca nào nhỉ? Của ai? Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt?/ Giòng sông nào đưa người về trên bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ...

Bài hát này ngày xưa Lam Điền, một người bạn trong lớp AV78 của tôi đã hát, rất hay! Đó cũng là lần đầu tôi được nghe bài hát ấy, và ... "điệu nhạc trong tim tôi còn mãi", Lam Điền ạ! À mà Lam Điền là tên con gái các bạn nhé, không phải con trai đâu; ở đây chẳng có mối tình con hay mối tình cha nào cả, ngày nhỏ đi học tôi học hành nghiêm túc, lắm mặt mày phờ phạc đầu tóc bù xù, chả thèm để ý đến anh nào mà cũng chắc có anh nào dám/thèm để ý đến tôi, huhuhu!

Rồi mấy câu thơ của nhà thơ Pháp nào đấy, tôi quên rồi, do ai đó dịch tôi cũng quên rồi (có thể là Thái Bá Tân chăng?), nhưng nó rất hay, như thế này:

Dưới cầu Mirabeau
Trôi giòng Seine, và tình ta nữa
Có còn chi cho lòng tưởng nhớ?


[... chỗ này còn dài lắm nhưng tôi quên rồi! Đã bảo là già rồi mà lại!]

Tôi đi bên bờ sông
Tay cầm cuốn sách cũ
Con sông như nỗi sầu, như nỗi khổ
Cứ chảy hoài thôi, chẳng lạc giòng
Đến bao giờ tuần lễ hết cho xong?


Chà, cái câu cuối này hay đấy: đến bao giờ tuần lễ hết cho xong? đến bao giờ đời sống hết cho xong? Đến đây lại nhớ TCS: Còn bao lâu, cho thân thôi lưu đày chốn đây? Còn bao lâu, còn bao lâu ... cho thiên thu xuống trên thân này? Buồn thật, nhưng mà ...dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy! Vớ vẩn quá phải không các bạn?

Một ngày mới tốt lành đến với mọi người, với những câu thơ, lời ca bay bổng. Hình như cuộc sống ở VN hiện nay đang rất thiếu thơ và thừa bạo lực, có phải không?

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Sợ ma!

Sao hôm nay tôi lại có entry mang tên là "Sợ ma" trên blog này nhỉ? Thật ra, trên đời làm gì có ma, đúng không?

Hồi còn bé, tôi rất sợ ma. Cái này có lẽ là do bố mẹ tôi gây ra. Tôi nhớ khi còn bé, vài ba tuổi (quên là mấy tuổi rồi, nhưng mà lúc ấy chưa đi học tiểu học), buổi tối bọn tôi thường quây quần nghe bố mẹ tôi kể chuyện "ngày xưa yêu dấu" tức thời thơ ấu của bố mẹ tôi ở miền Bắc xa xôi. Ở ấp Nội Viên (tên nghe rất hay, phải không? chính vì sinh ra ở một nơi như thế mà bố tôi có một cái tên rất ... khó chịu, chơi cha người ta, đó là ... ông Nội (!!!!) - Nội viết hoa, vì sinh ra ở ấp Nội Viên!).

Ở ấp Nội Viên xa xôi và xa xưa ấy, có cây sung mọc bên bờ ao, hình như là ở nhà ông Phó Hợp, có một bác nào ấy (quên tên rồi - tôi đã già rồi còn gì) rất nghịch ngợm, leo cây bị ông Phó đuổi đánh, nhảy tòm xuống ao. Có những cánh đồng, có những cuộc tát nước đêm trăng, có bể chứa nước mưa để uống, mà nghe mẹ tôi kể thì nước này rất mát và ngọt, trời mùa hè oi bức ra bể múc nước uống thì uống đến đâu là biết đến đấy. Chú ý nước mưa này nghe mẹ tôi kể như vậy là không có nấu nghe, bây giờ nghe thì thấy hơi ... mất vệ sinh, nhưng hồi ấy tôi nghe xong thì cứ tiếc hùi hụi, sao có những thứ hay ho đến thế của thời xưa mà bây giờ mình lại không có, tiếc thật!

Điều đáng nói là bao giờ những buổi kể chuyện ngày xưa ấy của bố mẹ tôi cũng kết thúc với việc kể chuyện ma! Quái lạ, sao ngày xưa ngoài Bắc lắm ma đến thế nhỉ? Tôi vẫn nhớ mẹ tôi kể, ông ngoại tôi đi đồng ban đêm, đi qua cây đa có ma (?), cứ mỗi lần mình đi gần đến là "nó" nhảy ùm ùm xuống ao, đôi khi còn cười lanh lảnh (!!) Rồi lại có khi buổi tối đi đồng, cũng qua chỗ có ma (!), chân dẫm lên cái gì đó bồm bộp, y như dẫm lên bụng người (hu hu, ghê rợn quá!) Lại có con chó ma (hic!), đêm đêm nghe "nó" nhai xương (hình như xương người, tha từ nghĩa địa, hu hu hu), thỉnh thoảng "nó" lại rên lên, "gừ gừ gừ, ngón ... ngon ... ngon ... ngon!" Sợ quá đi mất.

Mà khi bố mẹ tôi kể đến những câu chuyện ấy - thật ra quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thế - thì lúc ấy thì đêm đã xuống dần, trời thì tối, không khí bắt đầu hơi lành lạnh, cả lũ anh chị em tôi nằm la liệt trên giường, trên phản, có khi thì trải chiếu nằm dưới đất cho mát - tôi nhớ mang máng thế - vừa nghe kể chuyện vừa ngủ lơ mơ, thú vị lắm.

Nhưng cuộc vui nào thì cũng có lúc chấm dứt. Lúc bố tôi bảo "Thôi, hết giờ kể chuyện rồi, giải tán, rửa mặt mũi chân tay đi ngủ", ấy là lúc cơn sợ ma của tôi bắt đầu. Vì lúc ấy phải tự bò dậy, trời thì tối tối âm u (sao kỳ vậy cà, hình như lúc ấy sử dụng ít đèn đuốc lắm thì phải), đi xuống bếp rửa mặt sao nó ghê rợn vậy? Dường như có cả một bầy ma (!) đang rình rập khắp nơi, chỉ chực ra trêu chọc, thậm chí vồ bắt tôi. Chao ơi là khiếp!

Cái tính sợ ma này còn theo tôi đến lớn. Đặc biệt là sau năm 1975, lúc tôi học thi đại học vào năm 1978 cũng là thời còn đi vượt biên nhiều và ... chết cũng nhiều (hu hu hu, đau xót quá), rồi đánh nhau với Campuchea và chiến tranh ở biên giới phía bắc năm 1979, là thời mà bản thân tôi thấy ... ma nhiều nhất. Thật vậy, rùng rợn lắm mà không dám kể ở đây. Rồi thường xuyên bị bóng đè, không phải giống như truyện Bóng đè của tác giả nữ nào đó Nguyễn Hoàng Diệu hay Nguyễn Diệu Hoàng gì đó đâu. Mà là cảm giác bị một bóng đen không rõ nam nữ đè lên mình thực sự, cảm thấy tối xầm và rất khó thở, sau đó tôi phải vùng vẫy, muốn la lên nhưng cũng không la được, rất sợ hãi, mồ hôi ra như tắm, rồi ... bừng tỉnh giữa đêm khuya. Và một cảm giác bàng hoàng, kinh hãi, và hoang vắng, buồn, và cô đơn lạ lùng. Rồi nhìn quanh trong đêm, như hàng bầy ma quái xung quanh, rồi những động tĩnh trong đêm, như tiếng chân người, tiếng mèo kêu như trẻ em khóc .... Viết đến đây tôi cũng bắt đầu thấy ... sờ sợ rồi đó, thật vậy, thì cũng gần 12 giờ đêm rồi còn gì.

Tôi viết entry này vì mấy ngày nay blog của tôi kỳ lạ quá. Cách đây mấy ngày tôi có viết một entry mang tên "Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?" về các xác trẻ sơ sinh bị vất ở một con sông ở Trung Quốc. Rồi bỗng nhiên nó ... bị xóa mất, nhưng không phải là tôi xóa! Rồi lại các comments của mọi người, tự nhiên bị mất (mà tôi không xóa, và tác giả của nó cũng không xóa), rồi vài ngày nữa lại hiện ra, rồi lại mất, rồi lại hiện! Lạ quá, và sợ quá đi mất!!!! Giống như ma vậy!

Tôi hỏi bạn bè, người quen. Và được biết mật khẩu của tôi đã bị lấy cắp. Có ai đó theo dõi tôi, chúa ơi! Như một ... người cõi âm, người dấu mặt, đùa rỡn, chọc ghẹo tôi. Hoặc oán thù tôi, theo dõi để ... trả thù cái gì đó chăng? Ôi, tôi sợ quá. Tôi có làm gì đâu? Tôi có tội gì đâu nhỉ?

Đổi mật khẩu ngay đi! Làm các động tác bảo mật! Đăng xuất khỏi mail, blog sau khi truy cập. Thay đổi mật khẩu thường xuyên! Đó là những lời khuyên của bạn bè, người thân. Và tôi đang làm theo, mặc dù sáng nay còn bị một cú kinh hoàng hơn: gmail báo cho tôi biết tài khoản của tôi vừa bị truy cập từ Mỹ! Hacked?

Tôi sẽ làm mọi việc để bảo mật. Và tôi cứ thấy rờn rợn như có ma. Định ... bỏ luôn, không viết blog nữa? Nhưng rồi không đừng được, lại ... mò lên.

Thôi thì sẽ làm giống như thời xa xưa mà bố mẹ tôi hay kể, người sống chung lộn với ma vậy! Mặc cho ma nhảy ùm ùm xuống ao từ trên cây đa. Mặc cho chó gặm xương (người?), mèo kêu khóc, bóng đè. Con người vẫn cứ phải sống. Ma thì vẫn sợ, nên phải tránh đi đêm. Đi thì phải mang đèn, hoặc đi hai người. Nhưng không thể không sống, không thể mãi mãi tránh đi đêm. Và cứ thế, người và ma cứ lẫn lộn. Như tựa một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã đọc đâu đó, của Nguyễn Khắc Trường. Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Viết để chia sẻ với các bạn bè trên blog này, như lời chào hello sau mấy ngày vắng mặt. Và cũng để dặn các bạn: thôi thì tránh đi đêm để bớt phải gặp ma!

--
Cập nhật ngày 17/4/2010:
Tôi đã phục hồi lại bài "Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?" của tôi rồi đó. Mọi người đọc nhé!

PA

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Cõi nhân sinh

Tôi đang viết những dòng này trong quán cafe, một loại cafe internet, ngồi để uống thì ít mà để làm việc thì nhiều. Ngồi, giữa một cuộc họp và một bữa ăn trưa (business lunch). Là những điều mà tôi chẳng thích làm tí nào, nhưng vẫn phải làm, vì ... trách nhiệm với công việc. Vì vai trò đặt ra phải làm thế.

Như hôm qua, sau một ngày làm việc dài lê thê - buổi sáng đi dạy, sau một đêm thức để soạn bài đến gần 3 giờ sáng; buổi chiều làm việc căng thẳng để chuẩn bị cho một cuộc họp quan trọng tuần sau - về đến nhà hơn 5 giờ, mệt không thở được, mà 6 giờ lại phải đi ăn tối, để tiếp một đoàn khách nước ngoài từ Philippines đến. Chỉ muốn cáo bệnh, không đi. Nhưng cũng phải cố, mà khi xuất hiện gặp khách, thì mặt vẫn ... tươi như hoa. Mặc dù cả sự "tươi như hoa" ấy nữa, cũng là một nỗ lực làm tốn rất nhiều năng lượng của tôi.

Tự hỏi, sao mình phải làm việc nhiều như thế để làm gì nhỉ? Làm, vì khi nhận lời thấy rằng mình có thể đóng góp. Làm, vì đã lỡ nhận lời rồi nên phải theo đuổi. Làm, vì sợ rằng nếu từ chối một lần thì những lần sau cơ hội sẽ không đến với mình nữa. Làm, vì nghĩ có thể có tiếng nói và chỗ đứng để còn có thể giúp đỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Làm, vì khi làm rồi thì có những cộng sự, và sự rút lui của mình sẽ ảnh hưởng đến công việc chung ...

Nên cả đời cứ quay cuồng trong đống công việc ngổn ngang. Và đôi khi thì chìm nghỉm trong đống công việc tưởng như không sao giải quyết nổi. Mỗi lần như thế, lại thề "xong lần này sẽ tự giải thoát mình ra khỏi những ràng buộc của công việc". Rồi khi thoát ra được, nguôi nguôi, quên đi rồi thì đâu lại hoàn đó.

Khổ thật đấy. Có phải đó là cái giá của kiếp người không?

Nhưng để làm gì cơ chứ? Bởi vì ai rồi cũng sẽ ra đi. Như một comment của BS Hải bạn tôi sáng nay, về một BS trưởng khoa gì đó ở BV Chợ Rẫy, đang đọc báo thì ra đi. Đột ngột, và đơn giản như vậy đó.

Tôi nhớ bài thơ tôi học thời còn học đại học mà tôi đã dịch, xin chép lại đây để kết thúc bài này về cõi nhân sinh. Anh Thịnh của AV78 ơi, nếu có đọc entry này thì góp ý cho bản dịch của PA thêm với nhé, mà hình như anh Thịnh cũng có dịch bài này đúng không? Trí nhớ PA bây giờ không còn tốt như ngày xưa nữa, 50 rồi còn gì.

Thủy triều lên thủy triều dần xuống
Chim gọi bầy khắc khoải, bóng chiều buông
Bờ cát dài xa thẳm, trên đường
Lữ khách vội bước chân về phố vắng

Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống.

Đêm xuống rồi, những mái nhà im ắng
Chỉ còn vang tiếng biển gọi trong đêm
Những đợt sóng nhấp nhô, chậm rãi, êm đềm
Xóa sạch hết dấu chân trên bờ cát.

Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống.

Trời hửng rồi, vang trong chuồng ngựa hí
Khi người phu vội vã thắng yên cương.
Lại một ngày sang, lại lên đường
Nhưng đâu rồi, hôm nay, lữ khách?


Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống!

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?

Vâng, đó là câu thơ trong bài thơ rất hay, rất nổi tiếng của Quang Dũng. Bài "Đôi mắt người Sơn Tây" mà từ khi mới học lớp đệ ngũ (lớp 8 hiện nay), tôi đã thuộc từng chữ. Thuộc, vì đọc "lóm" trên Tạp chí Văn của ba tôi, hay của bà chị tôi gì đó, tôi không rõ.

Thậm chí cho đến giờ tôi còn nhớ được mang máng bài viết giới thiệu thơ Quang Dũng đăng trên tạp chí này, với cái tựa dường như là "Những dấu hỏi trong thơ Quang Dũng". Em có bao giờ em nhớ thương? ... Mẹ tôi em có gặp đâu không? ... Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn? ... Bao giờ gặp lại em lần nữa? ... Còn có bao giờ em nhớ ta?... Và, tất nhiên rồi, cả câu thơ mà tôi đã chọn làm tựa cho entry này nữa.

Nhưng entry này không phải để nói về thơ. Mà là một câu hỏi thật, theo nghĩa đen, về một việc kinh hãi vừa xảy ra tại Trung Quốc. Làm xôn xao dân cư mạng, bàng hoàng dư luận, không chỉ ở Trung Quốc, mà hầu như lan ra khắp thế giới. Ví dụ như trên trang web của tờ Boston Herald của Mỹ, ở đây. Hoặc trên trang web của tờ The Local của Thụy Điển, ở đây. Hoặc của báo chí Hà Lan, ở đây. Của Úc, ở đây.

Cái tin khủng khiếp ấy cũng đã đến VN, đầy trên các báo chí. Ví dụ như ở đây.

Thậm chí, trên trang mạng chinaSMACK, trang tin bằng tiếng Anh của một nhóm tư nhân chuyên đưa tin về TQ, đặc biệt là những tin giật gân, sặc mùi lá cải, người ta còn đưa cả một đoạn phim quay về cái vụ ly kỳ rùng rợn này. Tôi không xem nên không biết nó nói gì, mà cũng không đưa link vì không muốn mọi người bị kích động.

Và hoàn toàn không muốn dù vô tình hay hữu ý lại đi cổ xúy cho những hình ảnh hãi hùng đó. Chúng quá khủng khiếp và man rợ. Không thể tưởng tượng nổi. Và trời ơi, thử tưởng tượng ra những dịch bệnh mà những cái xác trẻ con đó có thể gây ra cho toàn xã hội khi bị phân hủy dưới dòng sông ấy?

Rồi tự hỏi, có ai nhìn thấy mối liên quan nào, dù mơ hồ, giữa việc người ta ngang nhiên vứt xác nguời xuống sông như thế này ở Trung Quốc, với nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng mà dường như không thể khống chế nổi ở Việt Nam hiện nay không nhỉ?

Tôi đã cạn lời rồi. Hu hu hu!!!!

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2010

Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp ...

Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời
Hay trong một ván bạc thôi
Mất hàng trăm tiếng không lời thở than


Trên đây là khổ thơ đầu tiên của bài thơ dịch nổi tiếng lẫy lừng mà hồi còn nhỏ tôi vẫn được nghe ba tôi đọc cho cả nhà nghe. Môt bài thơ rất hay mà sau này khi lớn, học Cử nhân Anh văn tại ĐH Tổng hợp TP HCM (ĐH Văn Khoa cũ), tôi mới biết nó là bài thơ có tựa là If. Tác giả của nó là nhà thơ, nhà văn Anh nổi tiếng Rudyard Kipling.

Một bài thơ thực sự có ý nghĩa và thật nhiều kỷ niệm trong đời tôi - những kỷ niệm buồn nhiều hơn là vui. Những câu thơ mà tôi trích dẫn ở trên, đặc biệt là 2 câu đầu, hoặc thậm chí chỉ một câu đầu thôi, đã một thời là câu trích dẫn đầu môi của ba mẹ tôi trong những năm đầu sau khi cuộc chiến tranh Nam-Bắc chấm dứt.

Cuộc sống lúc ấy thật cơ cực. Gia đình tôi ly tán, 2 người con đầu trong số 8 người con trong dịp binh biến 30/4 đã lưu lạc theo dòng người "di tản" theo những người lính Mỹ và lính VNCH rời khỏi VN chưa liên lạc được, ba tôi nghỉ việc, mẹ tôi một mình tần tảo với 6 người con (và 1 ông chồng thất nghiệp, bất đắc chí, vì sự nghiệp tan tành quá sớm khi chỉ mới ngoài 40, như một cái cây đang vươn lên bỗng bị chặt ngang ngọn ...).

Và tôi, trong tình hình đó tự nhiên trở thành chỗ dựa lớn nhất và cũng là "đầu sai" quan trọng nhất cho mẹ tôi. Liên lạc với phường xã làm giấy tờ, khai báo hộ khẩu, đi họp đi hành để nghe phổ biến các chủ trương, đường lối, rồi họp để nghe vận động cải tạo tư sản công thương nghiệp, tóm lại là họp hành mọi nơi mọi lúc. Vì mẹ tôi còn phải buôn bán nên "cử" tôi đi họp, ba tôi thì đau bệnh, có lẽ vì trầm cảm.

Mà sao hồi đó họp hành gì mà nhiều thế nhỉ? Nào họp tổ dân phố, rồi hội phụ nữ, hội thanh niên, rồi cả đội thiếu niên nữa (năm 1975 tôi 15 tuổi, vừa được liệt kê vào danh sách thanh niên từ 15-28, lại vừa được liệt kê vào danh sách thiếu nhi - thiếu niên, nhi đồng - từ 6-15), đi lao động xã hội chủ nghĩa, dọn vệ sinh đường phố theo phong trào "nhà sạch nhà, phố sạch phố", rồi "ngày chủ nhật cộng sản", làm thủy lợi ... Ôi, bây giờ chỉ liệt kê không cũng thấy ngộp thở, mà sao lúc ấy tôi cũng làm được, quả là giỏi thật đấy!

Tôi nhớ lần đổi tiền cuối cùng vào năm 1985, trước đó tin đồn đổi tiền đã rân ran nhưng nhà nước nhiều lần trấn an dư luận, nói rằng sẽ không đổi tiền. Ba mẹ tôi, mà nhất là ba tôi, là người rất thật thà, rất "công chức", tuân thủ luật pháp và tin tưởng vào chính quyền lắm, nên không "phòng thủ" gì.

Rồi đến sáng hôm đó thì nhà nước tuyên bố đổi tiền! Ba tôi là người nghe tin đó đầu tiên, và thông báo cho mẹ tôi. Phản ứng của mẹ tôi là rất phẫn nộ, vì trước đó nhà nước vẫn nói là không đổi tiền. Và ba tôi cười cười, nhưng mà có lẽ là cười như mếu, và "tụng" cái câu mà đối với gia đình tôi đã trở thành một loại "thần chú", để giúp tăng thêm nghị lực vượt qua các nghịch cảnh của cuộc đời: "Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp ...".

Và một lần khác, đau xót hơn rất nhiều, khi tôi và mẹ tôi được báo là ba tôi bị bệnh ung thư phổi và tiên lượng chỉ còn khoảng 6 tháng (sau đó ba tôi mất thật, dù đã đưa sang chữa trị ở Hoa Kỳ, chỉ sau 9 tháng!), mẹ tôi cũng thốt câu thơ đầy nghị lực, nhưng không kém phần bi thương ấy: "Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp!"

Bài thơ còn 4 câu khác tôi cũng rất thích, chép ra đây trước khi chép toàn bài cho mọi người cùng thưởng thức, và lưu lại cho thế hệ sau. Vì tôi tin là những người thuộc thế hệ của tôi là thế hệ cuối cùng được đọc bài thơ ấy. Còn thế hệ của các con tôi, các thế hệ 8x và 9x, hỡi ôi, là một thế hệ lạc lõng, sản phẩm của một nền giáo dục đang đi dần đến chỗ khủng hoảng. Bạo lực học đường, nhà giáo mua dâm... Sao lại thế này được, hở trời?

Nếu chiến thắng sau hồi thất bại
Nhìn hai trò giả dối như nhau
Vẫn ngay lưng, vẫn ngẩng đầu
Trong khi thiên hạ dễ hầu còn nguyên?


Vâng, đúng là một bài học đạo đức bằng thơ, thấm thật sâu đến tận đáy lòng tôi, mà tôi không bao giờ quên được.

Và đây, bài thơ, cả nguyên tác bằng tiếng Anh và bản dịch mà tôi chép lại theo trí nhớ. Hình như bản dịch này là của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, nhưng tôi không rõ lắm. Ai biết được gì hơn về bài thơ này xin bảo cho tôi với.

IF

If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you;
If you can trust yourself when all men doubt you
But make allowance for their doubting too;
If you can wait and not be tired by waiting,
Or being lied about, don't deal in lies,
Or being hated, don't give way to hating
And yet don't look too good, nor talk too wise :

If you can dream - and not make dreams your master;
If you can think – and not make thoughts your aims;
If you can meet with Triumph and Disaster
And treat those two impostors just the same;
If you can bear to hear the truth you've spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools
Or watch the things you gave your life to, broken,
And stoop and build'em up with worn out tools,

If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss,
And loose, and start again at your beginnings
And never breathe a word about your loss;
If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone,
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which says to them: "Hold out!"

If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with Kings – nor lose the common touch,
If neither foes nor loving friends can hurt you,
If all men count with you, but none too much;
If you can fill the unforgiving minute
With sixty seconds' worth of distance run,
Yours is the Earth and everything that's in it,
And – which is more – you'll be a Man, my son!


RUDYARD KIPLING
(Được giải Nobel Văn Chương năm 1907)

NẾU

Nếu bỗng thấy tan tành sự nghiệp,
Mà nín thinh xây tiếp cuộc đời,
Hay trong một ván bạc thôi
Mất hàng trăm tiếng, không lời thở than;

Nếu yêu chẳng mê man xuẩn động,
Hùng dũng mà mềm mỏng chẳng quên,
Biết bị oán, chẳng oán nguyền,
Song mình, mình tự giữ gìn đấu tranh;

Nếu chịu được đồ ranh xuyên tạc
Pha lời mình khích bác đồ ngu,
Gièm mình, miệng thế điên rồ,
Không hay chữ lỏng, hợm khoa dạy đời;

Nếu quyền quý chẳng rời đại chúng,
Gần quân vương giữ đúng dân nguyên,
Yêu thương tất cả bạn hiền,
Bằng tình huynh đệ chẳng riêng một người;

Nếu chiến thắng sau hồi thất bại,
Nhìn hai trò giả dối như nhau,
Vẫn ngay lưng, vẫn ngửng đầu,
Trong khi thiên hạ dễ hầu còn nguyên;

Thì Đắc thắng, Thần tiên, Vương đế,
Và Duyên may nô lệ con hoài;
Và, hơn vương thế vinh thời,
Con ơi, con mới là Người, đó con!

---
Người ơi, Người ở đâu trong xã hội VN ngày nay?

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Buồn hay phẫn nộ?

Tôi buồn quá! Thực ra, lẽ ra tôi phải phẫn nộ, nổi giận đùng đùng, nếu tôi không đang quá mệt mỏi như thế này. Mệt mỏi về tinh thần, và mệt mỏi về thể xác. Và nếu tôi đã không ngộ ra được nhiều điều trong cuộc sống này, qua những sự kiện dồn dập gần đây chung quanh tôi, tại cơ quan tôi, và trên đất nước tôi - thông qua những điều tôi được đọc trên báo chí.

Tại sao tôi buồn? Vì tôi vừa nhìn thấy trên trang web của một đồng nghiệp mà tôi biết khá rõ, và đã có quan hệ một thời, thậm chí có thể tạo ra một cảm giác thân thiết vì cùng nhau làm một đề tài to đùng vật vã cho ngành giáo dục, một bài viết được gửi để tham dự một hội thảo cũng to đùng vật vã của giới giáo dục đại học của Việt Nam sắp đến.

Người đồng nghiệp này hiện nay lại đang giữ trọng trách trong một trường đại học tư, được xem là một trường có tiếng (?) ở Sài Gòn đấy. Đúng ngay vị trí đáng ra phải là tấm gương sáng cho sinh viên về sự trung thực của trí thức trong khoa học. Intellectual integrity.

Nhưng ai mà biết được, có lẽ nhiều người cũng đang xem người ấy là tấm gương sáng cơ đấy, qua những bài viết, và phát biểu của người đồng nghiệp ấy. Vâng, những bài viết ca ngợi sự ngay thẳng, sự chân thật, ca ngợi giá trị nhân bản của đại học, của giáo dục khai phóng.

Còn bản thân người đồng nghiệp này thì dường như không hiểu thế nào là đạo văn thì phải? Hay có hiểu, mà làm ngơ?

Sao tôi lại nói vậy? Khi làm luận án tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc, tôi được dạy rằng, nếu sử dụng nguyên văn lời của ai từ 3 từ trở lên là đã phải trích dẫn rồi. Nhưng chỉ sử dụng nguyên văn lời của người khác khi đó là thuật ngữ, hay cách nói độc đáo ghê lắm, nên không thể thay đổi. Còn nếu không thì phải dùng lời của mình để viết lại ý tưởng của người khác, tất nhiên vẫn không quên chú thích tác giả vì đã lấy ý tưởng, dù không trích nguyên văn.

Còn ở đây, tôi thấy có những câu, những dòng chữ, thậm chí có thể là gần cả một đoạn văn của tôi được sử dụng. Không trích dẫn!!!!! Và trong tài liệu tham khảo cũng không có tên tôi từ bài gốc, vốn cũng đã được sử dụng (với sự đồng ý của tôi vào lúc ấy) để đưa vào cái đề tài đứng tên chung kia.

Tôi không viết được nữa! Cả như tôi trước đây, chắc tôi sẽ gọi điện để ... mắng cho người kia một trận (tôi cũng dữ tợn lắm các bạn bè của tôi ạ!), hoặc sẽ gửi mail để ... dạy cho người kia một bài học (chà, cái trò gửi mail và nói thẳng thừng những điều mình nghĩ thì tôi hơi bị ... nổi tiếng). Nhưng, như đã nói ở trên, tôi đã mệt mỏi lắm rồi, và cũng đã ngộ ra nhiều điều lắm rồi.

Nhưng buồn - hoặc phẫn nộ - là một cảm xúc, và nó chân thực lắm. Không giấu được. Và nó có tác động ngay. Nó làm tôi không làm việc tiếp được. Không tư duy được. Một thứ chất độc ở trong người, giống như người uống rượu bia quá trớn, bị xay xỉn. Và phải ói ra.

Vì vậy mới có entry này. Nó là một động tác - xin lỗi bạn bè của tôi - thải các cảm xúc độc hại trong cơ thể ra, để có thể bình tâm lại và làm việc tiếp.

Vâng, tôi đã hơi nguôi nguôi rồi. Thật ra thì chưa, nhưng đã bắt đầu có thể trấn tĩnh.

Ít ra, tôi đã có thể nghĩ đến câu này trong Kinh Thánh, và đang dịu lại:

Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!

Nhưng vẫn tự hỏi, đến bao giờ thì trí thức Việt Nam hiểu được thế nào là đạo văn nhỉ????

Và sực nhớ, tôi mới viết một entry có tên là "Nền giáo dục VN không khủng hoảng" ở trên blog ncgdvn của tôi. Nhưng bây giờ thì tôi đổi ý rồi: Với những trí thức, những người ngồi ở vị trí lãnh đạo các trường đại học mà đạo văn hồn nhiên (tôi tránh nói ngang nhiên vì sợ nặng lời), tự tin và thoải mái như thế này thì nền giáo dục VN quả là đang khủng hoảng, mà là khủng hoảng nặng đấy!

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

CỨ TƯỞNG MÌNH GIÀ!

Nhân ngày cá tháng tư, tôi được bạn bè (già) tặng cho bài thơ dưới đây. Thấy nó ... hay (vì đúng quá), lại có thể giúp mọi người cười trong ngày April's Fool, nên đưa lên đây tặng bà con đọc cho vui. Kèm thêm 2 câu thơ khuyến mãi của tôi, dưới đây:

Hôm nay ngày một tháng tư
Xin đọc từ từ, kẻo té xỉu nghen!


Enjoy!

CỨ TƯỞNG MÌNH GIÀ!

Lâu nay cứ tưởng mình già ,
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm , mắt mờ , da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn lãng trí , tần ngần , hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú ( cô ) , bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ " Mời ông ( bà ) cứ ngồi "
Lại hay nhạy cảm , tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Xuốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão , phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi , lời khen
" Lúc này thon thả , trẻ hơn dạo nào "
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng , ngồi , " chuyện ấy " ngày thêm chậm rì
Đánh răng , tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi " Bác thế nào ? Khoẻ không ? "
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ , cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương , mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật , sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già !


Các bạn già của tôi ơi, các bác cười, hay là ... mếu?
Hic hic!

Thơ hay là vè?

Cách đây 2 ngày tôi có viết một entry mới về việc báo vietnamnet có sử dụng một bài viết mà tôi đã đưa lên blog ncgdvn về việc phòng chống tham nhũng trong học đường. Tựa bài viết của tôi là "Chống tham nhũng và giáo dục công dân", nhưng vietnamnet đã đổi lại là "Dạy phòng chống tham nhũng bằng thơ". Tôi thấy đó là một cái tựa rất hay, vì nó có tính "khiêu khích", làm cho người ta tò mò, thích đọc.

Nhưng sau khi tôi đưa bài lên một ngày thì một blogger friend của tôi là Bà Tám (việt kiều Mỹ, tôi không biết mặt) có đưa một comment cho entry ấy, và tôi đã trả lời từ hôm qua (xem bên dưới entry trước). Nói vắn tắt, dường như việc đưa nội dung chống tham nhũng (và các nội dung tuyên truyền chính trị khác) vào thành ... thơ để dạy cho trẻ em đang trở thành phong trào, có thể vì bài viết của tôi cũng cổ vũ cho việc này (????!!!!) Tất nhiên, tôi không nghĩ là do tôi, đơn giản là vì... tôi không quan trọng đến thế, dù rất giàu trí tưởng bở, rất muốn mình là một người quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội (hic hic).

Hôm này ngày cá tháng tư, ngồi ngẫm nghĩ lại thấy rất buồn cười vì tôi nói dạy thơ có thể chống tham nhũng theo nghĩa bóng = dạy về cái đẹp, cái thiện có thể làm cho xã hội bớt xấu đi, và bớt luôn tham nhũng. Nhưng có vẻ như điều này lại đang được hiểu theo nghĩa đen = dạy thơ có nội dung về phòng chống tham nhũng sẽ làm bớt tham nhũng???? Chẳng lẽ Bộ Giáo dục và các vị trưởng lão trong ngành giáo dục lại thực sự hiểu như vậy và định làm như vậy? Hay đây chỉ là chuyện cười của ngày cá tháng tư?

Xin chép lại comment của Bà Tám và của tôi từ entry trước lên đây cho bà con đọc (vì có những người, giống như tôi, không có thói quen đọc comments):

NLS12 nói...
Tớ xin can cái vụ thơ phú này chủ nhà ơi! Mấy hôm nay tớ đọc báo thấy mấy em nhỏ được khuyến khích thuộc lòng mấy bài bài thơ bài nhạc Xung Phong Ra Chiến Trường... hãi quá!

Trẻ con thì chỉ biết nhõng nhẽo và làm sao hiểu được chi tiết và làm được gì để chống tham nhũng?

Bà 8


và tôi nói:
Bà Tám ơi,

Đọc nhận xét của Bà Tám xong tôi hoảng quá. Trời ơi, nếu người ta hiểu theo nghĩa đen cái tựa bài báo này như thế thì thật nguy hiểm.

Bài gốc của tôi (bác xem link trong bài) chỉ muốn nói: dạy con người cho tử tế, đặc biệt là dạy giáo dục công dân cho tốt, và dạy "chân, thiện, mỹ" thông qua thơ ca, nhạc họa (= giáo dục toàn diện) thì sẽ tự nhiên giảm bớt các điều xấu trong xã hội, trong đó có tham nhũng.

Nếu bây giờ người ta lại hiểu nghĩa đen là phải dạy cho học sinh các bài thơ chống tham nhũng (!!!), thì ... hu hu hu!!!!! Tôi không biết nói gì nữa Bà Tám ơi!

Nhưng nếu vậy, xin cho tôi có một đề xuất: Hãy đổi tựa của entry này ra thành: Dạy chống tham nhũng bằng ... vè!!! Vì những bài "thơ chống tham nhũng" có mục tiêu chính trị trần trụi như vậy, lẽ nào lại có thể gọi là thơ????

Chỉ có thể có giáo dục tốt nếu người ta thực sự tôn trọng chân thiện mỹ, Bà Tám ạ. Khi chân thiện mỹ không được tôn trọng, thì ... sẽ có rất nhiều vấn đề xã hội, mà đến lúc đó thì ngành giáo dục cũng sẽ hoàn toàn bó tay thôi!

PA


Mong đây chỉ là chuyện cười của ngày cá tháng tư! Chúc mọi người một ngày cười thỏa thích.